Truyền thuyết vốn là những câu chuyện được truyền miệng trong dân gian, được người này kể cho người khác, được đời này kể cho đời khác, cứ thế lưu truyền ra rộng khắp.
Có những truyền thuyết mà rất nhiều người biết, ngược lại có những truyền thuyết chỉ rất ít người biết.
Vì sao lại có tình trạng này xảy ra?
Vì sao đã là truyền thuyết mà lại chia ra có loại được ít hay nhiều người biết như thế?
Đáp án rất đơn giản, một truyền thuyết có ít người biết là do ai biết đến truyền thuyết đó, đều chết cả rồi.
Thế nên, nếu truyền thuyết nào mà ai cũng biết thì nó hoàn toàn chẳng có chút gì nguy hiểm.
Nhưng nếu có một ai đó kể về một truyền thuyết mà đa số người nghe đều chưa từng biết, người nghe xong lại đem truyền thuyết đó đi hỏi thử người quen và bạn bè cũng chẳng có ai biết, thì đó là một truyền thuyết rất nguy hiểm.
Vì những ai biết đến truyền thuyết đó đều phải chết bất đắc kỳ tử, không còn sống mà kể lại được cho người khác nữa.
Dẫn đến có rất ít người biết về nó.
Một trong số những truyền thuyết như vậy có tên gọi là “Đứa bé tìm mẹ”.
Truyền thuyết đó nội dung như sau:
Đêm thứ nhất, có một người đang ngủ, bất chợt thức giấc vào nửa đêm vì nghe có tiếng người nói chuyện rì rầm.
Người đó trong cơn buồn ngủ, nên chỉ hé mắt ra được một chốc nhìn căn phòng của mình vẫn tối tăm, ngoài trời cũng chỉ có ánh trăng le lói, không phát hiện thấy gì bất thường nên uể oải, ngáp một cái rồi nhắm mắt tiếp tục chìm vào giấc ngủ.
Bỗng nhiên người đó cảm giác có ai đó đang cúi sát vào mặt mình.
Lơ mơ mở mắt ra xem, thì ra đó là một đứa bé đứng cạnh giường đang cúi sát xuống nhìn vào mặt mình và hỏi: “Mẹ, có phải là mẹ không?” Người đó không biết đứa bé đó là ai, tất nhiên sẽ trả lời: “Không phải”.
Nghe vậy, đứa bé liền bỏ đi đến góc phòng, ở đó có một vài đứa trẻ khác cũng đang ngồi ở đó.
Nó tiến đến, ngồi xuống nhập bọn với đám trẻ, tiếng nói chuyện lại vang lên.
Thì ra tiếng người rì rầm lúc nãy là do lũ trẻ này gây ra.
Người đó chợt nhớ ra, đây là phòng ngủ của mình, sao lại có đám trẻ nào ở trong phòng mình được chứ, nên nhanh chóng ngồi dậy, rời khỏi giường, tiến đến góc phòng để xem cho rõ hơn, nhưng lũ trẻ đã biến mất.
Cho rằng mình mơ ngủ, người đó quay lại giường ngủ tiếp.
Đêm thứ hai, người đó cũng đang ngủ, đến nửa đêm thì nghe có tiếng gõ cửa.
Người đó thức dậy, tiến đến sát cửa và hỏi ai đó.
Ngoài cửa có giọng của một người phụ nữ đáp lại: “Tôi đi tìm con, có thấy con của tôi ở đâu không?”.
Nghe vậy, người đó mở cửa ra xem thì thấy một tân nương, trên người mặc áo cưới truyền thống đỏ thắm, sau lưng có chiếc kiệu hồng dùng để rước dâu.
Người đó bảo: “Tôi không thấy con của cô đâu cả”.
Tân nương nở nụ cười bên dưới chiếc khăn trùm đầu có rèm che là những hạt châu, hai tay bưng lên một đĩa đựng những miếng thịt, mở miệng nói: “Mời dùng một ít thịt gà”.
Đang nửa đêm nửa hôm, ai lại tự nhiên có tâm tình ăn uống chứ, hơn nữa lại còn ngửi thấy mùi tanh nên người đó từ chối, không đụng tay tới đĩa thịt.
Thấy vậy tân nương lại hỏi: “Thịt gà đã nguội lạnh, có thể cho một ít thịt mới không?”.
Người đó biết lấy đâu ra thịt gà, chỉ có thể lắc đầu, đóng cửa rồi vào giường ngủ lại.
Đêm thứ ba, người đó đang ngủ thì nằm mơ thấy tân nương hôm qua cầm con dao chặt thịt tiến đến giường mà người đó đang nằm, giơ dao lên chặt xuống một nhát, lại giơ dao lên chặt xuống nhát thứ hai, máu bắn khắp nơi, thịt vụn và xương vụn văng tung tóe, cứ chặt một chặp như thế thì đã chặt cơ thể người đó ra thành từng miếng nhỏ.
Tân nương nhẹ nhàng nhặt từng miếng thịt xếp lên một cái đĩa, quay bước, vào ngồi trong kiệu hoa, đến trước cửa nhà một người khác, gõ cửa, đợi người bên trong ra mở cửa thì lại hỏi có thấy đứa con của cô ta đâu không, sau đó lại mời người ấy ăn thịt gà.
Truyền thuyết này do đó còn có một tên gọi khác là “Tân nương mời gà”.
Những ai từng nghe đến câu chuyện này thì đều ngay trong đêm đó, khi nằm ngủ giữa đêm sẽ gặp được đứa bé đi tìm mẹ, qua đêm thứ hai thì gặp được tân nương mời gà, qua đêm thứ ba thì biến thành thịt gà trên đĩa.
Đến sáng hôm sau, chẳng còn được ai nhìn thấy nữa.
Do đó, hầu như không có ai còn sống để đi kể lại truyền thuyết này!
* * *
Lữ Hàn đến công ty vào sáng sớm, gặp quản lý bàn giao một số công việc còn dang dở.
Quản lý đưa cho hắn cái thư mời do cảnh sát thành phố gửi tới.
Nội dung đại loại là mời hắn hỗ trợ hợp tác trong công tác nghiệp vụ, liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, có để lại địa chỉ và số điện thoại liên lạc, dưới cùng có ghi chú rằng chỉ cần gọi vào số điện thoại đó sẽ có xe của cảnh sát đến đón.
Đây là công văn của cảnh sát yêu cầu hợp tác do liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nên lãnh đạo công ty đồng ý phê duyệt cho Lữ Hàn tham gia yêu cầu này bằng chế độ “Làm việc công”, nghĩa là vẫn được hưởng lương bình thường y như đi làm hằng ngày.
Hắn gọi theo số điện thoại trên giấy, nói rõ tình huống, người nghe máy trao đổi một lúc rồi hẹn sau nửa tiếng sẽ có xe đón ở trước công ty, bảo hắn theo hẹn mà đứng đợi, người lái xe tên là Điệp Thần.
Khoảng nửa tiếng sau, quả nhiên có một chiếc xe cảnh sát xuất hiện trước cổng công ty.
Lữ Hàn vừa tiến đến gần thì kính cửa xe đã tự động hạ xuống, hắn cúi người thò đầu vào trong một chút, báo danh trước: “Tôi là Lữ Hàn, anh có phải…?”
Nói được nửa câu thì hắn khựng lại, cứ nghĩ lái xe là một nam cảnh sát, không ngờ người đang ngồi đằng sau tay lái lại là một nữ cảnh sát tóc ngắn uốn cụp, mấy lọn tóc ôm sát vào má, trên sống mũi là kính râm tráng gương xanh của thương hiệu Police.
Hắn nhanh chóng bẻ cua 180 độ: “Cô có phải là Điệp Thần không?”
Nữ cảnh sát giữ nét mặt lạnh ngầu: “Còn anh là Lữ Hàn? Vào xe đi.”
Được mời, hắn mở cửa vào ngồi ở ghế phía trước, lần đầu được đi xe cảnh sát, cảm giác có chút hồi hộp.
Trên đường, đột ngột Điệp Thần hỏi: “Năng lực của anh là gì vậy?”
Trước nay chưa từng bị hỏi một câu tương tự nên hắn bối rối nhún vai đáp: “Tôi làm bên bảo hiểm, có năng lực… hiểu biết về bảo hiểm.”
Điệp Thần nhếch mép: “Vớ vẩn, chuyên gia cố vấn hành vi bên chúng tôi mời đích danh anh thì chắc chắn không phải là vì cái năng lực đó.
Nào, nói đi, năng lực của anh là gì? Đừng để tôi phải tới lần thứ ba.”
Được, nếu cô muốn ấn tượng thì đành phải thể hiện một chút vậy! Nghĩ thế, hắn mở Thấu thị nhìn một lượt từ trên xuống dưới của cô nàng cảnh sát đang lái xe rồi nói một lèo: “Cô cao 1.7 mét, nặng 55 ký, vòng một khoảng 85, áo ngực đen có đệm mút của hãng BonBon, quần nội y loại dây nhỏ kiểu Tanga cũng màu đen, dưới lớp váy cảnh sát là khẩu súng ngắn mini đeo ở đùi trong bên trái.
Vậy đã được chưa?”
Điệp Thần không đáp, lạnh lùng quay qua nhìn hắn khoảng một giây rồi lại nhìn thẳng để tiếp tục lái xe, hừ nhẹ một tiếng.
Thấy nữ cảnh sát có vẻ bực bội, hắn liền im re, không dám ho he gì thêm.
Lát sau, xe đã về đến sở cảnh sát.
Điệp Thần đỗ xe vào bãi, dẫn hắn qua một cửa bên hông, đi loanh quanh qua một loạt các hành lang và phòng ốc, mãi đến một căn phòng nhỏ, gắn tấm bảng phía trên đề “Phân Tích Hành Vi” thì dừng lại.
Điệp Thần gõ cửa hai cái rồi đẩy cửa vào.
Bên trong chỉ là căn phòng nhỏ, chiếm một nửa không gian là bàn làm việc với màn hình máy tính, bên cạnh có giá sách bằng gỗ màu nâu, chứa sách vở và giấy tờ linh tinh, nửa không gian còn lại là bộ bàn ghế sofa đơn giản mà tinh tế.
Một nam giới mặc quần dài kaki tối màu, áo sơ mi xanh nhạt có họa tiết trắng, đứng giữa phòng, tì người vào phía trước bàn làm việc, đang nhìn vào màn hình điện thoại cầm trên tay.
Biết có người bước vào, anh ta ngẩng đầu lên mỉm cười và chào: “Chào anh, Lữ Hàn.”
Lữ Hàn đờ ra trong thoáng chốc rồi mới nhận ra người đàn ông đó là Thủy Mộng Trung.
Thủy Mộng Trung đi tới bắt tay Lữ hàn và bảo: “Chúng ta cùng tới phòng của giám đốc nào, ông ta cũng đang đợi.”
Đến trước một căn phòng có cửa gỗ hai cánh rộng, bên trên có tấm bảng đề chữ “Giám Đốc”, Thủy Mộng Trung gõ cửa hai cái rồi đẩy cửa mở, cùng Điệp Thần và Lữ Hàn bước vào trong.
Căn phòng này rộng khoảng gấp ba hoặc bốn lần phòng của Thủy Mộng Trung.
Về cấu trúc thì tương tự nhưng ở một đẳng cấp khác hẳn: bàn làm việc bằng gỗ sồi tự nhiên trông rất vững chãi, bộ ghế salon to và rất sang trọng, đầy đủ các tiện nghi khác như bình nước nóng, tủ lạnh, tủ để sách, tủ trưng bày các loại cúp và huân chương, trên tường treo các loại bằng khen và hình chụp với những lãnh đạo cấp cao của thành phố và quốc gia.
Một người đàn ông tóc hoa râm, dáng vẻ bệ vệ và phong trần đang ngồi ở bàn làm việc.
Thủy Mộng Trung giới thiệu trước: “Giám đốc Triệu, đây là Lữ Hàn, người mà em đã kể với anh.”
Đoạn Thủy Mộng Trung quay sang Lữ Hàn, tiếp tục giới thiệu: “Lữ Hàn, đây là Giám đốc Triệu của Sở cảnh sát thành phố.”
Giám đốc Triệu mỉm cười, bước ra bắt tay Lữ