Vô Kỵ hỏi:
- Nghĩa phụ thử nghĩ xem, liệu... Triệu Minh nàng có ở trên thuyền không?
Tạ Tốn liền trả lời:
- Nếu tiểu yêu nữ có mặt trên thuyền lại càng dễ xử, chúng ta chỉ cần cẩn thận lúc ăn uống đừng có mắc lừa y thị lần nữa.
Vô Kỵ tiếp lời:
- Vâng, chúng ta nên đem theo cá khô và trái khô ở đây đi. Nhất định không ăn uống gì ở trên thuyền hết.
Tạ Tốn lại nói tiếp:
- Ta đoán chắc Triệu Minh không có ở trên thuyền đâu, nàng cũng muốn bắt chước người Ba Tư bữa nọ, định lừa chúng ta lên trên thuyền, chờ thuyền đi ra giữa biển, sẽ có những thuyền khác của chúng xuất hiện, rồi dùng đại bác bắn chìm thuyền của chúng ta.
Vô Kỵ nghe nói, lưng toát mồ hôi lạnh, với giọng run run hỏi tiếp:
- Chẳng lẽ nàng ta lại có tâm địa độc ác đến như thế hay sao? Nàng chỉ việc bỏ rơi chúng ta ở trên tiểu đảo này, để chúng ta tự sinh tự diệt, suốt đời không về tới Trung thổ là đủ. Vả lại ba chúng ta có điều gì không nên không phải với nàng đâu? ...
Tạ Tốn cười nhạt và xen lời nói:
- Con đã tha các cao thủ của sáu đại môn phái ở chùa Vạn Pháp, khi nào y thị quên được mối hận ấy. Hơn nữa, giáo chủ của Minh giáo mất tích, chắc lúc này tất cả người trên người dưới của Minh giáo đang đi tìm kiếm khắp nơi, rồi thế nào mà chẳng tìm kiếm đến cái đảo hoang này, nên chỉ có cách là bắt chúng ta vùi thân dưới đáy bể, như vậy mới thật là cắt cỏ nhổ tận rễ.
Vô Kỵ lại hỏi tiếp:
- Nếu họ dùng đại bác bắn thuyền, như vậy có phải cả Ðạt Túc Ðài và bọn lính Mông Cổ đều chết cả môt lúc hay sao?
Tạ Tốn ha hả cười rồi thở dài đáp:
- Vô Kỵ, con nên biết những người nắm quân quyền trọng trách như thế có bao giờ thương tiếc kẻ dưới đâu. Nếu họ nhân từ như con, thì khi nào nó lại tung hoành bốn bể, quét sạch trăm nước như vậy. Từ xưa tới nay, vị anh hùng lập đại công nào mà chẳng cương quyết hơn người, muốn giết ai là giết ngay. Ðừng nói chút ít quân binh này dù là cha mẹ con cái của chúng, chúng cũng dám hy sinh nốt.
Vô Kỵ ngẩn người ra suy nghĩ hồi lâu rồi nói tiếp:
- Nghĩa phụ nói rất phải.
Xưa nay, chàng cũng biết người Mông Cổ đối với kẻ địch rất tàn nhẫn. Nhưng đối với bộ hạ thì chúng lại thương yêu vô cùng. Bây giờ chàng nghe thấy Tạ Tốn nói như vậy, trong lòng rất lấy làm nản chí. Chàng cảm thấy phen này trở về đến Trung thổ, sẽ thống lãnh các hào kiệt ở Trung Nguyên, xuất quân xua đuổi kẻ địch ra khỏi bờ cõi. Nhưng chàng cũng biết nói đến công việc trị quốc bình thiên hạ không phải là sở trường của mình.
Chỉ Nhược xen lời hỏi:
- Nghĩa phụ, xem chúng ta nên đối xử thế nào thì hơn?
Tạ Tốn hỏi lại Chỉ Nhược:
- Con có liệu kế nào không?
Chỉ Nhược đáp:
- Nếu vậy chúng ta không đi thuyền của kẻ địch. Chúng ta cứ nói với quan quân Mông Cổ rằng chúng ta ở trên đảo này dễ chịu lắm, chứ không muốn trở về Trung thổ.
Tạ Tốn vừa cười vừa nói tiếp:
- Con bé ngu ngốc này, chỉ nghĩ những mưu kế vô dụng. Chúng ta không lên thuyền thì khi nào kẻ địch chịu buông tha chúng ta. Còn nếu chúng ta giết sạch quan quân của chúng đi, thế nào chúng cũng phái hàng chục chiếc thuyền đuổi theo chúng ta, và bắt cho kỳ được. Hiện nay Trung Nguyên còn rất nhiều việc quan trọng, đang đợi Vô Kỵ về phụ trách, chúng ta không thể nào để cho y chết già ở trên đảo này được.
Chỉ Nhược mặt đỏ bừng khẽ đáp:
- Con đàn bà con gái ngu dại không biết gì hết. Vậy xin nghĩa phụ định đoạt cho, chúng con chỉ biết nghe lời của nghĩa phụ thôi.
Tạ Tốn ngẫm nghĩ giây lát rồi nói tiếp:
- Hai con nên như thế này, thế này...
Vô Kỵ và Chỉ Nhược cho kế đó của Tạ Tốn rất hay. Thế rồi ba người đem theo lương khô, khuân xuống chiếc thuyền nhỏ. Vô Kỵ còn tới trước mộ Hân Ly vái lạy một hồi, rồi mới ra đi. Xuống tới thuyền, Vô Kỵ liền xem xét cả khoang trước lẫn khoang sau. Quả nhiên không thấy vết tích của Triệu Minh đâu cả, và những thủy thủ trên thuyền, không có một người nào là có tên tuổi võ công cao siêu cả.
Chiếc thuyền nhổ neo giương buồm xong, chỉ thoáng cái đã đi được mấy chục trượng. Vô Kỵ giơ tay ra, chộp lấy cổ tay của Ðạt Túc Ðài, còn một tay nữa chàng rút luôn thanh đao ở ngang lưng ra, giơ lên kề cổ tên quan Mông Cổ đó và quát hỏi:
- Ngươi sẽ là kẻ nghe mệnh lệnh của ta, và bảo người lái đò cho thuyền chạy về phía Ðông.
Ðạt Túc Ðài giật mình kinh hãi, run run đáp:
- Trương công... tử... Tiểu nhân... không dám mang tội với công tử...
Vô Kỵ lại quát bảo tiếp:
- Ngươi phải nghe ta dặn bảo mà hành sự, nếu trái lệnh ta chém đầu ngươi ngay.
Ðạt Túc Ðài đáp:
- Vâng, vâng...
Y liền ra lệnh cho người lái đò. Người lái đò đành phải nghe theo cho thuyền đi về phía Ðông.
Vô Kỵ lại quát:
- Người Mông Cổ các người định lập mưu hãm hại ta, nhưng ta đã biết quỷ kế của các ngươi. Vậy các ngươi phải mau mau nói rõ cho ta biết mưu kế của các ngươi như thế nào? Mau nói ngay ra đi, nếu nói sai nửa lời, ta giết chết ngay.
Nói xong, chàng giơ hữu chưởng lên, vỗ mạnh vào thành thuyền một cái. Thành thuyền đó bị chàng đánh vỡ một miếng. Các quan nhân Mông Cổ thấy vậy đều giật mình kinh hãi.
Ðạt Túc Ðài vội đáp:
- Công tử minh xét cho, tiểu nhân thừa lệnh quan trên, tới đây đón công tử trở về Trung thổ chứ không có mưu mô gì hết. Tiểu nhân chỉ mong lần được công lao này, được quan trên khen thưởng, chứ không có ý định hãm hại công tử.
Vô Kỵ thấy vẻ mặt của tên quan đó có vẻ thành thật biết y không nói dối chút nào, liền buông tay ra, rồi chàng đi đến mũi thuyền, hai tay kéo hai cái neo sắt lên, mồm thì quát lớn:
- Các ngươi hãy coi rõ đây.
Nói xong, chàng liền tung hai cái neo sắt lên trên không. Các quan binh Mông Cổ thấy vậy, đều kinh hãi thất kinh la lớn. Chớ hai cái neo rớt xuống, Vô Kỵ liền giở Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp ra, giơ hai tay lên hất mạnh một cái, hai cái neo sắt ấy lại bay trở lại một lần nữa. Chàng tung hai cái neo ba lần như vậy, mới giơ tay khẽ bắt luôn, rồi để những cái neo sắt ấy xuống boong thuyền.
Người Mông Cổ xưa nay rất phục những người giỏi võ, và có sức khoẻ, nên chúng thấy Vô Kỵ dũng mãnh như vậy, đều coi chàng là thiên thần. Vì vậy chúng đều quỳ xuống vái lạy và nói:
- Trương công tử thần dũng trên thế gian này rất ít có người giỏi bằng. Ngày hôm nay tiểu nhân chúng tôi mới được sáng mắt ra.
Vô Kỵ giở võ công đó ra cho bọn quan binh Mông Cổ xem, khiến cho tên nào tên nấy kính phục. Vì vậy không một tên nào dám mưu phản chàng nữa. Người lái đò tuân theo mệnh lệnh của Vô Kỵ chèo thuyền đi về phía Ðông, đi luôn ba ngày chỉ thấy trời với nước chứ không thấy bờ đâu hết. Tạ Tốn đoán chắc pháo thuyền của Triệu Minh sai khiến thế nào cũng tuần tiễu và canh phòng ở miền duyên hải của hai tỉnh Quảng Ðông và Phúc Kiến, còn thuyền của mình đã đi ra ngoài đại dương, chắc thuyền của Triệu Minh không thể nào gặp được nên tới sáng ngày thứ năm Sư vương mới bảo Vô Kỵ ra lệnh cho người lái đò đi trở lái về phía Bắc. Ði luôn về phía đó hơn hai mươi ngày mọi người đã thấy trên mặt nước có băng nổi, mới biết thuyền đã đi ra Bắc Hải, như vậy Triệu Minh có thông minh và khôn ngoan đến đâu cũng không sao đoán biết được thuyền của mọi người hiện đang đi đâu? Sau đó, Vô Kỵ lại ra lệnh cho người lái đò lái thuyền đi trở lại phía Tây để về Trung thổ. Trong hơn một tháng trời, nhóm Vô Kỵ các người không dám ăn uống thức ăn ở trên thuyền, chỉ ăn lương khô uống nước của mình đem theo, và thỉnh thoảng bắt được cá tươi thì nướng lên làm tiệc. Trưa ngày hôm đó mọi người trông thấy ở phía đằng xa đất liền xuất hiện. Bọn quan binh Mông Cổ đi trên bể đã lâu bỗng trông thấy đất liền biết là sắp về nhà tới nơi, tên nào tên nấy mừng rỡ kêu la. Chiều hôm ấy thuyền đã vào tới bờ, nơi đây là bãi đá, đáy biển rất sâu, thuyền lớn có thể ghé sát vào bờ được.
Tạ Tốn liền nói:
- Vô Kỵ, con hãy lên bờ xem thử nơi đây là địa phương nào?
Vô Kỵ vâng lời liền nhảy lên bờ. Chàng thấy bốn bể đều là những khu rừng xanh biếc, dưới mặt đất lầy lội khó đi. Chàng đi được một quãng, tới khu rừng cây cối um tùm, thấy cây nào cũng cao lớn khôn tả, thân cây phải mấy người ôm mới hết. Chàng phi thân leo lên một cây thật cao, đưa mắt nhìn ra bốn xung quan, thấy bốn bể đều là cây cối, mới hay nơi đây là rừng hoang, chưa có người nào lui tới cả. Chàng định đi thêm một quãng đường nữa, nhưng chàng biết có đi thêm nữa cũng vô ích. Vì vậy chàng quay trở về thuyền, nhưng chưa kịp về tới chỗ đậu thuyền đã nghe thấy tiếng kêu thảm khốc. Chàng nhận ngay ra tiếng kêu đó xuất phát ở trên thuyền vọng tới, chàng giật mình kinh hãi vội giở khinh công ra phi thân đi trở về, và tung mình nhảy ngay lên mũi thuyền. Chàng thấy bảy tám cái xác binh lính Mông Cổ nằm ngổn ngang, từ Ðạt Túc Ðài trở xuống đều bị giết chết hết, còn Tạ Tốn với Chỉ Nhược thì đang ngồi yên đó, chứ chàng không thấy tung tích của kẻ địch đâu hết.
Chàng kinh hãi vội hỏi:
- Nghĩa phụ và em Chỉ Nhược có việc gì không? Kẻ địch đã đi đâu rồi?
- Con hỏi kẻ địch nào thế? Chẳng hay con đã biết kẻ địch rồi chăng?
Vô Kỵ đáp:
- Không phải những người Mông Cổ này...
Tạ Tốn liền xen lời nói:
- Do cha với Chỉ Nhược giết chết đấy.
Vô Kỵ càng kinh ngạc thêm, vội hỏi tiếp:
- Không ngờ bọn người Mông Cổ vừa về tới Trung thổ lại dám mưu mô giết người.
Tạ Tốn vội nói tiếp:
- Chúng không mưu mô giết người đâu, chính cha giết chúng để phi tang, người người này chết hết, Triệu Minh sẽ không biết chúng ta đã về tới Trung thổ. Từ giờ trở đi cô ta ở ngoài sáng chúng ta ở trong bóng tối, muốn kiếm cô ta để trả thù mới dễ hơn.
Vô Kỵ nghe nói, đứng đờ người ra hồi lâu, không sao nói ra được nửa lời. Tạ Tốn thản nhiên hỏi lại chàng rằng:
- Thế nào! Con trách thủ đoạn của cha quá độc ác phải không? Quân binh Mông Cổ là kẻ địch của chúng ta, chúng ta hà tất phải tử tế và nhân từ với chúng làm chi?
Vô Kỵ vẫn không nói năng gì hết, trong lòng nghĩ thầm:
- Những người này vẫn ngoan ngoãn phục dịch và tuân theo mệnh lệnh của mình, chưa có một chút gì lầm lỡ, tuy bảo họ là kẻ địch nhưng giết tuyệt chúng như vậy cũng hơi quá đáng một chút .
Càng nghĩ, chàng càng áy náy vô cùng.
Tạ Tốn nói tiếp:
- Cổ nhân đã dạy "Lượng tiểu phi quân tử, vô độc bất trượng phu", mình không giết người, người cũng giết mình. Triệu Minh đối đãi với chúng ta tàn ác như vậy thì chúng ta cũng phải dùng thủ đoạn tàn ác đối với người của y thị chứ.
Vô Kỵ đáp:
- Nghĩa phụ nói rất phải.
Tạ Tốn lại nói tiếp:
- Bây giờ con lấy lửa đốt chiếc thuyền này đi, Chỉ Nhược bới tro xét túi các xác chết để lấy hết vàng bạc và lấy ba con đao sắc bén để phòng thân.
Hai người nghe lời Tạ Tốn mà thi hành. Khi thấy chiếc thuyền đã bốc cháy, mới lần lượt tất cả nhảy lên trên bờ. Thuyền đó rất lớn, cháy đến nửa đêm mới từ từ chìm xuống bể. Vô Kỵ thấy cả thuyền lẫn xác người mất tích hết, liền nghĩ thầm:
- Nghĩa phụ hành sự, tuy hơi quá đáng một chút nhưng dù sao ông cũng là người lão luyện trong giang hồ, quả thật ta còn kém nghĩa phụ xa .
Ba người ngủ tạm trên bờ một đêm, sáng ngày hôm sau mới đi vào trong rừng, tiến thẳng về phía Nam.
Hai ngày sau, ba người mới gặp được bảy tám người thợ hái sâm.
Vô Kỵ hỏi thăm những người đó, mới hay đây là Liêu Ðông ở quan ngoại cách dãy núi Trường Bạch không xa lắm.
Chờ bọn người hái sâm đi khỏi, Chỉ Nhược liền hỏi Tạ Tốn rằng:
- Nghĩa phụ có cần giết hết những người này để diệt khẩu không?
Vô Kỵ lại quát lớn:
- Chỉ Nhược! Em nói gì thế? Những người hái sâm đó có biết chúng ta là ai đâu. Nếu cứ theo lời em thì đi đến đâu gặp ai cũng giết chết hết hay sao?
Chỉ Nhược ngẩn người ra không biết trả lời thế nào cho phải, xấu hổ đến mặt đỏ bừng. Từ khi Vô Kỵ quen biết nàng đến giờ, không bao giờ lớn tiếng quát nàng như vừa rồi. Tạ Tốn liền xen lời, nói:
- Theo nguyên ý của ta thì cũng nên giết chết hết những người hái sâm này đi, nhưng giáo chủ không đang tâm giết chết nhiều người như vậy thì chúng ta mau mau thay đổi quần áo để khỏi lộ tông tích của mình.
Thế rồi ba người rảo bước đi luôn.
Lại thêm ba ngày nữa mới ra khỏi khu rừng đó.
Ði tới một nhà người làm ruộng, Vô Kỵ liền lấy tiền bạc ra mua lại quần áo của người ấy. Nhưng nhà nông đó quá nghèo nàn, chỉ có thể nhường lại cho chàng một cái áo ngắn lông dê cũ thôi.
Ba người lại phải đi đến bảy tám nhà nữa mới mua được ba bộ quần áo dơ bẩn không thể tưởng tượng được.
Xưa nay Chỉ Nhược ưa sạch sẽ, ngửi thấy mùi hôi hám của những bộ quần áo dơ bẩn đó, suýt nữa nàng mửa ngay tại chỗ.
Trái lại, Tạ Tốn rất mừng rỡ vội bảo hai người bôi đất bùn lên mặt cho thật dơ bẩn thêm.
Vô Kỵ nhìn xuống mặt nước để soi xem thấy mình không khác gì một tên ăn mày ở Liêu Ðông. Chàng liền nghĩ thầm:
- Bây giờ dù có gặp mặt Triệu Minh chưa chắc đã nhận ra ta là ai .
Ba người lại tiếp tục đi vô miền Nam, tới một thị trấn lớn, nơi đây là con đường duy nhất, người nào định vào trong quán nội, thể nào cũng phải đi qua.
Ba người liền vào một tửu lầu lớn nhất, Vô Kỵ móc túi lấy mười lạng bạc ra để trên quầy và nói:
- Tôi gửi nén bạc này ở đây, lát nữa chúng tôi ăn nhậu xong sẽ tính toán sau.
Sở dĩ chàng gởi tiền như thế trước là vì sợ người trong tửu lầu thấy mình ăn mặc rách rưới không chịu bán.
Ngờ đâu, người chưởng quầy đó lại cung kính đứng dậy, hai tay cầm nén bạc trao trả cho Vô Kỵ và đáp:
- Quý vị tới tiểu điếm như vậy đã là hân hạnh cho chúng tôi lắm rồi. Quý vị ăn uống một chút ít có nghĩa lý gì, xin quý vị cho phép tiểu điếm chúng tôi thết quý vị một bữa.
Vô Kỵ ngạc nhiên vô cùng, ngồi xuống xong, mới khẽ hỏi Chỉ Nhược rằng:
- Chúng ta có lộ tung tích gì ra không mà tại sao người chưởng quầy lại không chịu nhận tiền ta như thế?
Chỉ Nhược nhìn kỹ mặt mũi quần áo của ba người, thấy không khác gì ba tên ăn mày thật sự và thấy không có lộ một vết tích gì khả nghi hết.
Tạ Tốn cũng lên tiếng nói:
- Ta nghe giọng nói của người chưởng quầy hình như có vẻ sợ sệt, nếu phải vậy, chúng ta nên cẩn thận lắm mới được.
Sư Vương vừa nói xong, đã nghe thấy cầu thang có tiếng chân người nhộn nhịp và có bảy người bước lên.
Lạ thật! Người nào người nấy cũng đều ăn mặc quần áo ăn mày cả.
Bảy người đó tới một cái bàn cạnh cửa sổ ngồi xuống.
Vô Kỵ liền thấy điếm tiểu nhị cung kính tiến lên chào hỏi và luôn mồm gọi những người đó là đại gia, thiếu gia v. v...
Y coi mấy người ăn mày đó khác gì những quan lớn hay những người nhà giàu.
Chàng thấy những tên ăn mày đó, có tên đeo năm cái túi vải, có tên đeo đến sáu cái, chàng biết chúng đều là những đệ tử có địa vị trong bang phái.
Ðiếm tiểu nhị liền bảo người bếp làm thức ăn và đem rượu lên, nhưng y chưa kịp đem lên thì đã có năm sáu đệ tử khác của Cái Bang tới. Một lát sau đã có trên ba mươi tên ăn mày lần lượt tới.
Lúc này Vô Kỵ mới tỉnh ngộ, thì ra ngày hôm nay Cái Bang tụ họp nơi đây. Người trong tửu lầu lại tưởng bọn chàng ba người cũng là người của Cái Bang, cho nên mới tiếp đãi tử tế vậy là thế.
Chàng liền khẽ nói với Tạ Tốn rằng:
- Nghĩa phụ! Chúng ta nên tránh khỏi nơi đây để khỏi gây thêm phiền phức thì hơn, có lẽ ngày hôm nay người của Cái Bang đến đây không ít đâu.
Ðang lúc ấy, phổ kỵ đưa một đĩa thịt bò lớn, một con gà quay và năm cân rượu trắng tới.
Tạ Tốn đang đói bụng và hơn hai tháng nay chưa được ăn một bữa ngon lành như vậy, nên lão anh hùng vừa ngửi thấy mùi gà thơm đã thèm rỏ dãi rồi và nói:
- Chúng ta cứ lẳng lặng ăn uống cho thật no say rồi đi luôn. Như vậy ta có hãi sợ gì chúng đâu?
Nói xong, Sư Vương liền cầm bát rượu lên uống và gắp thức ăn bỏ vào mồm nhai ngồm ngoàm tức thì.
Tội nghiệp cho Tạ Tốn lưu vong hải ngoại hơn hai mươi năm trời, cho tới ngày hôm nay mới được ăn trở lại một bữa ăn thật ngon và uống một bữa rượu như xưa.
Rượu ấy là một thứ rượu khá mạnh nhưng đối với Sư Vương thì đó là nước lã thôi, chỉ thấy ông ta uống hết bát này lại rót đến bát khác liền.
Khi ăn uống đã khá no say rồi, Sư Vương bỗng khẽ nói:
- Cẩn thận, có hai nhân vật có bản lãnh rất cao siêu đang tới đây. Không ngờ trong Cái Bang lại có những nhân vật tài giỏi như vậy.
Vô Kỵ nghe tiếng chân người lên, liền quay đầu lại nhìn thấy người đi trước, chân trái đi rất mạnh và chân phải lại đi rất nhẹ, còn người đi sau cũng một bước mạnh, một bước nhẹ, nhưng chỉ nghe bước đi của hai người cũng biết võ công của hai người cao siêu lắm rồi.
Hai người đó vừa lên tới trên lầu, tất cả những đệ tử của Cái bang đều đứng ngay dậy. Tạ Tốn giơ tay ra hiệu, rồi cả ba cùng đứng dậy nghênh đón.
Nên rõ, ba người lúc đó ngồi ở góc lầu, bên cạnh mọi người nên không ai chú ý tới, nên khi thấy ai ai cũng đều đứng dậy cả, mà nếu ba người còn ngồi, thì thế nào cũng xảy ra chuyện lôi thôi ngay.
Vô Kỵ thấy người thứ nhất thân hình vừa phải, mặt mũi thanh tú, để râu ba chòm, trông hình dáng của y không khác một tú tài thi rớt. Còn người đi sau, thì mặt ngang râu xồm, thì không khác Châu Xương người hầu của Quan Công. Cả hai người này đều đeo chín cái túi. Thì ra những cái túi của họ đeo trên vai dùng để chứng minh thân phận thôi, chứ túi nhỏ như thế thì làm sao đựng đồ đạc.
Vô Kỵ vừa liếc mắt nhìn hai người đó vừa nghĩ thầm:
- Một trăm năm trước đây, tiếng tăm của Cái bang lừng lẫy khắp giang hồ, ta nghe Thái sư phụ nói, bang chủ Cái bang hồi đó là Hồng Thất Công, một người nhân, hiệp, trung, nghĩa, võ công rất tinh thâm, bất cứ người của bạch đạo hay hắc đạo đều kính phục ông ta vô cùng. Sau đó đến hoàng bang chủ và những bang chủ tiếp theo là những người tài giỏi cả. Ngờ đâu mấy chục năm gần đây, người chủ trì kém xưa nhiều nên tiếng tăm ngày càng thêm sa sút. Hiện giờ bang chủ của Cái bang là Sử Hoa Long, xưa nay rất ít lộ diện trên giang hồ nên không biết y là người như thế nào? Bây giờ hai người này lưng đeo chín cái túi như vậy, ngoài bang chủ ra chắc cũng là người có địa vị cao nhất trong bang. Ngày nọ, người ở trên Linh Xà đảo định cướp giật Ðồ Long đao của nghĩa phụ ta, không biết người đó có liên can đến những người này không?
Mấy chục năm trước đây, Thánh hỏa lệnh của Minh giáo bị Cái bang cướp đi. Minh giáo với Cái bang trở nên như lửa với nước, đôi ba phen Minh giáo định cướp lại Thánh hỏa lệnh đó mà đã gây nên mấy trận đấu chém nhau chí chết. Các nhân vật võ lâm ở Trung Nguyên đều nhìn nhận Minh giáo là tà ma ngoại đạo, nên hễ gặp lần đấu tranh nào, các bang phái đều ra tay trợ giúp Cái bang. Cho nên lần nào Minh giáo cũng bị bại trận. Lần này, Ðồ Long đao với ỷ Thiên kiếm bị Triệu Minh cướp mất, riêng có sáu chiếc thẻ bài Thánh hỏa lệnh vẫn còn trong túi Vô Kỵ, chưa bị thất lạc. Có lẽ vì Triệu Minh e sợ Vô Kỵ quá mạnh, sau khi uống phải thuốc độc "thập hương nhuyễn cân tán" mà vẫn có thể xuất kỳ giở tài ba ra thì sao? Vì thế mà nàng ta không dám thò tay vào trong người chàng lục soát.
Vô Kỵ thấy người của Cái bang ở trên tửu lầu rất đông đảo, thế lực rất mạnh, nên chàng không dám sơ ý, vội thò tay vào túi rờ mó sáu chiếc thẻ Thánh hỏa lệnh, trong lòng nghĩ thầm:
- Di chúc của Dương Phá Thiên giáo chủ dặn bảo thế nào cũng phải cướp lại được những thẻ Thánh hỏa lệnh này, vậy ta phải cẩn thận lắm đừng để cho Cái bang cướp đi mới được .
Chàng đang nghĩ thì thấy hai trưởng lão chín túi đi tới trước bàn lớn ở giữa tửu lầu ngồi xuống. Trưởng lão mặt như Châu Xương móc túi lấy một cây gậy trúc dài chừng bốn thước ra để trên mặt bàn.
Tất cả đệ tử của Cái bang vừa trông thấy cái gậy đó, đã có già nửa số người quỳ xuống vái lạy và nói:
- Ðệ tử của phái Y tham kiến Trưởng bản Long đầu.
Vô Kỵ vì thấy Cái Bang là đại địch của bổn giáo và còn được nghe thấy Dương Tiêu nói rõ tình hình của Cái Bang cho mình hay, nên chàng mới biết lai lịch của chúng chia ra ¤ Y và Tịnh Y hai phái.
Lúc này chàng thấy những đệ tử của chúng quỳ xuống bái phục đều quần áo rách rưới và dơ bẩn vô cùng mới hay người cầm gậy đó chính là Trưởng bản Long đầu và cũng là thủ lãnh của phái ¤ Y.
Tiếp theo đó, chàng lại thấy một người trông như nhà nho tú tài lấy ra một cái bát mẻ, hai tay bưng lên để trên mặt bàn, những đệ tử sạch sẽ còn lại vội quỳ ngay xuống vái lạy và nói:
- Ðệ tử của phái Tịnh Y tham kiến Trưởng bát Long đầu.
Hai người Long đầu đều giơ tay phải lên hất một cái, và nói:
- Các người đứng dậy đi.
Tất cả đệ tử của Cái Bang đều lần lượt đứng dậy trở về chỗ ngồi.
Vô Kỵ toát mồ hôi lạnh ra, vì bảo chàng đứng dậy nghênh đón Cái Bang trưởng lão cũng không sao, nhưng bắt chàng phải quỳ xuống vái lạy thì không thể được.
May thay lúc ấy, số người của đệ tử Cái Bang quá đông và kẻ đứng người quỳ rất hỗn độn, ba người lại ngồi ở chỗ góc lầu mà hai tên Long đầu thì cứ vênh mặt nhìn lên sàn nhà, không thèm đếm xỉa đến các đệ tử, nên chúng mới không thấy Tạ Tốn, Vô Kỵ, Chỉ Nhược ba người ngồi yên, không quỳ lạy gì hết.
Tuy bọn ăn mày ngồi trong tửu lầu