Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Đại thích khách (thượng)


trước sau

Vọng gác đêm trăng nhớ giang san

Nhớ nhà đau đáu nỗi niềm mang

Nước non bờ cõi vào tay giặc

Hận lũ sói lang kiếm sẵn sàng

Cửa nhà yên ấm bỗng tan hoang

Chuồng trại cà dưa chốc điêu tàn

Thương dân sống cảnh lầm than lắm

Quặn lòng đau nhói thấu tâm can

Nằm phía Tây cách kinh thành hơn hai trăm dặm, Quan Âm tự tỉnh Sơn Tây đứng trên triền núi Lã Lương cao sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt.  

Mé tả là một ngọn thác hiểm trở, dòng nước hung dữ từ độ cao hơn chục trượng ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xóa.  Mé hữu trái ngược, lại là cánh rừng thông xanh ngắt, lác đác sắc xám của đá núi bốn phía xung quanh.  Trong không khí đẫm hơi nước mát mẻ, khu rừng như khoác lên một màn sương mờ ảo, có phần yên tĩnh hiền hòa.  Một động một tĩnh không hề đối chọi, lạ thay lại kết hợp hài hòa tạo nên kỳ cảnh nhân gian hiếm có.

Không còn ai biết chính xác Quan Âm tự được dựng từ bao giờ, màu thời gian huyền ảo ấy càng phủ lên ngôi chùa này một sắc thái cổ kính và linh thiêng huyền bí, góp phần đưa nó trở thành chốn ưa thích không chỉ của khách hành hương mà cả giới tao nhân mặc khách suốt một dải trăm dặm Sơn Tây.

Có điều hôm nay, Quan Âm tự thường ngày tấp nập lại vắng bóng du khách.  Không những thế, chu vi năm dặm quanh đây càng không một bóng người, ngoại trừ từng tốp lính tuần phòng qua lại.  Vài vị khách phương xa sau cơn hốt hoảng vì bị xua đuổi, hỏi ra mới hay từ mười ngày trước hoàng đế Thuận Trị băng hà khiến thiên hạ rúng động.  Cho nên từ kinh thành xa xôi, xa giá thái hoàng thái hậu Hiếu Trang cùng tân tiểu hoàng đế Khang Hi ngày đêm vội vã khởi hành đến tận Quan Âm tự nơi này, lo chuyện hậu sự cho tiên đế Thuận Trị.  Đồng thời truy tôn thụy hiệu tiên hoàng thành: “Thể Thiên Long Vận Đỉnh Thống Kiến Cực Anh Duệ Khâm Văn Hiến Vũ Đại Đức Hoằng Cung Chí Nhân Sơ Hiếu Chương Hoàng Đế.”

Người ta thường nói: “Hoàng đế động, thiên hạ rùng rùng theo sau.”  Huống hồ giờ đang là thời điểm chuyển giao quyền lực vô cùng nhạy cảm.  Cũng dễ hiểu vì sao ngoài quân địa phương Sơn Tây phong tỏa năm dặm chung quanh, mặt chính diện Quan Âm tự còn cờ xí rợp trời, lớp lớp nhân mã khôi giáp vũ khí sáng loáng, đội ngũ chỉnh tề, canh gác cẩn mật.  Chỉ cần kẻ am hiểu tình hình kinh thành có mặt nơi đây ắt nhận ra cờ hiệu kia đại diện cho đoàn quân Chính Bạch kỳ.  Ngay cả rừng thông bên mé hữu cũng âm u khác hẳn thường ngày, lộ ra một sát khí chết người.  Với địa hình hiểm trở cùng bố phòng nghiêm mật như vậy, kẻ nào có ý định hành thích tân hoàng đế hẳn là điều hết sức ngu xuẩn.

Bất quá trong thiên hạ, thời nào cũng vậy, đâu thiếu kẻ anh hùng hào kiệt, gan lớn trùm đời.

Chính điện Quan Âm tự hương trầm bảng lảng.  Lúc bấy giờ một đứa bé trai độ chừng tám tuổi đang quỳ dưới một tấm bài vị, đứa bé mặc trường bào trắng, khoác mã quái cũng màu trắng, cổ trường bào tròn, ống tay hẹp hình vòng cung, tà áo xẻ hai bên, lưng mang đai đen.  Quanh trán đứa bé quấn khăn tang, trán chạm nền gạch bóng nhẵn, nước mắt rơi trên nền gạch đọng thành vũng.

Một bà lão khoảng năm mươi mấy sáu mươi tuổi đứng bên phải đứa bé trai này, bà lão cũng vận kì trang trắng muốt, cổ áo hình tròn, ống tay áo hình móng ngựa, hai bên trái phải xẻ tà.  Đầu bà đội điền tử, hai bên điền tử không gắn dây rũ, giữa đỉnh đính trâm phượng được tạc bằng bạch ngọc, ngoài ra không khảm nạm thêm châu báu trên điền tử.

Bà lão sở hữu một cặp mày ngài, mũi cao, miệng chữ tứ, góc hàm thon gọn hai bên, với năm bộ phận thiên trung, thiên đình, tư không, trung chính, ấn đường đều cân đối nhau.  Bà lão này chính là thái hoàng thái hậu Hiếu Trang, lúc bấy giờ chẳng khác nào Khang Hi, cũng đang dung nhan sầu lụy, đau buồn ủ rũ, lã chã lệ châu.

