Đông A Nông Sự

Ăn Tết 1


trước sau


Núi Đá chông không giống khi xưa hắn lên thăm.

Lúc ấy nơi đây đã thành khu di tích cách mạng, những công trình nhà tưởng niệm, nhà làm việc đã được trang hoàng rất đẹp.

Lúc này vẻ hoang sơ còn thấm đẫm.

Toàn bộ khu vực được bao bọc bởi rừng nguyên sinh.

Diện tích của khu vực này rộng khoảng 200 ha, phần lớn là rừng cây, dưới có 2 hồ rộng.

Trên núi có nhiều tảng đá thon nhọn tựa mũi chông mọc ở dưới đất lên, xứng với tên gọi là Đá Chông.
Theo bản thiết kế mới của Trường Cung sau khi góp ý thì sẽ phân hai khu rõ ràng cho Học phủ.

Khu chính sẽ dành để xây dựng các công trình phục vụ học tập, nhà ký túc, bếp ăn, khu thể dục.

Khu phụ là khu đặc quyền dành cho các tiên sinh và gia đình của họ, nơi đây sẽ xây dựng các toà tiểu lâu để nghỉ ngơi; Còn bộ phận nhà xưởng được xây hẳn ra ngoài ở khu vực gần bờ sông Đà.
Thời gian này, Bách tâm sự cùng ba người nhà họ Cao rất nhiều.

Cao gia đúng là gia tộc tri thức lâu đời.

Kiến giải của họ độc đáo làm Bách kinh ngạc.

Bốn người say sưa trong những mộng tưởng về tương lai.

Họ xoá đi khoảng cách về tuổi tác, ranh giới của những người cách nhau hàng ngàn năm tri thức ….
Lịch sử nước ta từng xuất hiện bao người tài tuyệt thế, Trạng Nguyễn Hiền thông minh tuyệt đỉnh, Trạng Lường Lương Thế Vinh tài hoa trác tuyệt, nhà Khoa học Lê Quý Đôn trí nhớ siêu phàm, rồi Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông trong Y học.

Ai tâm huyết viết lại được cuốn sách thì còn được lưu danh, có những bậc anh tài có khi đến đời chúng ta không ai còn biết đến.

Chỉ có biến Bác vật học phủ trở thành chỗ nuôi dưỡng nhân tài khoa học, cung cấp cho họ điều kiện để sáng tạo, thúc đẩy họ làm ra cái mới liên tục thì mới là cái gốc rễ lâu bền được.
Sự phối hợp của chính quyền chính là yếu tố quan trọng nhất.

Ngàn năm qua, Cao gia tuy giấu mặt vẫn luôn âm thầm phát triển kỹ thuật trong nước, nhưng họ thiếu một điều, đấy chính là sự ủng hộ của chính quyền.

Khổng Tử vì sao thất bại trong phát triển nho học ở chính nước Lỗ? Vì quân vương của ông ta ngu ngốc.

Còn Đổng Trọng Thư nói học thuyết nho học của bản thân là một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, cần gả cho vị đế vương ưu tú nhất trên lịch sử, ông ta đem Tam cương ngũ thường gả cho đế vương ưu tú nhất Hán Vũ Đế, chính vì vậy ông ta thành công.
Cao gia nhìn ra được, đây chính là thời điểm lịch sử của Đại Việt, việc thoát khỏi ngàn năm lệ thuộc Trung Nguyên đã là minh chứng hùng hồn về ý thức hệ của người Việt, một chủng người ngoan cường nhất trong các chủng người châu Á.

Nói không ngoa toàn bộ người Hoa Hạ chẳng phải chính là những dân tộc mất nước về tay người Tần hay sao? Giờ trong số họ còn ai nhớ đất xưa nước cũ của mình không? Còn người Đại Việt thì khác, có xâm chiếm, nô lệ họ thì họ vẫn khăng khăng mình không phải người Trung Quốc.

Dân tộc như thế có xứng đáng có một vị thế chói lọi hay không?
Trên lịch sử, nhãn quang của Lý Thái Tổ chiếu rọi sử sách nước ta nghìn năm, Thái uý Lý công đồ thành Ung Châu, Khâm Châu chính là thời đại làm người ta nhung nhớ.

Sự diệt vong của họ ít nhiều làm con cháu nuối tiếc, quốc gia yếu thì sập, chỉ có Nhà Lý mạnh quá tự sập.

Nhà Trần hội đủ yếu tố: Thiên thời! Chính là sự suy yếu của Tống triều.


Địa lợi! chính là sự phân chia liên tục lãnh thổ của các nước xung quanh.

Và quan trọng nhất, Nhân hoà! chính là do Hoàng tộc của họ mạnh mẽ, người tài vô số.

Lúc này nếu không mang mỹ nữ Bác vật học gả cho họ, thì còn đợi đến khi nào?
Nhưng thái độ nhà Trần với việc này thế nào? Những thứ Cao gia đã từng trải qua trong quá khứ ra sao … Cao lão chậm rãi phân tích, Bách bàng hoàng tiếp thu …
Kết thúc cuộc nói chuyện, Cao lão chỉ hỏi Bách một câu:
- Ân Công thấy Cao gia ngàn năm nay ở nước Nam, có được tự do tự tại?
- Các ngài ẩn cư sơn dã, ngầm thao túng chính sự, đã là đỉnh cao của tự do tự tại.
- Cao gia trải bao triều đại, luôn bo bo giữ mình, chỉ ngầm động tay chân nên chưa thể gọi là tự do được.

Nay Cao gia và ngài đã hoà vào làm một, chúng ta muốn tự do tự tại ở nước Nam.

Thì không thể không có chút chuẩn bị.

“Thế nào là tự do? Cấp độ thấp nhất của tự do là thích làm gì thì làm, cấp độ cao nhất của tự do là thích không làm gì thì không làm” …
Bách lẩm bẩm câu nói trong miệng, lần trước chật vật như vậy, chính là nỗi nhục lớn nhất cuộc đời của hắn.

Hắn nhận ra, trong xã hội cổ đại này, không có cái gì gọi là pháp trị cả, hoàng quyền chính là luật pháp.

Cũng may hắn đã có đủ kinh lịch, không còn là đứa thanh niên máu nóng nữa, đã kìm nén kịp thời.
Bách xấu hổ khi nhớ lại ánh mắt của Đinh Tú tối hôm ấy.

Nó đau xót, cam chịu, chỉ đành phản kháng yếu ớt bằng ý định xuất gia.

Nàng từ hôm đám cưới đã vui vẻ nhưng hắn biết, thương tổn trong lòng nàng sao có thể bù đắp dễ dàng như thế.
Hắn như chắc chắn thêm với quyết định của mình, hạ xuống quyết tâm lớn … “Ta không thể cứ mãi làm quân cờ cho người khác được …!”
Cao lão cùng Điền Công mất năm ngày ghi chép, đánh dấu các kiến trúc mà Trường Cung lên ý tưởng.

Lại góp ý rất nhiều vào bản thiết kế đến khi vừa ý mới về Trang viên.
Trang viên giờ này đang rất nhộn nhịp rồi, Cao gia tuy chỉ có chục người, nhưng không hiểu Cao lão lấy đâu ra rất nhiều nhân lực.

Lão chỉ viết một phong thư là lại có một tốp người xuất hiện, làm một nhiệm vụ gì đó xong là rút đi rất thần kỳ.
Hôm nay, có hai người được lão đưa đến.

Cao lão chỉ hai người nói:
- Đây là hai anh em họ Hùng, cứ gọi là Hùng Tam và Hùng Tứ.

Ân Công là người gánh vác trọng trách lớn, sắp tới sẽ còn có những chuyện không lường tới được.

Ta gọi bọn họ đến đây để kề cần bên ngài.

Đây đều là cao thủ trong cao thủ.
Hai người chắp tay chào:
- Chúng thuộc hạ ra mắt đại nhân.
Bách nghe cũng gật đầu.

Hắn cũng ý thức được mình cần có những người võ nghệ cao cường giúp sức.


