Thảo với bậc hiền triết
Luận với bậc cao minh
Lại nói tiếp chuyện xảy ra trong Quan Âm tự nơi Cửu Nạn và Giang Nam Thất Hiệp đang tập kích Khang Hi.
Cửu Nạn buông tay, cây phất trần xoay tròn lao đi như một bánh xe gió hướng vào Sách Ngạch Đồ.
Sách Ngạch Đồ rút thanh đao đeo ở sau lưng chàng ném ra, thanh đao cũng xoay vù vù như bánh xe gió hướng vào phất trần.
Hai loại binh khí chạm nhau ở giữa cửa chính điện. Mũi đao chém một nhát vào túm lông phất trần.
Bùng!
Một âm thanh trầm đục vang lên. Túm lông ngựa nổ tung, tơ vụn bay mù mịt như một tấm màn che cửa chính điện. Phần gỗ của cây phất trần được Cửu Nạn quán chú đầy nội lực, cắt gãy lưỡi đao của Sách Ngạch Đồ.
Sách Ngạch Đồ lao ra khỏi tấm màn tơ vụn.
Cửu Nạn thấy Sách Ngạch Đồ phóng ra ngoài sân chính điện liền xuất chiêu Càn Khôn Tập Trảo, năm ngón tay Cửu Nạn co lại như một cái móc câu nhắm vào cổ Sách Ngạch Đồ, chộp lấy. Sách Ngạch Đồ chẳng phải tay mơ, thu nắm tay thành quyền đánh trả.
Binh!
Thêm một tiếng động lớn phát ra từ nắm tay Sách Ngạch Đồ và lòng bàn tay Cửu Nạn.
Hai người cùng lui một bước, thu tay về.
Trong lúc đó, bảy người mặc y phục dạ hành đã vào chính điện. Khang Hi và Hiếu Trang tụm lại một chỗ. Mã Tề đứng chắn trước mặt Khang Hi và Hiếu Trang.
Bảy người áo đen định vây Mã Tề, Khang Hi và Hiếu Trang vào giữa, đột nhiên từ trên trần nhà một đám thị vệ đu dây đáp xuống che chắn cho Khang Hi và Hiếu Trang. Đồng thời, một bọn thị vệ khác từ trên trần nhà chỗ gần cửa ra vào chính điện cũng đu dây xuống, ùn ùn hộ giá. Bảy người áo đen đưa mắt nhìn nhau, hội ý rất nhanh, lập tức chia ra một nửa tiếp tục thích sát Khang Hi, nửa còn lại chống đỡ tập kích phía sau lưng.
Chính điện Quan Âm tự có hai tầng, giữa hai tầng xây một gác lửng, cho nên tận dụng lúc bọn thị vệ cản đám thích khách, Mã Tề dẫn Khang Hi và Hiếu Trang chạy lên gác xép này.
- Đại ca, đừng để hoàng đế tẩu thoát!
Trong bảy tên thích khách có kẻ hô lớn. Liền đó một kẻ đầu to, vai u thịt bắp nhảy qua đầu đám thị vệ đáp xuống lưng chừng cầu thang. Từ trên gác xép ùa xuống một toán binh lính, gã đầu to đứng ở giữa cầu thang cho tay vào ngực áo rút ra một sợi dây xích, đầu sợi dây gắn liền với một vật mà khi gã ném sợi xích vào toán lính món vật banh ra giống cái lồng chim. Cái lồng chụp vào đầu một tên lính Thanh đứng gần nhất.
Trong lồng sắt có nhiều cạnh bén nhọn, gã đầu to thét lớn một tiếng trợ oai rồi giật cái lồng về. Cái đầu tên lính rời khỏi cổ bay theo cái lồng.
Thân hình không đầu rơi khỏi cầu thang. Toán lính đứng trên cầu thang trông thảm trạng của đồng bạn không khỏi hoảng hốt chùn cả lại, sợ hãi nhìn cái đầu đồng bạn rơi ra khỏi chiếc lồng sắt, lăn mấy vòng trên sàn chính điện. Gã đầu to nắm sợi xích xoay vù vù, chiếc lồng quay mòng mòng ở bên hông gã, chuẩn bị ném tiếp.
Mã Tề đứng trên gác lửng cả kinh kêu lớn:
- Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi!
Mã Tề nói rồi giục Hiếu Trang và Khang Hi chạy lên lầu hai.
Hiếu Trang vừa chạy vừa hỏi:
- Mã ái khanh, Thiếc Đầu Lôi có nghĩa là gì?
Khang Hi chạy phía sau Hiếu Trang. Mã Tề theo chân Khang Hi, đáp:
- Dạ bẩm thái hoàng thái hậu, Thiếc Đầu Lôi là biệt hiệu tên vừa rồi. Tên này mới xuất hiện thời gian gần đây song vô số quan binh triều đình chúng ta đã mất mạng trong tay hắn. Thái hoàng thái hậu thứ lỗi thần vẫn chưa biết thân phận thật sự của hắn, bởi mỗi lần hắn ra tay đều che kín mặt mũi như vậy. Thứ vũ khí hiểm ác độc địa kia chính là vật để nhận ra hắn.
Khang Hi nói:
- Vũ khí sắc bén, nhanh và chuẩn xác, lấy đầu người trong nháy mắt giống y cái tên Thiếc Đầu Lôi của nó.
- Vâng ạ - Mã Tề nói - Giết người như chớp. Như vậy thì bọn chúng chính là Giang Nam Thất Phỉ, và ni cô kia là Độc Tý Thần Ni Cửu Nạn!
Họ Mã nói trúng phóc, Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi chính là một trong bảy Giang Nam Thất Hiệp, được những thành viên của Thiên Địa hội gọi là đại đương gia, vì là người lớn tuổi nhất trong bảy vị Giang Nam Thất Hiệp, thứ bậc của sáu người đương gia còn lại lần lượt xếp theo tuổi tác.
Cả bọn bảy đương gia đều xuất thân từ lò võ Thiếu Lâm mà ra, mà nói đến sư phụ bọn họ, lai lịch lại càng kinh người.
Trong mấy đời trụ trì Thiếu Lâm tự gần đây nổi danh nhất có một vị đại sư pháp danh Giác Viễn. Dù đã viên tịch song nhắc đến ông người giang hồ không ai không biết tiếng. Vào những năm Hoàng Thái Cực, vị vua thứ hai của triều đình nhà Thanh khi ấy còn đang rong ruổi trên lưng ngựa nơi biên cương tái ngoại, đánh chiếm giang sơn Đại Minh thì Giác Viễn đại sư nhờ sáng lập ra bộ Thất Thập Nhị Huyền Công mà thanh danh vang dội võ lâm Trung Nguyên, được thiên hạ tôn xưng Võ Thánh. Trong bộ võ thuật của Giác Viễn nổi bật nhất là hai tuyệt kỹ Thiên Thủ Quyền và Cửu Ảnh Cước Pháp.
Khéo thay, khi đó vùng Đông Bắc cũng nổi lên một người là Long Thiên Hổ, tự xưng Võ Ma. Họ Long là một chuyên gia ám khí, nổi danh bất khả chiến bại. Loại ám khí họ Long thành thạo có rất nhiều nhưng tinh thông nhất là phi đao. Long Thiên Hổ sáng lập đao pháp Cửu Hành Thần Đao với chiêu tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao. Kẻ Nam người Bắc, vô hình chung hai vị cao thủ được khách giang hồ đem ra so sánh những lúc trà dư tửu hậu. Từ đó lưu truyền vô số câu chuyện li kì, bay khắp các vùng đại giang Nam Bắc. Dù vậy bọn họ không hề có ý định gặp nhau tranh cao thấp, mặc kệ thiên hạ bàn tán.
Nhưng đến một ngày Long Thiên Hổ quyết định vượt đường xa vạn dặm từ Hắc Long Giang đến tận chùa Thiếu Lâm Phúc Kiến tìm Giác Viễn yêu cầu tỉ thí thì mới hay đại sư đã qua đời trước đó hai ngày rồi. Trận tỉ thí cả võ lâm mong đợi vì vậy không thành, để lại vô vàn tiếc nuối. Quyển Binh Khí Phổ nổi tiếng của Lộ Thần tiên sinh đành xếp hạng Võ Thánh - Võ Ma ngang nhau.
Sau này có người thắc mắc tại sao Long Thiên Hổ không tìm đến Thiếu Lâm tự thách đấu sớm hơn mà phải chờ đến tận lúc đó? Quanh chuyện này có nhiều giả thiết song đáng tin nhất, nghe nói sau khi triều Minh bị thôn tính vào tay những người thắt bím tóc Giác Viễn đại sư nản lòng thoái chí lui khỏi chốn võ lâm. Nhưng thực ra ông bí mật cùng một số nghĩa sĩ nổi tiếng như Lâm Vĩ, Tần Nhị và Mã Lương theo phò một vị công chúa triều Minh khi đó vừa xuống tóc làm ni cô. Năm người âm thầm lập ra một hội kín tụ tập anh hùng thiên hạ chống đối triều đình nhà Thanh. Mà Long Thiên Hổ khi ấy lại là đại diện tiêu biểu cho giới cao thủ vùng tái ngoại, quê hương của người Mãn Châu. Chỉ cần họ Long đả bại Giác Viễn chẳng khác nào phá sập biểu tượng Thiếu Lâm tự, đánh tan niềm kiêu hãnh của người Trung Nguyên. Có điều người tính không bằng trời tính, họ Long chỉ chậm có hai ngày, toan tính của người Mãn Châu đã thất bại.
Thực hư không rõ ra sao có điều từ hôm đó người trong giang hồ không thấy Long Thiên Hổ đâu nữa. Đao pháp Cửu Hành Thần Đao vì vậy mà mai một dần. Phải mãi tới năm Thuận Trị thứ mười hai người ta mới lại thấy một thiếu niên sử Cửu Hành Đao Pháp một cách thần kỳ ở trận đánh với nước Nga tại thung lũng Hắc Long Giang. Thế là một lần nữa, chủ đề về Võ Thánh - Võ Ma lại bùng lên, trở thành tâm điểm bàn tán sôi nổi hằng ngày trong các tửu lâu. Khách giang hồ háo hức hỏi nhau không biết đến khi nào thì truyền nhân của Võ Ma lại tìm tới truyền nhân của Võ Thánh để thách đấu nữa đây?
Bất quá tạm gác câu chuyện võ lâm bí sử này lại. Trở lại Quan Âm tự, Khang Hi, Mã Tề, Hiếu Trang đã lên lầu hai.
Mã Tề quay lưng về phía Khang Hi và Hiếu Trang, dang hai tay ra che chắn cho Khang Hi và Hiếu Trang. Khang Hi đứng sau lưng Mã Tề, hỏi:
- Trẫm với bọn họ chẳng quen biết cớ sao lại muốn hại trẫm?
Mã Tề đáp:
- Hoàng thượng là tương lai giang sơn và muôn dân trăm họ. Bọn chúng lại là dư nghiệt Minh triều, chính là muốn phá hủy cơ nghiệp Đại Thanh ta đó ạ!
Dưới lầu vẳng lên tiếng vũ khí va loảng xoảng, tiếng hò hét, tiếng rú thảm thiết đau đớn của lũ thị vệ. Trong đầu vị hoàng đế tám tuổi bất giác nảy sinh trăm mối suy tư: "Hôm nay bao người vì bảo vệ ta mà mất mạng dưới tay bọn thích khách, nhưng càng nhiều hơn nữa, là bao tướng sĩ đã đánh đổi mạng sống để giành lấy giang sơn Đại Thanh này. Lẽ nào ta mang họ Ái Tân Giác La lại hèn nhát trốn sau lưng Mã Tề. Tổ phụ trên trời mà biết hẳn tức giận lắm thay."
Nghĩ tới đó một cơn phẫn nộ dâng lên, Khang Hi bước xéo một bước đứng song song Mã Tề, nghiến răng nghiến lợi nói với đám lính trên lầu:
- Một đám giặc cỏ mà dám mưu đồ hủy cơ nghiệp của chúng ta ư? Giết hết bọn chúng cho trẫm!
Dù giọng trẻ con còn non nớt song đã phảng phất thần thái của đấng cửu ngũ chí tôn. Mã Tề thầm cảm thán Khang Hi, nhủ bụng: "Thực đúng là thiên tử, dù là hổ con thì hổ vẫn là hổ."
Hiếu Trang không khỏi vui mừng trước sự trưởng thành của cháu nội, gật đầu cao giọng tiếp lời:
- Tất cả xông xuống lầu cho ai gia! Người nào giết được thích khách, ai gia phong Tứ đẳng thị vệ, thưởng ngàn lượng.
Mã Tề nói với đám thị vệ trên tầng hai:
- Đã nghe thái hoàng thái hậu ban chỉ hay chưa, kẻ nào còn do dự không xuống giết thích khách lập tức khép tội khi quân!
Người ta nói "thưởng to ắt có dũng sĩ" quả không sai, đám thị vệ chạy xuống cầu thang dẫn xuống gác xép. Mã Tề nắm lấy cổ tay một tên lính giữ lại trên lầu hai.
Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi đã lên được gác xép, vung sợi xích vào đám thị vệ đang đứng trên cầu thang dẫn lên tầng hai.
Máu nhuộm đỏ căn gác, bốc lên mùi tanh tưởi rợn người.
Đám thị vệ vừa lo bảo vệ cầu thang dẫn lên tầng hai vừa nơm nớp sợ hãi thứ vũ khí chết chóc kia nhắm vào mình. Thế là Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi phản khách vi chủ, chiếm được thượng phong. Bọn thị vệ rối loạn cả lên, tám người bị Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi đả thương, phút chốc lại thêm sáu kẻ xấu số bay đầu. Nhân cơ hội đó, Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi tiến lên được bảy bậc thang.
Nói đến sáu người đương gia phía dưới cùng, sáu người đang phải chống cự kịch liệt với quân Thanh. Họ hạ được rất nhiều quân Thanh nhưng cứ giết hết lớp này lại thấy một lớp khác xông tới, liên miên không dứt như sóng xô bờ.
Đúng lúc đó từ ngoài cổng chính điện có thêm một toán lính Thanh và một viên quan ùn ùn kéo vào.
- Không xong, bọn viện binh đến rồi! - Một trong sáu người đương gia la lớn - Phải tốc chiến tốc thắng thôi. Tam ca, huynh mau tới giúp đại ca một tay, chỗ này để bọn đệ chống đỡ!
Người được gọi tam ca trông thấp hơn Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi nửa cái đầu, y vừa đâm chết một tên thị vệ xong, nghe đồng bọn kêu, nhìn ra cổng, còn đang quan sát thì bên tai bỗng vang lên tiếng gió. Y quay sang liền thấy hai tên thị vệ hùa nhau cầm thương tấn công hai bên tả hữu, khiến y phải liên tục đánh trả. Trường thương của tên lính Thanh thứ nhất vừa đâm ra, y thấy thế thương lợi hại bèn né sang trái, nhưng thương của tên lính Thanh thứ hai đã sớm chờ sẵn. Y biết nếu quay lại chống đỡ thì tên lính thứ nhất sẽ thừa thế đánh tiếp, cứ như vậy nhiều người đánh một, kéo dài mãi không thôi. Dù y có võ công lợi hại đến mấy nhưng bị vây công mãi thế này, không chết vào tay quân triều đình thì cũng chết vì kiệt sức.
Nói thì dông dài nhưng xảy ra chỉ trong chớp mắt. Y không do dự liền hú lên một tiếng phi luôn thanh kiếm trên tay vô ngực tên lính gần nhất. Tay kia rút xoẹt từ thắt lưng ra cây nhuyễn kiếm, đảo trái đỡ phải quyết đả phá vòng vây tới trợ giúp Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi. Dưới tay y cây kiếm mềm mại, uốn lượn khác thường, thoắt ẩn thoắt hiện như độc xà, lóe một cái là lấy mạng một người. Phút chốc đã mở con đường máu tới gần cầu thang chạy lên gác xép.
Người trong nghề nhìn cái biết hành gia, vốn cùng sử kiếm Mã Tề đã sớm chú ý tới tên thích khách này rồi. Mã Tề đứng trên bậc cao nhất của chiếc cầu thang dẫn từ lầu hai xuống gác xép nhíu mày lẩm bẩm:
- Kiếm pháp độc đáo bực này, ở Giang Nam e chỉ có một người thôi. Nghĩa Đảm Kiếm Khách Tôn Hứa Khải!
Quả thực Mã Tề nói không sai. Y chính là Tôn Hứa Khải, ngồi ghế thứ ba trong hội phản Thanh, được các hội viên Thiên Địa hội gọi là tam đương gia. Tôn Hứa Khải thành danh nhờ vũ khí là một cây kiếm rất đặc biệt, được đúc bằng một loại thép mỏng, nhẹ mà dẻo dai. Bình thường Tôn Hứa Khải đeo nó vòng quanh thắt lưng chàng, nhìn vào chẳng ai nghĩ đấy là binh khí mà cho rằng đó là sợi đai lưng của chàng. Bởi vậy mấy vị đương gia bèn đặt luôn cho thanh kiếm đó cái tên Phục Y kiếm. Tôn Hứa Khải đang đeo khăn che mặt che đi gương mặt dài với đường nét mềm mại, không lộ rõ góc cạnh, sắc tố da của chàng rất sáng, giống như loại người tướng Mộc miêu tả trong tử vi tướng số.
Dù tự thị vào bản lãnh của mình, Mã Tề cũng không dám chắc có thể phân cao thấp trong vòng trăm chiêu với họ Tôn kia được, chưa nói tới đối đầu với tên Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi kia Mã Tề càng không đủ tự tin. Thấy nguy đến nơi, Mã Tề bèn trở lại lầu hai, chạy lại gần Hiếu Trang và Khang Hi. Hiếu Trang và Khang Hi đứng ngoài lan can cùng tên lính Thanh. Mã Tề quỳ xuống thỉnh cầu Hiếu Trang:
- Bẩm thái hoàng thái hậu và hoàng thượng, tình hình vô cùng bất lợi. Vì an nguy xin thứ cho chúng thần tội phạm thượng bất kính!
Hiếu Trang xua tay:
- Mã ái khanh mau đứng lên. Ái khanh xả thân hộ giá cho hoàng thượng và ai gia, ai gia đâu nỡ trách tội. Có gì ái khanh hãy đứng lên.
- Tạ ơn thái hoàng thái hậu – Mã Tề hô – Vi thần định sai người cõng thái hoàng thái hậu ra khỏi chùa Quan Âm, còn hạ thần cõng hoàng thượng. Chúng ta nên chia ra hai đường, rồi sẽ hội họp lại sau.
Hiếu Trang gật đầu:
- Được, cứ theo an bài của ái khanh.
Mã Tề quay sang tên thị vệ thân tín của mình nói:
- Cõng thái hoàng thái hậu rời