Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Văn Vận Phủ (trung)


trước sau

Lại nói đến Phi Yến, từ khi gặp lại Tiểu Tường, Phi Yến cứ than thầm, nhưng được cái Tiểu Tường chưa nhận ra hai chị em nàng.  Phi Yến định làm theo lời tỉ tỉ nàng, đi nói ra sự thật chuyện nàng cải nam trang trêu chọc Tiểu Tường rồi xin lỗi.  Nhưng ngặt nỗi mỗi lần Phi Yến thấy Tiểu Tường ở cạnh Cửu Dương, cười cười, nói nói, rồi làm ra vẻ “ta đây quen chàng trước, nên hiểu chàng hơn ai hết,” Phi Yến lại bực!

Hơn nữa Nghị Chánh, Trần Tôn, nghe Tiểu Tường kể về chuyện Tiểu Tường bị tên du thủ du thực sờ ngực, đã lớn tiếng chỉ trích, bọn họ giận tên công tử đó biết chừng nào.  Phi Yến tưởng tượng cái cảnh Cửu Dương cũng phát hiện ra nàng chính là người trêu ghẹo Tiểu Tường, chắc sẽ không nhìn mặt nàng quá!  Hoặc tệ hơn, chàng sẽ đuổi hai chị em nàng đi khỏi Đồng Sơn.  Phi Yến tự mình nhát mình đến đây, bị cái suy nghĩ không được ở bên Cửu Dương nữa mà cảm thấy đau lòng quá thể.

Thế là Phi Yến cứ thấy Tiểu Tường ở đâu là tránh như tránh tà ở đó.  Nhưng một hôm, Phi Yến tức quá, đành phải ở lại đấu khẩu với Tiểu Tường.  Chả là hôm đó Phi Yến canh lửa nấu cơm, nhưng nàng rời đi một lúc để luyện khinh công, tới khi trở về cơm đã bị khê, Phi Yến thở dài một tiếng.

Hiểu Lạc bưng rổ rau đã được nó lặt xong mang đến cho Phi Yến xào nấu, thấy mặt mày Phi Yến một đống, như vừa đánh rơi mất tiền, nó hết sức quan hoài liền hỏi nàng:

- Phi Yến sư cô, vết thương lại đau ư?

Phi Yến tưởng Hiểu Lạc ngỡ nàng tập khinh công về đã bị thương, trả lời:

- Vết thương gì? – Phi Yến nói - Ta đâu có bị thương đâu.

Hiểu Lạc nhìn quanh quẩn, sau khi không thấy Cửu Dương ở quanh đó nó hạ giọng nói:

- Phi Yến sư cô, tuy sư cô thích sư phụ con thật, nhưng đâu có biết được tâm sự của thầy.  Con xem tấm lòng tương tư của sư cô rồi cũng chẳng đến kết quả gì đâu!

Phi Yến bị thằng quỷ nhỏ đi guốc trong bụng nàng hứ dài:

- Nhóc tì!  Mi hỉ mũi còn chưa sạch, xen vô chuyện người lớn làm gì?

Phi Yến vừa nói vừa tiến lại gần Hiểu Lạc, thằng bé nhanh như sóc ôm rổ rau lui mấy bước ra khỏi tầm đánh của Phi Yến.  Phi Yến không cốc được đầu Hiểu Lạc, vội bước theo, đúng lúc này Tiểu Tường từ phía sau Hiểu Lạc đi lên, thằng bé liền nấp sau lưng Tiểu Tường, ló đầu ra cười hì hì.

Tiểu Tường dang tay che chắn cho Hiểu Lạc, nói với Phi Yến:

- Nó còn nhỏ không xía vào được nhưng tôi có thể xía vào được!  Để tôi bảo chứng lời của nó rằng nó nói đúng cả mười phần!  Vì đã có người xinh đẹp gấp mười lần cô, cũng dịu dàng gấp mười, hiểu huynh ấy gấp mười lần cô ở trong tim Thiên Văn.  Cho nên, huynh ấy đứng trước mặt cô chứ tôi dám chắc huynh ấy chẳng thấy gì cô hết!  Đã bao ngày cô ở bên huynh ấy rồi còn chưa hiểu gì sao?  Huynh ấy đã từng nói một lời ngọt ngào với cô chưa?  Hay huynh ấy chỉ lặp lại các chiêu thức võ công cho cô rồi đi mất?  Cô ngu đến nỗi không nhận biết?  Huynh ấy không nói lời ngọt ngào, không phải huynh ấy không biết nói, mà bởi huynh ấy dành lời đó cho người khác nghe.  Cô và tỉ tỉ cô được theo huynh ấy học võ công, hằng ngày mặt đối mặt nhau, trong lòng vui sướng lắm nên mới không nhận biết.  Hay là cô đây cố tình không muốn biết?  

Tiểu Tường hổm rày bực bội lắm, chả là nàng không có tư cách gì đuổi hai tình địch này xuống núi, nên giờ mới xổ một tràng ra.  Mà toàn là lấy lời châm chọc Phi Yến, nâng cao nữ thần y.  Miễn sao cho cô gái này đau lòng nàng mới hả dạ!

Dĩ nhiên Phi Yến nghe Tiểu Tường nói thế, hết sức tức tối, nhưng Phi Yến nghĩ lại lời Tiểu Tường có chút không sai, bao nhiêu bực bội của nàng đột nhiên biến thành buồn phiền.  Cũng may Phi Yến rất tự tin nên chỉ buồn một chút rồi nàng bỏ qua, vẫn cứ quyết định đeo đuổi Cửu Dương.  Vì Phi Yến vốn dĩ nghĩ trên đời này nàng xinh đẹp nhất, tuy Cửu Dương đối với nữ thần y có mối tình sâu đậm nhưng xa mặt thì cách lòng. Thời gian sẽ làm phai mờ đi hình bóng nữ thần y.  Chẳng phải cổ nhân có câu mỡ treo miệng mèo, mèo không nhịn được sao?  Lại nữa, người xưa cũng nói thời gian là liều thuốc để tìm quên, nên nàng hy vọng chàng sẽ quên đi người con gái đó, vì nàng chính là liều thuốc tốt nhất khiến chàng quên đi mối tình khắc ghi trong xương tủy đó!

Khi này Nghị Chánh đi săn được mấy con thỏ về, nghe được mấy lời thoại của Tiểu Tường và Phi Yến, vừa trao mấy con thỏ cho Hiểu Lạc cầm giữ vừa nói:

- Phi Yến muội muội, muội đừng có nghe cô chủ quán rượu nói bá láp rồi nản chí nghen.  Nước chảy thì đá mòn mà, phải không?  Có mấy muội ở đây kể chuyện đời xưa, ai ai cũng vui, bằng không các huynh chẳng biết làm sao cho Thiên Văn hắn khuây khỏa đây, suốt ngày hắn cứ như đang... sắp chết tới nơi vậy đó!

Phi Yến nghe Nghị Chánh gọi nàng là muội muội chứ không còn là “Lộ cô nương” nữa, đủ biết thân mật chừng nào, mặt mày tươi như hoa bèn nói với Nghị Chánh:

- Cô ta thích châm chọc người khác, muội chẳng thèm để ý.

Tiểu Tường nổi giận đùng đùng, từ khi phát hiện chuyện Cửu Dương yêu nữ thần y, nàng đã bực!  Rồi tiếp theo lại phải ở chung với hai đại tình địch, nàng kìm nén cơn bực tức như một cái núi lửa chỉ chực phun trào.  Giờ nghe Nghị Chánh bảo nàng toàn là ăn nói bá láp bèn nhìn Nghị Chánh hỏi:

- Nè, Lữ nhị thiếu gia!  Quả thực huynh ấy yêu tha thiết nữ thần y, chỉ yêu một mình nàng ấy thôi, hai người họ lúc nhỏ đã có thề ước, mấy người không tin phải không?  Để lát nữa tôi sẽ hỏi huynh ấy coi có đúng không, để chính miệng huynh ấy nói ra cho mấy người tin!

Hiểu Lạc nghe thế lập tức nhảy chồm chồm:

- Ôi!  Cho con lạy mấy sư cô sư bá, sư phụ mà biết con là người khơi ra cuộc tranh cãi này là con có mà bét đít!

Tiểu Tường vẫn kéo tay Phi Yến đi tìm Cửu Dương.  Nghị Chánh nhìn trời, thấy đã quá trễ, cơm chiều vẫn còn chưa nấu xong nên ở lại nấu cơm.  Hiểu Lạc cũng thấy hai người con gái vạch rèm bước vào lều Cửu Dương, cũng ở lại bên Nghị Chánh không dám đi theo.  Phi Yến và Tiểu Tường bước vào lều, thấy Cửu Dương đang ngồi ở một góc lều chăm chú đọc một trang giấy.  Trần Tôn ngồi cạnh Cửu Dương mài mực.  Tiểu Tường

bước lại lấy giấy trải ra cho chàng.

Phi Nhi ngồi bên Cửu Dương, hạ xấp giấy đang cầm trong tay ngẩng đầu lên nhìn Phi Yến nói:

- Chiều nay đến lượt muội nấu cơm đấy, muội đã nấu xong chưa?  Có cần tỉ ra giúp một tay không?

Phi Yến lắc đầu, Phi Nhi cầm xấp thơ Đường lên, tiếp tục làm việc của nàng.

Phi Yến chờ đợi Tiểu Tường hỏi Cửu Dương về nữ thần y nhưng Tiểu Tường chỉ đứng nhìn chàng nói:

- Huynh đã làm việc mấy canh giờ rồi, huynh hãy dừng lại nghỉ tay một chút đi, được chăng?  Hay là huynh cũng định như mấy ngày qua, mỗi ngày chỉ ăn một cữ thôi và mãi đến canh năm mới ngủ?

Cửu Dương ngẩng lên mỉm cười với Tiểu Tường, rồi cúi xuống tiếp tục xem những con chữ trên trang giấy.  Hiểu Lạc thò đầu vô lều nói:

- Tiểu Tường sư cô ơi, nếu sư cô thấy không an tâm thì để con ngày ba bữa mang cơm vào cho sư phụ con, cũng sẽ khuyên sư phụ hễ sau một canh giờ là bỏ bút xuống ra ngoài khoảng nửa khắc dạo chơi, sư cô cứ ra ăn cơm rồi đi ngủ trước đi.

- Đúng đó – Phi Yến nói - Có Hiểu Lạc, Trần thúc và tỉ tỉ tôi ở đây, huynh ấy không cần thêm người bên cạnh phục vụ.  Cô hãy cùng tôi ra ngoài đi, đừng lằng nhằng như mẹ huynh ấy vậy được không?

Tiểu Tường nghe Phi Yến nói nàng lằng nhằng như mẹ Cửu Dương, đâm quê độ không để đâu cho hết.  

Tiểu Tường quay phắt sang long mắt lên nhìn Phi Yến.  Cô ả muốn xua nàng ra ngoài để hai tỉ muội cô ấy độc chiếm cực phẩm đây!  

Trần Tôn nãy giờ chỉ ở bên Cửu Dương cười ruồi chứ không nói câu nào, thấy Tiểu Tường chuẩn bị khẩu chiến với Phi Yến, vội lên tiếng:

- Nào có gì đâu, chẳng qua vì Tiểu Tường tiểu thơ lo lắng cho sức khỏe viện trưởng thôi.  Còn Phi Yến tiểu thơ thì muốn để viện trưởng yên tịnh để sớm ngày hoàn thành tập thơ Văn Vận Phủ, hai cô đều có ý tốt, không phải tranh cãi làm gì.

Tiểu Tường nghe Trần Tôn nói, nàng mới chịu thôi không cãi nhau với Phi Yến nữa.

- Cám ơn Trần thúc đã hiểu cháu – Tiểu Tường nhìn Trần Tôn nói - Đúng là từ khi cháu đến Hàng Châu, gặp huynh ấy, cháu có hứa là mãi luôn bên cạnh chăm sóc huynh ấy từng miếng ăn đến giấc ngủ, nhưng nếu sự lo lắng của cháu làm có người không vui, thì cháu không nói nữa, cháu ra ngoài dọn cơm đây.

