Thụy Khanh cho Vân Tú một số bài tập toán.
Bé con đang học lớp một, sắp sửa thi giữa kỳ nên ba mẹ bé đang nhờ cô ôn ráo riết.
Vân Tú ngoan ngoãn, chịu học và thích Thụy Khanh nên học rất chăm chỉ.
Giờ nhóc con đang ngồi cạnh cô giải đề toán.
Bé đang mặc trên người chiếc đầm hồng, tóc chẻ đôi, thắt hai bím đều nhau, thả sang hai phía, xinh như một cô công chúa nhỏ.
Vân Tú đôi lúc khiến cô nhớ lại hình ảnh ngày thơ của mình.
Thụy Khanh còn nhớ mình cũng được ba mẹ chăm chút vẻ bề ngoài như một nàng công chúa.
Có điều cô công chúa này phải học làm người lớn, lúc nào cũng nghe điệp khúc nhường em, không được phân bì với em về bất kỳ chuyện gì.
Thụy Khanh thời đó dù còn ngây thơ nhưng vẫn biết buồn khi bị ba mẹ bỏ rơi.
Đôi lúc cô nghĩ, ba mẹ sẽ không lo chuyện quần áo trang phục cho cô nếu dáng dấp và khuôn mặt của cô không giống Trúc Khanh.
Hai chị em sinh đôi nên khi ba mẹ mua quần áo cho Trúc Khanh, tiện thể mua luôn một đôi.
Cô có đồ giống em nên chưa bao giờ nhận ra sự bất công.
Khi cô lớn hơn, bắt đầu có ý thức, mới dần dần cảm nhận được sự thiếu công bằng của ba mẹ.
Giờ Vân Tú y hệt bản sao của cô ngày nhỏ.
Chỉ khác một điều là bé vẫn còn giữ được bản chất ngây thơ đáng yêu vì may mắn được sinh ra trong gia đình có ba mẹ chăm lo và là đứa con độc nhất, chưa bị san sẻ tình cảm với ai, nên đôi lúc bé nhõng nhẽo và hơi bám người.
"Cô Khanh ơi, cho con ít bài toán thôi.
Vân Tú mỏi tay quá trời."
"Không được bé con, sắp thi học kỳ rồi.
Vân Tú có muốn được khen là học sinh giỏi không nè?"
"Dạ muốn, nhưng mà con mệt quá cô ơi." Con bé tựa cả người vào cô, hai tay nhỏ bé ôm eo cô làm nũng.
"Ráng làm hết mấy bài toán này, cô cho con đọc thêm một bài tiếng Việt nữa rồi nghỉ, chịu không nè?"
"Dạ chịu." Miệng đồng ý nhưng thái độ chẳng nhiệt tình cho lắm.
Nhìn mặt bé con buồn hiu, Thụy Khanh chịu không nổi.
Tuy vậy cô phải ráng giả vờ cứng rắn quay mặt đi, để Vân Tú vào nếp.
Bé ngồi thẳng lưng lại, tay cầm bút bắt đầu giải toán.
Thật ra bé làm toán rất giỏi, dạy bé chẳng hề vất vả.
Chỉ tại ba mẹ bé không có thời gian, nên giao khoán chuyện học của bé cho Thụy Khanh.
Lúc đầu Thụy Khanh chỉ dạy dương cầm cho Vân Tú.
Sau này thân hơn, ba mẹ bé quý cô.
Khi biết cô đang học sư phạm, thế là nhờ cô vừa dạy đàn, vừa kèm bé học văn hóa.
Anh chị trả lương rất hào phóng, nếu mỗi tháng biết tiết kiệm thì Thụy Khanh có thể lo được học phí.
Cho nên mỗi ngày, cô đều đến nhà kèm Vân Tú học.
Một tuần kèm sáu ngày, chỉ nghỉ ngày chủ nhật.
Có được việc làm bán thời gian nhưng ổn định này, Thụy Khanh đỡ phải bôn ba tìm việc như một số bạn sinh viên cùng lớp.
Thỉnh thoảng còn thời gian rảnh, cô sẽ theo Hải Băng kiếm thêm thu nhập bằng công việc tiếp thị, hoặc đạp xe ngoài đường theo đoàn, quảng cáo sản phẩm cho một công ty nào đó.
Thụy Khanh rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Mãi suy nghĩ đâu đâu Thụy Khanh không nhận ra Vân Tú đã làm toán xong.
Cô bé níu tay Thụy Khanh báo động:
"Cô ơi còn làm toán xong rồi.
Cô kiểm tra cho con đi ạ!"
"Vân Tú giỏi quá đi.
Để cô xem nè."
Thụy Khanh nhìn từ trên xuống, bài nào cũng đúng nhưng nhóc con này có vẻ bắt đầu lười biếng nên chữ viết có chút xiêu vẹo.
"Vân Tú giỏi, con làm đúng hết rồi.
Nhưng sao lại viết dối thế này, Vân Tú mỏi tay rồi phải không?"
Con bé nhìn cô giả vờ xụ mặt: "Mỏi tay lắm rồi.
Hông vượt qua được bản thân.
Học nữa là con chết.
Cô cho con nghỉ nha cô."
Lém lỉnh vô cùng, chưa thấy ai học mà chết.
Mỗi lần bé con này bắt đầu làm biếng sẽ giở trò.
Dù sao cô cũng đã có hai năm kinh nghiệm đối phó.
Lúc nào rắn được sẽ không buông.
Thụy Khanh vờ nghiêm mặt yêu cầu Vân Tú phải viết chính tả một bài tiếng Việt rồi mới cho cô bé nghỉ.
Vân Tú vô cùng không tình nguyện nhưng phải chấp nhận vì biết chẳng thể nào thỏa hiệp được nữa.
Vất vả đọc xong bài tiếng Việt cũng mất nửa tiếng vì con bé viết một từ lại nhìn trời.
Sau đó lại mè nheo mỏi tay, miệng bé con không ngừng kêu ca học hoài chắc con chết.
Và rồi như bao đứa trẻ khác, bé tiếp tục lầm bầm cô ác, cô hông thương con.
Thụy Khanh giả chết không nghe.
Nhóc con phụng phịu vừa viết, vừa giả vờ gây tiếng động nhưng vẫn không đánh động được lòng cô Khanh.
Tay xiêu vẹo một lúc cũng hoàn thành bài tiếng Việt.
Dạy trẻ nít ngoài nắm vững kiến thức còn phải thật kiên nhẫn.
Nếu không dạy bằng cái tâm, dễ nỗi giận, trẻ sẽ sinh tâm lý bài xích và sau đó sợ hãi chuyện học.
Vì mỗi lần làm sai sẽ nghe quát tháo, và cho dù có làm đúng cũng sẽ thiếu tự tin.
Dạy con nhà giàu lại càng khổ hơn.
May mắn Vân Tú cũng không ương bướng.
Đôi lúc hơi lười biếng, nhưng Thụy Khanh dỗ ngọt một hồi cô bé sẽ vào quy củ.
Thụy Khanh xếp sách lại đứng lên ra về, thì Vân Tú bám theo cô đi xuống lầu.
Bé con không muốn học nhưng muốn cô chơi cùng.
Mỗi lần đến giờ cô về bé con luôn mè nheo, ôm chặt cô, bày đủ trò để cô ở lại chơi với bé thêm chút nữa.
Giờ bé đang đu chân Thụy Khanh xuống lầu.
Anh Toàn và chị Vân ngồi ở ghế salon, nhìn cô trò như hai mẹ con Kangaroo cũng buồn cười.
"Con làm gì nữa vậy Vân Tú, bám cô Khanh như bạch tuộc vậy sao cô đi?" Chị Vân rầy con.
"Cô không được về, ở lại chơi với con thêm chút nữa đi mà." Vân Tú dài giọng năn nỉ.
"Ở lại học thì được, ở lại chơi làm gì?" Anh Toàn ghẹo con gái.
"Con học xong rồi." Con bé ngước ánh mắt ngây thơ nhìn Thụy Khanh "Đúng hông cô? Con học toán và môn tiếng Việt xong hết rồi mà."
"Bé Tú học xong hết rồi anh chị." Thụy Khanh nhỏ nhẹ.
"Cám ơn em nhiều nha Khanh.
Em cực khổ với con bé quá." Chị Vân nhìn cô trìu mến.
"Dạ có gì đâu chị, bổn phận của em mà." Cô thấy ngại.
Hai anh chị này quá lịch sự, tháng nào cũng trả cho cô thêm lương mà còn cám ơn nhiệt tình.
Đành rằng họ khoán hết chuyện học của bé Tú cho cô và được cô chuẩn bị bài vở chu đáo, vào lớp Vân Tú trội hơn các bạn, nhưng mà gia đình này cũng quá hào phóng với cô rồi.
