Trong triển lãm tranh《 Người bạn của em 》, bé nào đoạt giải nhất sẽ được nhà trường trao tặng giấy khen.
Lúc chọn giải nhất, các thầy cô vướng phải bài toán khó.
“Các thầy cô cảm thấy tranh nào đẹp hơn?”
Họ đặt hai bức tranh khác nhau lên bàn, chìm trong suy nghĩ.
Một bức tranh là của bé Trương Liễu ở lớp số 3, bé vẽ rất nghiêm túc, đường nét cũng vô cùng đáng yêu, phác họa cảnh tượng hai em nhỏ chơi ở trong nhà.
Bức kia thì là của Hà Ngọc ở lớp số 1.
Bức tranh màu sắc ấn tượng, cái đập vào mắt đầu tiên là một hình tròn phủ kín trang giấy. Trên hình tròn có một khuôn mặt như cười như không, nó như ẩn như hiện giữa những hình chữ nhật và bầu dục sặc sỡ đan xen lẫn nhau. Bên ngoài hình tròn, có một đôi tay rất dài như băng vải quấn chặt lấy nó.
Giáo viên mỹ thuật cầm lấy bức họa của Hà Ngọc, nói: “Bức tranh này rất đặc biệt. Tôi đã xem tranh của các em cả chiều, nhưng tôi chỉ có ấn tượng sâu đậm với bức này.”
“Là vì phối màu sao?”
“Ừ,” Một giáo viên khác nói: “Trừ cái này ra, kết cấu và ý tưởng của em này cũng rất sâu xa.”
“Bức tranh này vẽ gì thế?”
“À, có lẽ đang thể hiện, tình bạn mang đến cho em ấy một mối ràng buộc đặc biệt? Đôi tay dài kia trông như đang biểu đạt một cái ôm. Cái gọi là ‘bạn ’, chẳng phải là một người có thể ôm lấy tất cả sự xấu xí của mình vào lòng ư?”
“Tôi cảm thấy em ấy vẽ lại nội tâm của bản thân, thằng bé giấu đi tất cả những cảm xúc buồn bã của mình, tự mình bảo vệ lấy chúng.”
Có người phì cười thành tiếng: “Đừng có nâng tầm quan điểm quá, các nhà nghệ thuật ơi. Các anh chị đang xem tranh của một đứa trẻ 6 tuổi thôi mà?”
Thế là các giáo viên hỏi thầy ta: “Vậy thầy cảm thấy bức tranh này thế nào?”
“Tôi không hiểu được thằng bé muốn vẽ cái gì, đúng là phối màu và hình họa thì rất xinh, nhưng mà……”
Thầy giơ bức tranh của bé Trương Liễu lên: “Nếu chọn giải nhất, thì tôi cho là nên chọn bức này. Nó đơn giản dễ hiểu hơn, các em khác nhìn vào cũng dễ tán thành.”
“Cái đấy thì chưa chắc, thầy nhìn theo cách của người lớn, sao có thể đại diện cho thẩm mỹ của trẻ con được, biết đâu các em thích tranh kia hơn thì sao.”
Các giáo viên không thể nhất trí với nhau để chọn ra giải nhất. Sau khi bàn luận, họ quyết định tổ chức một đợt bỏ phiếu, để các bạn nhỏ trong trường tự chọn.
Hôm sau.
Khương Minh Trân đến trường từ sớm cẩn thận nghiên cứu bức tranh của Trương Liễu và Hà Ngọc với đứa bạn cùng bàn.
“Tại sao các thầy cô lại cảm thấy cậu ấy vẽ đẹp nhỉ?” Cô bạn cùng bàn lại nhìn tranh của Hà Ngọc, nhưng vẫn cảm thấy khó hiểu như trước.
“Vẽ sinh động lắm mà.”
Khương Minh Trân cố đấm ăn xôi đi tìm bóng dáng gương mặt mình trong đám hình tứ giác hình bầu dục và dải lụa sặc sỡ kia. Tuy rằng con bé cũng không hiểu tại sao Hà Ngọc lại phải vẽ con bé tròn xoe xoe thế này.
“Người trong tranh, là tớ đấy.” Con bé vỗ vỗ khuôn mặt mình.
“Thế à?” Cô bạn cùng bàn nhìn cách mấy cũng không cảm thấy giống.
“Chứ gì,” Khương Minh Trân móc chiếc gương trong túi ra, bắt chước theo hình trong tranh, vặn vẹo ra một biểu cảm kì quái: “Cậu nhìn lại đi.”
“Đúng thật!” Đứa bạn cùng bàn thành thật, có gì nói nấy: “Cậu với cái mặt trong tranh này xấu y như nhau!”
“Nhỉ, thế mới bảo là cậu ấy vẽ giỏi ý.” Khương Minh Trân hài lòng, chắp tay sau lưng quay về lớp chúng nó.
Trước khi vào lớp, giáo viên thông báo hoạt động buổi chiều cho đám trẻ con: Chọn từ tranh của Trương Liễu và Hà Ngọc ra giải nhất trong triển lãm tranh 《 Người bạn của em 》, bạn nào cũng có quyền bỏ phiếu.
Lúc giáo viên thông báo việc này, Khương Minh Trân cố ý quan sát Hà Ngọc một tẹo.
Thằng bé ngồi nhoài ra bàn, cực kì chuyên chú đi nét con mèo hoạt họa trên tấm bảng của thằng bé, như thể chuyện giáo viên nói là về người khác vậy, nó chẳng mặn mà gì.
Khương Minh Trân rất lo thằng bé sẽ vuột mất giải nhất.
Nếu phải nói bằng lương tâm, thì con bé cảm thấy Trương Liễu vẽ đẹp hơn. Người ta vẽ hai bạn nhỏ chơi trò chơi, vẽ xe lửa đồ chơi giống lắm, hoa cỏ trong nền cũng xinh nữa.
Hà Ngọc đúng ra không nên vẽ con bé!
Cậu ấy không biết sao? Mặt của con bé trông khó ưa lắm.
Hoàng đế không lo thái giám đã cuống, câu này đúng là dùng để miêu tả Khương Minh Trân. Cả buổi sáng, mặt nó ủ ê buồn bã, nó cứ suy nghĩ mãi, phải làm sao mới giúp Hà Ngọc có thêm nhiều phiếu hơn, giành được giải nhất.
Về sau thì con bé nghĩ ra cách thật.
Thứ Sáu hằng tuần, mẹ của Khương Minh Trân đều sẽ mang đồ tới trường để Khương Minh Trân chia cho các bạn, nâng cao quan hệ với mọi người. Từ khi toàn bộ những đứa xung quanh Khương Minh Trân biến thành “Kẻ phản bội”, chẳng đứa nào dám động vào mấy món mà con bé mang đến nữa.
Tuần trước là vậy đấy, bàn con bé chất đầy thức ăn ngon, cả đám nhìn nó ăn một mình sạch trơn.
Lúc đầu, Khương Minh Trân ăn rất là khoe mẽ, đắm chìm trong ánh mắt hâm mộ của mọi người. Dần dà, ít đứa nhìn con bé hơn, mà con bé cũng hơi no rồi, sắc mặt nó bắt đầu