Nói xong Tiểu Tường bỏ đi ra ngoài.

Năm ngày sau, tập thơ Tống được hoàn chỉnh.  Mỗi ngày Phi Nhi cũng đều dành thời gian xem tập thơ Đường, ngày nào nàng cũng danh chánh ngôn thuận ra vào trong lều Cửu Dương.  Tiểu Tường ganh lắm, nhưng biết làm sao khi nàng không có tài văn chương nên không “tiếp cận” chàng được.

Tiểu Tường thấy Phi Nhi độc chiếm cực phẩm, gai mắt giở giọng cà khịa:

- Làm gì mà có người cứ bám huynh ấy như ma hoài vậy?

Phi Yến bênh chị, khinh khỉnh đáp:

- Người ta đi làm việc chữ nghĩa, việc gì đến cô?

Lối ăn nói trịch thượng của Phi Yến khiến Tiểu Tường tái mặt.  Tiểu Tường đương nhiên không có ngu mà không biết Phi Yến đang châm chọc cái tội “thất học” của nàng.  “Hứ!  Mù chữ cũng đâu là tội,” Tiểu Tường tự nhủ, thực ra từ khi quen Cửu Dương nàng cũng được chàng dạy cho chút ít đấy chứ.  Mà nàng vốn không ưa chữ nghĩa, chỉ thích pha rượu, cho nên dĩ nhiên vốn từ của nàng chỉ đủ dùng để... viết tên những thẩu rượu mà thôi.  Mỗi khi “bị” thầy giảng bài cho nghe, Tiểu Tường lại xua tay nói:

- Hôm nay không học có được không?  Không phải muội làm biếng đâu, chỉ là muội quen với chữ nghĩa nhưng bọn chúng không chịu quen muội thôi!

Những lúc như vậy Cửu Dương chỉ đành lắc đầu không nói tiếp lời nào.

Nay Tiểu Tường bị Phi Yến nói, nàng biết mình yếu thế, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.  Sửng cồ cãi lại, nàng sợ bị ghép vào tội trạng "ghen tị."  Ghen tị thì chẳng hay ho gì.  Vì vậy, nàng lầm lũi bỏ đi.  Tiểu Tường đi xa lắc xa lơ mà Hiểu Lạc và Nghị Chánh còn nghe tiếng nàng nghiến răng ken két.

Hiểu Lạc lặng lẽ chứng kiến cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy kịch tính giữa hai đối thủ.  Và nó bỗng phát hiện ra so với tài đức, nhan sắc chẳng là cái quái gì.  Sắc đẹp của đàn bà con gái chỉ là... tép riu.  Chỉ có hạn thôi, mai này cho dù ai xinh đẹp cách mấy cũng như hoa phải tàn.  Còn kiến thức là vô giá.  Năm xưa Hoàng Nguyệt Anh chẳng cần sử dụng đến nhan sắc của mình, chỉ cần tài năng, kiến thức và đức tính vẫn chinh phục được Gia Cát Lượng đấy thôi.

Về phần Tiểu Tường thì vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ Phi Nhi.  Người đẹp, người xinh, người giỏi võ công, mông nẩy ngực nhô… rốt lại chẳng bằng cái người có học.  Người văn sĩ được làm thơ, viết văn, viết thư tình, được in vào sử sách, người người thán tụng, ngàn thu ca ngợi, lại còn được… ở bên chàng.  Từ giờ phút đó, nàng mơ ước trở thành văn sĩ.  Nàng thèm địa vị của Phi Nhi.  Nàng sẽ bắt đầu làm thơ!

Quyết định xong Tiểu Tường vội vã đi tìm Nghị Chánh, tuy nàng khắc khẩu Nghị Chánh nhưng chàng là người thân nhất của nàng ở Đồng Sơn này, tất nhiên ngoài trừ Hiểu Lạc còn nhỏ và Trần Tôn lớn tuổi mắt kém chẳng còn thấy gì là chữ chứ nói chi mà thơ với thẩn!  Nàng phải hỏi ý kiến Nghị Chánh, xem có nên trở thành một văn hào thi sĩ hay không?

(còn tiếp)


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện