Cuộc điện thoại ngắn ngủi với Bạch Hạo Vũ đã thắp sáng một tầng ký ức phủ bụi suốt mấy năm qua trong lòng tôi. Bây giờ tôi mới nhận ra, chúng tôi đã hợp hợp tan tan cũng phải đến sáu bảy năm rồi, chẳng qua chỉ là vẫn cứ luôn mải mê đắm chìm vào vô số việc to nhỏ xung quanh mình nên chưa từng để ý tới mà thôi.
Khi làm quen với Bạch Hạo Vũ, động cơ của tôi thực ra cũng chẳng hề trong sáng là bao. Tất nhiên, nguyên do không phải bởi Bạch Hạo Vũ, mà là bởi Dương Tiểu Nghiêu. Bởi vì lúc ấy, người Dương Tiểu Nghiêu thích là Bạch Hạo Vũ.
Dù đã ngần ấy năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ tới chuyện này, tôi vẫn có chút không cam lòng.
Rõ ràng là tôi đã quen Dương Tiểu Nghiêu từ trước, rõ ràng là tôi đã thích em trước. Nhưng tại sao người em thích lại không phải là tôi?
Nếu tất cả mọi chuyện trên đời này đều có thể giải quyết bằng thứ tự trước sau thì tốt rồi, như vậy thế giới này sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Câu chuyện của tôi bắt đầu từ một kỳ nhập học xa xôi, khi hơi thở mùa hè vẫn còn chưa tản mác. Lúc tôi bước chân vào trường cấp hai, tôi đã gặp Dương Tiểu Nghiêu lần đầu.
Ngày đó, mẹ dẫn tôi tới trường báo danh.
Tôi vẫn nhớ rõ như in mùng một tháng chín năm ấy, khắp sân trường đều là những khuôn mặt lạ lẫm. Ngôi trường này hôm đó đông đúc vô cùng, rất nhiều đứa trẻ khác cũng được các bậc phụ huynh dắt tới như tôi.
Mặt trời tỏa nắng trên cao vời vợi, ve kêu râm ran khắp sân trường, cộng thêm dòng người ồn ã xô bồ khiến tôi cảm thấy ngạt thở dưới cái thời tiết oi bức như vậy.
“Tử Dương, con qua bảng tin bên kia tự tìm lớp nhé. Mẹ đi đóng học phí và nhận sách giáo khoa cho con.”
“Vâng ạ,” tôi gật đầu.
Mẹ vẫn dõi mắt nhìn tôi bước tới tận dưới chân bảng tin, sau đó mới rời đi tìm phòng giáo vụ.
Danh sách học sinh mới nhập học dài tận mấy trang. Ngoài vài đứa trẻ con lác đác, còn lại hầu như toàn là người lớn đứng chen chúc ở đây, không ngừng xô xô đẩy đẩy để tìm cho mình một ví trí thật thuận tiện dễ nhìn. Tôi vòng qua vòng lại hai vòng, nghểnh cổ kiễng chân, nhưng cũng chẳng thấy nổi một chữ nào trên bảng.
Chẳng mấy chốc, tôi đã mệt mỏi và nhụt chí. Đáng nhẽ tôi nên nhờ mẹ đến đây xem hộ mình mới phải.
Tôi vốn định chờ cho những người lớn kia đi khỏi để tiến lên phía trước. Nhưng đã mấy phút trôi qua mà bọn họ hoàn toàn không hề có ý định rời đi, vẫn đứng nguyên tại chỗ, thậm chí còn bắt đầu buôn dưa lê, í ới gọi nhau.
“Tôi nghe nói lớp 1 và lớp 2 là hai lớp chọn của khối.” Một cô phụ huynh tầm bốn mươi tuổi nói.
“Thế à, may quá, con tôi học lớp 2.” Ông chú bên cạnh vui mừng đáp lời.
“Con gái tôi cũng ở lớp 2, sau này có gì hai đứa có thể qua lại giúp đỡ lẫn nhau cũng được.”
“Phải phải.” Sau một hồi trao đổi ngắn, bà cô và ông chú kia đã đạt được thỏa thuận chung.
“Ôi may quá, con tôi ở lớp 1!” Một người phụ nữ khác đứng trước mặt tôi cũng bắt đầu phấn khởi hò reo, cười xán lạn còn hơn cả ánh mặt trời.
Nếu cứ phải đứng chờ bọn họ ở đây khoe khoang con mình vào được lớp chọn này kia, chắc chân tôi cũng mọc rễ luôn mất.
Ánh nắng thiêu đốt sân trường. Tôi bắt đầu sốt ruột, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt.
Tôi chen qua chen lại, cuối cùng cũng tìm được một kẽ hở nhỏ giữa hai người lớn, định lách người qua. Hồi đó tôi vẫn còn khá nhát gan, sợ cứ chen chúc như vậy sẽ khiến các vị phụ huynh đứng trước mặt tôi phật ý.
Trong lúc đang chần chờ do dự, tôi ngước nhìn lên, liền thấy một bé gái thò đầu ta từ chính cái khe hở kia, nửa người trên cũng ló ra ngoài.
Cả hai chúng tôi đều ngẩn người, bốn mắt nhìn nhau chớp chớp.
Mái tóc bù xù sau một hồi bon chen vẫn không thể che lấp được nét hồn nhiên đáng yêu trên gương mặt ấy. Cô bé mới len được nửa người, khi nhìn thấy tôi thì dường như đã quên luôn cả việc mình nên tới hay nên lui, cứ thế chôn chân tại chỗ.
Tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt của em. Đó là một đôi mắt trong veo như nước hồ mùa thu, thổi vào lòng tôi mát rượi, khiến tôi quên bẵng cả cái oi ả ngày hè.
Một ánh mắt hóa vạn năm, đó chính là khi tôi nhìn thấy em.
Trái tim tôi bất chợt loạn nhịp. Tôi không thể không thừa nhận, cái gọi là tiếng sét ái tình đa phần đến từ vẻ ngoài xinh đẹp của đối phương. Có lẽ cũng chính là từ khi đó trở đi, tôi luôn có chút mềm lòng trước những cô gái trông hơi hơi ngây thơ và dễ thương như vậy.
Hai đứa nhìn nhau một hồi, em mới cong cong khóe môi, nở một nụ cười với tôi. “Cậu cũng tới xem lớp à?”
“Ừ.” Tôi gật gật đầu.
“Thế đã xem được chưa?” Em hỏi.
Tôi lắc đầu: “Vẫn chưa nhìn thấy.”
“Thế để tôi giúp cậu xem cho. Cậu tên là gì?”
“Lăng Tử Dương, Lăng trong
lăng lệ, Tử trong
mộc tân tử, Dương trong
phi dương.” Tôi nhìn em, hơi cảm giác biết ơn trong lòng.
“Được rồi, cậu đợi một lát.”
Nói xong, em lại lách mình vào trong.
Vài phút sau, em thò đầu ra, lần này không hề ngập ngừng như ban nãy mà gọn gàng dứt khoát hơn rất nhiều.
Sau hai lần chui tới chui lui, mái tóc em cũng trở nên rối bời hơn trước.
“Lăng Tử Dương, cậu ở lớp 3, cùng lớp với tôi luôn. Về sau chúng ta chính là bạn học rồi.” Em tươi cười thông báo với tôi, còn đưa tay vuốt vuốt mái tóc rối tung trên đầu.
“Vậy à, cảm ơn cậu nhé.” Tôi cũng mỉm cười đáp lại với em.
Em chuẩn bị xoay người rời đi, rồi lại đột nhiên vỗ trán, quay đầu nhìn tôi. “Tôi quên mất không giới thiệu. Tôi là Dương Tiểu Nghiêu. Dương trong
dương thụ, Tiểu là
tiểu đại, còn Nghiêu trong Nghiêu Thuấn Vũ.”
“Nghiêu Thuấn Vũ là ai?” Tôi khó hiểu hỏi.
“À, bố tôi nói là Tam Hoàng Ngũ Đế. Dù sao cậu cũng chỉ cần biết là rất lợi hại là được rồi.”
“Ừ.” Tôi gật đầu, nhưng vẫn không biết chữ kia viết như thế nào.
Mãi đến tận khi nộp bài tập trên lớp, tôi mới nhìn rõ chữ “Nghiêu” ấy trong danh sách.
Dương Tiểu Nghiêu, tôi yên lặng nhớ kỹ cái tên này. Lúc ấy, tôi vẫn còn chưa biết, ba chữ Dương Tiểu Nghiêu đó sẽ còn ảnh hưởng đến cuộc đời mình tới tận mười năm sau.
Dương Tiểu Nghiêu vẫn luôn là người hoạt bát. Em thuộc về một thế giới hoàn toàn xa lạ với thế giới của tôi. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi ngày nhập học là một trong những lần hiếm hoi chúng tôi cùng nhau đối thoại.
Thế nhưng tôi cũng chẳng cảm thấy buồn lòng. Tôi vẫn thích đứng từ đằng xa trông về nụ cười của em. Em giống như một vầng dương chói sáng chiếu rọi muôn nơi. Tôi không phải là người duy nhất đứng trong sự che chở của vầng hào quang ấy.
Mãi tới sau này, khi thành tích học tập nổi trội khiến lá gan tôi lớn dần lên, bạn học thân quen cũng nhiều hơn, tôi mới có can đảm tiếp cận em. Tôi từ từ xích tới gần em, cũng từ từ trưởng thành bên em.
Ngày thi cuối kỳ đầu tiên của cấp hai, trời đổ mưa to.
Tôi dỏng tai nghe tiếng mưa rào rào bên ngoài cửa sổ, suy nghĩ có hơi phân tán.
Sáng hôm đó, tôi không xem dự báo thời tiết, cũng quên không cầm theo ô.
Vậy là hết giờ thi, khi bạn bè đã cầm ô lũ lượt rời đi, tôi vẫn lặng mình ngồi bên phòng bảo vệ. Hình như bác bảo vệ nghĩ tôi đang đợi người nhà tới đón, cũng chỉ liếc nhìn thoáng qua chứ chẳng nói gì nhiều. Thực ra, tôi chẳng đợi ai tới cả, tôi đang đợi cơn mưa này ngớt đi. Bố mẹ tôi đều không ở nhà, sẽ chẳng có ai đến đón tôi hết. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là ngồi xổm xuống đất, đần người nhìn hoa lá cỏ cây, chờ mong trời quang mây tạnh.
Ngoài cổng trường có rất nhiều đứa trẻ đang hối hả chạy tới chạy lui, phần lớn đều là cầm ô đeo cặp. Cũng có một số tốp học sinh nhóm năm tụm ba thảo luận về bài thi vừa rồi.
