Phiên chợ đầu xuân ở Sơn Đông thường mở vào ngày mùng tám tháng hai hằng năm. Thông lệ này không rõ có tự bao giờ nhưng cứ đúng ngày, thương lái khắp các tỉnh Tây Bắc và Tây Vực lại đổ xô về mảnh đất trống ở ngoại thành Sơn Đông cùng làm nên phiên chợ náo nhiệt nhất trong năm. Nhưng năm nay vì Hoàng Hà vỡ đê liên tục, khắp cả vùng Sơn Đông chìm trong biển nước trắng xóa, chợ buộc phải hoãn lại mãi cho đến tận đầu thu và dự định kéo dài khoảng một tháng.
Trong dịp này người ta có thể mua bán vô vàn chủng loại hàng hóa từ Nam chí Bắc. Song do điều kiện địa lý, thời tiết nên mặt hàng chính vẫn là tơ lụa, gấm vóc, trà và ngựa, sản phẩm chủ yếu của vùng Sơn Đông. Dĩ nhiên càng không thiếu những lái buôn bày bán lông thú, nhân sâm, thảm len, dược liệu của Tây Vực và thổ cẩm Tây Bắc.
Trên khoảng đất trống kế bên quan đạo, các sạp hàng, cửa hàng dựng lên san sát như nấm sau mưa, chia thành từng khu riêng biệt. Ngoài nơi bày sản vật địa phương có một khu vực riêng chuyên kinh doanh trang sức quý giá như nhẫn, vòng, ngọc bội và đồ thủ công mỹ nghệ gồm tranh ảnh, vải vóc, thảm, chiếu. Nhỏ hơn và lộn xộn là khu vực tập trung các gánh hàng chuyên bán rau dưa, thịt, trái cây và các loại đồ ăn vặt đã được chế biến sẵn.
Bình thường đường đi lối lại trong chợ khá rộng, cánh lái buôn có thể cưỡi ngựa hay mang xe kéo tới từng sạp hàng. Song có ngày cao điểm, thúng mẹt bày la liệt trên mặt đất, người bán chễm chệ trên đòn kê, kẻ đứng người ngồi chồm hổm xúm xít coi và mua hàng. Khi ấy đường chỉ còn đủ cho ba bốn người tránh nhau. Hai bên rìa, tiếng ngựa hí, gà trong lồng kêu quang quác, lợn trong rọ kêu eng éc cùng hàng trăm cái miệng thi nhau rao hàng, kì kèo trả giá bằng đủ các loại ngôn ngữ Hán, Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Một mớ âm thanh hỗn tạp trộn với nhau thành bản hợp xướng ồn ào náo nhiệt.
Bấy giờ là bình minh, mặt trời mới đương le lói đằng Đông, đã không ít người dạo chợ sớm rồi.
Trong đám đông đang ngắm nghía hàng hóa bỗng đâu xuất hiện một thằng bé. Nom nó chỉ độ mười, mười một tuổi, bận áo nâu quần đen. Thằng bé khá cao, ngũ quan cân đối, tay nó cầm một gậy tre, quẩy trên vai một bọc hành lý vắt vẻo, hờ hững như mời gọi đám trộm cắp vặt. Bất quá nhìn bộ y phục tầm thường và có phần hơi cũ kỹ thế kia lũ đạo tặc chẳng thèm động đến.
Thằng bé cứ một mình một đường nhẩn nha dạo qua các gian hàng. Nó hờ hững nhìn lũ nhỏ đang xúm xít quanh các gian hàng bán chong chóng và đồ chơi xanh đỏ bắt mắt.
Đến chỗ mấy gánh bánh bao, đập vào mắt thằng bé là một đứa con gái cũng trạc tuổi nó. Gương mặt đứa con gái đầy những nhọ và bụi bẩn, y phục màu xám tro tả tơi hệt đứa ăn mày, mắt hau háu nhìn những chiếc bánh trắng phau nghi ngút khói mà nuốt nước bọt ừng ực. Chẳng suy nghĩ lâu, nó liền tấp vào.
Ngồi bên lồng hấp là một bà trung niên béo tròn. Mới sáng sớm đã có con bé rách rưới ám quẻ bà ta đã chẳng vui nổi rồi, giờ lại đến thằng nhóc không hơn ăn mày là mấy. Mặt bà ta đanh lại, một tràng chửi mắng chuẩn bị tung ra. Nhưng chỉ trong chớp mắt bão tố lạnh lẽo thoắt chuyển tiết xuân ấm áp hết sức thần kỳ khi thằng bé thò tay vào lưng quần, thản nhiên lấy ra một đồng xu.
Khỏi phải nói, hai cái bánh lập tức được trao kèm nụ cười niềm nở cực kỳ tiêu chuẩn. Nhận bọc giấy dầu, thằng bé đưa luôn cho con bé. Sau thoáng ngỡ ngàng con bé liền chụp lấy cắn từng miếng nhai ngon lành, có vẻ đã nhịn đói lâu ngày lắm rồi. Thằng bé chỉ mỉm cười độ lượng, thích thú ngắm con bé vừa ngồm ngoàm vừa lúng búng gì đó trong miệng. Thoáng chốc, cái bánh được xử lý xong. Khi cơn đói đã được xoa dịu, con bé mới sực nhớ ra. Nó ngượng ngùng chìa ra chiếc còn lại, có điều vẻ tiếc nuối hiện rõ trong mắt.
- Cứ cầm đi, ca không đói! - Thằng bé lắc đầu cười.
Thấy con bé ngần ngại, nó bèn gợi chuyện hỏi han. Từ ánh mắt, cử chỉ, lời nói đều toát lên vẻ quan tâm. Vì thế con bé vừa khóc vừa kể lể như thể gặp lại người thân. Hóa ra nhà nó ở tỉnh Cam Túc đúng vùng tâm lũ nên người thân đã thất lạc cả, chỉ còn bà nội già yếu. Hai bà cháu lếch thếch theo đám dân chạy lụt tới huyện thành thì bà nó ngã bệnh, giờ đang nằm ở cái miếu rách ngoài thành, mấy ngày rồi chưa có gì vào bụng.
Thằng bé động lòng trắc ẩn lại lấy ra đồng xu nữa cho nó. Sau mấy lời an ủi san sẻ muộn phiền hai đứa mới chia tay. Dõi theo bóng hình liêu xiêu của con bé dần xa, thằng bé khẽ lắc đầu như thể một ông cụ non chán ngán nhân tình thế thái. Tay xoa xoa cái bụng đang réo lên òng ọc, nó vừa đi vừa thở dài lẩm bẩm:
- Người tốt bao giờ cũng lận đận.
Nó loanh quanh một lúc bỗng chú ý một đám xúm đông đằng trước. Từ tiếng chiêng trống ồn ào mà đoán hẳn là một đoàn mãi võ. Lòng hiếu kỳ nổi lên, nó liền chen vào xem bản lĩnh của họ thế nào.
Năm xưa, thời Tống Huy Tông có Tống Giang cùng ba mươi sáu hào kiệt phất cờ ở Lương Sơn chống lại triều đình hủ bại. Khởi nghĩa tuy không thành nhưng đã khơi lên tinh thần hiệp nghĩa trừ gian diệt bạo trong trái tim người Sơn Đông. Nên có một thời tập luyện võ nghệ là chuyện rất thịnh hành. Dĩ nhiên trong quá trình tập luyện hay hành tẩu giang hồ không tránh khỏi vài lần ngộ thương. Vì thế phải giắt lưng một phương thuốc hoặc bí dược trị nội ngoại thương là điều bắt buộc. Dần dà có người lại đem nó ra làm kế sinh nhai, trước khi bán thuốc liền biểu diễn vài màn công phu lòe thiên hạ. Danh xưng "mãi võ Sơn Đông" trở nên quen thuộc từ đó.
