Hai tuần đã trôi qua kể từ khi Hà Trí Ngân gặp Ngô Chân Lưu. Từ lúc đó trở đi, hắn có tiếp xúc thêm với khá nhiều đồng môn từ Đấu sĩ, Giáp sĩ đến Y dược,...chỉ có Thích khách hệ và hiển nhiên cả Đặc chất nữa là chưa nhìn thấy mặt mũi đứa nào.
Thời tiết thì càng ngày càng xấu xí hơn, may thay trời vẫn còn thương tình không đổ tuyết quá lớn. Nhưng tuyết có dày nữa thì cũng chẳng xi nhê gì với những tên ...mặt áo ấm cả.
Thức ăn thì hoàn toàn ngược lại, Hà Trí Ngân kiếm được rất dễ dàng, đủ các loại từ rau rừng, chuột tuyết, thằn lằn núi, đôi khi là chim non hoặc một vài con rắn ngủ đông xui xẻo cũng đủ để qua bữa.
Một hai tháng chiến đấu sắp tới, Hà Trí Ngân cũng không cần phải lăn tăn quá nhiều về chuyện lấp đầy cái bụng. Vì bây giờ hắn đã học được một phương pháp kiếm ăn hết sức vô lại:
-Ăn...chực!
Gió tuyết và cái óc heo đã đưa đẩy Hà Trí Ngân đến con đường ăn xin này. May cho hắn là đại đa số lũ trẻ đều thích đao kiếm hơn áo ấm nên đứa nào đứa nấy đều lăm lăm một món vũ khí bên người.
Ưa chuộng và phổ biến nhất phải kể đến các loại dao: Từ dao tông, dao quằm, dao găm,... rồi mới đến cung tên, liên nỏ và sau cùng là các loại giáo, mác.
Với những món “hàng” này, việc kiếm ăn trở thành cuộc dạo chơi với lũ trẻ. Điều duy nhất chúng còn quan tâm là giữ gìn sức khỏe để chống lại bệnh tật và giá rét. Cuộc sống khá thoải mái là vậy nên hầu hết bọn chúng đều chấp nhận mắt nhắm mắt mở bỏ qua cho những kẻ ăn chực không biết xấu hổ như Hà Trí Ngân.
Tuy vậy, vẫn tồn tại khá nhiều những thằng không muốn nối giáo cho giặc, dẫu không ăn cũng quyết tâm đạp đổ. Đối với lũ không có “tình người’’ này, Hà Trí Ngân bắt buộc phải giở ra món bảo bối của riêng hắn mà bọn chúng không sao cưỡng lại được:
Đó là lửa!
Bọn nhóc này tất cả đều là tân học viên, tâm hồn vẫn còn khá ngây thơ và đặc biệt là sợ thun ...chim đối với các vị sư phụ nên gần như chẳng có đứa nào đủ gan gian lận.
Mà đã không có gan làm giàu thì chỉ có nước chịu khổ.
Tất cả lũ trẻ muốn đào ra “ánh sáng nhân loại” đều phải xuống suối lượm những viên đá cuội bình thường để đánh lửa. Ngặt nỗi tiết trời đang vào giữa đông thế này thì việc bắt lửa và giữ lửa trở nên rất mất thời gian và luôn luôn khiến người ta phải phát khùng.
Thành ra mỗi khi gặp lũ khốn “đói” hơi ấm này, Hà Trí Ngân và chúng nó đều trở nên đãng trí một cách lạ kỳ khi hắn vô tình “để quên” lại một vài cục than đỏ trên mặt đất còn bên kia là một cái xác thú không trọn vẹn.
Cuộc sống no cơm ấm cật này kéo dài trong vỏn vẹn hai tuần. Đến khi chỉ còn chín ngày nữa là bài thi thứ hai bắt đầu thì những cơn đau đầu khác ngoài nỗi lo cơm áo, mới kéo đến ong ong cái đầu của Hà Trí Ngân.
Tình thế đang dần thay đổi một cách nhẹ nhàng và vi diệu. Bọn trẻ không còn thân thiện và ít thấy ló mặt như lúc đầu. Thay vào đó, rất nhiều đứa trẻ thông minh đều lặng lẽ rời bỏ những khu vực xô bồ trước kia, mà âm thầm di chuyển lên núi cao.
Hà Trí Ngân đang rất sốt ruột, nhưng hắn buộc phải ở lại vì bản thân còn cần thêm một món đồ nữa để có thể lắc mình trở thành một thích khách nguy hiểm trong bài thi thứ hai. Và thứ này khéo thay lại ở trên người một “ân nhân” cũ của hắn. Hay nói chính xác hơn đây là đối tượng thích hợp nhất để hắn nhận ...quà.
Vị “ân nhân tốt bụng” ở đây, không ai khác chính là Ngô Chân Lưu.
Thoạt nhìn thì có vẻ lại là một lựa chọn ngu xuẩn của Hà Trí Ngân, khi có cả đám ong mật ngoài kia mà hắn lại cứ thích đi chọc tổ ong vò vẽ. Nhưng Hà Trí Ngân cũng có cái lý của