Trong chính điện ngoài Hiếu Trang và Khang Hi còn có hai người đàn ông đang quỳ cúi đầu, tuổi tác họ không quá hăm lăm tuổi, họ quỳ sau Hiếu Trang và Khang Hi.  Người đàn ông quỳ bên phải dáng dấp cao to, làn da rám nắng, trên khuôn mặt vuông vức là vầng trán góc cạnh, giữa nhật nguyệt giác có xương lộ lên, đôi mắt khổng

tước và khuôn miệng vuông, bên hông đeo một thanh gươm, chuôi gươm khắc hình song lân.  Người này tên họ Mã Tề, giữ chức Hộ quân thống lĩnh, quân đội Chính Bạch kỳ đặt cho Mã Tề biệt hiệu Thần Kiếm Song Lân.  

Người quỳ bên trái thể hiện vóc người được trưởng thành trong tu dưỡng, khuôn mặt trắng trẻo, vầng trán tròn mà cao, đầy đặn, hài hòa bên trên cặp mày kiếm, đôi mắt như đuôi chim nhạn, tròng đen như mực tàu, to và không thấy đáy, cả hai mí mắt trên dưới đều dài rõ rệt.  Người này là Lại bộ thị lang Sách Ngạch Đồ.  Đừng thấy họ Sách trông như một thư sinh mà coi thường, tuy nhậm quan tước Lại bộ thị lang song đao pháp của Sách Ngạch Đồ rất ổn.  Họ Sách đeo một thanh trường đao phía sau lưng dài một thước rưỡi.  Người trong chốn công môn đặt cho Sách Ngạch Đồ biệt danh Truy Hồn Đoạt Mạng Đao Ca.  

Trong không khí thành kính trang nghiêm bỗng có tiếng y phục lất phất vang lên.  Mã Tề và Sách Ngạch Đồ nghiêng đầu sang bên đưa mắt nhìn nhau rồi ngoảnh đầu nhìn ra sân.

Mã Tề và Sách Ngạch Đồ thấy sân chính điện đang nắng chợt xuất hiện bóng râm.

Mã Tề hô lớn:

- Hộ giá!

Mã Tề dứt lời tám người đáp xuống sân chính điện.  

Người đứng ngoài cùng mé bên trái là một lão ni cô tóc trắng như tuyết, khuôn mặt lạnh lùng sắt thép.  Môi lão ni cô khép chặt, phần môi trên khá mỏng tạo cho người ta ấn tượng đây là con người khắt khe.  Đôi mắt híp, sắc như dao.  Một ống tay áo của ni cô phất phơ trong gió, hiển nhiên lão ni cô cụt mất một tay.  Tay còn lại, cầm cây phất trần.  

Bảy người đứng bên phải ni cô khoác y phục dạ hành, tướng tá bảy người đều cao ráo, đường bệ, uy vũ hiên ngang, cho thấy họ là những người đàn ông.  

Đường lên chùa có tầng tầng lớp lớp quân canh gác, bên ngoài cổng chính điện cũng có mấy vòng phòng vệ, lại nữa thời thần lúc này là giữa ban ngày ban mặt vậy mà tám người này như đi vào chốn không người, đương nhiên họ không phải hạng vô danh tiểu tốt.

Tám người này bất cứ một ai cũng có bản lãnh khuynh đảo một phương.  Giang hồ mệnh danh lão ni cô là Độc Tý Thần Ni, pháp danh Cửu Nạn, và cũng chính là tổng đà chủ của Thiên Địa hội, một bang phái làm phản triều đình nhà Thanh khôi phục triều đại nhà Minh.

Công phu của bảy người đàn ông đạt đến trình độ phi phàm nên có địa vị rất cao trong Thiên Địa hội, ba vạn thành viên Thiên Địa hội gọi họ là đương gia.  Họ thường hay theo Cửu Nạn hành hiệp trượng nghĩa vùng Giang Nam nên giang hồ đặt cho biệt danh Giang Nam Thất Hiệp, họ cũng có danh vọng rất cao trong võ lâm.  Ngoài cường hào ác bá ra, không ít quan quân triều Thanh đã chết dưới tay bảy người này.  

Mã Tề và Sách Ngạch Đồ đồng loạt vụt đứng lên, quay người hướng mặt ra sân chính điện.  Hiếu Trang cũng đỡ Khang Hi đứng dậy nhìn tám tên thích khách.  Mặt mày và cổ Khang Hi đều đầy những chấm đỏ phồng rộp xen kẽ những vết sần ứ nước, do khóc nhiều nên hai mắt sưng húp.  Vầng trán Khang Hi rất cao, chiếc mũi thon nhỏ và thẳng tắp bên trên đôi môi hơi mỏng, đầu mũi hếch nhẹ, sọc mũi cao vừa thanh nhã lại không đánh mất lập thể của khuôn mặt.

Sau khi Cửu Nạn đáp xuống sân chính điện liền ném cây phất trần vào Sách Ngạch Đồ, chỉ cần qua khỏi cái ngưỡng do Sách Ngạch Đồ trấn giữ là có thể lấy thủ cấp Khang Hi.  Còn Mã Tề đứng bên phải Khang Hi, Cửu Nạn để Giang Nam Thất Hiệp giải quyết.  

(còn tiếp)


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện