Đậu Hủ Nương Tử Hành Thái Lang

Chương 22


trước sau


Chương 22: Ngoại truyện: Từ đây Cố lang là người qua đường
Thời gian thấm thoát trôi qua rất nhanh, chẳng mấy mà “tiểu yến tử” nhà Thu Diệp đã lớn đầu rồi, suốt ngày chạy tới chạy lui, rất vui vẻ.
Đầu hạ trời mưa mấy trận, giờ thời tiết đang nóng dần lên. Hôm nay nắng chiếu chói chang, trời xanh không gợn mây, Thu Diệp cầm nồi gốm đi đưa cơm cho Hàn Lương. Tới bờ ruộng, thấy cuốc được đặt trên bờ lại không thấy Hàn Lương đâu.
“A Lương, ăn cơm thôi.” Thu Diệp hô một tiếng.
“Thê Chủ! Ta ở đây!” Âm thanh vang lên từ chỗ bụi cỏ, Thu Diệp quay sang, thấy Hàn Lương đang xoay trống bỏi, chơi đùa với A Bảo.

“Ăn cơm đã… Haizz, quên lấy đũa rồi, xem trí nhớ ta này!” Thu Diệp oán trách một câu, thuận tay bẻ hai cành cây sạch, đưa nồi gốm qua cho Hàn Lương, “Chàng ăn đi, để A Bảo cho ta.” Thu Diệp duỗi tay ôm lấy con.
A Bảo không quan tâm nàng, hai cánh tay nhỏ ôm chặt cổ cha, tới đầu cũng không thèm ngó qua.
Hàn Lương đắc ý cực kỳ, cúi đầu cười trộm, sợ Thê Chủ phát hiện.
“A Bảo thật là… chàng đi ra đồng mà vẫn bắt chàng cõng theo.” Thu Diệp bất đắc dĩ, bĩu môi.
“Xem nàng nói kia, cha nhà ai ra đồng không cõng theo con nhỏ chứ?” Hàn Lương xoa xoa mặt con, A Bảo cười khanh khách không ngừng.

“Sáng nay ta nghe nói Triệu tiên sinh về thôn hôm qua rồi, nàng phải rời khỏi đây, còn nói thánh phụ Tương Thái Quốc Công băng hà rồi… Tỷ tỷ muốn mở một tiệc mừng trăm ngày* chắc không được rồi.” Thu Diệp ngắt cọng cỏ trên bờ ruộng gẩy gẩy đám côn trùng nhỏ dưới đất.
*: Theo thời xưa, khi tiểu hài tử được trăm ngày sẽ mở tiệc. Bởi vì tôi cảm thấy trẻ con mới sinh rất đáng yêu, có thể ôm gọn trong tay, rất nhỏ, cho nên cần trăm ngay để lớn bằng nửa cánh tay, sau đó mới bắt đầu lớn lên bình thường. Còn có, phụ thân Hoàng Thượng qua đời, thời gian này không thể mở hỉ sự, cái này mọi người biết rồi. (lời tác giả)
“Hả?” Hàn Lương cõng A Bảo, vùi đầu ăn cơm, nghe vậy lại ngẩng đầu nhìn nàng, “Xuân Hoa tỷ sợ là sẽ buồn lắm… Triệu tiên sinh thật sự không ở đây dạy học nữa sao?”
“Lần này là thật, nàng vốn có công danh trên người, nhưng vì phải để tang nhà nên mới không được đề bạt, nay được… Thôi đại nhân thưởng thức, tiến cửa lên ngự tiền, tám phần sẽ ở lại kinh đô.”
Tuy nói hai vợ chồng đã chung sống hơn hai năm nhưng hôm nay nhắc tới Thôi đại nhân, hai người vẫn có chút thổn thức. Hàn Lương để ý A Bảo, Thu Diệp quay đầu đi chỗ khác ho mấy cái, năm đó sau khi Hàn Lương mặt dày mày dạn trở về tìm nàng, nàng dù có giận nhưng trong lòng đã sớm tiếp nhận chàng. Chỉ là đáng thương cho Thôi đại nhân, đến nay vẫn lẻ loi một mình.
***
Vào tháng 8 năm Tây Hạ thứ bảy, Thôi Tĩnh vì làm Tương Thái Quốc Công tức giận mà bị biếm ra khỏi kinh thành, nhậm chức Tam Châu Tuần Kiểm Sử ( Tần Châu, Chân châu, Kim Châu ), khi đến Tần Châu, rất nhiều sĩ tử liên hợp dâng tấu kiện Tần Châu tổ chức thi cử không công bằng, rối loạn kỉ cương, người dẫn đầu tên Triệu Ngạn, tự xưng là sĩ tử huyện Thanh Du, dẫn theo rất nhiều người đồng cảnh khác chặn kiệu của nàng, dâng bản cáo trạng: Từ lâu đã nghe đại nhân chính trực liêm khiết, xin người vì chúng tiểu nhân lấy lại công đạo.
Tri huyện Lý Nhạn ở Tần Châu vốn cũng là con cháu đại tộc, tuy từng có giao tình với Thôi Tĩnh nhưng Thôi Tĩnh không màng tình cảm, giúp đỡ đám người Triệu Ngạn, thấy sự tình quan trọng, tấu lên triều đình. Ít ngày sau, Lý Nhạn bị bãi miễn.
Qua chuyện này Triệu Ngạn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Thôi Tĩnh. Thôi Tĩnh tiếc tài, khi ở Tần Châu thường chiếu cố Triệu Ngạn.
Có một ngày, Triệu Ngạn tới tìm Thôi Tĩnh, phát hiện Thôi Tĩnh đeo một khối ngọc bội tùy thân rất quen mắt liền nói một câu, “Ngọc bội này hẳn có một đôi đúng không?”