Tôi lặng lẽ ngồi dưới mái hiên, cầm một cành cây nhỏ vừa nhặt được, lắng nghe tiếng nước mưa lộp độp rơi lên mái, vừa nghe vừa vẽ vời linh tinh trên mặt đất. Tôi cúi đầu, nhưng vẫn có thể nhìn thấy vô số đôi chân đạp nước rời khỏi cổng trường dưới cơn mưa tầm tã.
Cho đến khi có một đôi chân dừng lại trước mặt tôi.
Tôi ngẩng lên, trông thấy Dương Tiểu Nghiêu đứng đó với một chiếc ô màu xanh da trời.
“Cậu quên không mang ô đi à?”
“Ừ,” tôi gật đầu.
“Đang đợi ai đến đón hay sao?”
“Không,” tôi lắc đầu.
“Hay nếu tiện đường thì để tôi đưa cậu về nhà nhé?”
“Như thế có được không?” Tôi ngước mắt nhìn em, ngọn lửa hi vọng bùng cháy dữ dội trong lồng ngực.
“Tất nhiên là được chứ.” Dương Tiểu Nghiêu cười cười.
Tôi đứng lên, nhìn em vài giây, sau đó mới nói: “Cảm ơn cậu.”
Dương Tiểu Nghiêu giơ cái ô chẳng lớn là mấy che lên đầu tôi, hỏi: “Nhà cậu ở chỗ nào vậy?”
Tôi chỉ tay về phía bên phải cổng trường: “Đi thẳng hướng đó, đến chỗ đèn đỏ đèn xanh thì rẽ phải là được.”
“Vậy là chúng ta cùng đường rồi.” Dương Tiểu Nghiêu nhướng mày.
Khi đó, hai ba cây số chưa phải là một quãng đường dài, nhưng bằng vào bước chân của học sinh trung học thì cũng phải đi hết gần nửa tiếng đồng hồ mới đến.
“Hôm nay trời âm u như vậy, kiểu gì cũng mưa. Sáng cậu ra ngoài không mang ô theo sao?”
“Tôi quên xem dự báo thời tiết.” Tôi có chút ngượng ngùng.
“Thế cậu nên bắt chước tôi ấy, lúc nào cũng mang ô trong cặp bất kể nắng mưa, không bao giờ quên.”
“Ừ.” Từ ấy trở đi, tôi đã thực sự tập thành thói quen luôn mang ô bên mình.
Mùa mưa dầm ở Giang Nam, cứ cách hai ba ngày lại có một cơn mưa, chưa bao giờ thay đổi. Tôi sóng vai bên Dương Tiểu Nghiêu, những hạt mưa lào rào rơi xuống chiếc ô của em, có đôi khi còn thấm ướt vai hai đứa.
“Cậu có thể đứng gần một chút được không? Đứng xa như vậy làm gì, dù sao cái ô này cũng không to lắm.” Dương Tiểu Nghiêu thấy tôi cứ giữ khoảng cách với em, có chút dở khóc dở cười.
Thực ra cũng không phải là tôi không nghĩ tới chuyện nhích lại gần em, tôi chỉ sợ em sẽ ngại. Ở cái tuổi nam nữ học sinh còn kẻ vạch chia bàn như vĩ tuyến 38 chia đôi bán đảo Triều Tiên, một chút thân mật giữa những người khác giới sẽ rước tới không biết bao nhiêu lời bàn ra tán vào trong trường học.
Tôi không muốn em vì tôi mà bị chỉ trích phê bình.
Tôi đưa mắt nhìn một vòng xung quanh, không phát hiện ra gương mặt quen thuộc nào. Hơn nữa Dương Tiểu Nghiêu cũng không phải kiểu con gái hay đặc biệt để ý giữ khoảng cách với các bạn nam. Nghĩ vậy, tôi liền xích đến gần em một chút, cánh tay trái gần như có thể chạm tới người em.
“Nếu cậu mỏi tay thì đưa tôi cầm ô cho cũng được.”
“Thế cậu cầm đi.” Dương Tiểu Nghiêu cười cười nhìn tôi, cũng không khách sáo chút nào.
Vậy là chúng tôi đổi chỗ cho nhau, tôi dùng tay phải che ô trên đầu hai đứa.
“Cậu thấy đề thi hôm nay có khó không?” Dương Tiểu Nghiêu lại hỏi.
“Cũng tầm tầm, không phải là quá khó.”
“Tôi thấy bài địa lý hơi khó,” Dương Tiểu Nghiêu cười khổ. “Mấy cái địa danh gì đó, tôi thực sự không nhớ nổi.”
“Khi nào rảnh cậu cứ nhìn bản đồ rồi viết lại ấy. Tôi cũng làm như thế nên nhớ được nhiều hơn.”
“Sở thích của cậu cũng kỳ lạ thật đấy.”
Tôi nhún vai, không biết nên đáp lời thế nào.
Khi em đưa tôi về đến cạnh trạm xe buýt, mưa cũng đã ngừng rơi. Thế là chúng tôi chào nhau ở đó. Tôi quay đầu chạy thẳng về nhà, nhưng cũng không kiềm lòng được mà ngoái lại nhìn em một chút. Em dừng lại ở trạm xe, rồi đi lên một chiếc xe chạy về hướng khác.
Ở cái tuổi ngây ngô lại đơn giản ấy, có lẽ chúng ta chưa hề biết thế nào là yêu, càng không biết cái gì gọi là cho đi hay nhận lại. Nhưng nếu có ai đó đối tốt với ta, ta cũng sẽ không ngần ngại mà mở hết lòng mình đón nhận người đó.
Vì vậy, từ ấy về sau, đã có bóng hình một người con gái trong trái tim tôi.
Khi đó, em trong mắt tôi vẫn là một thứ gì đó thật sự xa xôi, tôi không thể nào với tới. Khoảnh khắc rung động kia, tôi cũng chỉ lẳng lặng cất giấu trong lòng. Tôi không nói ra, đương nhiên em cũng không hề hay biết.
Sau đó, khi tôi dần dần tiếp cận em, cũng là chuyện của năm thứ hai.
Năm thứ hai, trường chúng tôi tổ chức một buổi dã ngoại tập thể. Đây là hoạt động ngoài trời duy nhất nhà trường lên kế hoạch trong suốt ba năm học cấp hai, cho nên tất cả bọn học sinh chúng tôi không ai là không háo hức mong chờ.
Hai ngày trước buổi dã ngoại, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi tiến hành chia nhóm. Lớp tôi được chia thành tám nhóm, mỗi nhóm có từ bảy đến tám người trên tinh thần tự chọn, thừa thiếu thế nào thì có thể thay đổi sau.
Hồi cấp hai chúng tôi chơi với những nhóm bạn khác nhau, bởi vậy tôi và Dương Tiểu Nghiêu tất nhiên không nằm chung một nhóm.
Trong buổi dã ngoại này, các lớp sẽ tự túc nấu cơm ngoài trời. Trường tôi chịu trách nhiệm thuê xe cho tất cả học sinh, đồng thời cũng cung cấp cho mỗi nhóm một ít thức ăn. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ phải tự chuẩn bị những nguyên liệu khác cùng nồi niêu xong chảo mang đi từ nhà.
Nhóm tôi giao cho tôi nhiệm vụ mang một cái nồi cùng một ít rau dưa.
Vì thế nên ngày xuất phát, âm thanh chúng tôi nghe được nhiều nhất là tiếng xoong nồi va vào nhau lẻng xẻng. Một đoàn quân nồi chảo diễu hành về phía những chiếc xe, giống như chúng tôi không phải đi dã ngoại mà là đi trường chinh ngàn dặm vậy.
Nhà trường đã thuê khoảng mười chiếc xe khách cho toàn bộ học sinh năm thứ hai. Trong tiếng loảng xoảng của vô số loại xoong chảo khác nhau, chúng tôi ngồi xe nửa giờ để tới một huyện nhỏ vùng ngoại ô Sơn Giang.
Người ta vẫn thường bảo khu vực này là địa điểm vàng cho các loại hoạt động tập thể ngoài trời của mọi trường học quanh đó. Có một dòng suối mảnh như tơ nhện quây vòng nơi đây, tạo thành địa thế lòng chảo. Bên ngoài là rừng cây rậm rạp.
Vừa xuống xe, hàng đàn học sinh đã ào ào chạy xuống tranh cướp những vị trí đẹp bên cạnh dòng suối kia. Hứa Văn Thao của nhóm chúng tôi là kiện tướng chạy ngắn của lớp. Cậu chàng hai tay xách hai cái nồi, vừa nhảy xuống đất đã vọt về phía trước như một quả tên lửa. Quả nhiên nhóm tôi đã giành được vị trí đắc địa nhất khu vực ở ngay một mảnh đất bằng phẳng nằm chính giữa lòng chảo, lại còn có dòng suối gần bên, không phải lo lắng tới nguồn nước nữa.
Cô giáo nói, dòng suối này chính là một mạch nước chảy thẳng từ trên núi xuống, nước suối rất sạch, có thể dùng để nấu ăn.
Đợt dã ngoại này nhà trường cho chúng tôi tự do hoạt động, muốn chơi gì nấu gì đều là tùy thích. Các thầy cô cũng chỉ có nhiệm vụ trông coi học sinh, cố gắng hạn chế rủi ro. Còn chuyện các em vui đùa thế nào thì hoàn toàn không can thiệp vào.
Sau khi đã sắp xếp đồ đạc xong xuôi, nhóm trưởng nhóm tôi lên tiếng: “Trước hết chúng ta nấu cơm xong đã, ăn rồi thì đi chơi sau. Bây giờ mọi người rút thăm đi, xem ai nhóm bếp, ai rửa rau, ai nấu cơm, ai nhặt củi.”
Chúng tôi nghe cậu ấy nói, háo hức gật đầu liên tục.
Nhưng mà, xui xẻo thay, tôi lại là người rút được phần việc nặng nhất trong nhóm – kiếm củi về nấu cơm.
Tôi nhún vai, xách túi, một mình vào rừng.
Không ngờ trên đường lại gặp được Dương Tiểu Nghiêu cũng cầm túi hướng về phía đó.
“Cậu cũng phải đi nhặt củi à?” Tôi nhìn xuống cái túi trên tay em.
“Cậu cũng thế sao?” Dương Tiểu Nghiêu hỏi lại.
Chúng tôi đồng loạt gật đầu xác nhận với đối phương, xong rồi lại nhìn nhau, cùng phá lên cười.
Có lẽ cả hai đứa tôi vốn đã là số nhọ như nhau. Nhưng bây giờ, tự nhiên tôi lại thấy việc vào rừng nhặt củi cũng chẳng còn phiền chán như trước nữa.
Thời gian này đang là giữa thu, lá vàng khô phủ ngập cả khu rừng, những cành cây nhỏ cũng rơi rụng khắp trên mặt đất.
Dương Tiểu Nghiêu ngồi xổm, nhanh nhẹn nhặt từng nhánh cây một bỏ vào trong túi.
“Đừng quên lấy thêm một ít lá nữa.” Tôi cất lời nhắc nhở em.
“Tại sao vậy?” Dương Tiểu Nghiêu tròn mắt nhìn tôi thắc mắc.
“Củi khô khó bắt lửa lắm,” tôi cười nói. “Dùng lá cây để nhóm lửa thì sẽ tốt hơn.”
“À, phải rồi.” Dương Tiểu Nghiêu tinh nghịch vỗ đầu, xong lại quay sang nhìn tôi. “Cảm ơn cậu nhé.”
“Không có gì đâu.” Tôi đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.
Khoảng rừng này tràn ngập củi khô, chúng tôi cũng không phải lo kiếm tìm đâu xa, chẳng mấy chốc đã nhặt đầy cả túi.
Trên đường quay về, Dương Tiểu Nghiêu tò mò hỏi tôi: “Nhóm các cậu chuẩn bị nấu món gì vậy?”
“Thịt xào ớt, thêm mấy món rau nữa.” Tôi đáp, xong rồi lại hỏi: “Thế còn nhóm các cậu thì sao, định nấu gì thế?”
“Chúng tôi sẽ nấu canh hầm thịt và nấm hương.” Dương Tiểu Nghiêu nhoẻn miệng cười.
“Có thể hầm canh ở đây sao?”
“Chắc là không có vấn đề gì. Nhóm trưởng của bọn tôi còn mang theo một cái niêu đất để nấu canh nữa đó.”
“Đúng là trên thế gian này người tài ở đâu cũng có, họ phải đi trước người khác đến mấy trăm năm ấy chứ.” Tôi không khỏi cảm thán.
Sau khi chúng tôi cầm củi về điểm tập kết, tôi mới phát hiện hóa ra phần việc tôi rút thăm được thực ra lại là việc nhẹ nhàng nhất. Cậu bạn rửa rau thì vẫn đang rửa rau, cậu bạn nhóm lửa bây giờ vẫn còn chưa tìm xong đá để kê nồi, chứ đừng nói tới chuyện khác.
Tới gần mười một giờ mà kệ bếp vẫn còn chưa thành hình. Tôi chỉ sợ đến trưa vẫn chưa được ăn cơm, vậy nên đành đi nhặt đá cùng cậu cấy.
Sau khi dựng bếp xong xuôi, nguyên vật liệu cũng đã rửa sạch, công việc tiếp theo chính là nhóm lửa nấu cơm.
Tôi lúi húi xếp
củi khô vào bệ bếp, còn rải thêm một lớp lá cây bên trên.
“Giờ đốt lửa được rồi đấy, chắc là sẽ cháy nhanh thôi.” Tôi nói vậy, nhưng thực ra cũng chẳng tự tin là mấy. Đây là cách bắc bếp mà ông bà tôi ở vùng thôn quê đã dạy khi tôi mới chỉ có mấy tuổi đầu.
“Đốt thế nào?” Hứa Văn Thao hỏi.
“Còn thế nào nữa, tất nhiên là dùng bật lửa rồi. Hay là cậu muốn dùng đá đánh lửa hả?” Tôi trêu cậu ta.
Lời này vừa nói ra, cả tám người trong nhóm đã tròn mắt nhìn nhau, không biết ai là người được giao mang bật lửa.
Cậu bạn nhóm trưởng xấu hổ đứng lên: “Là lỗi của tôi, để tôi đi mượn cho.”
Mười phút sau, cuối cùng chúng tôi cũng thành công nhóm được một ngọn lửa nhỏ bập bùng trong kệ bếp, ai nấy đều phấn khởi vỗ tay reo hò.
Chúng tôi vẫn xoay xở nấu chín được chỗ thức ăn kia, nhưng đó lại là chuyện của một tiếng đồng hồ sau đó. Còn việc đồ ăn có ngon hay không thì tôi cũng sớm quên béng từ lâu rồi. Nhưng những chuyện xảy ra hôm ấy, thì tôi vẫn luôn nhớ mãi.
Thời gian mỗi nhóm dành để chuẩn bị cơm nước cũng chẳng khác nhau là bao. Trong buổi dã ngoại, có một bạn học lớp chúng tôi đã dùng chiếc máy kỹ thuật số mang từ nhà đi để chụp rất nhiều ảnh cho mọi người. Vài năm sau, trong một lần tình cờ nhìn được những bức ảnh đó trên di động của Dương Tiểu Nghiêu, tôi bỗng dưng hoài niệm, cảm giác như chúng đang phác họa lại một mảnh ký ức của bản thân mình vậy.
Sau khi ăn uống no nê, dọn dẹp sạch sẽ, đã là khoảng một rưỡi chiều. Giờ tập trung lên xe về trường là ba rưỡi, bởi vậy chúng tôi vẫn còn hai tiếng tự do vui chơi thỏa thích.
Ăn cơm xong, tôi lại lang thang về phía cánh rừng ban nãy.
Chẳng bao lâu sau, tôi đã thấy bóng Dương Tiểu Nghiêu hớt hải chạy tới bên mình. “Lăng Tử Dương, cậu có thấy Trình Tử Kỳ đâu không?”
Tôi lắc đầu: “Không thấy.”
“Lúc nãy chúng tôi đã hẹn sẽ ra bờ suối tản bộ với nhau, thế mà chỉ chớp mắt đã không thấy tăm hơi cậu ấy đâu nữa rồi.” Dương Tiểu Nghiêu nhíu mày.
“Hay để tôi đi tìm quanh một vòng cùng cậu nhé? Đúng lúc tôi cũng đang định ra bờ suối chơi.” Nói ra những lời này, cổ họng tôi bất chợt khô hẳn đi, phải nuốt nước bọt một chút mới dễ chịu lại. Tôi sợ em sẽ từ chối mình.
“Được.” Khóe môi em cong lên, nở thành một nụ cười dịu dàng.
Chúng tôi sóng vai nhau rảo bước bên bờ suối, trên đường đi còn gặp nhiều các nhóm bạn khác, có nhóm thậm chí đến giờ mới bắt đầu ăn cơm. Thì ra vẫn có những người chật vật hơn nhóm tôi nhiều lắm.
Đi qua cả tốp học sinh cuối cùng rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng Trình Tử Kỳ ở đâu, tôi chuẩn bị quay bước trở về.
Đột nhiên Dương Tiểu Nghiêu lại cởi giày xách ở trên tay: “Nơi này không có ai nấu cơm nữa cả, hay là bọn mình xuống dưới lội nước chút đi.”
Vẻ hưng phấn cùng mong đợi hiện rõ trên từng nét mặt em. Có lẽ em đã muốn xuống nghịch nước từ lúc còn ngồi trên thượng nguồn rồi, chẳng qua là ngại các bạn học ở phía dưới hạ nguồn nên vẫn cứ kiềm chế mà thôi.
Dù sao cũng còn nhiều thời gian, chẳng đi đâu mà vội. Nghĩ vậy, tôi liền cởi giày, theo chân Dương Tiểu Nghiêu bước xuống dòng suối ấy.
Trong nháy mắt, cảm giác mát lạnh từ lòng bàn chân đánh úp thẳng đến trái tim tôi.
Nước suối trong vắt nhìn được thấy đáy, phía dưới lại là vô số những viên đá cuội nhỏ tròn, chúng tôi cũng không sợ lội nước ở đây sẽ bị đá cào xước chân mình.
Dương Tiểu Nghiêu đứng giữa suối nước, chầm chậm bước từng bước chân về phía hạ nguồn. “Mát thật đấy, biết thế tôi đã gọi hết mọi người tới đây chơi cùng rồi.”
“Ừ,” tôi nhẹ giọng đáp lời em.
Sau đó, Dương Tiểu Nghiêu đặt giày lên một mỏm đá nhô ra khỏi bờ suối, ngồi xổm xuống, ngâm cả hai tay vào trong lòng nước. “Cậu nhanh thử đi, dễ chịu lắm đó.”
Vẻ hồn nhiên vui tươi của em trông đáng yêu vô cùng. Tôi cũng học theo em, cất giày sang một bên, đặt tay lên làn nước mát lạnh.
Ngay khi chạm tay vào nước, tôi lập tức muốn nhoài hẳn người ra ngâm mình xuống suối. Cái thanh lạnh của suối nước nơi rừng núi hoàn toàn khác với nước sông chốn thị thành. Khó trách những người tới chỗ núi rừng hoang vắng đều quyến luyến không muốn rời chân.
Dương Tiểu Nghiêu chuẩn bị đứng lên, nhưng lại bất cẩn dẫm lên một phiến đá trơn tuột, sảy chân ngã ra đằng sau.
Lúc ấy tôi đang ngồi ngay đó, tức khắc nhào ra đỡ lấy em. Cú ngã này không nhẹ, tôi cũng suýt chút nữa đổ luôn xuống suối. Cũng may là cuối cùng cả hai chúng tôi đều không sao, chỉ bị ướt hết ống quần.
“Hay là về đi, chỗ này chỉ có hai người chúng ta, không an toàn lắm.” Tôi đề nghị, thuận tay đỡ em đứng dậy.
“Ừ, được.” Dương Tiểu Nghiêu nói vậy, nhưng vẻ thất vọng vẫn hiện rõ nơi đáy mắt.
Trở lại nơi chúng tôi tụ tập, mọi người đã bắt tay vào dọn dẹp hết rồi. Tôi hỗ trợ các bạn trong nhóm quét dọn qua một chút, sau đó lại đem nồi niêu xoong chảo đi cọ rửa sạch sẽ.
Tới lúc cách giờ tập trung chỉ chưa đầy mời phút, Dương Tiểu Nghiêu hốt hoảng chạy tới chỗ tôi.
“Lăng Tử Dương, cậu có thấy một chiếc nhẫn buộc trên một sợi dây màu đỏ không?”
“Không có.” Tôi ngẫm lại một chút, hoàn toàn không có chút ấn tượng gì về món đồ này.
“Ôi, không phải lại rớt đâu mất tiêu rồi chứ? Tôi đã tìm hết quanh đây mà vẫn chẳng thấy đâu cả.” Vẻ mặt em phảng phất lo âu.
“Quan trọng lắm à? Hay để tôi tìm giúp cậu nhé?” Tôi đứng dậy.
“Cũng chẳng phải thứ gì quý giá lắm, nhưng chiếc nhẫn đó là do bà tôi tự mình mang tới chùa Hành Sơn khai quang. Mặc dù tôi không tin mấy cái chuyện này, nhưng nếu còn tìm được thì cũng phải cố gắng thử.” Dương Tiểu Nghiêu nói.
“Cậu để nhẫn ở đâu?” Tôi hỏi.
“Buộc quanh cổ tay.” Em vừa nói, vừa chìa tay phải ra cho tôi xem.
Lúc này tôi mới mang mang nhớ được, hình như khi nãy đúng là trên tay em có mang thứ gì đó. Hiện giờ nhìn xuống phần cổ tay trắng mịn trống trơn kia, tôi mới cảm giác có chút là lạ.
“Nếu quanh đây tìm không thấy thật, có khi nào là rơi ở chỗ cậu bị ngã lúc nãy không?” Tôi suy nghĩ một chút rồi nói.
“Cũng có thể, để tôi đi tìm xem.”
“Tôi đưa cậu đi.”
Tôi báo một tiếng với Hứa Văn Thao, nhờ cậu ấy thu dọn đồ đạc giúp mình rồi liền theo Dương Tiểu Nghiêu chạy về phía hạ nguồn dòng suối.
Dọc theo hai bên bờ suối đều là đá tảng, lúc nhô lên lúc lại chìm xuống. Chúng tôi không thể chạy nhanh trên địa hình gồ ghề như vậy.
Vài phút sau, tôi và Dương Tiểu Nghiêu đã trở về đúng nơi hai đứa ban nãy vừa nghịch nước. Dương Tiểu Nghiêu vừa chuẩn bị cởi giày, tôi liền ngăn em lại: “Không cần đâu, ở kia có mỏm đá, tôi đứng trên đó nhìn là được.”
“Vậy cảm ơn cậu nhé.”
“Không có gì đâu.” Tôi mỉm cười.
Tôi vội vã trèo lên tảng đá, đưa mắt nhìn khắp xung quanh nơi chúng tôi suýt ngã, nhưng thật không may, tôi chẳng thấy gì khác lạ.
“Hay là rơi trên đường rồi?” Tôi quay qua nhìn Dương Tiểu Nghiêu.
Bây giờ đã là gần ba rưỡi, có lẽ các lớp đã bắt đầu tiến hành điểm danh rồi.
Tôi và Dương Tiểu Nghiêu đều sốt ruột như nhau. “Hay là cậu tìm dọc trên bờ, tôi tìm dưới suối nhé?”
“Được.” Dương Tiểu Nghiêu nôn nóng gật đầu.
Em dò bước trên bờ, còn tôi ở giữa dòng suối nhảy qua nhảy lại trên những phiến đá có thể đặt chân lên, đồng thời cũng không quên đưa mắt quan sát khắp nơi.
Trong một giây bất cẩn, tôi dẫm phải một tảng đá phủ kín rêu xanh, trượt chân lao thẳng nửa người xuống nước.
“Cậu không sao chứ?” Dương Tiểu Nghiêu lo lắng hỏi. “Tìm không được thì thôi. Bọn mình quay về đi.”
“Không sao, chắc về muộn mấy phút cũng được.” Tôi trấn an Dương Tiểu Nghiêu, nhưng trong lòng lại nóng như lửa đốt. Tôi cũng sợ hai đứa chúng tôi sẽ bị bỏ lại giữa chốn rừng núi hoang vu này.
Dù sao cũng đã ướt rồi, tôi cũng chẳng bận tâm thêm nhiều nữa, cứ thế mà lội nguyên giày xuống suối. Nhưng quanh đi quẩn lại một hồi lâu mà vẫn chẳng thấy bóng dáng chiếc nhẫn kia đâu.
“Trên bờ có thấy không?” Tôi hỏi Dương Tiểu Nghiêu.
“Không thấy,” vẻ mất mát hiện rõ trên khuôn mặt em. “Nếu thật sự tìm không được thì chúng ta về thôi.”
“Tìm nốt một lần cuối đi,” tôi đề nghị. “Không thấy thì về.”
Dương Tiểu Nghiêu nhìn tôi, muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Tôi cũng không định nghe em nói, dứt khoát cắm đầu bước lên phía trước.
Cuối cùng, sau một hồi dò dẫm về cuối nguồn suối, tôi đã tìm được chiếc nhẫn kia khoảng mấy trăm mét cách nơi em suýt ngã.
Chắc là lúc bị ngã em không cẩn thật để tuột mất sợi dây đỏ quấn quanh cổ tay. Thế là chiếc nhẫn cứ theo dòng nước mà trôi về phía hạ nguồn, sau đó kẹt lại trong kẽ nứt của một tảng đá nhỏ.
Dương Tiểu Nghiêu cầm lấy chiếc nhẫn, luôn miệng nói cảm ơn, nói nhiều đến mức tôi bắt đầu thấy ngượng.
“Trước kia cậu giúp tôi nhiều như vậy, tôi giúp lại một lần cũng là chuyện nên làm mà.” Tôi vừa cười vừa gãi gãi đầu.
Chúng tôi quay lại điểm tập kết muộn hơn hai mươi phút. Cô tổng phụ trách đã chỉ thẳng vào mặt bọn tôi mà quát mắng không ngừng:
“Hai đứa em sao lại có thể như thế được hả? Không có chút khái niệm thời gian gì sao? Làm cả đoàn phải chờ hai đứa hơn hai mươi phút? Chờ mãi không thấy đâu, hai thầy giáo còn phải chạy vội đi tìm! Nếu mỗi học sinh đều có thái độ kiểu này, từ giờ về sau nhà trường càng đỡ phải tổ chức hoạt động nữa luôn. Ngay sau khi về tôi sẽ nói chuyện với chủ nhiệm lớp của hai em, hỏi xem cô ấy làm sao mà dạy dỗ ra được hai đứa học sinh kiểu này…”
Dương Tiểu Nghiêu cúi đầu, không dám hé môi nửa lời. Em nắm chặt chiếc nhẫn trong tay, do dự một chút, cuối cùng vẫn ngẩng đầu lên.
“Cô ơi, em xin lỗi ạ. Là em cứ nhất quyết đòi bạn ấy đi dạo cùng mình, không ngờ lại lạc trong rừng, tìm mãi không thấy đường ra nên về muộn ạ.” Tôi ngẩng đầu trình bày với giáo viên.
Từ trước tới giờ tôi luôn muốn làm một đứa học trò ngoan ngoãn trong mắt các thầy cô, mặc dù không thừa nhận thành lời nhưng bản thân tôi vẫn biết. Thế mà giờ phút này, nhìn Dương Tiểu Nghiêu, bỗng dưng tôi lại cảm giác muốn che chở cho em. Tôi không muốn người con gái trong lòng mình phải chịu bất cứ thương tổn gì.
Dương Tiểu Nghiêu ngơ ngác nhìn tôi, có lẽ cũng không biết nên nói gì cho phải nữa.
Cô tổng phụ trách cúi đầu nhìn xuống nửa người dưới ướt sũng cùng hai bàn chân đang cọ qua cọ lại trên mặt đất của tôi, xong rồi lại nhìn đến mắt tôi.
“Về sau nhớ cẩn thận hơn. Lên xe đi.”
“Chúng em cám ơn cô ạ.” Tôi cười cười, cúi đầu cảm tạ.
Sau ngày hôm đó, Dương Tiểu Nghiêu lại tìm đến tôi để cảm ơn thêm một lần nữa.
Tôi hỏi em: “Chẳng nhẽ chúng ta không phải bạn bè à?”
Em ngẩn người, nói: “Đương nhiên là phải rồi.”
“Vậy cậu không cần lúc nào cũng cám ơn cám ơn như thế. Là bạn bè, không phải nên giúp đỡ nhau sao?” Tôi nhìn em, tươi cười rạng rỡ.
Sang đến năm thứ ba, ai cũng bận rộn học hành, tôi và Dương Tiểu Nghiêu chẳng mấy khi có dịp trò chuyện cùng nhau nữa.
Mãi cho tới ngày kì thi vào cấp ba kết thúc, tôi dắt xe đạp ra ngoài, tình cờ gặp em ở cổng trường.
“Cậu làm bài thế nào?” Tôi hỏi.
“Cũng tạm được.”
“Có tự tin vào được trường mình đăng ký không?”
“Tôi cũng không biết nữa. Chỉ cần vào được trường trọng điểm của huyện là được, cũng chẳng dám hi vọng xa vời.” Dương Tiểu Nghiêu mỉm cười bất đắc dĩ.
“Ừ.” Tôi gật đầu, có chút mất mát trong lòng.
Lần này thi xong, tôi cảm thấy dù có đăng ký vào trường cấp ba tốt nhất tỉnh cũng không phải vấn đề gì to tát.
Chỉ tiếc là từ nay về sau, tôi sẽ không còn được gặp Dương Tiểu Nghiêu. Tôi thậm chí vẫn chưa kịp bày tỏ lòng mình với em.
Nhưng mà giờ phút này chia ly, có lẽ mối quan hệ giữa hai đứa tôi cũng chẳng còn quan trọng nữa. Mấy năm sau, tôi sẽ quên dần gương mặt của em, cũng quên đi hết thảy những rung động đầu tiên trong cuộc đời mình.
“Tôi tiễn cậu một đoạn nhé?” Tôi vừa nói, vừa chỉ vào sau xe đạp.
“Không cần đâu,” Dương Tiểu Nghiêu phất tay. “Ngay ngoài cổng trường có trạm xe buýt mà, tôi bắt xe về là được.”
“Vậy cũng tốt.” Tôi không miễn cưỡng em thêm nữa.
Tôi dắt xe đạp, cùng em tản bộ trên một đoạn đường chưa tới hai trăm mét. Đứng trước trạm xe buýt, tôi dõi mắt nhìn em lên xe.
“Tạm biệt.” Dương Tiểu Nghiêu vẫy tay chào tôi.
“Gặp sau nhé.” Nếu tôi thực sự có thể gặp em thêm lần nữa.
Đó chính là mối tình đầu của tôi. Tôi chưa từng mở lời. Hiện giờ em không biết, về sau cũng sẽ mãi mãi không bao giờ biết.
Tôi đã nghĩ, vậy thì cứ để phần tình cảm đẹp đẽ câm lặng này yên ả nằm lại trong một góc ký ức của mình là được rồi.
Tôi nhìn theo bóng chiếc xe buýt kia, mãi tới lúc nó khuất hẳn vào đám đông, mới leo lên xe đạp. Đặt chân lên bàn đạp, tôi dùng hết tốc lực để phóng xe về nhà.
Bánh xe vùn vụt lao đi, những suy nghĩ của tôi cũng chầm chậm tản vào trong gió.