Vân Tú lại kéo tay Thụy Khanh nhõng nhẽo, đòi cô ở lại lên phòng vẽ công chúa cho bé.
Anh Toàn thấy con gái bám cô quá nên đề nghị cô ở lại dùng cơm tối với gia đình, rồi hai cô trò chơi một chút hẳn về.
Nhưng đường từ nhà này đến nhà cô rất xa, đạp xe về tối Thụy Khanh cũng hơi sợ nên từ chối.
Thụy Khanh quay sang dỗ dành Vân Tú: "Để tối nay ở nhà học bài xong, cô vẽ cho Vân Tú công chúa thật đẹp, mai gặp cô rồi đưa.
Giờ nếu cô không về, không chuẩn bị bài vở đàng hoàng, cô giáo của cô sẽ mắng cô.
Vân Tú ngoan nha."
Con nhóc buồn hiu nhưng đồng ý thả Thụy Khanh, không quên bảo cô hứa hẹn mai phải mang hình công chúa sang cho bé.
Hai cô trò bịn rịn tiễn đưa, cứ như lần cuối cùng gặp nhau.
Anh Toàn và chị Vân không biết phải nói gì, chỉ buồn cười nhìn hai cô trò chân thấp chân cao tiễn nhau ra cửa.
* * *
Thụy Khanh về đến nhà.
Vừa bước vào cửa, cô đã cảm nhận được không khí u ám tràn vào màng phổi.
Ba mẹ và Trúc Khanh đang ngồi ở phòng khách thảnh thơi nhưng trông mặt ai cũng âm u.
Cô cả ngày bôn ba, giờ về nhà đã hơn 8 giờ tối, mệt mỏi vô cùng.
Còn chưa có hột cơm nào trong bụng nhưng nhìn ba khuôn mặt chẳng có tí mùa xuân, Thụy Khanh liền vơi cảm giác đói.
Trong bụng cô biết chắc có chuyện nữa rồi.
Quả nhiên không đợi cô thở, mẹ đã đốt pháo trước tiên:
"Bây giờ mới trở về sao? Dạo này đã đủ lông đủ cánh, bắt đầu học thói hư tật xấu của bọn trẻ ranh ngoài đường, đi sớm về muộn."
Thụy Khanh chẳng hiểu mẹ.
Vì cô cãi lời không vào nhạc viện, mẹ giận cũng đúng, nhưng sao mẹ lại thù ghét cô? Mẹ khiến cô cảm thấy như mình chỉ là con ghẻ, hoặc việc sinh cô ra là một sai lầm.
Đôi lúc mẹ khiến cô có cảm tưởng, nếu bỏ cô đổi lại một Trúc Khanh khỏe mạnh, mẹ sẽ vui vẻ chấp thuận.
"Sao mẹ lại nói con như vậy, con lại làm gì sai nữa sao?" Giọng Thụy Khanh ẩn nhẫn.
Giọng mẹ giận dữ: "Nhà bên đó hôm nay gọi qua muốn biết ý định của con về chuyện liên hôn.
Mẹ rất tò mò con đã làm gì khiến Minh Hoàng say mê, nếu không phải con thì cậu ấy không cưới."
Thụy Khanh giận run: "Con không có.
Anh ta bị thần kinh."
"Là chị bị thần kinh mới đúng.
Sao chị lại làm vậy? Chị thừa biết em bằng lòng với người ba mẹ đã chọn.
Sao chị không tránh đi mà còn tiếp cận anh ấy?" Trúc Khanh nhìn cô trách móc.
Em gái thật biết cách ràng buộc.
Em ấy bằng lòng chắc gì người ta bằng lòng.
Bằng chứng là gã đó đâu có ưng cuộc liên hôn.
Thụy Khanh oán gã ta, nhưng cũng giận ông nội đã khuất, sao lại bày trò hôn ước này, để bây giờ mấy đứa cháu đều khổ.
Giọng cô chán nản:
"Chị không tiếp cận anh ta.
Chị chẳng ưa gì anh ta.
Em thích một người tính cách chẳng ra làm sao đó là quyền của em, chị không chạm, nhưng em và anh ta đừng lôi chị vào cuộc chiến này nữa."
"Con nói giống như con thật sự không quan tâm." Giọng ba ong ong bên tai "Con nói một đằng làm một nẻo.
Con bảo