Cách xa lòng nhớ người xưa mãi
Tình đầu sao xoá, dễ gì phai?
Tế Độ còn đang miên man nghĩ ngợi thì hai tên lính bưng hai mâm thức ăn đẩy cửa bước vào kho thuốc. Một tên nói ban chiều Tế Độ bận việc ra ngoài chưa kịp ăn chiều nên mời chàng dùng bữa tối.
Từ hồi chiều tới giờ Lâm Tố Đình cũng chưa ăn gì, vừa ngửi được mùi thức ăn là bụng sôi lên. Nàng không nhịn được, đánh liều ló đầu ra khỏi kệ thuốc nhìn, thấy hai tên lính bày trên bàn một chén đậu hũ hầm với yến xào, một dĩa thịt dê xào tỏi ớt, một dĩa mì gà xào măng, một tô thịt gà nấu cháo hạt sen, đều là những món thường ngày nàng thích ăn. Ngoài ra còn có mấy món phụ và một bình rượu nữa. Lâm Tố Đình vừa nhìn thấy nước bọt đã tuôn cuồn cuộn như nước Hoàng Hà.
Tế Độ cất chiếc vòng cỏ vào tay áo chàng, đợi hai tên lính bày các món ăn lên bàn xong cả rồi chậm rãi nói:
- Còn không mau ra đây?
Lâm Tố Đình nghe gọi giật nẩy mình, trái tim nàng muốn nhảy vọt ra ngoài lồng ngực nàng, nhưng Lâm Tố Đình vẫn mong Tế Độ chưa phát hiện ra nàng nên thụt đầu vào đứng yên phía sau kệ thuốc.
- Nếu các hạ đã đến thì hãy ra gặp mặt. Tới nhà chủ mà không xuất đầu lộ diện chào hỏi một tiếng thì quả thất lễ.
Lần này, Lâm Tố Đình biết người Tế Độ đang nói chuyện chính là nàng. Lâm Tố Đình trút y phục của Ngụy Tương Xu ra khỏi người nàng, bên trong là bộ y phục tím thẫm quen thuộc. Nàng lấy vẻ bình thản nhất có thể bước ra từ phía sau kệ thuốc, tiến lại gần Tế Độ. Lâm Tố Đình nhún chân một cái rồi thẳng người dậy, nói:
- Diệp Tố Nhi đến từ Thái Hồng Lâu xin thỉnh an tướng quân.
Tối nay, Lâm Tố Đình thắt mái tóc dài sóng sánh như thác thành một bím sau lưng, càng tôn lên khuôn mặt đẹp như hoa, chiếc cổ trắng ngần cũng lộ rõ ra. Nhưng Tế Độ không nhìn diện mạo và làn da trắng trẻo như ngọc lấy một cái, thản nhiên nói:
- Mời ngồi.
Lâm Tố Đình mỉm cười. Mỗi khi Lâm Tố Đình cười trên má đều lộ hai lúm đồng tiền trông ranh mãnh nhưng đáng yêu vô cùng.
Lâm Tố Đình ngồi vào chiếc ghế bên cạnh Tế Độ. Tế Độ nghe bụng nàng sôi réo, dời cái chén và đôi đũa của chàng sang trước mặt Lâm Tố Đình, nói:
- Nếu đói, cứ tự nhiên.
Lâm Tố Đình dạ một tiếng, sau đó cầm chén và đũa lên. Tế Độ cầm bình rượu lên. Một tên lính nói sẽ đi lấy thêm chén và đôi đũa khác đến nhưng Tế Độ lắc đầu nói không cần. Hai tên lính liền đi ra ngoài.
Lâm Tố Đình định bụng chỉ ăn một miếng thịt gà cho đỡ đói, và sẽ ăn nhỏ nhẹ như con mèo nhỏ nhưng cơn đói khiến nàng không kiềm chế được, múa may đôi đũa.
Lâm Tố Đình ăn hết dĩa mì gà xào măng, bưng tô cháo lên húp một hơi cạn sạch, sau đó thấy vẫn còn đói bụng nên húp thêm chén đậu hũ hầm với yến xào nữa, rồi tiếp tục xộc đũa vào dĩa thịt dê xào tỏi.
Lâm Tố Đình phát hiện không chỉ có hai tên lính đứng ngoài cửa nhìn lén nàng, mà toán lính đi tuần trên hành lang cũng dừng lại ngó nàng một cái rồi mới đi tiếp.
Nàng biết bọn họ thắc mắc vì sao cô gái sở hữu thân hình mình hạc xương mai như nàng lại có khẩu vị tốt như vậy.
Lâm Tố Đình ăn xong, thu đũa về, gác đôi đũa lên dĩa thịt dê xào, cúi đầu:
- Thật là ngại, tiểu nữ xuất thân con nhà nghèo khổ, đã phải làm việc cực nhọc từ nhỏ nên ăn rất nhiều.
- Không sao – Tế Độ nói - Bản tướng là người tập võ nên hiểu người vận động nhiều sẽ cảm thấy đói bụng, đến bữa ăn phải ăn nhiều để nạp lại năng lượng đã mất trong cơ thể. Hơn nữa ở ngoài sa trường bản tướng và lính của ta cũng ăn không ít để nhỡ chết đi không làm con ma đói.
Tế Độ dời một dĩa thức ăn phụ lại trước mặt Lâm Tố Đình.
Lâm Tố Đình không tin vào tai và mắt nàng. Nàng những tưởng Tế Độ sẽ cười và khinh thường xuất thân của nàng ghê gớm, nào ngờ.
Có đến một lúc lâu, Lâm Tố Đình nhìn sững Tế Độ, không dời mắt đi đâu được.
Lâm Tố Đình nhận thấy người đàn ông ngồi bên nàng có khuôn mặt vô cùng anh tuấn. Tuy người nàng yêu là Tần Thiên Nhân nhưng nàng cũng phải thừa nhận rằng trong hội phục Minh, thậm chí cả Giang Nam, không diện mạo người đàn ông nào qua khỏi Cửu Dương. Nay, nàng thấy Tế Độ cũng đẹp trai ngời ngời không kém Cửu Dương, tính cách cũng rất giản dị, đối tốt với người ta như Cửu Dương, nếu nàng không nghe bọn lính vào đây nói đây chính là Ái Tân Giác La Tế Độ nàng sẽ không có chút sợ hãi gì hết.
Lâm Tố Đình âm thầm so sánh hình thể của Cửu Dương và Tế Độ. Nàng thấy Tế Độ sở hữu thân hình cao lớn, chiều cao cũng xấp xỉ Cửu Dương, nghĩa là cao hơn nàng tận một cái đầu. Hai người đều có đôi vai rộng, thân mình được bọc trong lớp áo nỉ dày cộm nhưng không che được các cơ bắp nổi lên cuồn cuộn, như có sức mạnh kinh người. Lại nữa, ngũ quan Tế Độ và Cửu Dương đều mày kiếm mắt sáng, mũi cao ráo, môi đầy đặn, nói chung hai người đều vô cùng tuấn mỹ.
Khi Lâm Tố Đình ăn xong món phụ thì bình rượu của Tế Độ cũng cạn. Tế Độ nhìn hai tên lính dọn dẹp đồ ăn trên bàn, nói:
- Nếu Diệp cô nương đã có mặt trong đêm nay chi bằng hát một bài cho bản tướng nghe.
Lâm Tố Đình thấy người này có ý muốn giữ nàng lại, không vội đuổi nàng ra về, thầm tự phụ về diện mạo của mình.
Lâm Tố Đình thưa “vâng!” Tế Độ nói trong Tâm Thiền thư viện có cây đàn, tên lính hiểu ý, bèn đi lấy đàn.
Một lát sau, tên lính mang đàn tỳ bà vào. Lâm Tố Đình ngồi cạnh Tế Độ ôm đàn vuốt khẽ dây đàn, âm thanh dìu dặt vang lên từ những ngón tay thon dài. Lâm Tố Đình cất tiếng hát bài Thiếu Niên Du của Chu Mỹ Thành.
Tế Độ bảo tên lính đi lấy thêm rượu.
Tên lính vâng mệnh, thế là một người uống rượu, người gảy đàn. Cả hai đeo đuổi ý nghĩ riêng tư trong đầu.
Bấy lâu Lâm Tố Đình rất tự hào về diện mạo khuynh thành của nàng, và giọng hát có một không hai trên đời này. Lại càng cho là nàng đã nghĩ đúng khi nàng hát xong một bản nhạc, Tế Độ bảo nàng hát thêm một bản nhạc nữa, rồi lại thêm một bản nữa.
Lâm Tố Đình ôm đàn ngân nga, hết hát hò rồi đọc thơ Tỳ Bà Hành. Bài thơ dài trên sáu trăm chữ do Bạch Cư Dị sáng tác. Thế mà một võ quan như Tế Độ vẫn nhẫn nại ngồi nghe. Lời thơ diễn tả cuộc đời trôi nổi truân chuyên của những nàng ca kỹ thanh lâu. Đến câu thơ cuối cùng Lâm Tố Đình khẽ bĩu môi nhìn gương mặt như đang ngà ngà say của Tế Độ. Tế Độ đã uống cạn hết ba bình rượu. Lâm Tố Đình cả mừng nhủ bụng nếu như Tế Độ uống thêm bình rượu nữa, say rồi gục xuống bàn ngủ nàng có thể thản nhiên ra về.
Lâm Tố Đình bèn quay ra ngoài cửa kho thuốc nói:
- Lấy thêm rượu vào đây.
Rồi lại ôm đàn tiếp tục ca, được vài câu tên lính bưng rượu vào đặt lên bàn rồi lại rời đi. Lâm Tố Đình buông cây đàn tỳ bà, dựa đàn vào ghế, cầm bình rượu lên, định rót cho Tế Độ thì nghe Tế Độ nói:
- Nàng còn chưa cho ta biết tên, lẽ nào muốn chuốc cho ta say rồi ra về?
Bàn tay cầm bình rượu của Lâm Tố Đình run khẽ, rượu trong bình sóng sánh nhưng Lâm Tố Đình mau chóng lấy lại bình tĩnh.
- Lúc nãy tiểu nữ đã giới thiệu tên mình với tướng quân – Lâm Tố Đình nói - Nhưng chắc ngài say nên quên, tiểu nữ họ Diệp tên Tố Nhi.
- Diệp Tố Nhi, cái tên rất hay – Tế Độ nói - Nhưng tiếc một điều đó không phải tên nàng.
Lâm Tố Đình còn chưa trả lời, Tế Độ tiếp:
- Liên trung hoa cánh hảo, vân lý ảnh trường đoạn.
Lâm Tố Đình lại luống cuống như kiến bò trên chảo nóng. Nàng biết, hai câu thơ mà Tế Độ vừa nói là hai câu thơ mà người ta hay đề lên những bức tranh vẽ mỹ nữ mảnh mai như măng tre, khuôn mặt giống khuôn mặt chú mèo con, tay cầm hoa sen, đôi bàn chân nhỏ nhắn.
Dựa vào truyền thuyết, đến đời Nam Đường, sau khi vợ trước của hậu chủ Lý Dục là Nga hậu chết, Lý hậu chủ buồn bã, các phi tần tìm mọi cách để khiến ông vui. Cung nữ Yểu Nương nghĩ ra cách dùng vải quấn chân, khi nhảy múa, trọng tâm không vững, người lắc lư như cây dương liễu trước gió. Lý hậu chủ thích lắm, sai thợ khéo dùng vàng chế tác thành đài Kim Liên cao sáu thước lệnh cho Yểu Nương lên đài nhảy múa, cái tên “tam thốn Kim Liên” từ đó mà có. Thơ đời Đường có câu: “Liên trung hoa cánh hảo, vân lý ảnh trường đoạn” nghĩa là “trong sen cánh hoa thắm, trong mây ảnh chập chờn” chính là miêu tả đôi chân cung nữ Yểu Nương đẹp như cành sen đong đưa trong gió này.
Về sau, con gái nhà khuê các đua nhau học múa, dần dần, tục bó chân cứ thế được truyền mãi. Việc bó chân trở thành phong tục gắn bó chặt chẽ với giáo dục đạo đức truyền thống của phụ nữ. Đến đời Tống, Lý học hưng thịnh, đề xướng “khắc kỷ phục lễ,” yêu cầu phụ nữ tam tòng tứ đức, ở trong khuê các, tuân theo quy tắc. Sau khi bó chân, phụ nữ không thể có sức của cái chân bình thường để đi, đồng thời mất khả năng chạy nhảy, chỉ có thể “đợi ở trong phòng.” Bó chân chính là một thủ đoạn rất hay để trói buộc phụ nữ.
Lâm Tố Đình biết họ Ái Tân Giác La đang ngầm ám chỉ "gót huệ" của nàng vì từ nhỏ nàng đòi phụ thân cho đi học võ, và phụ thân nàng cũng không cho tục bó chân là đẹp, mà quan niệm rằng việc bó chân sẽ khiến các cô