Thôi Tĩnh ngạc nhiên, “Ngươi từng gặp qua rồi sao?”
“Nếu tiểu nhân nhớ không lầm thì phu lang Hàn thị của đậu hủ nương tử ở thôn Cố Hà cũng có một miếng như thế này, khi đó tiểu nhân đang dạy học trong thôn, hắn vì giúp Thê Chủ chữa bệnh từng tìm tới tiểu nhân, chỉ là lúc ấy tiểu nhân cũng chẳng có bao nhiều tiền, vậy nên hắn đành phải tới chỗ khác xoay sở.” Triệu ngạn đáp.
“Tra!”
Triệu Ngạn nhớ rất rõ ràng, khi ấy Thôi Tĩnh chỉ nói một chữ như vậy.
Hai ngày sau, một miếng ngọc khác được đưa tới trước mặt Thôi Tĩnh. Chỉ là, chủ nhân của miếng ngọc ấy sao đã gã cho người khác rồi.
Nàng bao nhiêu năm rồi chưa gặp lại chàng? Bây giờ chàng trông thế nào? Chàng…còn nhớ nàng không?
Chàng rốt cuộc có nhớ mẫu thân chàng từng nhận lời với nàng, chờ chàng lớn lên nàng có thể tới rước về nhà?
Bao năm qua nàng nghĩ tới vô số khả năng, thứ duy nhất không muốn nghĩ tới lại thành sự thật, nàng mang theo thấp thỏm bất an tự mình đi tìm đáp án…
Cả đời này nàng hỉ nộ không hiện, không màng hơn thua, trước nay chưa từng yêu ai, cũng chưa từng hận ai, chỉ có trong lòng nàng biết, nàng đối với tín nghĩa và hứa hẹn, chưa bao giờ quên.
Cũng là vì tâm ý của mình.
***

Tháng sáu năm Tây Hạ thứ mười, huyện Thanh Du đổ mưa mấy ngày liền rốt cuộc cũng tạnh ráo.
Huyện Thanh Du có Triệu Ngạn được Thôi Tĩnh thưởng thức, tiến cử lên triều, theo Thôi Tĩnh về kinh nhậm chức. Trước khi đi nàng xin phép Thôi Tĩnh trở về mấy ngày, nói muốn về thôn Cố Hà, nàng từng nhận lời sẽ về thăm những đứa trẻ ở đó.
Không nghĩ tới Thôi Tĩnh lại nhàn nhạt nói: “Vậy cùng đi đi.”
Triệu Ngạn trong lòng hiểu rõ, phu lang Hàn thị của Thu Diệp cũng là ý trung nhân của Thôi đại nhân, cuối cùng lại phải luyến tiếc buông tay.
Sau cơn mưa, đường đầy bùn khó đi, hai người, hai con ngựa, khi đến thôn Cố Hà thì đã qua buổi trưa, tiết trời đầu hạ xua tan hết sương sớm, trong thôn nức mùi hoa hòe, gió thổi qua cuốn theo hoa hòe rụng xuống, cửa nhà Thu Diệp mở rộng, bên trong đầy tiếng cười nói vui vẻ.
Thôi Tĩnh dắt ngựa đứng ngoài tường, cuối cùng vẫn không đi vào. Nàng cứ như vậy lẳng lặng mà đứng, nghe phu thê bọn họ nói chuyện không kiêng nể gì, ấm áp hạnh phúc:
“Ai nha, chàng đừng kiệu A Bảo lên cổ nữa.”
“Thê Chủ yên tâm, ta là cha ruột của A Bảo, tất nhiên sẽ cẩn thận.”
“Haizz, tùy chàng. Không phải chỉ làm cha thôi sao, nhìn chàng vui thành cái gì kìa!”
Hàn Lương nhất định là cười rất tươi, Thôi Tĩnh nghĩ.
“Ấy, Thê Chủ, nàng nói Xuân Hoa tỷ bọn họ cũng đã có bốn đứa con rồi, chúng ta mới sinh được một đứa, này… cũng ít quá rồi.”
“Ha! Lại nữa! Đúng rồi, Liễu tam nương gần đây muốn dẫn thương đội đi tới Tây Vực, chúng ta viết thư cho tỷ tỷ chàng đi, nhờ nàng ấy đưa qua cho người, aiz, giờ tỷ ấy trấn thủ biên quan, khắp nơi cát bụi, thật sự không dễ dàng, còn may có Từ đại ca bọn họ ở bên, không biết hiện giờ cuộc sống thế

