Nếu lần đầu gặp nhau chỉ là một chuyện ngẫu nhiên, như vậy gặp lại, chính là định mệnh.
Tôi đã thực sự kinh ngạc khi trông thấy Dương Tiểu Nghiêu lần nữa.
Mà đương nhiên, em cũng vậy.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi tái ngộ ở trường cấp ba.
Lúc mới bắt đầu bước chân vào cổng trường, việc phải chia xa huyện thành nhỏ bé nơi mình đã trú ngụ nhiều năm khiến tôi cảm giác có chút bất an. Đó là lần đầu tiên tôi một mình rời khỏi gia đình, tới học ở một phương trời khác. Thời điểm ấy, tôi vẫn chưa quen đối mặt với người lạ, vậy nên trước khi giáo viên chủ nhiệm mới chính thức phân chia chỗ ngồi, tôi đã chọn cho mình vị trí xa xôi hẻo lánh nhất, ở tít tận góc lớp.
Trong mấy ngày đầu khai giảng, lớp tôi không ngừng có thêm học sinh mới chuyển vào. Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ trước giờ tự học buổi tối là cả lớp lại ồn ào xôn xao vì mấy gương mặt xa lạ bước từ cửa vào. Trong khi những người xung quanh rối rít làm quen, kết bạn với nhau, tôi nhàn nhã ngồi đọc sách nơi cuối lớp. Nhưng thực ra tôi không phải đang nhàn nhã thật sự, tôi chỉ là đang đợi các bạn học tới bắt chuyện với mình thì đúng hơn. Mãi sau này tôi mới nhận ra, khi bản thân thụ động chờ đợi người khác tới hỏi han, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ hay ho tốt đẹp.
Còn lúc ấy, sau vài tối đợi chờ, tôi không ngờ người bạn đầu tiên mà mình đợi được lại chính là người vẫn luôn quanh quẩn trong trí óc của tôi suốt mấy tháng qua.
Vào buổi tối ngày thứ ba sau khi khai giảng, thầy giáo chủ nhiệm của chúng tôi bước vào lớp học như thường lệ. Mặc dù thời gian này chúng tôi vẫn còn chưa chính thức học hành hay làm bài tập gì cả, thầy vẫn giữ thói quen đi thị sát tình hình, nhắc nhở cả lớp yên lặng tập trung. Có lẽ thầy ấy muốn tạo nền tảng cho sự uy nghiêm của mình trong việc quản lý sau này.
Lúc đó, tôi vẫn đang mải mê chúi mũi vào quyển sách trên tay, không hề để ý tới lớp học vừa ồn ã hẳn lên vì có một học sinh mới đi vào.
“Xin lỗi, chỗ này có ai ngồi chưa?”
Lần đầu tiên em cất tiếng, tôi không hề chú ý lắng nghe, hay nói đúng hơn là không hề nghĩ em đang nói chuyện với mình.
“Này! Chỗ này có người chưa?!” Lần này, em thậm chí còn dùng tay vỗ vỗ vai tôi.
“Hả?”
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn về phía người đang bắt chuyện. Khoảnh khắc đó, thật lòng mà nói, tôi không thể tin vào mắt mình. Cho dù mấy tháng qua tôi vẫn luôn mơ thấy hình bóng của em, tôi vẫn không thể ngờ giờ phút này em lại thực sự đứng đây, ngay trước mặt tôi.
“Dương Tiểu Nghiêu?” Tôi nói, cố gắng đè nén sự kích động và phấn khích trong lòng.
“Hai mắt cậu chẳng phải thấy rõ rồi sao, còn hỏi cái gì nữa?” Dương Tiểu Nghiêu nhẹ giọng “hừ” một tiếng.
“Đó là vì tôi không ngờ lại gặp cậu ở đây,” tôi bỏ quyển sách trên tay xuống mặt bàn. “Không phải cậu nói muốn học cấp ba trong huyện sao?”
“Đấy là do tôi bất cẩn làm bài hơi tốt quá, thế là chỉ đành tới nơi này thôi.” Dương Tiểu Nghiêu nhìn tôi, tinh nghịch cười cười.
Em bỏ cặp sách xuống, ngồi lên chiếc ghế trống không bên cạnh tôi rồi lại hỏi: “Ở đây chưa có ai ngồi chứ?”
Tôi lắc đầu, đôi mắt vẫn chăm chăm nhìn em không chịu rời đi, chỉ sợ giây tiếp theo sẽ phải tỉnh lại từ trong giấc mộng đẹp đẽ này.
“Sao cậu cứ nhìn tôi mãi thế?” Dương Tiểu Nghiêu nhướng mày.
“Bởi vì cậu đẹp.” Tôi nói thật lòng mình, nhưng sau đó mặt lại đỏ bừng vì xấu hổ.
“Thật ra, tôi chỉ đang nghĩ rằng duyên phận quả thực là một điều kỳ diệu.” Một lát sau, tôi cất lời giải thích.
Giờ khắc này, tôi cảm giác như mình thật sự đã nắm được sợi tơ hồng định mệnh. Mối duyên giữa chúng tôi lại một lần nữa trải dài ra trước mắt tôi, và lần này, tôi thực lòng muốn tiến thêm một bước mà trước kia tôi chưa từng dám bước.
“Tôi cũng khá là kinh ngạc khi thấy cậu ở đây,” Dương Tiểu Nghiêu nhìn tôi rồi nói. “Tuy tôi có nghĩ tới chuyện cậu nhất định có thể vào được ngôi trường này, nhưng tôi không ngờ chúng ta lại học chung một lớp.”
“
Duyên phận, đó chính là sự an bài lớn nhất của trời cao.”
““Đại thoại tây du”?”
“Ừ.”
“Nhưng mà tiếc là cuối cùng Châu Tinh Trì và Chu Ân cũng chẳng ở bên nhau được bao lâu, cho dù đó có là duyên phận do trời cao an bài,” Dương Tiểu Nghiêu thở dài.
Trái tim tôi bất chợt nhói đau. Cho dù có được duyên phận trời cao an bài, cũng chưa chắc có thể ở bên nhau tới tận cuối cùng sao?
“Mà sao cậu lại nhập học muộn vậy?” Tôi lảng sang chuyện khác.
“Nếu tôi nói là muốn trốn hai ngày huấn luyện quân sự thì cậu có tin không?”
“Không tin,” tôi hoài nghi đáp.
“Thực ra là…”
“Các em học sinh yên lặng một chút.” Tôi còn chưa kịp nghe Dương Tiểu Nghiêu nói rõ nguyên nhân thì thầy chủ nhiệm đã đi lên bục giảng, ổn định trật tự của lớp.
“Hôm nay lớp chúng ta đã gần đông đủ cả rồi, hiện giờ các em có thể bắt đầu tranh cử làm cán bộ lớp như tôi đã nói từ trước,” thầy đưa mắt nhìn quanh một vòng. “Trước tiên, để tôi giải thích sơ qua nguyên tắc cho các em. Chúng ta ứng cử trên tinh thần Mao Thoại tự tiến, sau đó cả lớp cùng nhau bỏ phiếu. Các em có thể chuẩn bị diễn thuyết tranh cử. Làm cán bộ lớp, công tác chỉ là phụ, chủ yếu là các em sẽ có cơ hội rèn luyện khả năng của bản thân, chẳng hạn như năng lực tổ chức lãnh đạo hay kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Ngoài ra công việc này cũng giúp rèn giũa lòng can đảm. Đối với các em, đây hoàn toàn là chuyện chỉ có lợi chứ không có hại, hoan nghênh mọi người cùng nhau ghi danh đăng ký.”
Sau đó, thầy chủ nhiệm viết một số chức danh quan trọng trong lớp lên trên bảng, rồi lại ghi tên những bạn học ứng cử vào các vị trí đó.
Tuy rằng tôi chưa từng có hứng thú làm cán bộ, nhưng đây lại là một cơ hội hiếm hoi để lấy cớ giao du với một vài người trong lớp. Nếu một ngày nào đó tôi cần tạo mối quan hệ với một bạn cán sự lớp, ít nhất tôi cũng có thể kể lể rằng à hôm đó tôi đã bầu cho cậu đấy. Chỉ một câu như vậy, chắc chắn có thể giành được không ít cảm tình trong mắt đối phương.
Tất nhiên trong hoàn cảnh không biết ai với ai, tôi chỉ có thể dựa vào khuôn mặt. Nói về vẻ ngoài, tôi nghĩ nếu có hai bạn nữ cùng nhau tranh cử, tất nhiên các bạn nam đều sẽ ưu tiên người có ngoại hình bắt mắt hơn. Chủ yếu cũng vì nguyên nhân này mà ban can sự lớp tôi trong năm đầu tiên hoàn toàn ở thế âm thịnh dương suy, mãi tới năm thứ hai cục diện mới có chút biến đổi.
“Cậu không muốn thử ứng cử sao?”
Trong khi thầy chủ nhiệm vẫn còn ở trên bục giảng cổ vũ các bạn học tham gia, Dương Tiểu Nghiêu quay đầu nhìn tôi.
“Tôi không có cái năng lực ấy,” tôi cười cười.
“Không đúng, chẳng phải hồi cấp hai cậu đã từng là ủy viên sao?”
“À, ừ.” Tôi gật đầu, có chút cảm thán trí nhớ của em. Đó là chuyện tận ba năm trước, tôi được đề cử ngay khi mới nhập học cấp hai, vật lộn đúng một năm, sang năm sau thì đã bị thay thành người khác. Hình như cô giáo chủ nhiệm hồi đó của bọn tôi không muốn lớp học bị xáo động bởi một đám cán bộ du thủ du thực, cả lớp tôi chưa có ai có thể ngồi vững tại một vị trí trong suốt ba năm liền.
Chuyện này kể ra cũng thật khôi hài. Con đường “công tác chính trị” của tôi từ bé tới giờ có thể nói là vô cùng phong phú. Từ năm thứ ba tiểu học, tôi đã bắt đầu làm lớp trưởng, sau đó lại là lớp phó, tổ trưởng, rồi thì tổ phó. Mỗi lần tôi bị giáng chức, các thầy cô đều thở dài tiếc nuối, các bạn cùng lớp cũng thấy bất bình cho tôi suốt một thời gian dài sau đó. Nhưng tôi lại chẳng thấy có gì để mà phiền lòng, dù sao thì tôi cũng được chọn làm lớp trưởng bởi một lý do chẳng đâu vào đâu. Cụ thể là khi ấy, cô giáo đang hỏi cả lớp xem có ai muốn xung phong không. Các bạn học của tôi cũng có nhiều người rục rịch trong lòng, nhưng chẳng ai dám giơ tay cả. Ngay đúng cái thời điểm mấu chốt ấy, bỗng dưng tôi lại cảm thấy ngứa đầu, còn đưa tay gãi gãi. Hành động vô tình đó đã khiến cô giáo lầm tưởng tôi muốn tự mình ứng cử. Cho dù sau đó tôi đã tốn không biết bao nhiêu nước bọt giải thích rằng mình chẳng phải đang giả vờ thẹn thùng gì, mà là thật sự không thể đảm nhiệm được chức vụ kia, nhưng cô giáo vẫn cứ mỉm cười hiền từ nhìn tôi, nói “cô tin em”. Quả thực đến giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi bởi vì đâu mà một con người biếng lười từ trong cốt tủy như tôi lại luôn có vẻ cần cù chăm chỉ, giàu tinh thần trách nhiệm trong mắt những người xung quanh như vậy.
“Thế tại sao cậu không tranh cử đi?” Tôi lại hỏi.
“Tại tôi não ngắn.” Dương Tiểu Nghiêu cười cười, đưa tay chỉ lên đầu mình.
“À.”
Nghe vậy, Dương Tiểu Nghiêu lập tức đưa mắt lườm tôi khinh miệt, rồi lại im bặt không nói năng gì nữa.
Mãi tới nhiều năm sau, tôi mới hiểu tiếng “à” đó của mình trước mặt một bạn nữ chính là biểu hiện của EQ thấp đến cùng cực. Tuy nhiên lúc đó, tôi thực sự không hiểu, nếu không cũng sẽ chẳng cả gan mở miệng nói mấy lời như vậy.
Những ngày sau đó, đề tài chủ yếu trong mọi cuộc trò chuyện giữa hai đứa tôi luôn luôn quanh quẩn tại những chuyện cũ rích xảy ra khi còn học cấp hai. Mỗi lần chuyển sang chủ đề khác, cả tôi và em lại không biết nói gì. Sự ngượng nghịu đó khiến chúng tôi xấu hổ.
Dương Tiểu Nghiêu có vẻ như là một cô gái thích hoài niệm quá khứ. Mỗi khi chúng tôi đề cập đến những sự kiện quan trọng thời cấp hai như dã ngoại, đại hội thể thao hay lễ tốt nghiệp, em đều có thể lấy ảnh trong di động ra khoe tôi. Thậm chí trong số đó còn có không ít tấm có dính mặt tôi. Bản thân tôi cũng không hề hay biết những lúc vô tình tôi lại bị người ta chụp hình nhiều đến vậy. Đối với tôi, đây lại là một điều kỳ diệu khác.
“Rốt cuộc là trong điện thoại của cậu có bao nhiêu ảnh thế?” Tôi tò mò hỏi.
“Chắc là khoảng gần một ngàn. Tất cả ảnh từ nhỏ tới lớn tôi đều lưu một bản điện tử trong di động.”
Tôi gật đầu, có hơi giật mình. Thời kỳ đó, bộ nhớ trong của điện thoại đa phần không lớn. Quả thực tôi không ngờ có người lại sẵn sàng dùng đến một nửa dung lượng để lưu ảnh kỷ niệm.
Trong khi Dương Tiểu Nghiêu tiếp tục kéo màn hình xuống, tôi tình cờ trông thấy một bức ảnh chụp từ buổi dã ngoại nấu cơm năm thứ hai. Trong ảnh, tôi đang cắm cúi nhặt củi làm nền cho em, còn em thì giơ hai ngón tay thành hình chữ V chình ình ngay trước ống kính.
“Hồi đó cậu đen tới vậy à, sao tôi không nhớ gì nhỉ?” Tôi nhìn tấm ảnh, sau đó lại quay sang nhìn Dương Tiểu Nghiêu hiện tại đang ngồi bên cạnh mình.
“Cậu cũng thế còn gì?”
“Chắc là tại màu camera có vấn đề phải không?”
“Ừ, có thể.”
Chúng tôi ngầm đạt được một thỏa thuận chung, cùng ném chuyện ngày xưa hai đứa đen xì ra sau đầu.
Dương Tiểu Nghiêu tiếp tục kéo màn hình xuống dưới. Những hình ảnh cấp hai nhanh chóng biến mất, thay vào đó là một loạt ảnh tiểu học của em.
“Cậu cũng học ở đây à?” Trông thấy Dương Tiểu Nghiêu xuất hiện tại trường tiểu học cũ của mình, tôi có hơi kinh ngạc.
“Cậu cũng vậy sao?” Hiển nhiên em cũng giật mình như tôi.
“Chỉ có năm đầu và năm cuối thôi, từ lớp hai đến lớp năm tôi theo bố mẹ đi Quảng Đông.” Dù vậy, tôi vẫn cảm giác hưng phấn trong lòng. Không ngờ mối duyên giữa tôi và Dương Tiểu Nghiêu lại có thể ngược dòng đến tận những năm đầu tiên của thuở học trò, cho dù khi ấy chúng tôi chưa hề quen biết.
“Duyên phận đúng là kỳ diệu.” Dương Tiểu Nghiêu cười cười.
Sau đó, chúng tôi lại dùng chủ đề duyên phận để tán dóc thêm một hồi lâu nữa.
Dương Tiểu Nghiêu vừa trò chuyện cùng tôi vừa tiếp tục kéo màn hình điện thoại. Thoáng chốc sau, tôi chợt thấy một bức ảnh không cùng phong cách với những tấm hình còn lại, hình như em khi đó vẫn còn là một đứa trẻ con. Nhưng tôi còn chưa kịp nhìn kỹ thì Dương Tiểu Nghiêu đã hét lên một tiếng, sau đó tức khắc bấm nút tắt nguồn.
“Đây là ảnh hồi tôi còn nhỏ, không xem được.” Em ngượng ngùng giải thích.
“Nhưng mà bức hình đó trông quen lắm, cho tôi xem lại một chút được không?
“Không được.” Dương Tiểu Nghiêu nghiêm mặt, cứng rắn nói.
“Tôi nói thật mà.”
Tôi hạ giọng nài nỉ em thêm vài lần nữa.
“Chỉ được liếc qua thôi, không được nhìn kỹ đâu đó.” Dương Tiểu Nghiêu thận trọng mở điện thoại ra.
Thì ra em bé Dương Tiểu Nghiêu trong ảnh trông có vẻ đang vô cùng ấm ức, nước mắt rưng rưng. Thảo nào lại không muốn cho mình xem, tôi trộm cười. Nhưng mà phần nền của tấm ảnh này thực sự rất đỗi thân quen, dường như chỗ này tôi có biết, nhưng trong chốc lát lại nhớ không ra nổi.
Đó là một bức tường cũ kỹ với trùng trùng điệp điệp non núi sau lưng, hình như là một đoạn tường thành cổ đại nào đó. Đằng trước bức tường là một con đường lát gạch. Nhìn thấy tấm ảnh này, bộ nhớ của tôi bắt đầu xáo động không ngừng, dường như có cái gì đó chuẩn bị phá rào mà ồ ạt tràn ra, nhưng vẫn cứ thất bại sau không biết bao nhiêu lần thử. Tôi thất vọng lắc lắc đầu, không nghĩ ra nổi chút manh mối gì.
Chưa đầy một phút sau, Dương Tiểu Nghiêu đã đòi lại điện thoại từ trên tay tôi, sau đó còn tự hào kể lể giải thích chuyện gì đấy. Nhưng mà lúc đó em nói gì, tôi cũng không còn rõ nữa. Thứ duy nhất hiển hiện trong tâm trí tôi chỉ là tấm hình kia. Tôi không định nói thêm
với em về chuyện này, nếu không về sau phát hiện ra mình nhớ lầm thì ngượng lắm. Thôi, để khi nào về nhà thì tìm hiểu lại kỹ hơn sau vậy.
Nói tới về nhà, không thể không nhắc tới kỳ nghỉ dài đầu tiên của thời cấp ba, đó là ngày Quốc khánh.
Sau đợt huấn luyện quân sự kéo dài khoảng mười ngày, chúng tôi bắt đầu chính thức nhập học. Trong lòng tôi có chút tiếc nuối vì không còn được ngồi cạnh em. Nhưng cũng may cậu bạn cùng bàn mới Lâm Dụ là một người khá hoạt ngôn, nếu không chúng tôi chỉ còn biết cả ngày ngồi nhìn nhau, im như thóc mất.
Một ngày trước kỳ nghỉ lễ, thầy chủ nhiệm dành nguyên tiết tự học buổi tối để nhắc nhở chúng tôi về những điều cần lưu ý, đồng thời điểm lại tất cả bài tập về nhà của từng bộ môn. Tuy mới nhập học chưa bao lâu nhưng chúng tôi đã có vô số bài tập phải làm thêm cùng bài học phải soạn trước, xem ra các thầy cô giáo ở đây không hề muốn cho học sinh một kỳ nghỉ an lành yên ổn.
Thứ kết nối tôi và Dương Tiểu Nghiêu lần nữa chính là chuyến xe đưa hai đứa về nhà.
Cả tôi và em đều sống ở huyện thành nơi cực nam của tỉnh, muốn đi từ trường về phải ngồi xe khoảng ba bốn tiếng đồng hồ. Quốc khánh là một dịp nghỉ lễ dài hơi, vậy nên tôi đã rủ Dương Tiểu Nhiêu về nhà cùng mình. Em đồng ý.
Năm đó, các quy định giao thông còn chưa ngặt nghèo như hiện nay, tài xế lái xe vẫn giữ thói quen nhồi nhét khách để kiếm cho đầy túi. Tôi vốn tưởng rằng mua vé trước là đương nhiên sẽ có chỗ ngồi nên cũng chẳng vội vàng đến sớm. Ai ngờ khi vừa lên xe, không chỉ chỗ ngồi chính không còn nữa mà ngay cả hàng ghế phụ đặt giữa lối đi cũng đã chật kín hết rồi.
Cũng có người đi tìm phụ xe cãi lý, hỏi tại sao giá vé như nhau mà có người được ngồi đệm êm, có người lại phải chịu ngồi ghế nhựa? Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rõ như in vẻ mặt kiêu căng hợm hĩnh của bà chị phụ xe kia. Chị ta nói, thích thì ngồi, không thích thì chờ xe khác, mà bây giờ chắc chắn chuyến nào cũng đầy khách cả rồi, thời kỳ cao điểm như dịp Quốc khánh biết bao nhiêu con người còn chả bắt được xe, giờ có xe đi lại còn so đo chỗ ngồi làm gì không biết?
Tôi thừa nhận, tôi đã bị chị ta thuyết phục. Dù sao bây giờ ở đâu cũng đông khách hết, chi bằng cứ ngồi sớm về sớm còn hơn. Bà chị phụ xe lấy cho chúng tôi hai cái ghế nhựa, chỉ chỉ về phía cuối xe, ý bảo chúng tôi tự xuống đó mà ngồi. Xem ra bọn họ cũng đã tính toán xong xuôi cả rồi.
Tôi và Dương Tiểu Nghiêu đều phải chen chúc ở đằng sau xe, tất nhiên là không dễ chịu chút nào. Cũng may là có em trò chuyện cùng, tôi mới có thể chịu đựng qua bốn tiếng đồng hồ tra tấn đó.
Xe chúng tôi là xe đi thẳng, chỉ có điểm đầu điểm cuối, cũng có nghĩa tất cả mọi người đều xuống chung một bến. Những người dân Vĩnh Châu ngang ngược năm ấy không hề biết nhường nhịn nhau hay duy trì trật tự là gì, chỉ biết xô qua đẩy lại. Nam nữ già trẻ, ai cũng mãnh liệt như thủy triều, chèn ép nhau để được xuống xe nhanh hơn vài phút. Tôi cũng chẳng rõ vì sao người ta có thể ngồi chờ hàng tiếng trên xe, nhưng lúc xuống lại cứ phải nhất nhất tranh thủ từng phút như vậy. Cũng có thể do bản tính lười biếng đã ăn sâu vào máu, tôi tình nguyện ngồi trên xe đợi chờ những người xung quanh. Chỉ có điều tôi và Dương Tiểu Nghiêu lại ngồi ngay giữa lối đi phía gần cửa sau. Thế nên xe vừa dừng lại, mọi người đã nháo nhào đẩy chúng tôi xuống dưới.
Tôi hai lần bị người ta đạp phải nên thoáng chút sợ hãi trong lòng, một tay cầm chặt ba lô của mình, tay kia lại với lấy Dương Tiểu Nghiêu, vội vã kéo em xuống xe. Thật đáng buồn, cuối cùng tôi cũng vẫn trở thành một phần trong đám người khiến mình chán ghét đó.
Cũng may là hai chúng tôi đều tương đối gầy, đến gần cửa xe có thể len qua một khe hở nhỏ mà đi xuống dưới.
Tôi thở phào nhẹ nhõm: “Mấy người này hung dữ quá, may là bọn mình nhanh chân đấy.”
Nói xong, tôi lại nhìn thoáng qua đám đông đằng sau lưng lần nữa rồi mới nhấc gót rời đi.
“Lăng Tử Dương,” đột nhiên Dương Tiểu Nghiêu cất tiếng gọi tôi.
Tôi quay đầu lại.
“Tay.”
Lúc này tôi mới phát hiện, thì ra trong cơn hoảng loạn ban nãy, tôi đã bất giác nắm lấy tay Dương Tiểu Nghiêu, cứ thế kéo em đến tận bây giờ.
Tôi vội vàng buông tay em ra: “Xin lỗi nhé, tôi không cố ý đâu.” Phút giây đó, tôi có thể cảm giác mặt mình nóng bừng, tim đập thình thịch trong lồng ngực.
Sau này, cậu bạn cùng bàn của tôi thậm chí còn đặt một cái tên khá bắt tai cho kiểu đỏ mặt này, gọi là “đỏ rạo rực”. Khi đó tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của cậu ta. Từ ấy về sau, mỗi lần chúng tôi nói chuyện về các bạn nam bạn nữ đang đỏ mặt, sẽ không trực tiếp nói đỏ mặt, mà là nói:
Khuôn mặt cậu ấy bắt đầu đỏ rạo rực. Tôi còn trịnh trọng viết lại câu nói kia vào trong sổ tay của mình, để dành sau này có dịp còn dùng.
“Tôi còn đang nghĩ sao cậu có thể cứ kéo tôi đi ngược đường một cách tự tin như vậy chứ?” Dương Tiểu Nghiêu nhìn tôi một lúc lâu, sau đó mới chỉ về hướng khác. “Tôi đi bên này cơ.”
Tôi gật đầu, mặt cũng không đỏ nữa, bình tĩnh nói: “Tôi cũng vậy.”
“Không phải trước kia nhà cậu ở phía này sao?” Dương Tiểu Nghiêu nghi hoặc nhìn tôi.
“Sau khi tốt nghiệp tôi chuyển nhà rồi. Đây là lần đầu trở về nên mới đi nhầm theo thói quen vậy thôi.” Tôi nói, còn cố tình thêm thắt một nụ cười cho tăng phần tin cậy.
“Thế nhà cậu bây giờ ở đâu?”
“Cậu định cố tình dò la địa chỉ nhà tôi đấy hả? Còn lâu tôi mới nói.” Tôi tỏ vẻ phách lối đáp lại lời em.
“Cắt, không nói thì thôi, tôi cũng đâu cần biết.” Dương Tiểu Nghiêu vừa nói vừa rời gót đi về phía trước.
Sau đó, tôi đi cùng em suốt đoạn đường về nhà, chờ đến khi em đã lên gác rồi mới trộm quay đầu trở lại. May là cái huyện thành hẻo lánh nơi chúng tôi ở cũng tương đối nhỏ, nếu không với cái ba lô nặng trĩu sau lưng thế này thì chắc đến mai tôi vẫn còn chưa về nhà được mất.
Tôi vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ tới chuyện mới vừa xảy ra. Lúc ấy tim tôi điên cuồng đập, trán cũng nóng hết cả lên nên mới bừa phứa nói rằng nhà tôi ở cùng hướng với nhà em. Đó là lần đầu tiên tôi cầm tay em, cũng là lần đầu tiên tôi nắm tay một người con gái. So với hiện tại, học trò thuở ấy còn bảo thủ và ngây thơ vô cùng. Trong mắt hầu hết tất cả mọi người, một chuyện to tát như cầm tay là việc chỉ có những cặp đôi đang hò hẹn mới có thể làm mà thôi.
Về đến nhà rồi, tôi vẫn còn lâng lâng suốt một lúc lâu, mãi sau mới đột nhiên nhớ ra có bức ảnh mình còn cần tra lại.
Tôi bắt đầu lục tung tất cả album ảnh chụp của gia đình mình. Lúc đó bố tôi đi vắng, trong nhà chỉ có mẹ tôi. Tôi thậm chí còn bị bà mắng vì tội bày bừa khắp một góc nhà.
Thế nhưng những lời mẹ nói khi ấy tôi hoàn toàn không để lọt tai, chỉ chuyên tâm chăm chú lật từng trang ảnh một. Mấy quyển album này cũng khiến tôi nhớ lại khá nhiều chuyện thú vị xảy ra khi còn nhỏ, đặc biệt là những trò ngớ ngẩn tôi làm cùng Tử Ninh. Bức ảnh hài hước nhất chính là ảnh Tử Ninh đang đứng khóc tu tu chụp trong một ngày Tết của nhiều năm trước. Con bé vừa bị người lớn mắng, liền lập tức mếu máo, nước mắt lưng tròng. Không biết là ai đã chụp lại cái cảnh khôi hài ấy. Tử Ninh đã ghi hận với tấm hình này không biết bao nhiêu năm sau đó, thậm chí đến bây giờ nhắc tới cũng vẫn luôn miệng bảo đây chính là sự sỉ nhục lớn nhất trong đời con bé.
Tôi tiếp tục lật sang những trang sau. Mọi bức ảnh được chụp vào năm đó đều nằm ở quyển album này. Đột nhiên, có một tấm ảnh thu hút sự chú ý của tôi.
Vẫn là bối cảnh đó, vẫn là ánh hoàng hôn đó. Tôi đã nhớ ra rồi. Năm ấy tôi bảy tuổi, được bố mẹ đưa đi du lịch ở một ngọn núi cách huyện không xa, hình như tên gọi núi Cửu Nghi.
Trong ảnh, tôi vừa nhe răng cười hớn hở vừa tạo dáng đúng chuẩn Siêu Nhân Điện Quang. Mà ở sau lưng tôi một đoạn là bóng dáng của một cô nhóc khác. Không biết có phải do yếu tố tâm lý hay không, sau khi đã xem được ảnh chụp của Dương Tiểu Nghiêu, tôi tự thấy bé gái kia rất có khả năng chính là em, còn thầm vui vẻ trong lòng. Tuy rằng độ phân giải của máy ảnh thời đó không cao, mặt người nhìn không rõ, nhưng hình bóng nhỏ bé ấy vẫn làm tôi liên tưởng tới em. Nếu chúng tôi thực sự đã ở cùng một nơi, trong cùng một ngày, chụp cùng một tấm ảnh, đó thực sự là duyên phận cả đời hiếm gặp.
Tôi định bụng kể về tấm ảnh này với Dương Tiểu Nghiêu, nhưng rồi lại thôi. Tôi sợ em sẽ chỉ ra sự thiếu ăn khớp nào đó giữa hai bức hình, khiến mối duyên kia hóa thành hư ảo. Thế là tôi quyết định sẽ giữ kín chuyện này xuống tận đáy lòng mình.
…
Từ rất lâu, rất lâu về trước, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ những người có một ai đấy gọi là thanh mai trúc mã cạnh bên. Có thể được lớn lên bên nhau là một chuyện hạnh phúc đến nhường nào cơ chứ? Chỉ có điều từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ bôn ba khắp chốn, mãi tới năm lớp sáu gia đình tôi mới ổn định tại đây. Chưa đầy một năm sau, tôi đã phải nói lời tạm biệt với những bạn học không mấy thân thuộc ở trường tiểu học, mà cũng chẳng ai trong số họ có thể thực sự được coi như thanh mai trúc mã của tôi. Mặc dù không phải thanh mai trúc mã, mặc dù đến tận năm lớp bảy tôi mới quen em, nhưng những năm tháng trước đó của cuộc đời tôi vẫn luôn có bóng hình của em phảng phất không xa. Đối với tôi mà nói, duyên phận như vậy cũng đã đủ hạnh phúc lắm rồi.
Năm học đầu tiên ở trường cấp ba, vị trí ngồi của các học sinh trong lớp là vẫn do giáo viên chủ nhiệm một tay sắp xếp. Tôi vẫn luôn mong đợi thầy chủ nhiệm của mình có thể xếp chỗ cho tôi ngồi cạnh bên em. Chỉ tiếc là, cứ mỗi lần đổi chỗ, chúng tôi lại càng xa nhau. Tựa như con tàu chầm chậm ra khơi, tôi cũng chỉ có thể ngóng về phía em từ đầu kia lớp học.
Cũng bởi vì lý do đó, tất cả mọi bước tiến vững chãi trong mối quan hệ của hai đứa tôi suốt thời gian qua nay bắt đầu chững lại, dậm chân tại chỗ. Và cũng chính vào lúc này, có một nam sinh khác xuất hiện trong thế giới của Dương Tiểu Nghiêu, che khuất tầm nhìn của tôi. Đó là lần thứ ba đổi chỗ định kỳ theo tháng, cậu ta ngồi trước mặt em, ngay tại vị trí tôi mong mỏi nhất. Cái tên đáng nghét nghiệp chướng nặng nề kia có một mối quan hệ rây mơ rễ má vô cùng lằng nhằng với ba năm yêu hận tình thù của tôi trong mái trường này. Kẻ đó, chính là Bạch Hạo Vũ.
Chỉ là khi ấy, tôi vẫn còn chưa thực sự liên quan tới cậu ta.