Dù sao trong cái thời cổ đại này, vũ lực là một cái gì đó không thể thiếu được.
Hắn chắp tay:
- Hai vị tráng sĩ đa lễ rồi, từ này các ngươi ở lại trong Trang viên, kề cận bên ta là được.
- Xin theo lời đại nhân sai phái …
Điền Công có một người vợ, kèm theo đó là nha hoàn thiếp thân của bà, người vợ chính là mẹ của Trường Cung.

Bà họ Dương, Cao lão chỉ gọi là Dương thị, vô cùng xinh đẹp.

Trường Cung thì có một nàng hầu, cũng có khí chất không tầm thường.

Bách thắc mắc Cao gia có bí quyết gì mà tức phụ nhà họ đúng là xinh đẹp như tiên thiên.

Cao lão cười:
- Không dấu gì Ân Công, Cao gia có tổ huấn chỉ đơn truyền nam đinh, chính vì vậy lựa chọn tức phụ cho thế hệ sau luôn là việc trọng đại của thế hệ trước.

Dương Thị chính là hậu duệ của Đại Thắng Minh Hoàng hậu, sao lại không xinh đẹp cho được.
Bách giật mình:
“Cao gia chơi sang vậy, toàn lấy con cháu của mỹ nhân”
- Như vậy, Dương thẩm chính là hậu nhân của Dương Bình Vương.
- Đúng thế! Dương Bình Vương có cơ hội xưng đế nhưng không đủ mưu lược, cuối cùng thoái chí.

Họ Cao cũng không thể giúp gì hơn được.
Bách chắp tay bái phục Cao lão, gừng càng gì càng cay, chỉ là vợ Đinh lão đã mất từ lâu.

Nếu không nhất định hỏi xem bà là hậu nhân của ai.

Chắc cỡ Lý Sư Sư người Bắc Tống chưa có cửa.
Dương Thị đã lâu lắm mới được sống trong không khí vui vẻ thế này, nhìn trang viên xinh đẹp như thế, yêu mãi không thôi, lại thấy Đinh Đang cả ngày đi theo Trường Cung khắp nơi, lòng khấp khởi mừng.

Chỉ là bà không biết Cao lão có đồng ý không, tiêu chuẩn của ông quá cao.
Đinh Tú đã cho mở cửa nhà thờ, sai người quét dọn, bày các đồ thờ và rước thần chủ ra.

Lại quét dọn nhà trên, lấy chỗ treo ảnh Nam Sơn cư sĩ, bức ảnh này Bách phải gọi một tay thợ truyền thần rất khéo, tả gãy lưỡi để hắn hoạ ra bức Nam Sơn cư sĩ này.

Bấy giờ trang viên, trong ngoài trên dưới, đều bận rộn tíu tít cả.
Hôm đó Dương Thị và Đinh Tú sửa soạn đồ thêu và lễ vật biếu tết, thì con Hồng bưng vào một cái khay đựng những thỏi vàng nhỏ

nói:
- Thưa Dương phu nhân một gói vàng vụn hôm nọ là gần trăm lạng, nhưng tuổi vàng không đều, đúc được tất cả bảy mươi thỏi nhỏ.
Nói xong, nó đưa khay vào.

Dương Thị xem một lượt, đẩy sang chỗ Đinh Tú.

Nàng nhìn thì thấy nhiều đĩnh vàng trên có dấu hiệu một cây bách in chìm.

Dương Thị dặn Đinh Tú:
- Những thỏi vàng này là ta sai làm mấy hôm trước.


Cháu giữ lại mừng tuổi các cháu trong nhà, lại đưa cho Hoàng Bách lúc lên kinh gặp con cái nhà ai thì mừng con cái người ta.

Đừng tiếc của …
Đính Tú xin vâng.

Đến lúc ăn cơm, lại có người báo, Lễ bộ sai người đến gửi tiền thưởng tết.

Thái Đường năm nay mới ở riêng, nhanh nhẹn hỏi bao nhiêu tiền thì Cao lão ngăn lại.
- Quý tộc tuy không phải chờ mấy lạng bạc ấy mới có tiêu, nhưng ít nhiều cũng là ơn chủ thượng, con đừng hỏi nhiều ít.

Tiền này để dùng mua đồ lễ, tỏ lòng trên đội ơn vua, dưới nhờ phúc tổ.

Khi xưa Cao gia thờ An Dương Vương, vua cho một đồng cũng là quý.

Dẫu lễ tết tiêu hàng vạn bạc cũng không sợ, nhưng không bằng mấy lạng bạc này, vừa có thể diện lại được thấm nhuần ơn vua.

Đây là hoàng gia tỏ cái lòng chu đáo đấy.
Nói xong ánh mắt thâm thuý nhìn viên quan lễ bộ đang quỳ ở dưới.
Thái Đường lúc này mới vỡ lẽ, mở cái giỏ bọc vải vàng trên có bốn chữ niêm phong “Ơn vua lâu dài”.

Một bên có dấu của Lễ bộ.

Lại có một hàng chữ nhỏ viết: Tây Sơn Hầu Hoàng Bách, Thái Đường công chúa đời đời được lĩnh thưởng để tế xuân, tất cả là hai phần.
Cơm nước xong xuôi, Bách ngồi khểnh xem bọn gia nhân khênh dọn bình phong, lau chùi bàn ghế và đồ thờ.

Bỗng thấy gia nhân cầm một cái thiếp và quyển sổ vào trình:
- Có bô lão vùng này tên là Phạm Hùng, xin được ra mắt Hầu gia.
Bách đứng dậy:
- Mau mời vào!
Phạm lão từ ngoài vào, chắp tay chào Bách.

Bách đỡ lão vào sảnh, mời xơi trầu uống nước, lại hỏi đến có việc gì thì Phạm Hùng ngạc nhiên.
- Theo lệ đến tháng chạp, nhân dân trong đất phong của Hầu gia có lễ hiếu kính Hầu Phủ.

Mong Hầu gia nhận cho.
Lại đưa cho Bách một quyển sổ nhỏ.

Hắn giở sổ ra xem, thấy viết:
Hươu to 5 con, hươu nhỏ 10 con, hoẵng 5 con, lợn 10 con, lợn rừng 10 con, dê 20 con, dê non 20 con, cá chép 200 con, các loại cá 200 cân, gà, vịt, ngỗng còn sống 200 con, gà rừng, thỏ 200 đôi, tay gấu 10 đôi, gân hươu 10 cân, lưỡi hươu 20 cái, lưỡi bò 20 cái, hạt thông, hạt dưa mỗi thứ 2 túi, than hoa 1.000 cân, than vừa 2.000 cân, than củi 30.000 cân, gạo tám thơm 2 gánh, gạo cẩm 20 hộc, gạo nếp trắng 20 hộc, các thứ hoa màu mỗi thứ 20 hộc, gạo thường 1.000 gánh, rau dưa khô một xe, tiền 500 quan.
Bách giật mình, những thứ này ở đâu, chưa kịp nói gì thì Đinh Tú đi ra, cầm lấy quyển sổ, bảo với Phạm Hùng:
- Lão theo ta vào kiểm kê.
Đinh Tú cùng với Phạm Hùng ra kho, từng thứ, từng thứ được chuyển vào.

Kiểm kê đầy đủ.

Đinh Tú hỏi lão:
- Năm nay mùa màng thế nào?
- Bẩm phu nhân năm nay mùa màng cũng tốt, chỉ là nhân khẩu vùng này quá thưa thớt, cuối năm nhân đinh mới đến nhiều, chưa kịp kiểm kê đầy đủ.

Từ tháng ba đến hết tháng tám mưa nhiều.

Đến tháng mười có một trận mưa đá, nên lương thực bị hại mất một ít, nên mới có thế này.

May nhờ giống lúa mới của Hầu gia, lại thêm cây ngô nhưng mới chỉ dùng làm giống.

Tôi không dám nói man.
- Nhà ta mới được tập ấm vùng này, không khắt khe với bá tánh làm gì cả.


Các ngươi về bảo ban nhau làm ăn, khi nhân khẩu tăng lên sẽ bớt khó khăn.

Các ngươi về báo lại với hương thân phụ lão, nhà nào khó khăn quá thì đến Hầu phủ, ta sẽ cho ăn, không để ai chết đói, nghe chưa? Những giống quý của hầu gia nếu không bất đắc dĩ thì đừng ăn, đem đổi lấy giống khác mà ăn.

Có bao nhiêu mang vào Hầu phù, nhà ta sẽ đổi cho.
- Đội ơn phu nhân.
- Giờ mời Phạm lão ăn cơm đã rồi về.
Nàng lại sai gia nhân sắp mâm cơm, một đứa quản sự bồi Phạm lão ăn cơm.

Khi về còn cho một giỏ quà bánh lớn.

Lúc này Bách đang bực dọc nằm trên cái ghế xích đu đặt trong vườn.

Nàng biết hắn khó chịu, lại gần nắm tay:
- Chàng ngốc có hiểu hết chuyện trên đời hay không?
Lại thấy hắn quay mặt đi không nói, bèn ôn tồn:
- Chàng nghĩ ta tham những vật ấy sao? Những vật ấy, ta nói chàng nghe, không nhận không được! Nhân dân ở đất phong có trách nhiệm hiếu kính gia chủ hàng năm, lại nộp tô thuế cho chàng không phải không có lý do.

Chàng có biết con người có vay có trả, chàng nhận hiếu kính của họ thì có trách nhiệm chăn dắt, bảo vệ họ.

Nếu hôm nay chàng không nhận là có ý mặc kệ, trong lòng họ sẽ sinh lo.

Họ thà hằng năm bỏ chút công sức lao động lên núi bắt hươu, ra đầm đánh cá để biếu xén chàng, đến khi binh lửa chàng bảo vệ họ còn hơn đến lúc đó chỉ bó tay chịu chết.
- Đây là năm nay trong Trang chỉ mới thống kê ít hộ thôi, với quy mô này, những năm sau số lượng còn nhiều gấp mấy chục lần.

Chàng hỏi họ tên Trần Doãn khi trước, một năm đòi họ cống bao nhiêu, đây là ta đã đánh tiếng trước với Phạm lão giảm hết sức có thể rồi đấy.
Ôi! Cái xã hội phong kiến chó má.

Sống ở đây càng lâu, càng bị bôi đen.

Trước kia nếu bảo hắn dùng tiền kiếm được, cuối năm phải biếu xén cấp trên một chút thì đã thà chết không làm.

Thế mà đến đây chứng kiến người dân, lao động quanh năm trên mảnh đất của mình, nộp tô thuế, hiến công lao, cuối năm còn phải biếu xén gia chủ.

Đúng là chuyện vô lý nhất trần đời.

Ấy thế mà lại thành hợp lý.
Hợp lý vì một lẽ, tất cả đất đai mấy trăm dặm quanh đây là của hắn, thuộc quyền sở hữu của Tây Sơn Hầu.

Nhân dân sống ở đây tự cho là phải đóng thuế cho hắn mới yên tâm.
CMN, hắn hiểu vì sao vị Nam Sơn cư sĩ làm Cải cách ruộng đất rồi, chính là để phá bỏ tư hữu đất đai.

Mấy thằng chó ngu sau này phê phán, phải cho chúng nó đi làm tá điền mới thấm.

Đau một lần, sai lầm một lần, giết lầm không ít nhưng hưởng lợi đời đời.

Hắn vặc lại Đinh Tú:
- Chẳng phải tên chó má Trần Doãn kia thu bao nhiêu tiền của họ rồi trốn sang nhà Tống hay sao?
- Chính vì vậy họ lại càng hy vọng chàng khác hắn, chàng nhận họ hiếu kính, sửa sang trang viên, tập trung trai tráng để lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ họ.

Không như tên kia mới không phụ kỳ vọng của họ.
Bách nhổm ngay dậy:
- Nàng nói thật không?
- Ôi chàng ngốc, cứ thương người thế này thì làm sao đối đầu được với lũ gian tham trong triều đình đây.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện