Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Gặp Gỡ Tố Như​


trước sau

Tôi cứ ngỡ vị khách quý kia là ông quan lớn nào đó. Ra lại là một người phụ nữ ngoài ba mươi và một cậu bé tầm mười tuổi. Người phụ nữ có gương mặt gầy và xanh, bước đi cũng rất yếu. Còn cậu bé có gương mặt sáng sủa, trông rất thông minh nhưng trong bộ áo dài nâu, vạt chéo nâu, đầu quấn khăn cũng màu nâu lại có vẻ già dặn. Cậu bé đang đi bên cạnh người phụ nữ, một tay thỉnh thoảng đỡ lấy cánh tay của mẹ mình.

Quận công đi một bên, hai người kia đi theo, đến bên bàn thờ, cúi đầu thắp nén nhang. Mẹ cả lúc này cũng đi đến bên cạnh, cầm lấy tay người phụ nữ kia về bàn của mình ngồi. Còn cậu bé thì đến ngồi bên cạnh Đình Duệ.

Tôi ghé tai hỏi Đinh Ngọc người kia là ai, chị đáp:

- Bà Tần là vợ thứ ba của ông Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tả tướng, là quân sư và là bạn của ông nội.

- Vậy sao ông Nguyễn Nghiễm đó không đến mà để vợ và con đến. – Tôi lại nhiều chuyện.

- Ông ấy mất trước ông nội hai tháng. – Đinh Ngọc nói nhỏ, chỉ đủ để tôi nghe thấy.

Nghe xong tôi im lặng nhìn người phụ nữ và đứa bé kia. Họ còn quá trẻ. Đinh Ngọc nhìn theo ánh mắt của tôi, nói tiếp:

- Bà Tần thì chị có gặp hai lần ở kinh thành rồi. Nhưng người con thì lần đầu tiên gặp.

Đến đầu giờ chiều, mọi người lần lượt đứng dậy nói lời cáo từ. Quan phủ đi trước, quan huyện đi sau, những người còn lại cũng đi theo. Cứ thế người vơi dần, chỉ còn hai mẹ con bà Tần, Đình Duệ và vài người ở phương xa đến. Quận công có lính đến báo cũng đã đi trấn phủ.

Tôi ngồi ăn bánh đậu xanh, nghe mẹ cả ngồi ở bàn bên nói với bà Tần:

- Bà ở chơi tạm nhà chúng tôi mấy ngày rồi hãy quay về. Ở trong trấn có vài thầy thuốc giỏi, nhân tiện để họ đến coi bệnh luôn.

- Cám ơn quận chúa. Tôi không dám phiền người, cứ để tôi cùng con trai quay về. – Bà Tần nói giọng nhỏ có chút khàn khàn.

- Không được. Bà đi bộ từ Nghi Xuân đến, đường sá xa xôi, sức khỏe lại yếu. Nhất định phải ở lại đây nghỉ ngơi. – Mẹ cả cương quyết nói. Xong bà quay qua gọi một người hầu đi dọn sẵn hai phòng ngủ ở phía Tây.

- Đội ơn quận chúa. – Cậu bé đứng kế bên mẹ lên tiếng. Rõ ràng cậu rất lo lắng cho mẹ mình nên hoàn toàn đồng ý với sự sắp đặt của mẹ cả.

Mẹ cả nhìn cậu bé có gương mặt khôi ngô, hỏi:

- Con tên gì? Bao tuổi? Học hành như thế nào?

Cậu bé đứng chắp tay, trả lời cẩn thận, giọng nói rõ ràng:

- Con tên Nguyễn Du, năm nay mười hai tuổi. Con ở nhà tự đọc sách.

- Quả thật nhìn rất sáng dạ, sau này sẽ nối tiếp cha anh trong nhà, làm việc lớn cho đất nước. – Mẹ cả cười nói với bà Tần.

Bà Tần cũng mỉm cười, nói:

- Không dám thưa quận chúa.

Tôi nãy giờ ngồi ở bàn bên nghe không sót một chữ. Nguyễn Du? Có khi nào trùng tên không?

Cậu bé thấy sắc mặt mẹ mình tốt hơn, có thể nói được nhiều chuyện với quận chúa, liền không đứng chầu bên cạnh nữa. Tôi canh lúc cậu bé đến bàn khác ngồi, tôi cũng đi đến, ngồi xuống bên cạnh. Cậu bé nhìn thấy tôi, hờ hững cắn một miếng bánh đậu xanh. Tôi hỏi:

- Này, cậu tên Nguyễn Du?

- Phải. – Câu trả lời rất ngắn gọn.

- Làm sao tôi biết cậu đúng là Nguyễn Du? – Tôi lại hỏi một câu hỏi nhức đầu. Hỏi xong tôi tự thấy mình thật ngu ngốc.

Cậu bé nhìn qua tôi, sau đó nói rành mạch:

- Tên chữ của tôi là Tố Như.

Tên chữ Tố Như. A, không phải đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như sao? Không thể nào. Cậu bé gầy có khuôn mặt sáng sủa đang ngồi trước mặt tôi đây chính là một bậc vĩ nhân sau này. Là người mà tôi đã từng phải học thuộc tiểu sử, học thuộc cả mấy khổ thơ trong "Truyện Kiều". Nói đến "Truyện Kiều", tôi đã từng đọc không sót một chữ nào, trong phòng của tôi trước đây có đến hai cuốn của hai nhà xuất bản khác nhau.

Nguyễn Du nổi tiếng tài hoa sau này hiện giờ là một cậu bé mười hai tuổi và đang ngồi trước mặt tôi đây. Tôi thực sự không dám tin vào tai mình, vào mắt mình. Tôi đưa tay bẹo một bên má của cậu. Mắt tôi sáng hơn sao, miệng cười toe toét. Tôi thực sự gặp Nguyễn Du rồi.

Cậu bé bất ngờ bị tôi bẹo má, sắc mặt liền biến đổi. Rất nhanh, cậu đưa tay gạt cái tay của tôi ra. Hỏi:

- Chị làm gì vậy?

Tôi cười híp mắt:

- Nhóc à, để chị sờ em một chút. – Tôi lại đưa tay sờ đầu vị danh nhân đang còn con nít trước mặt.

Nhưng rất nhanh tay tôi lại bị gạt xuống. Cậu ta tức giận:

- Tôi không phải con nít.

Nói xong cậu ta đứng dậy, đến bên bà Tần, vòng tay trước ngực:

- Mẹ, con ra thành thăm thú một lát.

Bà Tần gật đầu. Cậu liền vòng tay chào quận chúa rồi đi thẳng ra cửa.

Tôi cầm lấy tách trà, uống nhanh ngụm nước rồi đi theo. Gạo bận rộn dọn dẹp, mẹ cả bận nói chuyện bà Tần, Đinh Ngọc đang ngồi ôn chuyện xưa với Đình Duệ. Căn bản không ai để ý tôi đang đi về phía cổng.

Tôi đi sau cậu ta một khoảng cách, thấy cậu ta chăm chú nhìn hoạt động của người dân trên phố. Nguyễn Du là tượng đài, là danh nhân lớn, tôi không dám mở miệng gọi thẳng tên "Nguyễn Du”. Tôi thấy có phần bất kính. Cho nên tôi gọi cậu ta là “Tố Như”.

Khi thấy cậu ta ngồi xuống một gốc cây to bên đường vắng, lôi một quyển sách giấu trong ngực ra đọc, tôi liền đi đến, ngồi xuống bên cạnh. Cậu ta nhìn thấy tôi, nhíu mày một cái rồi ngồi dịch ra xa một chút. Tôi không hề phật ý, hỏi:

- Tố Như có nghĩa là gì?

Cậu ta đáp nhẹ bẫng:

- “Tố” là tơ trắng, “Như” là như cũ.

Tôi thuỗn mặt ra. Cậu ta nhìn thấy thì lắc đầu, nói tiếp:

- Tơ trắng ý chỉ người phẩm hạnh cao khiết.

Tôi như được khai sáng, gật gật đầu, cười:

- Ra là vậy. Cái tên rất hay. Ban đầu tôi cứ nghĩ sao tên chữ của cậu lại nghe có vẻ nữ tính vậy. Ra là không phải. – Tôi cười ha ha.

Cậu ta đỏ mặt, chắc là nổi giận rồi. Tôi đưa tay bịt miệng chính mình, lại ăn nói lung tung.

Cậu ta đứng dậy, phủi tà áo, nói:

- Điêu trùng tiểu kỹ.

Xong nhìn tôi một cái, đi mất. Tôi đứng dậy, mặt lại thuỗn ra. Cậu ta vừa nói gì vậy? Tôi nhẩm nhẩm đi về nhà tìm người hỏi.

Tất nhiên lại là Đinh Ngọc. Lần này Đinh Ngọc nghe tôi hỏi liền ôm bụng cười:

- Đinh Thanh ơi Đinh Thanh, câu đó đơn giản thế mà em cũng không hiểu. Nghĩa là: tài chỉ vẽ được con giun.

Tôi đen mặt. Tố Như nói xéo tôi chỉ vẽ được con giun, chê tôi hiểu biết ít ỏi, tài cán nhỏ mọn. Ấy thế nhưng tôi không hề tức giận mà còn cười to, nhảy cẫng chân lên vui mừng đi về phòng trước con mắt ngạc nhiên của Đinh Ngọc.

Tôi không tức giận một tí nào trước lời chê bai của một đứa con nít mười hai tuổi, ngược lại, tôi đang rất vui sướng. Tôi vừa được một vị vĩ nhân tương lai dạy dỗ, tôi thật có diễm phúc.

Tôi về phòng, leo lên giường ngủ một giấc ngon lành.

***

Sáng hôm sau, Đình Duệ sau bữa ăn sáng cáo trở về Phú Xuân. Quận công căn dặn vài điều, lại đưa một bức thư gởi em trai là Hoàng Đình Thể. Mẹ cả đã dặn người làm mấy món ăn khô, đưa cho người hầu của Đình Duệ cầm. Tôi và Đinh Ngọc tiễn Đình Duệ ở cổng. Đinh Ngọc có vẻ rất quyến luyến Đình Duệ, chỉ thiếu nước cầm tay cầm chân thôi.

Nhìn bóng dáng hai người chủ tớ Đình Duệ đi ngựa ra xa, Đinh Ngọc mới quay vào nhà. Tôi đi theo, vào gian phòng khách đã thấy
Tố Như đang ngồi bàn luận sách với quận công. Tố Như hôm nay chỉ mặc áo dài trắng bạc, đầu tóc ngăn ngắn, không quấn khăn như hôm qua, không còn cái dáng vẻ ông cụ non nữa, chỉ là một đứa trẻ ham đọc sách thôi.

Quận công tuy đỗ Tạo sỹ, là quan võ nhưng sách cũng đọc qua không ít. Hai người hình như đang bàn luận rất sôi nổi. Tôi là con gái không tiện ra đứng nghe nhưng thỉnh thoảng nghe tiếng quận công hô “hay” rất lớn. Tôi cười mỉm.

Đinh Ngọc thấy tôi cứ đứng ngẩn ra ở cửa, liền kéo tôi vào gian nhà giữa, đứng nghe chuyện của mẹ cả và bà Tần.

Hai người mới nói được vài câu nhắc lại ngày còn ở Thăng Long thì người hầu vào báo có thầy thuốc đến. Mẹ cả cho gọi vào, nói thầy thuốc bắt mạch cho bà Tần.

Thần thuốc bắt mạch lui tới, hỏi vài điều rồi im lặng, lắc đầu. Bà Tần nhìn thấy chỉ mỉm cười nhẹ, nhưng Tố Như đã đến đứng bên cạnh bà từ lúc nào thì sắc mặt khẽ xanh.

Thầy thuốc nói:

- Bệnh nhân đã suy nhược cơ thể quá nặng, có lẽ một phần do ăn ngủ không được, suy nghĩ quá nhiều. Bồi bổ cơ thể cũng chỉ ráng thêm được vài năm.

Người của Tố Như run lên, mi rũ xuống che mắt. Mẹ cả nghe thấy đánh rơi ly trà:

- Sao có thể, bà ấy chỉ mới ba mươi bảy tuổi.

- Bẩm quận chúa, nếu có thể mời được danh y Hải Thượng Lãn Ông, có thể sẽ khả quan hơn.

Tôi nghe mà chấn động. Chỉ suýt chút nữa, tôi sẽ nhảy ra, túm lấy áo ông thầy thuốc mà gào lên rằng: Ông vừa nói gì, Hải Thượng Lãn Ông, là danh y Lê Hữu Trác nổi tiếng đó, ông ấy đang sống thời này sao? Nhưng tôi đã kìm lại được, đứng im bên cạnh Đinh Ngọc.

Tôi để ý thấy mắt của Tố Như sáng lên, quận công ngồi ở ghế bên hỏi:

- Ta từng nghe danh Hải Thượng Lãn Ông, không biết ngài ấy giờ đang ở đâu?

- Bẩm quận công, Hải Thượng Lãn Ông đang ở ngay trong trấn Nghệ An. Ngài ấy ở thôn Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang. – Vị thầy thuốc cẩn thận nói rõ.

Quận công để vị thầy thuốc này kê thuốc bổ, lại ban tiền thưởng rồi mới quay qua nói với bà Tần:

- Bà cứ ở đây nghỉ ngơi, ta sẽ cho người đi mời Hải Thượng Lãn Ông. Chắc chỉ trong ngày là đến rồi.

- Thưa quận công, thật cảm ơn ý tốt của ngài. Thật ra bệnh tôi, tôi hiểu rất rõ. Hải Thượng Lãn Ông là vị danh y nổi tiếng, sao có thể vì một người như tôi, đi một ngày đường để khám. – Bà Tần cười nhẹ.

- Sao có thể, đã là người bệnh thì không phân biệt nặng nhẹ, không phân biệt cao thấp, thầy thuốc đều phải đến chữa trị. – Tố Như lên tiếng.

Tôi gật đầu tán đồng quan điểm của Tố Như. Quận công cũng gật đầu, sai người đi Bầu Thượng mời Hải Thượng Lãn Ông. Bà Tần lại can ngăn:

- Đừng đi. Từ Nghi Xuân qua Hương Sơn không tính là quá xa xôi, người bệnh thì nên tìm đến thầy thuốc, để tôi cùng Nguyễn Du trở về rồi sẽ qua tìm Hải Thượng Lãn Ông.

Bà Tần nói rất có lý, cả nhà cũng không ai có ý kiến thêm. Mẹ cả nói hãy nghỉ ngơi hôm nay, sáng mai hãy trở về. Bà Tần cũng vui vẻ đồng ý.

Cả ngày hôm đó, Tố Như chỉ ngồi đọc sách ở gian phòng khách, đọc chăm chú đến mức tôi chẳng dám đến làm phiền. Sau bữa tối, tôi đang ngồi xem Đinh Ngọc thêu hoa dưới ánh đèn dầu. Đang thêu giữa chừng, Đinh Ngọc ngẩng mặt nhìn tôi:

- Đinh Thanh, sao cả ngày em toàn lén lút nhìn Nguyễn Du?

Tôi nghe Đinh Ngọc hỏi mà giật bắn người. Tôi đúng là cả ngày mắt toàn nhìn Tố Như, thế nên đã bị Đinh Ngọc nhìn thấy rồi. Tôi là đang nhìn vị vĩ nhân tương lai kia cho kỹ thôi, không hề có ý tứ khác. Tôi đành cười:

- Làm gì có, em chỉ tò mò sao cậu ta có thể đọc sách cả ngày thế thôi.

- Nếu em để ý Nguyễn Du cũng không có gì lạ, tuy còn ít tuổi nhưng tư chất thông minh, đỗ tiến sỹ hay trạng nguyên cũng là việc nhỏ, lại còn khôi ngô. – Đinh Ngọc vừa nói vừa cười, thật ám muội.

Tôi nghe thấy mà sởn cả da gà lên. Chưa kể đến việc lúc này cậu ấy chỉ mới mười hai tuổi, Đinh Thanh thì đang mười lăm, tôi không thể tưởng tượng được việc tôi yêu một tượng đài danh nhân, người mà tôi chỉ dám tôn thờ. Chỉ nghĩ cũng đủ chảy mồ hôi hột. Tôi xùy xùy tay, nói:

- Chị nói ghê quá, em về phòng đây. – Tôi đứng dậy, chạy nhanh ra cửa, bỏ lại đằng sau tiếng cười của Đinh Ngọc.

Ra khỏi phòng Đinh Ngọc, tôi không vội về phòng mình ngay. Tôi đi dạo ra góc sân nhà, vừa đi vừa suy nghĩ một chút. Từ hôm qua đến nay tôi đã bị các bậc vĩ nhân làm cho choáng váng. Tôi đã gặp Nguyễn Du, lại còn nghe đến Hải Thượng Lãn Ông.

A, có giọt nước rơi trúng trán tôi. Không phải mưa. Tôi ngẩng mặt nhìn lên cành cây cao trên đầu. Một bóng người đang ngồi trên cây.

Tôi có chút sợ hãi, trong phủ quận công có trộm sao? Nhưng nương theo ánh trăng, tôi nhận ra người đang ngồi trên cây kia là Tố Như.

Tố Như – bậc vĩ nhân của tôi đang ngồi khóc trên cây.

Nhưng không vì vậy mà hình tượng của Tố Như trong tôi bị phá vỡ, chỉ là tôi tỉnh mộng, Tố Như lúc này chỉ mười hai tuổi, vẫn còn là một đứa trẻ.

Một đứa trẻ dù cứng rắn, già dặn hay ngây thơ, non nớt đến đâu cũng sẽ đau lòng khi biết bệnh tình của mẹ mình.

Cha đã qua đời, mẹ bệnh nặng. Đứa trẻ cô đơn biết bao. Tôi chạnh lòng. Nửa muốn leo lên an ủi, nửa lại không dám.

Tôi chầm chậm, nhẹ nhàng đi lui về sau. Đến bên cái giếng cách đó một đoạn, tôi ngồi xuống thành giếng, ngẩng đầu nhìn mặt trăng chưa kịp tròn đang sáng bàng bạc trên kia.

Mãi về sau tôi vẫn nhớ đến buổi tối hôm nay và hối hận vô cùng. Bởi không ai ngờ được, chỉ một năm sau, bà Tần qua đời, bỏ lại Tố Như mồ côi cha mẹ. Vị thầy thuốc đó nói kéo dài được vài năm, rốt cuộc chỉ được một năm.

Giá như buổi tối hôm ấy, tôi có thể ngồi bên cạnh Tố Như, vỗ về nỗi buồn của cậu ấy, để cậu ấy không phải cô đơn, để “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du không quá bi thương như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Webtruyen.com


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện