Hà vốn không phải là người quá nhút nhát, nhưng không có một cô gái mười lăm tuổi nào chẳng có chút ngại ngần khi bước vào một môi trường hoàn toàn mới, hay trong trường hợp Gallet thì là một "thế giới hoàn toàn mới". Mặc dù trường có chủ trương đào tạo tài năng, học phí thu không cao vì nguồn tài trợ vốn đã dồi dào, nhưng bằng cách nào đó học sinh trong trường đa phần mang cái vẻ thanh lịch trang trọng đến hào nhoáng. Điều đó làm Hà phần nào không thoải mái, cô chỉ có thể tự giải thích rằng, với chất lượng đầu vào được tuyển chọn gắt gao như vậy thì con nhà giàu, có điều kiện học tập tốt từ nhỏ sẽ chiếm đa số, phần còn lại, những "thứ dân" như cô, may mắn được gia nhập cái xã hội thượng lưu thu nhỏ này, thường cũng biết thân biết phận mà tự hòa nhập.
Ngay cả ở lớp mới của Hà, mà cô tin chắc chỉ là hạng xoàng xĩnh nhất trong trường, cũng toàn những gương mặt sáng láng khó gần. Cũng may là năm nay cô đã bỏ công thay đổi phần nào ngoại hình, chứ nếu cứ đến trường với đuôi tóc trẻ con và quần áo xộc xệch mòn nắng bạc gió như trước thì quả thật là làm trò cười ở nơi đây.
Điều đầu tiên mà một học sinh mới chuyển trường để mắt tới, thường là... người ngồi cạnh mình. Hà cũng không phải ngoại lệ. Vì bên trái đã là khung cửa sổ, nên gần với cô nhất lúc này là bạn gái ngồi bên tay phải. Đó là một cô bé tóc ngắn, mái cắt sát để lộ phần trán khá cao không rõ là thông minh hay bướng bỉnh. Đôi mắt sáng là điểm nổi bật trên gương mặt. Trông cô bé cũng khá xinh, lanh lợi, dễ thương ngoại trừ việc ngồi vắt chân, tay quay bút và gương mặt vênh lên có chút quá đà khi nghe nhạc trong (mọi) giờ giải lao.
"Này cậu..." Sau khi chuông reo hết tiết thứ ba, Hà đánh bạo quay sang người "hàng xóm" thật nhanh, trước khi cô bạn kịp rút tai nghe từ trong túi ra. "Tớ mới chuyển đến, lúc nãy đã giới thiệu rồi. Cậu tên gì?"
"Nguyễn Việt Hương." Gương mặt không tỏ nhiều thái độ. Trong khi Hà còn thoáng lúng túng không biết nên đối đáp ra sao trước sự lạnh nhạt này, thì Hương kia đã lạnh lùng quay đi... nghe nhạc tiếp.
Thất vọng xen lẫn bực mình, Hà đưa mắt tìm Nam, cậu ngồi ở cuối dãy thứ tư khá xa so với vị trí của Hà (bàn ba dãy thứ nhất), nhưng Nam đã sớm có một số đối tượng trò chuyện cả nam lẫn nữ vây quanh cậu.
À, thế đấy. Con người ta lúc nào cũng chỉ thích giao du với những người "cùng đẳng cấp" trở lên. Thật phù phiếm. Nếu như sáng nay mình cứ để yên cho cậu ta đi hai cái tất khác màu nhau...
Nhưng Trần Minh Hà không có cơ hội để "triết lý" về "loài người" quá lâu, khi bài kiểm tra toán đầu học kỳ ập đến như một gáo nước lạnh ngay ngày đầu tiên đi học, vào tiết thứ tư. Một trải nghiệm tuyệt-vời. Làm kiểm tra khi hầu như chưa học được gì mới. Và không một lời báo trước. Cũng có thể những người khác đều biết, ngoại trừ cô. Dù sao thì mọi việc đều không còn quan trọng nữa.
Những phút giây tra tấn tinh thần nhất là khi bút giấy rào rào xung quanh còn mình thì đang trống rỗng. Thật ra thì cũng không đến nỗi quá tệ hại. Khi mớ kiến thức mà Hải Nam đã giúp cô nhồi nhét cả một mùa hè không nghỉ vẫn còn lại được đến bảy, tám mươi phần trăm. Có điều nhiêu đó chỉ giúp cô tạm thời giải quyết được phân nửa tờ đề. Phần còn lại hình như toàn những kiến thức mới, Hà tin là mình chưa thấy bao giờ.
Trong phút giây bất lực, cô cho rằng mình bị ảo giác khi bên cánh tay phải đau nhói. Nhưng không, Việt-Hương quả thật đã chích đầu bút bi vào tay cô. Hà quay lại, kinh ngạc khi thấy gương mặt lanh lợi của cô bạn... xanh như tàu lá, chắc chắn không kém gì mặt Hà bây giờ. Hương chỉ vào tờ đề, sau đó kín đáo chìa lên sáu ngón tay như một nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm... đáp án câu sáu. Cũng may mắn thế nào, câu đó lại nằm trong phân nửa mà Hà làm được, cô động lòng chỉ cho bạn đáp án, dĩ nhiên cũng bằng ký hiệu bàn tay. Sau đó Hương còn chọc bút bi vài lần nữa, nhưng lực bất tòng tâm, Hà chỉ còn biết xua tay, lắc đầu cho đến khi giờ làm bài kết thúc.
Cũng là khi ngày học đầu tiên kết thúc. Hải Nam theo lịch hẹn sẽ ở lại để làm bài kiểm tra đầu vào của CLB bóng đá (lại kiểm tra, cái trường này thật ưa thích kiểm tra). Hà định theo cùng nhưng chưa bước ra khỏi cửa thì Việt Hương đã kéo tay giữ lại, nên đành để Nam đi trước.
"Cảm.. cảm ơn vì hôm nay." Khi chỉ còn hai đứa trong lớp. Hương ngập ngừng mở lời.
Thì ra cô bạn chính xác cũng là một thành phần "thứ dân" như Hà, cũng học gạo điên cuồng để thi được vào trường, chỉ khác là trước Hà một kỳ, chứ không phải vốn thông minh sáng láng gì cho cam. Theo lời Hương, vào Gallet là mơ ước của... bố mẹ cô, ba đời làm nghề nông ở ngoại thành Hà Nội, nên muốn con gái phải chắc chắn có được một tương lai rực rỡ , như những phóng sự về các lứa học sinh đã tốt nghiệp ở ngôi trường danh giá này.
"Nhưng cậu biết đấy, học gạo thì không thể đối phó với những tình huống bất ngờ thế này được, hơn nữa cả một mùa hè qua tớ lại tranh thủ xả hơi là chính..." Cô nàng phân trần.
Nói chuyện thêm một lúc, Hà được biết rằng Hương cũng chưa thật sự có bạn thân cùng trường dù đã học được một kỳ. Điều duy nhất cô có thể làm cho đỡ lạc lõng là nghe nhạc mỗi khi có thời gian trống và làm bộ làm tịch "lạnh lùng, xa cách". Hương thật ra là người hoạt bát, lại nghĩ gì nói đấy đúng phong cách dân dã, thật thà của làng quê.
Bấy giờ hai đứa con gái, chẳng khác gì gặp đồng hương nơi đất khách quê người, mới đó đã thấy thân quen. Hai ngày sau lại càng thân hơn khi kết quả bài kiểm tra của Hương vừa tròn được mức trung bình 5 điểm, đủ để không bị... triệu tập phụ huynh, mà công rất lớn là nhờ sự giúp đỡ của Hà hôm ấy.
...
Phạm Hải Nam vượt qua bài tuyển chọn dễ dàng để được xếp vào một vị trí chính thức trong đội hình Gallet trước ánh mắt có phần nể trọng pha lẫn ghen tị của nhiều thành viên. Rõ ràng đây không phải một ưu ái thường thấy ở CLB giàu thành tích nhất toàn quốc này. Minh Hà với tư cách là người đã sát cánh bên cậu ấy nhiều năm lại hoàn toàn không lấy làm ngạc nhiên. Hải Nam so với Bảo Long, đội