nào… Hàn Lương! Ta đang nói chính sự với chàng… chàng đừng làm bậy… A!”
“Đi mà!” Bên trong truyền đến tiếng nam tử làm nũng
“Ui ta nổi cả da gà rồi này!” Nữ tử cười mắng.
Mấy chú chim từ mái hiên nhà Thu Diệp bay ra, lướt qua trên đầu Thôi Tĩnh. Thời tiết rất đẹp, quang đãng không mây, gió mát thổi qua đại thụ, tiếng lá sàn sạt vang lên không dứt, bóng cây rậm rạp, sắc xanh rộng khắp.
Thôi Tĩnh ngẩng đầu nhìn những quả nhỏ trên cây, nghĩ tới mười sáu năm trước, khi nàng vừa đỗ Kim Bảng, đề danh Thám Hoa, nhân sinh rộng mở.
Mấy ngày sau được bệ hạ thiết yến ở Khúc Giang Uyển, thôi bôi hoán trản không tránh được phải uống chút rượu, sau một mình ra ngoài hóng gió. Ngày ấy cảnh xuân tươi đẹp, ánh mặt trời loá mắt, kinh đô phồn hoa nhung lụa, hoa tươi khoe sắc tỏa hương càng say đắm lòng người, khi bước lên cầu Cửu Khúc trên hồ sen lại nhìn thấy một tiểu lang quân phấn điêu ngọc trác ngồi trên lan can, nàng nhịn không được nói một câu: “Ngươi là tiểu lang quân nhà ai, cẩn thận ngã đó!”
Hài tử kia không quan tâm, liếc qua trâm hoa của nàng, vẻ mặt tò mò nhìn chằm chằm nàng, “Tiến sĩ nương tử! Ta thấy người khác đều cười, người lại không cười, thật là kỳ quái.”
“Ta không cười đâu.” Nàng cảm thấy hài tử này rất đáng yêu, nghe cậu bé nói, cũng muốn cười lên, chỉ là cười không nổi.
“Vì sao? Chuyện này đơn giản như vậy, ta cười một cái cho người xem.” Sau đó cậu bé liền cười, má lúm đồng tiền hiện lên, làm người ta không thể dời mắt được, như nắng ấm ngày xuân chiếu vào trong tim.
Nụ cười kia ở lại trong lòng nàng rất nhiều năm. Thật ra, khi nàng nhìn thấy tiểu hài tử ấy lần đầu tiên đã cảm thấy sau khi trưởng thành nhất định sẽ là một lang quân nhẹ nhàng, quả nhiên…
Nàng lúc ấy đã nghĩ, nếu nàng ít khi cười nói, vậy chỉ cần để tiểu lang quân lạc quan xinh đẹp này ở cạnh nàng là được.

Nhưng nàng chưa từng nghĩ tới, nàng vì nụ cười này, cuối cùng lại mang theo một đời cô độc…
***
Mặt trời lặn về đằng tây, Thôi Tĩnh rũ mắt, quanh thân nhiễm sắc vàng của nắng, có phần cô đơn, Triệu Ngạn quay lại tìm Thôi Tĩnh liền thấy người vẫn đứng yên như lúc nàng rời đi, không nói một lời, cuối cùng không thể không nhắc nhở, đại nhân, phải đi rồi.
Yên lặng hồi lâu, Thôi Tĩnh nói một tiếng được, cúi người nhặt lấy cục đá, nhẹ nhàng đề thơ trên tường, xong nhanh nhẹn xoay người rời đi.
Gió thổi qua, cuốn hoa hòe bay lên cọ vào tường, lưu lại hương thơm trong không khí rồi thản nhiên bay về phía trước.
Thán hoa**
Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì, bất tu trù trướng oán phương thì.
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc, lục diệp thành âm tử mãn chi.
***
Đậu hành nhân vật chí
Thôi Tĩnh, tự Chỉ Ninh, nguyên quán Tần Châu, năm Xương Nguyên thứ mười sáu đỗ tiến sĩ. Nhậm chức Hộ Bộ bát phẩm, sau khi Nhân Tông lên ngôi liên tiếp nhận các chức vị, Thông phán Tần Châu phủ, Ngự Sử Trung Thừa, Môn Hạ Cấp Sự Trung, Đại Lý Tự Khanh, Tam Châu Tuần Kiểm Sử. Năm Tây Hạ thứ chín, nhậm chức Trung Thư Lệnh (trưởng quan Trung Thư Tỉnh), từ đây ra vào Phượng Các Loan Đài, là hiền thần dưới triều Nhân Tông đế, cả đời không thành thân.
Cố Huyên, tự Thải Nghiên, nguyên quán Giang Châu, vốn là tam nữ nhi của Hộ Bộ thượng thư Cố Thanh Chi, năm Xương Nguyên thứ mười sáu đỗ Thám Hoa võ cử. Ban đầu nhậm chức Võ úy, sau bị liên lụy bởi án oan Tần Châu, đổi họ lẩn trốn. Năm Tây Hạ thứ bảy án oan được xử lại, Cố Huyên phục vị, nhậm chức đô úy Tần Châu, năm Tây Hạ thứ tám tự xin ra biên cảnh. Nguyên phối Liễu thị ( bị xử trảm liên đới ), sau cưới phu Từ thị, xuất thân giang hồ, võ nghệ cao cường. Trắc thất Trương thị, Hồ Thị đều xuất thân nhà binh, Cố thị kiêu dũng thiện chiến, đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi. Năm Tây Hạ thứ mười hai, Kim Quốc xâm phạm biên giới, Cố Huyên dẫn hai mươi vạn quân, chiến đấu bảy ngày bảy đêm, sau khải hoàn hồi triều, được phong Chính Nhị Phẩm Đại Tướng Quân, trấn thủ kinh đô, được phong làm vương gia khác họ, Ninh Quận Vương, từ đây Cố gia vinh quang vô hạn.
Tác giả có lời muốn nói: Chú thích:
**: Thán hoa: Về bài thơ có một chuyện xưa thế này: Đỗ Mục thời Đường triều khi đi du ngoạn Hồ Châu đã gặp một nữ tử dân gian mới hơn mười tuổi. Đỗ Mục hẹn với mẫu thân nàng mười năm sau tới cửa hỏi cưới, sau mười bốn năm, Đỗ Mục nhậm chức thứ sử Hồ Châu nhưng nữ tử đã gả chồng được ba năm, sinh hai đứa con. Đỗ Mục cảm thán, làm ra bài thơ này. Thật ra đây cũng là nguồn gốc linh cảm của tôi khi viết câu chuyện về Thu Diệp, vốn định viết tình yêu của một vị Tể tướng đại nhân cao lãnh tài mạo song toàn, hi vọng ở trong thế giới nữ tôn bù đắp một phần tiếc nuối cho Đỗ Mục, ai ngờ lơ đãng ra đã thành như vậy, Thôi đại nhân, xin lỗi! Về sau nếu có cơ hội, nhất định sẽ cho người một cái kết viên mãn.

Lời editor: Vậy là đã kết thúc tác phẩm đầu tiên do mình tự edit rồi. Lần đầu mình biết đến truyện này là do đọc được rv của web, mình thật sự rất thích nhưng tới nay mới edit được. Truyện không dài nhưng lại để lại ấn tượng rất tốt với mình, mình không hối hận chút nào khi lựa chọn edit “Đậu hủ nương tử thái hành lang”.
Hiện tại mình còn mấy bộ truyện nữa đang ngâm dở ra đấy, cũng đều là mấy bộ đã rv trên web mà chưa ai edit thôi, tại mị lười đi kiếm truyện quá mà hihi. Mình sẽ chăm chỉ từng ngày để sớm có truyện cho các bạn đọc, love you nè~~~
Cuối cùng, chúc các tình yêu đọc truyện vui vẻ, cảm ơn sự ủng hộ của các bạn, hẹn ngày chúng ta gặp lại nhau ở các bộ truyện sau nhé! Nếu thấy mình edit tốt thì ngại chi không cổ vũ cho mình 1 câu nè!



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện