- Tên cẩu quan, tiếp chiêu!
Lâm Tố Đình hét lên, lại dùng đàn tỳ bà xông thẳng vào Triệu Phật Tiêu.
Tế Độ biết thuộc hạ của chàng không thể đánh thắng “Diệp” cô nương vì tuy địch thủ là một nữ nhân nhưng võ công rất khá, bèn đẩy Triệu Phật Tiêu ra ngoài hành lang.
Tế Độ đang bị thương, đứng trước mũi “gươm” tinh vi và phi thường của Lâm Tố Đình không lấy mạnh chọi mạnh, chàng chỉ vung cánh tay trái tạt từ trái sang phải xuất Thoi Sơn Tả Trảo, gạt đường “gươm” để mũi “gươm” không đâm vào tử huyệt trước ngực chàng.
Lâm Tố Đình không đâm trúng Tế Độ, thu đàn về, nhưng được nửa đoạn thì nàng xoay đàn, chĩa thủ đàn ra ngoài. Cây đàn tỳ bà này được chế tạo rất đặc biệt, thân đàn làm bằng thép, trục bằng gỗ, thủ đàn rỗng, có lỗ thông cất giấu ám khí, bên trong ngoài hai thanh chủy thủ là ba cây trâm được làm bằng vàng ròng.
Vèo vèo vèo! Lâm Tố Đình khởi động trục gỗ trên thủ đàn, ba cây trâm vàng bay vùn vụt về phía Tế Độ.
Triệu Phật Tiêu thấy Tế Độ đứng cách Lâm Tố Đình chỉ có hai thước, chắc chắn phải trúng ám khí. Cây trâm vàng thứ nhất tấn công huyệt thần đình trên trán Tế Độ, hai cây trâm vàng còn lại ngấm ngầm công kích huyệt quan nguyên. Triệu Phật Tiêu âm thầm niệm Nam Mô…
Nhưng Tế Độ là một cao thủ chuyên sử ám khí, nên vừa thoáng thấy Lâm Tố Đình xoay thủ đàn là đã biết rõ đối phương muốn làm gì. Tế Độ triển khai Thăng Thiên Cước, cú đá bắt đầu bằng động tác hạ mã tấn, sau đó, chân phải bước lui, rùng mình xuống như tư thế đang ngồi xuống ghế, tránh được ám khí thứ nhất. Còn lại hai ám khí, Tế Độ chụm đôi chân lại, nhảy bật lên như lò xo, triển khai cước pháp bay đá ngang, né được hai cây trâm vàng tiếp theo.
Tế Độ đáp xuống đất, Triệu Phật Tiêu chưa kịp cảm tạ ơn Trời lại nghe tiếng gió rít vù lên.
Lâm Tố Đình tách cây đàn làm đôi, sử hai thân đàn mỏng như hai thanh gươm. Lâm Tố Đình xuất “kiếm” chiêu, chém Tế Độ. Kiếm quang xẹt qua xẹt lại, tấn công tả hữu Tế Độ nhưng Tế Độ tránh được.
Lâm Tố Đình lại kích kiếm trên dưới trước sau, chiêu sau nhanh hơn chiêu trước.
Lâm Tố Đình quyết vây Tế Độ trong màn bão táp mưa sa của kiếm pháp Trảm Ma Kiếm để Tế Độ không thể rảnh tay rút phi đao sử Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao.
Nhưng Tế Độ cao hơn Lâm Tố Đình nên Lâm Tố Đình múa tít hai thanh “gươm” được một lúc cảm thấy đây không phải là kế khả thi. Với chiều cao và hai cánh tay dài ngoằng của Tế Độ nếu nàng cứ giữ cự ly hiện thời mà đánh thì chẳng thể nào chạm vào chàng được. Mà nàng phải áp sát vào thì mới đả thương chàng được nhưng áp sát từ chính diện với một người cao hơn nàng là chuyện không dễ.
Phi đao là binh khí dùng để đánh từ xa, nên Tế Độ cũng biết nếu để Lâm Tố Đình áp sát vào chàng thì sẽ không dễ dàng triển khai đao pháp. Chàng bèn thủ kín như bưng, khiến Lâm Tố Đình đánh đấm một hồi vẫn cứ chập chờn vờn quanh, không thể lừa thế nhập nội.
Sang chiêu thứ ba mươi lăm, Lâm Tố Đình vừa đánh vừa lo, nhất là chỉ với một mình Tế Độ nàng đã đánh đấm trối chết, hắn cũng chỉ tránh né chứ chưa đánh trả, nếu mà thêm bọn lính tràn vào kho thuốc, nàng sẽ lâm cảnh lưỡng đầu thọ địch ngay. Viễn cảnh nội công ngoại kích khiến bụng dạ Lâm Tố Đình rất lo, nhưng may cho nàng là bấy lâu Tế Độ chỉ quen một mình lâm chiến, rất ít khi gọi người trợ giúp.
Lâm Tố Đình đánh đấm một hồi cảm giác mệt dần, nhất là lại đang nóng lòng khi nghĩ đến vết thương của Tần Thiên Nhân. Lâm Tố Đình dồn hết nội lực vào hai thân đàn mỏng tung Kim Long Thủ. Hai thân đàn đang ngắn bỗng dài ra gấp ba, hóa thành hai thanh trường côn.
Kim Long Thủ Pháp còn có tên gọi khác là Hợp Bàn Chưởng, một cách luyện sức mạnh của bàn tay, có thể làm mỏng thanh sắt và làm tan cả khối đá cứng rắn bằng cách xoa đầu bó đũa. Môn đồ Thiếu Lâm tập tuần tự, xoa nhẹ đầu đũa tre cho tới nát rồi chuyển qua xoa đầu đũa sắt cho đến khi đũa sắt mỏng đi và dài ra thì xem như thành công.
Cặp chân mày Tế Độ chau lại. Triệu Phật Tiêu thấy vậy tay chân luống cuống. Triệu Phật Tiêu biết hôm bữa Tế Độ giao chiến với Tần Thiên Nhân đã bị thương nặng, lại thêm đấm đá với tên Quỷ Kinh Hồn khiến chân khí suy giảm đáng kể, bây giờ lại bị hai cây trường côn đàn áp,