Quạt lông phe phẩy trên tay
Quân sư trong trướng, quyết chuyện ngoài quân doanh
Đa mưu nổi tiếng sử xanh
Võ hầu Gia Cát phong thần hiển vinh
Nhờ Tôn Hứa Khải có nội lực thâm hậu, lại thêm Nhạc Tam Nguyên lặn lội đường sá xa xôi đi tìm Kim sơn tử, và nữ thần y chăm sóc tận tâm tận lực nên sau mười ngày nội thương của Tôn Hứa Khải lành hẳn.
Sáng nay Tôn Hứa Khải thức dậy, làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng xong xuôi chàng lên gác xép Tâm Thiền thư viện tìm Cửu Dương. Cửu Dương không ở đó, nhưng Tôn Hứa Khải thấy tấm biển ghi “Đông Hải thư viện” đang treo ngay ngắn trên tường, bên trên bàn thờ Khổng Tử. Mặt Tôn Hứa Khải đang khởi sắc liền chuyển sang tím tái. Hiểu Lạc được nữ thần y giao cho nhiệm vụ trông chừng bệnh tình của Tôn Hứa Khải, hay lẽo đẽo theo sau tam gia, nên nó cũng lên gác xép theo. Đúng vào hôm các tú tài vào thư viện để nghe viện trưởng giảng bài, Tôn Hứa Khải và Hiểu Lạc mới lẳng lặng đi xuống hầm.
Một lát sau các tú tài vào thư viện, hồi nữa Cửu Dương theo vào, ngồi ở chỗ cái sập đặt ngay dưới chân bàn thờ. Các tú tài thì ngồi xếp bằng thành năm hàng ngay ngắn trước mặt chàng.
Như mọi hôm, Cửu Dương tận tâm giảng bài, cũng vận trường bào màu trắng quen thuộc, cuốn sách cuộn lại cầm trên tay, cùng một tách trà được đặt trên một cái sập làm bằng ngọc nghiến. Vân nghiến trên cái sập đó nhìn như những lớp sóng cuồn cuộn, khi sờ tay vào ngọc nghiến thấy mát lạnh như chạm tay vào đá. Cái sập có vân gỗ tự nhiên và độc đáo này được xưởng gỗ Hàng Châu tặng cho Hắc Viện. Ngọc nghiến trong tên gọi dân dã nghĩa là nghiến hóa thạch, phần cứng nhất của cây gỗ nghiến, được hình thành từ một nguyên do khuyết tật nào đó, chẳng hạn như sâu bệnh, chặt chém, bị sét đánh... trong quá trình phát triển của cây. Theo đó cây gỗ nghiến phải dồn tích rất nhiều dưỡng chất vào chỗ bị thương để bảo vệ và chống sự xâm nhập từ bên ngoài nên phần này phát triển dị thường, tạo những phần gỗ mọc phình ra, đó chính là ngọc nghiến.
Cửu Dương giảng tới đoạn người thành công nhất định phải có tĩnh khí. Chàng bảo các học sinh:
- Cuộc sống với sự cạnh tranh khốc liệt và vòng xoáy kim tiền đã khiến con người trở nên phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, áp lực đè nặng lên thân thể, họ dễ dàng bực dọc, nóng nảy, gấp gáp, lo âu. Suy cho cùng, cũng bởi vì họ thiếu một phần tĩnh khí.
Cửu Dương nói đoạn, ngừng lại cho các học sinh theo kịp, rồi tiếp lời:
- Cho nên chúng ta phải tĩnh lặng mới có thể nhìn xa, bình tĩnh mới có thể tĩnh khí, tĩnh khí mới có thể làm được việc, làm được việc mới có thể thành công.
Lại ngưng thêm một chút nữa, chàng tiếp:
- Quá trình hàm dưỡng tĩnh khí chính là quá trình tìm lại sự cân bằng, kiến tạo một loại hài hòa và thành tựu nên một loại cảnh giới. Có tĩnh khí, mới có thể thực sự không màng danh lợi, tâm thái bình thản, không bị tiến thoái quấy rầy, thản nhiên trước sự sủng ái và không sợ hãi trước sự nhục mạ. Có tĩnh khí, mới đặt được ý chí ở nơi cao xa, tâm đặt ở chuyện lớn mà không bị thành tích làm cho kiêu ngạo và thất bại làm cho uể oải, chán nản. Có tĩnh khí, mới coi nhẹ trước bất kể danh lợi nào. Dưỡng được tĩnh khí, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh, cử trọng nhược khinh. Dưỡng được tĩnh khí chúng ta sẽ vô sự, bình thản và siêu việt chính mình, ngay thẳng, chính trực để xử thế. Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tĩnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật.
Chàng nói tới đây thì hỏi các học sinh:
- Các vị còn nhớ hôm trước chúng ta học qua lá thư Gia Cát Lượng viết cho con trai ngài trong đó nói những gì?
Một tú tài đáp:
- Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức, phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phu học, tu tĩnh dã tài, tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.
Cửu Dương hỏi:
- Nghĩa là gì?
Tú tài nọ trả lời:
- Nghĩa là hành của người quân tử là tĩnh để tu thân, cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì cái chí không sáng, không tĩnh lặng thì chí không xa, phải tĩnh mới học được và muốn có tài phải học, không học thì không mở rộng được cái tài, không có chí thì học không thành.
Cửu Dương nghe vậy rất hài lòng, gật đầu:
- Đấy chính là lĩnh hội cả đời của Gia Cát Lượng.
Cửu Dương giảng hồi lâu nữa mới xong bài học, các tú tài đứng dậy cúi chào chàng rồi xuống căn gác rời khỏi thư viện. Một nhóm người đợi các học sinh đi rồi, từ địa đạo lên gác xép. Cửu Dương ngó thấy gương mặt Tôn Hứa Khải toàn là những đường nét tá hỏa thần hồn, biết tam ca sẽ nổi cơn thịnh nộ với chàng, mà tánh tình tam ca chàng lúc nóng lên không thua Hỏa Diệm Sơn. Cửu Dương ngồi yên chẳng nói chẳng rằng, vẻ mặt nom có vẻ chịu đựng, chàng đặt quyển sách xuống bàn, lẳng lặng bưng tách trà lên, dùng nắp tách trà gạt nhẹ lá trà trong nước.
Khi này thư viện im phăng phắc, mọi người cũng hầu như nín thở, đương nhiên ngoại trừ Tôn Hứa Khải.
Quả thực Tôn Hứa Khải chuẩn bị phun lửa, nhưng chưa mở miệng thì Lâm Tố Đình nói:
- Muội đã bảo mà, không nên treo miếng gỗ đó lên, ngài viện trưởng, ngài hãy nhìn đi, tất cả mọi người ở đây ai ai cũng bất mãn với việc làm của ngài cả đó, còn không mau tháo miếng gỗ đó xuống!
Trần Tôn cũng lắc đầu nói:
- Viện trưởng à, lão nô đây theo ngài bao năm, sau khi phu tử qua đời tôi nguyện theo hầu ngài, nhưng lần này… không bênh được cho ngài rồi đó!
Cửu Dương nghe ông lão nói trong lòng chàng thoáng buồn, ngay cả người đệ tử yêu quý chàng nhất trên đời, Cửu Dương phát hiện Hiểu Lạc cũng nhích ra xa chàng mấy bước. Nó liên tục gãi gãi đầu nói:
- Haizzz.
Cặp Lữ huynh đệ, Nhạc Tam Nguyên cũng lắc đầu thở dài ngán ngẩm.
Lâm Tố Đình được dịp nói:
- Thế nào? Huynh ngại không lấy xuống, vậy để muội.
Cửu Dương không xê dịch, Lâm Tố Đình tưởng chàng đồng ý nàng rùn chân định triển khai khinh công.
Kịch! Cửu Dương liền có phản ứng, chàng đặt tách trà xuống bàn.
Lúc này nữ thần y mới lên gác xép, nàng tìm Tôn Hứa Khải coi mạch lần cuối, nữ thần y đứng sau đám đông nói:
- Đình tỉ khoan hãy ra tay tỉ thí võ công với Thiên Văn, chữ trên tấm biển hôm nay không phải chữ trên tấm biển hôm quan tri huyện mang đến Hắc Viện đâu.
Nghị Chánh nhìn biển nói với nữ thần y:
- Huynh đâu thấy thay đổi chi đâu, phải nói Thiên Văn huynh ấy giả dạng