Tử, sinh, xem nhẹ như bèo nước
Giúp người cô khổ, phá vô minh
Lại nói đến tổng đà Hàng Châu. Khẩu Tâm nhận được thư của Tàu Chánh Khê, sau khi xem qua lá thư, Khẩu Tâm đi đến Hắc Viện tìm Tần Thiên Nhân, thấy Tần Thiên Nhân đang ở trong một căn phòng bên dưới địa đạo kiểm kê lương thực. Tần Thiên Nhân nhận thấy chuyện trong thư cấp bách, tức thời nhờ các tú tài đi mời các trưởng lão tụ tập bàn bạc.
Vài ngày sau, mọi người ở trong căn hầm bên dưới Tâm Thiền thư viện. Khẩu Tâm đọc lá thư của Tàu Chánh Khê cho các trưởng lão, đại khái trong thư nói Hoàng Hà đại nạn, ở Cam Túc khắp nơi đâu đâu cũng là nhà cửa xơ xác, lũ dâng cao, đường sá ngập ngụa trong nước gây trở ngại di chuyển, dân tình rất tệ, rất cần lương thực tiếp tế. Khẩu Tâm đọc xong thư lại nói kho lương thực của tổng đà Hàng Châu đã cạn, các trưởng lão nhìn nhau, ai nấy chau mày.
Hoàng Hà là con sông dài thứ hai sau sông Dương Tử. Chữ “hà” có nghĩa là sông, và chữ “hoàng” dùng để ám chỉ màu vàng phù sa hòa trong nước. Hoàng Hà còn có tên dân gian là sông “trọc lưu nước đục.” Cho nên mỗi khi nói bóng gió những điều không bao giờ xảy ra, người ta thường hay ví von lên trời đã khó, làm cho nước Hoàng Hà trong trẻo còn khó hơn.
Hoàng Hà khơi nguồn từ phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hải. Dòng nước bắt nguồn chảy hướng Nam, uốn cong về phía Đông Nam và xuôi theo hướng Nam một lần nữa trước khi giáp với thị trấn Lan Châu tỉnh Cam Túc. Sau đó, con sông uốn về phía Bắc qua khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, chảy tới khu tự trị Hà Sáo Nội Mông. Ở tại vùng Nội Mông, dòng nước màu vàng thình lình đổi hướng trực tiến về Nam tạo ra ranh giới của hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Khi trôi về phía Đông Bắc của thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây thì Hoàng Hà lại một lần nữa ngược hướng chảy về Đông, xuyên thành phố Khai Phong, qua đến Tế Nam thủ phủ Sơn Đông rồi cuối cùng đổ ra biển Bột Hải.
Trong lịch sử hàng ngàn năm khai quốc, Hoàng Hà được xem là niềm vui và nỗi buồn của vạn dân. Từ năm 602 cho đến năm Khang Hi lên ngôi, dòng nước màu vàng đã ít nhất năm lần đổi dòng, làm vỡ các con đê bao bọc trên hết không dưới một ngàn năm trăm lần.
Lại nói tiếp chuyện trong căn hầm bên dưới Hắc Viện, Tôn Hứa Khải cũng nhìn Lữ Nghị Trung chau mày ủ dột, nhưng cặp chân mày Tôn Hứa Khải liền giãn ra khi nghe Khẩu Tâm nói:
- May mà hoàng thiên có mắt, đồ đệ của bần tăng đi quá duyên đã phát hiện quân Thanh hộ tống cống phẩm và kim ngân. Đường bọn chúng đi sẽ ngang qua Quan Sơn, nơi đó địa hình hiểm trở, thật là tiện cho việc cướp hàng, chúng ta có thể dùng số ngân lượng của triều đình dâng cho ngoại bang mà đem đi mua gạo và lương khô đưa đến cho Tàu ngũ gia.
Mọi người cả mừng. Khẩu Tâm tiếp:
- Lần này, triều đình chở cống phẩm bằng đường thủy, nhưng dọc theo hai bên bờ Mã Hà cũng có binh lính đi theo bảo hộ, dạo này nạn đói nhan nhản, dân chúng cùng đường, bần cùng sinh đạo tặc, thành ra để hạn chế vấn đề cướp phẩm vật, triều đình quyết định không hộ tống bằng đường bộ. Đồ đệ của bần tăng theo dõi họ, một người về báo thấy hai chiếc thuyền lớn tối qua đã dừng lại ở Sơn Lư, binh lính trên bờ cũng dừng chân và dựng lều nghỉ ngơi, người người cầm đao thương, canh giữ rất nghiêm mật. Đồ đệ bần tăng không tiện đến gần để xem bọn chúng có mang theo hỏa thương phòng thủ hay không.
Mọi người nghe Khẩu Tâm nói, nhớ đến câu nói đang lan truyền trong dân gian gần đây, mà ngay cả đám con nít trong lúc chia phe chơi trò tập trận hay bảo với nhau: “Nạn đói đang hoành hành khắp nơi, hoặc là chúng ta cướp, hoặc là chết đói!” Khẩu Tâm nói rất đúng, nếu không ra tay cướp kim ngân ở Quan Sơn thì không còn nơi nào tốt hơn. Nơi đó ngoài địa hình hiểm trở ra dân chúng cũng ít, tiện cho bang hội hành sự.
Khẩu Tâm định nói gì thêm, thì bên trên thư viện có tiếng chân người, rồi tiếng cửa hầm mở ra. Một tú tài vào chắp tay cúi đầu chào Khẩu Tâm, rồi chào các thành viên của Thiên Địa hội, sau đó bẩm báo:
- Thưa thiếu đà chủ, và các vị, có một hòa thượng nhờ học sinh đến chuyển lời với thiếu đà chủ và các vị rằng có thêm hai tên võ quan là Lương Trung với Lí Tứ chỉ huy một đội hỏa thương gia nhập vào đoàn áp tải cống phẩm.
Nói xong, tú tài đó ra ngoài.
Nhất Đình Phong nói:
- Từ đây đến Quan Sơn, đường sá xa xôi, chúng ta phải khởi hành ngay không thôi không còn kịp nữa.
Lữ Lưu Lương giơ tay vuốt bộ râu dài, gật gù:
- Chúng ta không còn bao nhiêu thời gian, nhưng trước khi đi chúng ta hãy lên kế hoạch đối phó hai tên họ Lí và họ Lương, đại đội nhân mã của triều đình chúng ta có thể đối phó nhưng quân đội hỏa thương của hai tên đó chính là điều đáng ngại.
Nhất Đình Phong nhìn Lữ Lưu Lương gật đầu nói phải.
Bạch Kiếm Phi trao đổi ánh mắt với Hồ Quảng Đông, sau đó lên tiếng:
- Lương Trung với Lí Tứ hồi trước là hai võ sư trứ danh của Thanh Long môn, sau đó đầu quân cho triều đình nhà Thanh, cam tâm chịu nhục làm tay sai cho bọn giặc ngoại bang. Hai người này võ công rất cao. Lần hộ tống cống vật này là do họ dẫn đầu, đúng là dịp tốt để tỉ đấu với họ một phen.
Hồ Quảng Đông nói:
- Chuyện này đương nhiên không thành vấn đề. Hai con rùa này, gặp được bảy mươi hai đường Kinh Hồn Đoạt Mạng Kiếm của lão phu sẽ đánh cho chúng không còn một manh giáp. Hôm đó lão phu nhất định không để hai mối họa đó sống sót!
Bạch Kiếm Phi lại lên tiếng:
- Thiếu đà chủ và nhị vị đương gia, Bạch mỗ nói trước, nếu mỗ và Hồ tiền bối gặp hai con rùa đó trước thì sẽ động thủ trước. Thiếu đà chủ và nhị vị đương gia đừng trách hai người chúng tôi là không khách sáo!
Bạch Kiếm Phi và Hồ Quảng Đông là người gốc ở Tứ Xuyên, dân Tứ Xuyên quen miệng hay mắng người ta là con rùa.
Tần Thiên Nhân mỉm cười hỏi Bạch Kiếm Phi và Hồ Quảng Đông:
- Hai vị đã lâu không gặp đối thủ, chắc là ngứa tay lắm rồi?
Bạch Kiếm Phi và Hồ Quảng Đông gật đầu. Khẩu Tâm quay sang Tôn Hứa Khải:
- Nhưng còn tam đương gia thì sao? – Khẩu Tâm hỏi - Thường thì tam đương gia thi triển Thiếu Lâm Tam Thập Lục Quyền đánh tiên phong, bây giờ đệ ấy phải tính làm sao?
Sở dĩ Khẩu Tâm hỏi vậy là vì từ trước đến nay hễ bang hội lâm trận là Tôn Hứa Khải tiên phong đánh đầu tiên. Hồ Quảng Đông cười:
- Hai con rùa đó Bạch đại hiệp và lão phu sẽ có cách dạy dỗ, không dám làm phiền đến tam đương gia.
Bạch Kiếm Phi nói:
- Đúng vậy, lần này tam đương gia không được tranh giành với chúng tôi!
Tôn Hứa Khải gật đầu, cười.
Lữ Nghị Trung nhìn Lữ Lưu Lương nói:
- Cha à, lão Trần và Lương Trung, Lí Tứ, hồi xưa là láng giềng với nhau, tuy lão Trần đã tuyệt giao với hai người đó nhưng ông ấy là người nặng tình nặng nghĩa. May mà ông ấy đang