Sáng sớm hôm sau, bà Tần và Tố Như cáo từ. Quận công muốn cho người dùng xe ngựa để đưa về nhưng bà Tần từ chối, nói đường đi xóc nảy, sức bà không chịu được. Bà Tần và Tố Như đi bộ chầm chậm trở về như lúc đến. Tôi đứng im ở cổng, nhìn cho đến khi bóng của họ khuất sau đường rẽ. Đinh Ngọc khẽ kéo tay tôi:
- Vào thôi. Sau này vẫn còn cơ hội gặp lại.
Tôi tiếc nuối đi vào nhà. Đến chiều có bà mối từ trấn Thanh Hóa đến hỏi thăm Đinh Ngọc cho công tử họ Trần của nhà quan tri phủ Trường Yên. Ra là hôm đám giỗ Việp quận công, công tử nhà tri phủ Trường Yên theo cha đến dự đã phải lòng Đinh Ngọc. Hắn ta về nhà hối thúc đủ kiểu, trong hai ngày đã có bà mối đến gõ cửa hỏi thăm.
Nghe qua bà mối nói thì vị công tử họ Trần này khôi ngô tuấn tú, thông minh hơn người. Mẹ cả nghe mà mặt mày lạnh tanh, nói rằng phải hỏi ý kiến của quận công, ngày mai sẽ trả lời. Bà mối vui vẻ cúi lạy chào rồi trở ra.
Tôi nhìn thấy thái độ của mẹ cả thì đoán chắc mối hôn nhân này bất thành rồi. Đem chuyện kể lại với Đinh Ngọc, không ngờ chị chỉ cười, nói với tôi:
- Hắn ta dựa vào cha mình là tri phủ Trường Yên mà ăn chơi trác táng, danh tiếng không tốt còn dám đi hỏi cưới. Cha chắc chắn sẽ không bằng lòng.
Tôi nghe xong liền cảm thấy mình chỉ lo bò trắng răng. Chuyện của Đinh Ngọc tất nhiên quận công và mẹ cả phải suy xét kỹ càng, sao có thể gả lung tung được. Tôi đột nhiên nhớ đến Trịnh Khải. Đã mấy ngày rồi, không biết anh ta còn ở trấn Nghệ An không?
***
Sáng hôm sau bà mối lại đến gõ cửa. Mẹ cả nói là quận công chưa muốn gả con gái sớm, mong nhà tri phủ Trường Yên tìm người con dâu khác. Bà mối nghe hiểu ý, cúi đầu xin ra về.
Tôi ở nhà hoài cũng chán, muốn trốn ra ngoài chơi nhưng không cách nào đi được, bèn kiếm cớ, xin mẹ cả cho ra phố mua trâm cài đầu mới. Mẹ cả gật đầu. Vậy là tôi quang minh chính đại bước ra cổng chính, tất nhiên có Gạo đi theo sau. Vừa ra phố, tôi đã kéo tay Gạo đi ra cổng thành, về hướng cây đa bên ao sen. Gạo lúc đầu thắc mắc nhưng không nghe tôi trả lời cũng im lặng theo sau. Ra đến ao sen, Gạo ngạc nhiên nhìn tôi:
- Tiểu thư, sao người biết nơi này. Thật đẹp.
Tôi cười đắc ý. Nhớ lại cả hai lần gặp Trịnh Khải đều ở đây, thật có duyên. Tôi bất giác nhìn lên cành cây tôi từng ngồi, phát hiện ở trên đó có treo một ống tre. Tôi bỗng có dự cảm, ống tre đó là của Trịnh Khải để lại cho tôi.
- Tiểu thư, người làm gì vậy? – Gạo hét toáng lên khi thấy tôi bám vào cành thấp, trèo lên.
- Im lặng đi, chị ngã gãy tay bây giờ. – Tôi nạt lại.
Gạo sợ hãi, im lặng nhìn tôi leo lên cành cao đang cột ống tre. Tôi mở dây cột, cầm lấy ống tre, thả xuống đất. Sau đó vịn cành tuột xuống. Gạo chạy đến đỡ tôi.
- Tiểu thư, lần sau đừng làm vậy nữa. Lỡ như ngã thật, em sẽ bị quận công đánh chết mất. – Gạo nói với đôi mắt ươn ướt.
- Chị không ngã được đâu, em đừng sợ, không phải giờ an toàn rồi sao? – Tôi an ủi Gạo.
Nói xong, tôi đi đến nhặt ống tre lên. Ống tre rất ngắn, chỉ khoảng hơn gang tay. Tôi mở nắp, lôi ra được một cái khăn tay màu xanh đen, viền chỉ đen, góc trái khăn thêu một chữ Hán. Tôi nhận ra ngay, đây là chiếc khăn tay của Trịnh Khải.
Ngày hôm đó, sau khi nói câu “Nàng sẽ không cô đơn”, anh ta đã đưa chiếc khăn này để tôi lau mặt. Lau mặt xong, tôi đang không biết làm gì với chiếc khăn thì anh ta đã chìa một bàn tay ra trước mặt tôi. Tôi xấu hổ liền giúi trả anh ta chiếc khăn, sau đó nói tạm biệt rồi bỏ chạy.
Tôi nhìn chiếc khăn, cảm thấy mặt hơi nóng. Bên trong còn có một mảnh giấy, viết mấy hàng chữ.
Sau này tôi có hỏi Trịnh Khải tại sao ban đầu đòi khăn rồi sau lại tặng tôi. Trịnh Khải xoa đầu tôi rồi nói đó là chiếc khăn mẹ anh tự tay thêu cho anh. Trịnh Khải vốn không muốn để lại nó nhưng nghĩ tới nghĩ lui vẫn phải để lại một vật mà tôi có thể nhận ra, để biết thư kia là anh gửi cho tôi.
Tôi căn vặn, hỏi anh không sợ tôi không ra đó hoặc tôi không thấy hoặc ai đó lấy mất sao? Trịnh Khải cười, anh cũng muốn xem duyên phận của chúng tôi đến đâu.
Tôi lại hỏi, biết tôi không đọc được sao lại viết thư? Trịnh Khải cười lớn, anh nói tôi rất linh hoạt, nhất định sẽ có cách đọc được. Chỉ là không ngờ tới, tôi vì thế mà bắt đầu học chữ.
Gạo đến bên cạnh tôi, nhìn vào tờ giấy và chiếc khăn tay. Gạo không biết chữ nên hỏi tôi:
- Trên đó viết gì vậy tiểu thư?
- Không có gì. – Tôi nói rồi bỏ bức thư vào trong ống tre, đậy lại. Riêng chiếc khăn, tôi nhét vào trong tay áo.
Gạo nhìn tôi thắc mắc. Tôi đe dọa:
- Chuyện hôm nay em không được kể với bất kỳ ai, biết chưa? Nếu em nói với bất cứ ai, chị sẽ không chơi với em nữa.
- Dạ, tiểu thư. Nhưng ống tre đó? – Gạo rụt rè hỏi.
Tôi nghiêm mặt, hừ một tiếng, nói:
- Em có nghe lời chị không? Nếu không từ nay em không cần đi theo chị nữa.
Gạo gật đầu, nói sẽ nghe lời tôi. Tôi lại bắt Gạo hứa một lần nữa sẽ không kể với ai. Sau đó tôi kéo Gạo ra phố, mua một cây trâm bằng bạc rồi trở về.
Tôi không biết tìm ai để hỏi nội dung bức thư này. Tôi không thể để Đinh Ngọc hay người trong nhà biết tôi
nhận thư của một người con trai, lỡ như lại bị làm lớn chuyện không hay ho.
Tôi đành cất kỹ bức thư. Ngày ngày tôi lôi chiếc khăn tay ra ngắm nhìn, thỉnh thoảng sẽ ướp hoa tươi trong đó để có hương thơm. Mỗi lần như vậy tâm trạng của tôi rất vui vẻ. Gạo nhìn thấy cũng không dám hỏi.
***
Tôi thỉnh thoảng sẽ lấy bức thư ra ngắm nghía, nét chữ rất cứng cỏi nhưng tôi căn bản không biết một chữ. Nghĩ lại cũng thấy hổ thẹn, một người tốt nghiệp Đại học như tôi, trở về đây lại thành kẻ mù chữ, đã thế còn bị Tố Như chê tôi hiểu biết ít ỏi. Tôi suy nghĩ một hồi, quyết định xóa mù chữ.
Tôi nói với Đinh Ngọc, tôi sẽ học chữ. Ban đầu Đinh Ngọc rất ngạc nhiên, sau đó cảm thán rằng tôi trước đây vốn lười học chữ, không ngờ bây giờ lại muốn học. Đúng là bệnh xong không chỉ trí nhớ bị hỏng mà tâm tính cũng thay đổi.
Từ khi mẹ Đinh Thanh qua đời, quận công không lấy thêm vợ bé khác. Ông cũng không giống những người đàn ông ở thời này, trọng nam khinh nữ. Ông không buồn lòng việc mình không có con trai mà còn hết lòng thương yêu hai cô con gái, không hề phân biệt đối xử. Quận công từng nói, ông cũng là con nuôi, sau này chỉ cần nhận một trong ba người con trai của em trai Hoàng Đình Thể về làm con thờ tự là được.
Do đó, khi quận công biết được tôi muốn học chữ, ông hết sức vui vẻ. Ông hỏi tôi có cần mời thầy về nhà dạy học hay không? Tôi nghĩ nghĩ rồi trả lời là không cần. Tôi muốn học chữ trước, chỉ cần biết nhận dạng mặt chữ là được. Mời thầy về, thầy lại giảng thơ văn cổ, nho giáo hay lễ nghĩa gì đó, chắc tôi sẽ đau đầu chết thôi.
Đinh Ngọc đưa tôi một cuốn sách bằng chữ Nôm, nói là tôi chỉ cần học hết chữ trong cuốn này là đủ dùng rồi. Tôi nhìn quyển sách dày thở dài. Quận công nói ngày trước Đinh Ngọc có thầy dạy, có thể học trực tiếp chữ Nôm. Tôi tự học thì nên học chữ Hán trước, sẽ dễ dàng học chữ Nôm hơn. Nói xong lại đưa tôi một cuốn sách chữ Hán.
Tôi nhìn thấy chữ Nôm hay chữ Hán không khác gì nhau, cũng là viết trong một ô vuông, gạch ngang, gạch dọc, chấm phẩy… Tôi bèn hỏi chữ Nôm và chữ Hán khác nhau thế nào?
Quận công nghe thấy thì cười nói rằng, chữ Nôm được ghép từ chữ Hán, nhìn giống nhau nhưng chữ Nôm được viết theo phát âm của người Đại Việt, viết thế nào, đọc ra chính là nghĩa đó luôn, không cần phải dịch ra tiếng Hán để viết như chữ Hán. Do đó chữ Nôm đa dạng hơn, nhiều từ hơn và cũng khó khăn để học hơn.
Có vẻ đã hiểu ra được một chút, tôi cầm lấy quyển sách chữ Hán kia, quyết định phải học nhanh một chút mới được.
Vì vậy tôi lập kế hoạch học cho riêng mình. Mỗi ngày tôi sẽ học mười chữ. Tôi sẽ cầm mười chữ đi hỏi nghĩa và cách dùng, sau đó về phòng dùng tiếng Việt hiện đại ghi chú lại, ngồi lì luyện viết chữ cho quen.
Giấy thì trong nhà không thiếu. Mực thì không cần phải mài, quận công cho tôi lọ mực người Pháp tặng, chỉ đổ một ít ra đĩa nhỏ là có thể dùng được. Nhưng viết bằng bút lông khổ sở vô cùng. Ngày đầu tiên, tôi dây mực ra khắp mặt mũi, áo quần. Cả phủ nhìn thấy cười nghiêng ngả, đến mẹ cả ngày thường lạnh nhạt cũng bật cười.
Đinh Ngọc trêu chọc tôi, nói tôi cố ý để được may nhiều áo quần mới phải không? Sau ngày hôm đó, tôi nói Gạo cắt một mảnh vải hơi lớn, lại may vào hai dây vải, y như tạp dề ở thời hiện đại. Tôi mang tạp dề, tha hồ đứng múa bút luyện chữ.
Sau một tuần, tôi lại lôi bức thư của Trịnh Khải ra đọc. Nhưng tôi chỉ nhận ra được vài ba chữ, tôi tức giận, quyết định tăng thêm một ngày học mười lăm chữ. Quyết tâm của tôi bùng nổ, sáng học từ mới, chiều vừa luyện viết vừa tập ghép chữ thành từ ghép, tối gí chữ vào đèn dầu ôn bài.
Một ngày, Đinh Ngọc nhìn thấy tôi có quầng thâm ở mắt thì sợ hãi, tìm cách kéo tôi ra khỏi phòng. Hôm đó, tôi nghĩ mình cũng nên nghỉ ngơi một ngày, liền đồng ý với Đinh Ngọc ra phố mua ít đồ son phấn. Chủ yếu là đi lại để không bị mấy chữ Nôm kia làm mụ mị đầu óc.
Lúc đi ngang qua quán ăn ngày trước tôi từng ăn với Trịnh Khải. Tôi nhìn tấm bảng đề ba chữ “Thanh Phong Quán” kia, trong lòng vui sướng. Tôi có thể đọc được nó rồi. Về nhà tôi lại chú tâm học chữ. Nhưng bây giờ chỉ còn toàn chữ khó, tôi mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ học được mười chữ. Có nhiều chữ Đinh Ngọc không biết, tôi phải chờ quận công về hỏi. Đinh Ngọc còn than rằng, tôi sắp giỏi hơn chị rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Webtruyen.com