"Cuối cùng thì... ngày này cũng đến."
Hít thở thật sâu, cô gái vững vàng đứng tại bến xe, đã sẵn sàng mở ra một câu chuyện mới trong quãng đời học sinh không còn quá dài của mình.
...
Khi chiếc xe kềnh càng dừng lại cách trường mới chỉ hơn nửa cây số, Hà giật mình khi một bàn tay từ sau lưng vỗ lên vai. Cô quay lại và gương mặt trở nên rạng rỡ gấp bội.
"Nam! Tớ không nghĩ là cậu cũng đi bus!" Nhà cậu ta quả thật rất gần học viện Gallet.
Người con trai vì không còn chỗ ngồi nên đứng nắm vào tay cầm của chiếc xe lắc lư, gương mặt tuấn tú và mái tóc ngắn rối bù, đôi mắt nheo nheo như thể còn ngái ngủ, nhìn xuống ghế của Hà ở ngay cạnh, thản nhiên:
"Sợ mình nhìn nhầm nên lên để kiểm chứng."
"Cậu nói thế có ý gì hả?" Hà thoáng đỏ mặt. Nhưng lòng vẫn thấy vui. Phải chăng nỗ lực dậy sớm chải chuốt của cô đã thật sự tạo nên một ấn tượng khác biệt, ngay cả với cậu bạn đã nhẵn mặt năm năm?
"Cái mặt bánh rán trát phấn lên thành ra cái bánh bao. Dĩ nhiên làm người ta thấy lạ rồi. À, đói bụng nữa... Á!"
Lời chưa nói hết thì bị cả chiếc ba lô của Hà phang thật lực vào bụng. Đúng lúc xe gặp khúc quành, nghiêng hẳn về một bên khiến cậu ta loạng choạng, ngồi thụp xuống, nhăn nhó: "Giết người! Đúng là giết người mà..."
"Đừng giả vờ ôm bụng nữa, ba lô ngày khai giảng nhẹ tênh có đựng gì đâu mà đau! Ngẩng đầu lên, lớp mười một rồi còn để cổ áo thế kia..." Hà đưa tay ra bẻ lại cổ áo cho cậu bạn.
Nghĩ cũng lạ, người đâu mười sáu tuổi đầu ăn mặc cũng không biết cách gọn gàng. Hôm nào cũng có vấn đề. Khi thì sơ vin cẩu thả, còn cả mẩu áo lòi ra ngoài. Khi thì tay đứt cúc. Khi thì cổ áo nguyên một miếng gập vào trong. Không khác gì cái thời còn là... học sinh cá biệt. Bản thân Hà đã quá quen thuộc với bộ dạng lôi thôi và cũng là nạn nhân chủ yếu của thói độc mồm độc miệng thích chế nhạo người khác. Cậu ta chính là Phạm Hải Nam, một trong hai người bạn thân thiết nhất của Hà từ cấp hai.
...
Còn một nhân vật chưa được nói đến ở đây. Bây giờ cũng là lúc bạn đọc cần biết, "ngày này" mà Hà nhắc tới khi đứng đợi bus, không phải ngày nhập học ở một ngôi trường mơ ước. Đó là ngày mà cuối cùng, cô được gặp người con trai đã khiến cô học như điên suốt cả một mùa hè chỉ để thi vào cùng trường với cậu.
Chuyện kể rằng, trong suốt bốn năm cấp hai và một năm lớp mười, có ba người bạn chơi với nhau rất thân. Tình bạn được nảy sinh và bồi đắp không chỉ qua việc học hành hay dã ngoại, mà còn là qua mồ hôi và nước mắt của cả ba trong những hoạt động của đội bóng đá trường cấp hai, và cấp ba Đăng Khoa. Nơi hai cậu ấy là chân sút chủ lực, còn cô là quản lý.
Ngày mà Nguyễn Nhật Bảo Long đột ngột chuyển sang học viện Gallet vào lúc mùa giải sắp bắt đầu, mà trước đó không hề thông báo với cô hay Hải Nam dù chỉ một lời, Minh Hà hụt hẫng và òa khóc như một đứa trẻ. Đó không phải những giọt nước mắt tiếc nhớ một người bạn thân, cũng không phải nước mắt giận dỗi hành động ích kỷ, phản bội lời hứa của Long, khiến cho đội Đăng Khoa năm ấy thua tan nát, đó là những giọt nước mắt của một cô bé mười lăm tuổi đứng trước nguy cơ của một tình đầu tan vỡ.
Và câu chuyện này được bắt đầu, bởi vì Trần Minh Hà, cô bé mười lăm tuổi với kinh nghiệm sáu năm làm quản lý đội bóng và ba năm yêu đơn phương, đã quyết định không buông tay để mọi việc kết thúc dễ dàng.
Khi học kỳ hai năm lớp mười bắt đầu, Minh Hà, trước giờ luôn đứng ở vị trí làng nhàng tốp giữa của một lớp học thường nhất trong các lớp thường, dưới sự giúp đỡ của người bạn chí cốt Phạm Hải Nam, đã ôm mộng thi vào Gallet.
Cần phải nói thêm một chút về học viện tư nhân này, để cho thấy quyết tâm điên rồ tưởng như bất khả thi của nhân vật nữ chính. Đây là một học viện tọa lạc giữa trung tâm thủ đô, được xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ hai mươi, bằng nguồn đầu tư của một Việt kiều- tỷ phú có tham vọng bồi dưỡng những thanh niên ưu tú nhất, cả về trí tuệ lẫn thể chất, để phục vụ cho việc "phát triển tương lai đất nước". Chưa bao giờ một ngôi trường cấp ba "dân lập" lại được đầu tư ghê gớm và thu hút sự chú ý của dư luận nhờ hệ thống đào tạo hoàn hảo và học phí chỉ ngang với những trường công lập bình thường như vậy. Chỉ trong vòng chín năm, Gallet đã đánh bật tất cả những trường chuyên danh tiếng ở thủ đô để lên ngôi đầu bảng trong danh sách trường học mơ ước của học sinh và phụ huynh.
Một nơi lý tưởng như vậy, không phải mở cửa tự do, đón bất kỳ ai muốn vào. Ngoài những nhân tài có khả năng đặc biệt ở bất kỳ lĩnh vực nào, như học tập hay thể thao, được hẳn một đội ngũ sẵn sàng chiêu mộ, tuyển thẳng vào trường, thì điểm đặc biệt của Gallet là trước mỗi học kỳ đều tổ chức thi tuyển. Không chỉ để đưa vào thêm những người xứng đáng, còn nhằm mục đích đào thải những kẻ lơ là.
Dù khó khăn ghê gớm, cạnh tranh đến thế nào, đây cũng là một cơ hội, một tia sáng cuối đường hầm của Minh Hà. Nhất là khi ở bên kèm cặp cô là Hải Nam, cậu con trai "vừa đủ" ở cả hai lĩnh vực thể thao lẫn học tập đã HAI lần được "đội ngũ chiêu mộ" của Gallet để mắt tới, nhưng vì một lý do nào đó không nhận lời.
Minh Hà bồi hồi nhớ lại những đêm trắng ngồi giải đề, để rồi ngủ gục trên yên xe đạp sau lưng Nam những buổi sáng đến trường. Những ngày nghỉ tuyệt đối dành cho việc học. Và sự kinh ngạc của bố mẹ khi con gái ham chơi ham ngủ bấy lâu đã làm được điều tưởng như không thể.
"Nhưng ngạc nhiên nhất là cậu, Nam, cậu cũng chuyển trường cùng với tớ. Ba chúng ta cuối cùng, lại có cơ hội được học cùng nhau."
Cô vừa nói dứt câu, cánh cổng cao sừng sững của học viện đã hiện ra trước mắt. Mặc dù đã từng đến làm bài thi, cũng như thấy qua sách báo, truyền hình nhiều lần, quy mô của học viện cùng với kiến trúc của tòa nhà chính phảng phất nét gothic sang trọng một lần nữa khiến cô choáng ngợp, nhất là khi học viện đang ở trong không khí của ngày khai giảng tưng bừng, cờ hoa rực rỡ.
Hà cùng Nam xuống khỏi xe bus, lòng ngập ngừng hòa lẫn vào dòng người. Buổi lễ chính thức đón tân học sinh phải đến tận mười giờ mới bắt đầu. Khoảng thời gian từ tám giờ đến lúc đó là để học sinh tự ý tham quan trường và đăng ký vào các câu lạc bộ.
Trong khuôn viên rộng rãi lát gạch đỏ của Gallet, khung cảnh náo nhiệt nhưng không