Ba sứ giả vội nhảy về phía sau tránh né, Vô Kỵ cắm luôn thanh ỷ Thiên kiếm vào trong bao và giơ tay ra cướp luôn thanh đao Ðồ Long lại.
Bốn động tác: Mất đao rút kiếm, cắm kiếm cướp đao của Vô Kỵ nhanh như điện chớp. Và đó cũng là võ công thứ bảy của môn Càn khôn đại nã di.
Ba sứ giả đồng thanh kêu "ủa" một tiếng và có vẻ kinh ngạc vô cùng vì chúng thấy nội lực của ba người mà còn kém Vô Kỵ xa.
Vì chúng thất thanh kêu lên một tiếng như thế, ba chiếc Thánh hỏa lệnh của chúng bị thanh đao Ðồ Long hất luôn.
Ba người nọ vội vận nội lực cướp lại.
Thế rồi hai bên lại cầm cự nhau như trước.
Ðột nhiên Vô Kỵ thấy ở ngực như bị kim châm một cái.
Lần này Vô Kỵ đã biết cách đề phòng nên không bị đối phương cướp mất khí giới, nhưng tựa như có hình mà không có thực chất, chỉ thấy một luồng hơi lạnh phá Cửu Dương thần công của mình mà xuyên thẳng vào trong nội tạng.
Chàng biết đó là một nội lực rất âm hàn của ba vị sứ giả nọ xuất phát ở Thánh hỏa lệnh truyền ra.
Ðáng lẽ vật chí âm mà tấn công vật chí dương chưa chắc đã thắng nổi Cửu Dương thần công, nhưng vì Vô Kỵ dùng Cửu Dương thần công bảo hộ khắp thân thể, sức âm hàn kia lại nhỏ như sợi tóc nên âm kình đó mới xuyên qua được Cửu Dương thần công của chàng mà đả kích chàng như vậy. Tuy âm kình đó vào trong người chàng liền tiêu tán ngay, nhưng chàng cũng cảm thấy buốt tận xương.
Huy Nguyệt sứ liên tiếp vận dụng nội kình, đẩy hai mũi Thấu cốt châm tấn công lén Vô Kỵ, nhưng thấy Vô Kỵ không bị hao sức chút nào cả mà đã chống đỡ được hết nên nàng ta càng kinh hãi thêm.
Nàng lại thấy Vô Kỵ đeo thanh bảo kiếm ở ngang lưng rất sắc bén, nàng cũng muốn cướp được cả thanh bảo kiếm ấy nữa, nhưng nàng không sao rảnh tay để cướp.
Diệu phong sứ chỉ còn một cây Thánh hỏa lệnh nên tay trái trống không, đáng lẽ có thể ra tay cướp được thanh kiếm đó.
Nhưng vì đã dồn hết sức vào cánh tay phải, tay trái của y đã tê liệt như không có tay vậy. Trong khi đôi bên đang cầm cự, kẻ địch cứ liên tiếp dồn những mũi tên thấu cốt tấn công lia lịa.
Vô Kỵ liền nghĩ thầm:
- Nếu đối phương cứ dùng thấu cốt châm tấn công mãi thế này có lẽ ta chịu không nổi mất!.
Nhưng chàng không có cách gì đối phó, bỗng nghe thấy tiếng hô hấp của Tạ Tốn rất nặng và nghe thấy bước chân của đại hiệp cứ tiến tới dần.
Chàng biết nghĩa phụ mình đang tiến lên định ra tay giúp đỡ mình. Nhưng lúc ấy, nội kình của bốn người đã bao khắp toàn thân, Tạ Tốn ra tay đánh vào người của kẻ địch một chưởng thì không khác gì đánh vào người của Vô Kỵ vậy.
Ðại hiệp cũng biết điều đó nên chần chờ mãi không dám ra tay.
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Ta với ba sứ giả của Ba Tư không có thù oán gì hết. Vậy bây giờ cần nhất là làm sao cho nghĩa phụ thoát thân được. Nhưng nếu nghĩa phụ biết ta là Vô Kỵ thì thế nào nghĩa phụ cũng không chịu đi đâu .
Nghĩ đoạn, Vô Kỵ lớn tiếng nói:
- Tạ đại hiệp, võ công của ba sứ giả Ba Tư tuy lạ kỳ thực, nhưng tại hạ muốn thoát thân không phải là một chuyện khó. Mời đại hiệp hãy đi khỏi nơi đây, tạm tránh nhất thời, tại hạ đối phó với họ xong sẽ hoàn lại thanh đao ngay.
Ba sứ giả Ba Tư thấy chàng đấu nội lực mà còn lên tiếng nói được như thường, trong lòng kinh hãi thêm.
Tạ Tốn liền hỏi:
- Chẳng hay thiếu hiệp quý tính cao danh là gì?
Vô Kỵ chần chờ không muốn trả lời vội, liền nghĩ tiếp:
- Lúc này ta không nên cho nghĩa phụ biết ta là ai vội, bằng không nghĩa phụ thương ta và thế nào cũng quyết thí mạng với ba tên kia liền .
Nghĩ đoạn, chàng liền trả lời tiếp:
- Tại hạ họ Tăng tên là A Ngưu, sao đại hiệp không đi ngay đi, chẳng lẽ còn sợ tại hạ không chịu trả lại thanh bảo đao cho đại hiệp hay sao?
Tạ Tốn ha hả cả cười và nói tiếp:
- Tăng thiếu hiệp hà tất phải dùng lời lẽ nói khích Tạ mỗ như vậy, chúng ta can đảm tương chiến với nhau, mỗ tuổi già như vậy mà được kết giao với người bạn như thiếu hiệp, cảm thấy sung sướng vô cùng. Tăng thiếu hiệp mau rút tay và vứt thanh đao đi luôn.
Vô Kỵ biết Thất thương quyền của nghĩa phụ mình rất lợi hại, quý hồ mình đang tâm vứt con đao Ðồ Long cho kẻ địch thì quyền đó thể nào cũng đánh được Huy Nguyệt sứ, nhưng Minh giáo và tổng giáo Ba Tư sẽ gây thêm oán thù ngay. Vả lại khuyên mọi người phải dĩ hòa vi quý, nay bỗng nhiên ta giết sứ giả của tổng giáo thì hỏi rằng còn gì là phong độ của một vị giáo chủ nữa?
Nghĩ rồi chàng vội nói:
- Hãy khoan!
Và quay lại nói với Lưu Vân sứ rằng:
- Chúng ta hãy tạm ngừng tay, tại hạ có mấy lời muốn thưa cùng ba vị.
Lưu Vân sứ gật đầu tán thành.
Vô Kỵ lại nói tiếp:
- Tại hạ với Minh giáo có sự liên quan rất mật thiết, bây giờ ba vị đã cầm Thánh hỏa lệnh tới đây, tức là quý khách của tại hạ. Vừa rồi tại hạ vô lễ với quý vị, thật không phải với quý vị lắm. Bây giờ chúng ta cùng thâu lại nội lực tạm thời ngừng đấu, chẳng hay ba vị có tán thành không?
Lưu Vân sứ liền gật đầu, Vô Kỵ cả mừng liền thâu ngay nội lực và cũng thâu luôn đao Ðồ Long để ở trước ngực.
Chàng cảm thấy nội lực của ba sứ giả đó cùng rút lui liền, nhưng chàng lại cảm thấy có một luồng âm lực như đao, như kiếm, như dùi, như đục nhắm Ngọc Ðường huyệt ở trước ngực mình đâm tới.
Luồng âm lực đó tuy vô hình vô chất thật, nhưng nó không khác gì đao kiếm sắc bén, nên Vô Kỵ liền thấy hơi thở bế tắc và mình mẩy không sao cử động được.
Chàng sực nghĩ như sau:
- Sau khi ta chết, nghĩa phụ thế nào cũng không thoát khỏi bàn tay độc của chúng. Không ngờ sứ giả của tổng giáo lại vô tín nghĩa đến thế, còn Hân Ly liệu có sống sót được không? Triệu cô nương với Chu cô nương, Tiểu Siêu, tội nghiệp cho con bé ấy. Còn sự nghiệp lớn của bổn giáo là cứu dân, kháng Nguyên sau này sẽ ra sao?
Chàng vừa nghĩ đến đó, đã thấy Lưu Vân sứ giơ chiếc Thánh hỏa lệnh bên tay phải nhằm mình đánh xuống, vội vận lực dồn ra huyệt Ngọc Ðường ở trước ngực, nhưng dù sao cũng chậm hơn đối thủ.
Bỗng có một thiếu nữ lớn tiếng nói:
- Minh giáo ở Trung thổ đã tới rất đông.
Lưu Vân sứ nghe thấy nàng nọ nói như thế liền ngẩn người và ngừng tay lại không đánh chiếc Thánh hỏa lệnh ấy xuống nữa.
Ðồng thời, có một cái bóng xám như điện chớp phi tới, rút luôn thanh ỷ Thiên kiếm đeo ở ngang lưng Vô Kỵ ra, rồi cả người lẫn kiếm nhảy xổ vào trong lòng Lưu Vân sứ.
Vô Kỵ tuy không cử động được nhưng mắt còn trông thấy rõ, chàng đã nhận ngay ra người đó chính là Triệu Minh, mừng rỡ vô cùng, nhưng lại hoảng sợ ngay.
Thì ra, thế kiếm đó của Triệu Minh đang sử dụng đó là thế Ngọc tuý cô nương.
Nàng định cùng chết với kẻ địch một lúc.
Vô Kỵ biết rõ thế kiếm đó sử dụng như thế nào và kết quả của nó sẽ ra sao. Chàng biết Triệu Minh sử dụng thế kiếm này nhờ có thanh ỷ Thiên sắc bén, tất nhiên Lưu Vân sứ phải chết ngay tại chỗ và Triệu Minh cũng khó lòng thoát khỏi bàn tay độc ác của đối thủ.
Lưu Vân sứ lần đầu tiên đối địch với các tay cao thủ ở Trung Nguyên, y đấu với Vô Kỵ và còn thêm hai người nữa giúp sức cũng không sao thắng nổi đối phương. Nên y với hai người kia mới dùng gian kế mong thủ thắng. Nhưng y sắp hạ được đối thủ thì lại bỗng thấy một nhân vật, không phải là nam mà cũng không phải là nữ, nhưng thế kiếm của đối phương lợi hại vô cùng. Ðừng nói ba người của chúng liên hiệp đối phó không nổi thế kiếm đó mà cả tính mạng y cũng nguy hiểm nốt.
Trong lúc nguy cấp, y liền giơ Thánh hỏa lệnh lên đỡ thanh bảo kiếm kia, đồng thời, y lại sợ chết nên vừa đỡ một cái đã nằm xuống đất lăn ra bên ngoài luôn.
Chỉ nghe thấy kêu "coong" một tiếng, Thánh hỏa lệnh đã gạt được ỷ Thiên kiếm sang bên, nhưng má bên trái của y đã thấy lạnh buốt. Nhất thời y không biết sống chết ra sao hết, chờ tới khi y lóp ngóp bò dậy được, giơ tay lên rờ trên má, thấy nơi đó vừa ướt vừa đau nhức vô cùng.
Lúc ấy y mới biết má bên trái đã bị mũi kiếm nọ rạch mất một mảnh, cả râu lẫn da cũng bị mất hết.
Nếu Thánh hỏa lệnh không là vật báu gạt được ỷ Thiên kiếm sang bên thì đầu của y đã bị thanh kiếm đó chém đứt một mảnh rồi.
Tuy Triệu Minh mạo hiểm dùng thế kiếm đó đã đắc thắng, nhưng thanh ỷ Thiên kiếm bị đối phương hất bắn trở lại cũng chém mất một góc mũ của nàng, nên bộ tóc mây của nàng liền bị tung ra bên ngoài.
Thì ra, lúc Vô Kỵ nhảy ra để gặp Tạ Tốn, Triệu Minh đã nghĩ trước nghĩ sau.
Nàng nhận thấy Kim Hoa bà bà xảo trá và đa mưu kế, Hữu Lượng cũng đáng nghi lắm. Trên đảo Linh Xà này lại ẩn phục rất nhiều nguy cơ, nên nàng nghĩ mãi vẫn không yên tâm liền rón rén bò tới gần.
Nàng biết khinh công của mình còn non nớt, nếu tới gần một chút nữa thế nào cũng bị kẻ địch phát giác liền.
Vì vậy, nàng đành phải ngừng lại chỗ hơi xa để canh chừng.
Tới khi Vô Kỵ ra tay đấu với ba sứ giả nàng mới dám tới gần thêm.
Ðến khi nàng thấy Vô Kỵ đấu nội lực với ba sứ giả trong lòng mừng thầm và nghĩ:
- Ba tên Hồ này võ công tuy quái dị thật, nhưng nội lực của chúng bằng sao được Cửu Dương thần công Vô Kỵ .
Nàng đang nghĩ, bỗng nghe thấy Vô Kỵ lên tiếng bảo bọn người kia hãy ngừng đấu. Nàng chán ngán định lên tiếng bảo Vô Kỵ phải cẩn thận thì đối phương đã sử dụng âm kình đánh chàng rồi.
Vô Kỵ bị thương ngã lăn ra đất.
Triệu Minh thấy vậy, nóng lòng sốt ruột, không quản ngại gì hết, liền nhảy xổ ra.
Tuy nàng biết võ công của Vô Kỵ cao thâm khôn lường mà còn địch không nổi ba người kia thì mình địch sao nổi chúng?
Nhưng lúc ấy nàng không kịp nghĩ tới vấn đề đó nữa, liền nhảy xổ tới, cướp luôn thanh kiếm ỷ Thiên và sử dụng thế tuyệt học của phái Côn Luân mà nàng đã học lỏm được ở chùa Vạn Pháp ra tấn công kẻ địch.
Nàng thấy thế kiếm đó đâm được kẻ địch, liền xoay lưỡi kiếm lại nhằm người Diệu Phong sứ mà tấn công, nhưng thế kiếm này của nàng lại người ở trước mà kiếm thì ở phía sau.
Thế này gọi là thế Nhân quỹ đồng đồ là thế tuyệt học của phái Không Ðộng. Thế này sử dụng trong lúc mình kém vế hơn địch thì phải đem ra sử dụng để cùng chết luôn một thể. Lối đánh như thế rất thảm khốc, nên phái Thiếu Lâm với phái Nga Mi không có những thế độc địa như vậy.
Ngày nọ phái Côn Luân với Không Ðộng có rất nhiều tay cao thủ bị giam giữ ở chùa Vạn Pháp, những tay cao thủ đó bị nhục nhã vô cùng vì võ công và sức lực bị mất hết, không sao thắng nổi đấu thủ của bên địch. Vì vậy có vài người nóng tính, cường ngạnh một chút đã giở hai thế võ đó ra để cùng chết với đối thủ.
Triệu Minh thấy hai thế ấy độc ác như vậy, nhớ kỹ trong đầu óc và hôm nay đem ra sử dụng.
Diệu Phong sứ thấy thế công của nàng hung ác như vậy, kinh hãi vô cùng, liền cảm thấy người lạnh buốt và đứng ngẩn người ra, không cử động được nữa. Thì ra tuy y có võ công cao siêu nhưng lại rất nhát gan.
Trong đời y đã đấu rất nhiều trận mà trận nào cũng đều thắng đối thủ chớ y chưa bao giờ gặp những thế công của đối thủ lợi hại đến nỗi không có cách gì đối phó được. Vì vậy kinh hãi quá độ mà huyết mạch đều ngừng, đành thúc thủ chịu chết thôi.
Triệu Minh đã nhảy tới, người của nàng đã đụng vào Thánh hỏa lệnh của Diệu Phong sứ rồi, tay nàng ở phía sau đưa lên thật cao, nhắm lưng mình tự đâm trước. Thì ra thế kiếm này phải dùng thân hình của mình đưa vào khí giới của địch, bất cứ khí giới của địch là đao hay kiếm, đụng vào người mình cũng phải ngừng lại một chút. Rồi mình giơ kiếm lên đâm xuyên qua nách để hạ địch thủ, như vậy đối phương dù có võ công cao siêu đến đâu cũng không thể nào thoát chết được.
Diệu Phong sứ đã thấy rõ thế kiếm đó lợi hại như thế nào nên y mới ngẩn người hoảng sợ như thế. Cũng may, khí giới của y là cái thẻ sắt, không sắc bén gì cả nên người của Triệu Minh đụng vào vẫn chưa bị thương. Nhưng khi nàng vừa đưa trường kiếm đâm về phía trước thì nàng đã bị Huy Nguyệt sứ ôm chặt lấy rồi.
Ba sứ giả Ba Tư liên hiệp nghênh địch, phối hợp rất khéo léo, trên đời ít người sánh kịp, nên Triệu Minh vừa xông lên giở hai thế võ trí mạng ra tấn công đã làm cho ba tay cao thủ đó cuống cả chân tay lên.
Tới lúc này Huy Nguyệt sứ ở phía sau ôm chặt lấy Triệu Minh và cách ôm của nàng rất khéo léo nên kiếm của Triệu Minh không đâm được nữa.
Nàng thấy cánh tay mình bị ôm chặt, biết là nguy tai liền nhân lúc Huy Nguyệt sứ lôi tay mình về phía sau, đưa mũi kiếm vào bụng dưới của mình để tự sát.
Cử chỉ ấy của nàng cũng là một thế kiếm của phái Võ Ðang tên là Thiên địa đồng thọ, nhưng thế kiếm này không phải do Trương Tam Phong sáng chế ra mà là thế kiếm của Lợi Hanh nghĩ ra.
Lợi Hanh nghĩ ra thế kiếm đó là muốn cùng chết với Dương Tiêu. Vì từ khi chàng hay tin Hiểu Phù chết, trong lòng chỉ có nghĩ cách giết Dương Tiêu để trả thù thôi. Nhưng chàng tự biết võ công của mình không sao địch nổi Dương Tiêu, tuy sư phụ của chàng là đệ nhất cao thủ thực, nhưng chàng kém thông minh nên chỉ học được ba bốn thành võ công của sư phụ thôi. Chàng thấy không sao giết được Dương Tiêu thì tự mình không còn muốn sống nữa. Vì vậy chàng nghĩ mãi mới nghĩ ra được thế kiếm ác độc ấy. Trong khi luyện kiếm bị Tam Phong bắt gặp, Trương chân nhân chỉ thở dài thôi, vì biết có khuyên bảo chàng cũng không nghe. Vì thế Chân nhân mới đặt cho thế kiếm đó là Thiên Ðịa ÐồngThọ. ý nghĩa của cái tên là người tuy chết nhưng tinh thần vẫn bất hủ. Ðại đệ tử của Lợi Hanh ở chùa Vạn Pháp có thể giở thế kiếm đó ra để cùng chết với đối thủ, nhưng được Khổ Ðầu Ðà cứu kịp nên Triệu Minh mới được học thế kiếm đó và đem ra sử dụng lúc này. Thì ra thế kiếm ấy chuyên môn để đối phó với kẻ địch đứng sau và sát bên mình.
Vì thế kiếm đó đâm vào bụng mình xuyên qua phía sau và đâm luôn vào bụng kẻ địch. Thế kiếm ác độc như vậy, Huy Nguyệt Sứ làm sao tránh được nếu Diệu Phong Sứ không bị hoảng sợ đến ngẩn người ra, hay Lưu Vân Sứ đứng gần hơn một chút nữa thì may ra hai người đó có thể cứu thoát Triệu Minh và Huy Nguyệt Sứ. Nhưng chúng không thể nào ra tay cứu được hai người nên yên trí thế nào hai người nọ cũng bị thủng bụng mà chết.
Ðang lúc nguy hiểm thì Vô Kỵ đã tự giải được huyệt rồi, liền giơ tay ra cướp thanh ỷ Thiên Kiếm đó.
Triệu Minh dùng sức đẩy mạnh một cái, thoát ra khỏi lòng của Huy Nguyệt Sứ.
Nàng rất nhanh trí khôn, vội cướp lấy thẻ Thánh hỏa lệnh trong tay Vô Kỵ, ném luôn về phía xa, chỉ nghe thấy "coong" một tiếng, thẻ đó rớt ngay vào trong trận kim nhọn của Kim Hoa Bà Bà.
Ba sứ giả của Ba Tư coi Thánh hỏa lệnh đó như là tính mạng thứ hai của mình, Lưu Vân Sứ với Huy Nguyệt Sứ không nghĩ gì đến chuyện đối địch với Vô Kỵ và Triệu Minh, chúng cũng không nghĩ đến sự an nguy của Diệu Phong Sứ nữa mà cùng tung mình nhảy về phía nọ để nhặt chiếc Thánh hỏa lệnh ấy. Nhưng chúng chỉ chạy được hơn một trượng, đã sa vào trận kim nhọn mà không hay.
Vì nơi đó có lau mọc tới tận đầu gối, nên cả hai không trông thấy Thánh hỏa lệnh và những kim nhọn đâu hết. Vì vậy hai người cứ phải vừa đi vừa tìm kiếm kim để nhổ lên và vừa rờ mó xem Thánh hỏa lệnh rớt ở đâu.
Lúc ấy Diệu Phong Sứ như người nằm mơ vừa thức tỉnh, liền kinh hoàng chạy về phía đó để tìm kiếm chiếc Thánh hỏa lệnh.
Vì cứu thoát mạng của Vô Kỵ, Triệu Minh không suy nghĩ gì hết, giở luôn ba thế kiếm trí mạng như vừa rồi.
Lúc nãy nàng đã hoàn hồn, càng nghĩ lại càng hoảng sợ, liền khóc một tiếng và ngã ngay vào lòng Vô Kỵ tức thì.
Vô Kỵ giơ tay ra ôm lấy lưng nàng, trong lòng cảm động vô cùng, nhưng chàng biết ba sứ giả nọ kiếm thấy Thánh hỏa lệnh rồi thì thế nào cũng trở lại đấu tiếp, nên chàng vội nói:
- Chúng ta mau chạy đi thôi.
Nói xong, chàng quay người lại ẳm cả Hân Ly đang bị thương nặng rồi nói:
- Tạ Ðại hiệp, bây giờ chỉ có một cách tạm tránh né trong chốc lát thôi.
Tạ Tốn đáp:
- Phải.
Ðại hiệp trả lời Vô Kỵ xong, vội cúi mình giải huyệt cho Kim Hoa Bà Bà.
Vô Kỵ thấy vậy nghĩ thầm:
- Trải qua đại nạn này, chắc Kim Hoa Bà Bà không còn tức giận gì nghĩa phụ ta nữa.
Thế rồi bốn người cùng chạy xuống núi.
Nhưng vừa chạy được mấy trượng, Vô Kỵ lại nghĩ tiếp:
- Tuy Hân Ly là biểu muội ta thực, nhưng dù sao vẫn nam nữ thọ thọ bất thân.
Nghĩ đoạn chàng liền trao Hân Ly cho Kim Hoa Bà Bà.
Triệu Minh đi trước dẫn đường rồi đến Kim Hoa Bà Bà và Tạ Tốn, sau cùng là Vô Kỵ đi đoạn hậu để phòng khi địch tấn công lén.
Chàng vừa chạy vừa quay đầu lại nhìn, thấy ba sứ giả hãy còn đang khom lưng tìm kiếm, càng hoảng sợ thêm.
Chàng lại nghĩ tới vết thương của Hân Ly, không biết có thể cứu chữa được không. Mấy người đang đi bỗng nghe thấy Tạ Tốn quát lớn một tiếng, rồi giơ quyền nhắm sau lưng Bà Bà đánh luôn.
Kim Hoa Bà Bà đưa tay trái về phía sau chống đỡ.
Mụ ta gạt được quyền của Tạ Tốn sang bên, vội đặt Hân Ly xuống đất.
Vô Kỵ kinh hãi, phi thân nhảy tới, nhưng chàng lại nghe Tạ Tốn quát:
- Hàn phu nhân, sao phu nhân lại đang tay giết hại Hân cô nương như thế?
Kim Hoa Bà Bà cười nhạt đáp:
- Hiền đệ không giết tôi, đó là việc của hiền đệ, còn việc tôi giết nó hay không giết, đó là việc của tôi, không can hệ gì đến hiền đệ.
Vô Kỵ liền đỡ lời :
- Có tôi ở đây, Bà Bà không thể tuỳ tiện giết người như thế được.
Kim Hoa Bà Bà lại nói tiếp:
- Ngày hôm nay, cậu can thiệp vào việc của người khác luôn luôn như thế chưa đủ sao?
Vô Kỵ đáp:
- Sao Bà Bà lại nói như vậy? Thôi đừng nói nữa, ba sứ giả của Ba Tư đã đuổi theo kìa, có mau chạy đi không?
Kim Hoa Bà Bà cười nhạt một tiếng và chạy luôn về phía Tây.
Nhưng mụ ta vừa chạy được mấy bước, đã trái tay ném về phía sau ba chiếc bông kim hoa.
Ba bông kim hoa đó đều nhằm sau ót của Hân Ly phi tới.
Vô Kỵ vội giơ tay ra búng, chỉ nghe tháy ba tiếng kêu "vù vù vù", ba bông đó liền bay trở lại bắn ra phía sau Kim Hoa Bà Bà tức thì.
Thế đi của mấy bông hoa đó còn nhanh hơn những mũi tên.
Kim Hoa Bà Bà không ngờ nội lực của thiếu niên đó thâm hậu như thế, bà không dám giơ tay ra bắt, chỉ nằm phục xuống tránh né thôi.
Nhờ vậy ba bông hoa mới lướt qua mụ ta mà bay về phía trước. Tuy vậy lưng áo của mụ ta cũng bị rạch ba đường dài, không khác gì bị người ta dùng dao cắt vậy. Mụ ta hoảng sợ vô cùng, không dám quay đầu trở lại, liền giở hết khinh công tẩu thoát tức thì.
Vô Kỵ giơ tay ra ẳm Hân Ly lên, bỗng nghe thấy Triệu Minh kêu đau, hai tay ôm bụng và cứ khom lưng xuống. Chàng vội hỏi:
- Làm sao thế?
Chàng liền tiến lên hai bước, thấy tay nàng đầy những máu tươi, những kẽ tay đều có máu rỉ ra. Thì ra vì hồi nãy nàng sử dụng thế "Thiên Ðịa Ðồng Thọ", tuy Vô Kỵ đã cướp được thanh kiếm của nàng rồi, nhưng bụng nàng vẫn bị mũi kiếm rạch một đường khá dài.
Vô Kỵ kinh hãi vô cùng, vội nói:
- Bị thương có nặng không?
Ðang lúc ấy, chàng nghe thây Diệu Phong Sứ ở trong trận Kim nhọn đang vui vẻ la lớn:
- Kiếm thấy rồi, kiếm thấy rồi.
Triệu Minh vội nói:
- Công tử để mặc tôi, chạy mau đi, chạy mau đi.
Vô Kỵ không nói năng gì hết, vội ẳm nàng lên vai lớn bước chạy xuống dưới núi liền. Triệu Minh liền đề nghị:
- Công tử luôn chạy xuống thuyền, bảo người lái đò nhổ neo đi ngay.
Vô Kỵ liền vâng lời, một tay ẳm Hân Ly, một tay ẳm Triệu Minh, chân không ngừng bước, rảo bước chạy xuống dưới núi.
Tạ Tốn đi sau lưng chàng hộ vệ, trong lòng kinh hãi thầm và nghĩ:
- Thiếu niên này lợi hại thật, hai tay ẳm hai người mà còn đi nhanh hơn ta.
Vô Kỵ đầu óc bối rối, vì hai thiếu nữ đều bị thương nặng, nếu chữa không khỏi cho một người, mình cũng sẽ ân hận suốt đời. Chàng cảm thấy mình mẩy của hai người vẫn còn ấm áp, không có vẻ gì là sắp lạnh dần cả, nên chàng cũng đỡ lo ngại phần nào.
Hãy nói ba sứ giả Ba Tư tìm được Thánh hỏa lệnh rồi liền đuổi theo bọn Vô Kỵ. Nhưng khinh công của chúng bằng sao được Vô Kỵ và Tạ Tốn.
Vô Kỵ chạy tới bờ bể liền lớn tiếng kêu gọi:
- Minh Minh quận chúa có lệnh, các thủy thủ phải giương buồm nhổ neo, mau rời khỏi nơi đây ngay.
Chờ tới khi chàng cùng Tạ Tốn chạy tới đằng mũi thuyền thì bộ hạ của Triệu Minh đã giương hết buồm lên rồi, nhưng người lái thuyền cần phải đích thân Triệu Minh ra lệnh mới dám cho thuyền chạy. Y liền lên tiếng hỏi. Vì mất sức nhiều quá, nên Triệu Minh nói rất khẽ, vội dặn bảo người lái đò rằng:
- Người... cứ nghe... lệnh của Trương công tử...
Lúc ấy, người lái đò mới chịu cho thuyền rời khỏi bến.
Khi sứ giả Ba Tư đuổi tới bờ bể thì thuyền của mọi người đã đi được mấy chục trượng xa rồi.
Vô Kỵ đặt Triệu Minh với Hân Ly nằm xếp hàng ở trong khoang.
Tiểu Siêu vội cởi áo của hai người ra để cho Vô Kỵ xem xét vết thương.
Chàng thấy vết thương ở bụng dưới của Triệu Minh sâu hơn tấc, tuy máu chảy khá nhiều nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, còn Hân Ly thì ba bông Kim Hoa ném trúng ba nơi yếu huyệt và bông hoa nào cũng cắm vào chỗ đó rất sâu, nên chàng không dám chắc có thể chữa khỏi được cho Hân Ly hay không.
Chàng vẫn rịt thuốc và băng bó cho hai người.
Hân Ly đã mê man bất tỉnh không hay biết gì cả, còn Triệu Minh thì nước mắt ràn rụa. Vô Kỵ vội hỏi nàng thấy sao? Nàng chỉ nghiến răng mím môi chịu nhịn chứ không trả lời, Tạ Tốn liền đến gần nói với Vô Kỵ rằng:
- Tăng thiếu hiệp, Tạ mỗ đã tựa như sống sang một thế giới khác không ngờ về Trung Thổ lại quen biết một người bạn nghĩa khí thâm trọng như chú em.
Vô Kỵ vội đỡ nghĩa phụ ngồi trên ghế ở giữa khoang thuyền, rồi chàng quỳ xuống vái lạy vừa khóc vừa nói:
- Thưa nghĩa phụ, con Vô Kỵ bất hiếu không thể sớm ngày trở ra ngoài Băng Hỏa Ðảo để đón nghĩa phụ về đây nên nghĩa phụ mới phải chịu khổ sở vất vả như thế này.
Tạ Tốn giật mình kinh hãi vội hỏi lại:
- Chú... chú nói gì thế? ...
Vô Kỵ đáp:
- Con là Trương Vô Kỵ đây.
Tạ Tốn không tin lại hỏi tiếp:
- Chú... chú em nói gì vậy?
Vô Kỵ liền đọc lại những khẩu quyết của Tạ Tốn đã dạy cho mình từ hồi còn nhỏ:
- Về môn quyền học cần nhất phải tập trung tinh thần, phải dục ý trước sức lực, như vậy mới thể thắng...
Thế rồi chàng cứ thao thao bất tuyệt đọc hết cả bài võ công yếu khuyết đó. Khi chàng đọc được hơn trăm câu, Tạ Tốn đã kinh hãi và mừng rỡ vô cùng, vội nắm lấy hai cánh tay chàng và hỏi:
- Con... có thật là Vô Kỵ của ta không?
Vô Kỵ đứng dậy ôm chặt lấy nghĩa phụ rồi chàng kể lại cho Tạ Tốn nghe qua loa những chuyện của mình từ khi về tới Trung Thổ như thế nào. Còn chàng làm giáo chủ Minh giáo thì tạm giấu không nói để Tạ Tốn khỏi phải tuân theo tôn ty trật tự của Minh giáo quỳ lạy mình. Tạ Tốn tưởng mình nằm mơ, nhưng y không thể nào không tin là sự thật, liền lẩm bẩm nói:
- Ông trời có mắt, ông trời có mắt.
Ðang lúc ấy, người lái với các thủy thủ đã la lớn:
- Thuyền của địch đã đuổi theo tới.
Vô Kỵ liền lên đuôi thuyền ngó xem thấy xa xa có một chiếc thuyền buồm thực lớn đương giương cả năm cái buồm đuổi theo tới. Trong đêm tối không sao thấy rõ được thân thuyền của địch nhưng năm cái buồm trắng đó thì rất rõ. Chàng vội bảo bọn thủy thủ rằng:
- Mau tắt đèn đi.
Chàng vừa dặn bảo xong, thuận tay cầm lấy cái bát uống nước của người lái đò, nhắm chiếc đèn bão treo ở trên cột buồm. Chỉ nghe thấy "bộp" một tiếng, ngọn đèn bão bị chàng ném tắt ngay. Tiếp theo đó là những đèn bên dưới cũng đều tắt hết. Bốn bề và thân thuyền đều tối đen như mực.
Riêng có cái buồm màu trắng không sao làm đen đi được và cũng không dám hạ buồm xuống. Vô Kỵ quay lại nhìn thấy thuyền của địch nhiều thân thuyền nhẹ nên càng đuổi càng gần. Chàng nóng lòng sốt ruột không biết tính toán như thế nào cho phải liền nghĩ thầm:
- Ðành để cho ba sứ giả của Ba Tư lên trên thuyền của chúng ta, rồi ta đấu với chúng trong khoang vậy.
Sở dĩ chàng có ý nghĩ như thế là vì trong khoang chật hẹp ba người nó khó mà hợp tác dễ dàng như ở trên bờ.
Thế rồi chàng kéo Triệu Minh với Hân Ly sang một bên, mới lên boong trở lại mang một chiếc neo lớn đem vào trong khoang để ở chỗ chính giữa dùng làm vật chướng ngại