Giữa mảnh đất trống rộng chừng ba trượng, bày một giá vũ khí và mấy thứ đạo cụ. Một đôi nam nữ đang múa gươm đấu kiếm, người đàn ông tuổi đã trung niên, cô gái thì còn rất trẻ. Khi thằng bé len vào, đang đến đoạn người trung niên chúi đầu xuống đất trồng cây chuối, sau khi cô gái lộn nhào vài vòng liền tung mình đứng chuẩn trên hai bàn chân ông ta. Hít một hơi ổn định thân hình, cô liền làm động tác nuốt thanh kiếm vào bụng. Đám đông tức thì ồ lên khen hay.
Song có kẻ lại không nghĩ vậy, một đại hán lưng giắt thanh đại đao mặt mày đen đúa như than bĩu môi cất tiếng ồm ồm:
- Công phu cũng chỉ tầm thường thế thôi.
Đương lúc huyên náo, lời bình phẩm ấy chỉ mấy người quanh đó nghe được, lập tức ném cho gã ánh mắt khó chịu. Riêng thằng bé lại gật gù biểu thị tán đồng, trong mắt nó mấy trò này đúng là tầm thường quá.
Một gã mặt dơi có vẻ là đồng bạn với đại hán lên tiếng:
- Trương huynh, đệ thấy để giữ được thăng bằng như vậy đôi song trảo kia không tầm thường đâu.
Họ Trương lắc đầu không tán đồng:
- Người anh em, nếu huynh đã từng thấy một người sẽ thấy đây chỉ là trò trẻ con. Một trảo của vị ấy sấm rung chớp giật, vỡ đá tan bia.
- Trương huynh, nhân vật nào lợi hại vậy? - Mặt dơi hiếu kỳ hỏi.
- Trang huynh đã nghe tới cái tên Tần Thiên Nhân chưa?
- Có phải Nam Hiệp Thần Quyền Tần Thiên Nhân? - Họ Trang thốt lên kinh ngạc.
- Chính là người ấy!
- Nhưng đệ nghe nói Tần đại hiệp nổi danh nhờ đôi thần quyền đánh không địch thủ suốt một dải Giang Nam mà.
Đại hán họ Trương khẽ gật lại lắc đầu kể:
- Huynh đệ biết một không biết hai, đôi song trảo của họ Tần cũng cực kỳ lợi hại. Chắc huynh vẫn nhớ Thiết Bi Tặc Thủ, tay đại đạo khét tiếng hoành hành ở Tế Nam nhờ môn công phu Thiết Bố Sam đã luyện đến mức lô hỏa thuần thanh chứ. Bao người muốn trừ y mà không được bởi ngoài da thịt như sắt thép y còn bận thêm một lớp hộ giáp dày. Vậy mà gặp Tần đại hiệp chỉ một chiêu cả người lẫn giáp thủng mười lỗ lớn. Chuyện này chính tôi tận mắt chứng kiến đấy!
Đại hán càng nói càng hăng, đồng thời không giấu nổi vẻ hả hê khi thấy đồng bạn le lưỡi, xuýt xoa sợ hãi.
Không chỉ họ Trang, nãy giờ khi ba tiếng Tần Thiên Nhân lọt vào tai, thằng bé lập tức chú ý rồi. Nó dỏng tai lắng nghe. Nhất thời cảnh tượng kinh tâm động phách ấy như hiện ra trước mắt khiến tim nó đập thình thịch, song phần nhiều là vui sướng.
- Có điều đã lâu, ta không còn nghe tin tức gì về Tần Thiên Nhân nữa - Đại hán họ Trương bỗng trầm ngâm.
- Sao thế Trương huynh?
- Ừm, chính xác thì từ khi Tần đại hiệp gia nhập Thiên Địa hội, trở thành nhị đương gia của bang hội này ít người thấy huynh ấy đi lại trên giang hồ.
- Thiên Địa hội? Thứ cho tiểu đệ kiến thức hạn hẹp, xin hỏi Trương huynh đây là bang phái gì?
- Trang huynh không biết à? - Thoáng nhìn xung quanh, đại hán họ Trương nhỏ giọng xuống vài phần