Cung Thánh Từ có điện lớn, đủ chỗ cho mấy chục người cùng bàn việc.
Bách đến nơi đã thấy hai vua, còn có Trần Thủ Độ, Quang Khải cùng bọn đại thần hắn chưa nắm rõ tên tuổi, ước chục người nữa.
Hai vua và Trần Thủ Độ ngồi ghế còn quần thần đứng xung quanh.
Thấy đã đông đủ, Quang Khải chắp tay.
- Bẩm Thái thượng hoàng, Quan gia! Sơn Tây Hầu có công hiến bảo cho triều ta, lại là đệ tử cao nhân, nay có chuyện quốc sách muốn thưa, đã bẩm lên nhi thần để xin phép.
Mong Thái thượng hoàng, Quan gia cho y được giãi bày đôi chút.
Thái Tông từ tốn:
- Khi phong tước Minh Tự cho Sơn Tây Hầu ta đã nói có kế gì hay, làm cho dân giàu nước mạnh thì cứ dâng tấu.
Ta sẽ hết sức lắng nghe.
Nay ngươi đã dày công chuẩn bị, cho ngươi được nói để quần thần cùng đánh giá.
Hai hôm nay, Bách trốn trong phòng, chuẩn bị chì vẽ, dựa theo bản đồ thế giới trên điện thoại.
Đã phác hoạ mấy tấm bản đồ cực lớn.
Tấm đầu tiên vẽ lại vị trí đại khái khu vực châu Á, tấm thứ hai vẽ khu vực đông nam á, tấm cuối cùng là bản đồ Việt Nam hình chữ S hiện đại.
Hắn chắp tay với vua và quần thần:
- Nước ta từ Hồng Bàng, lãnh thổ trải dài từ Trường Giang đến Ái Châu, chia ra rồi đến đời Triệu Vũ Đế lại hợp, lãnh thổ gồm hết cả Quế Lâm, Nam Hải.
Nhà Hán thu phục đất đai của Triệu Vũ Đế, lại chia ra để trị.
Đến khi Ngô Vương đánh bại nhà Hán thì chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn.
4 châu vẫn còn trong tay Trung Nguyên là: Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An.
Sau trong nước lại gặp loạn 12 sứ quân, mỗi bên chiếm cứ một phương.
Thẳng cho đến Lý triều rồi đến triều ta mới cơ bản an ổn.
Như vậy, có thể thấy, đại thế là vậy, nếu không liên tục tự cường, trong nước nội loạn thì sớm muộn cũng bị o ép như con tằm ăn rỗi, lãnh thổ sẽ càng ngày càng thu hẹp.
Ở đây thần có ba tấm bản đồ, là tâm huyết cả đời của sư phụ thần.
Bản đồ này thần hiến lên dâng hai vua, nhưng đây là cơ mật cao nhất của Đại Việt, xin các vị đại thần giữ kín.
Hắn nói đoạn trải ba tấm bản đồ lên nền điện.
Hai vua thấy ba tấm bản đồ, từ ghế bước xuống cúi đầu nhìn cùng đám đại thần.
Bách chỉ vào tấm đầu tiên, là tấm bản đồ châu Á:
- Đây là bản đồ một số quốc gia mà thầy ta được biết, là cực hạn tri thức của ngài rồi, những quốc gia khác cần đi xa hơn để có thông tin.
Đây chính là Đại Việt.
Nước ta nằm ở phía Đông Nam của bản đồ này, phía trên tiếp giáp với Nguyên, Tống, phía dưới là Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp và các nước đảo xa ở phía Nam.
Đi xa hơn sang phía Tây là Tây Phương.
Có thể thấy đây là Thiên Trúc, nới Phật Thích Ca truyền đạo.
Cao hơn lên phía Bắc là một quốc gia khổng lồ tên là Nga La Tư, diện tích còn hơn Trung Nguyên nhiều lắm.
Phía Đông Bắc là các nước Cao Ly và đảo Oa quốc.
Hắn dừng lại một chút cho mọi người tiếp thu, được một lúc rồi lại tiếp tục:
- Giờ chúng ta nói về một thứ đã xuất hiện ở đời Đường, thứ này đã làm nhà Đường trở nên hùng mạnh, gọi là “con đường tơ lụa”.
Con đường này bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Trường An sau đó chạy qua Đôn Hoàng tiến về phía Tây.
Qua các tiểu quốc trên sa mạc để tới các quốc gia Tây Phương.
Tây phương cũng là nơi văn minh phồn hoa, Ở đất nước của họ đền đài cung điện xây cất rất quy mô, những thành tựu về thiên văn, toán học có thể nói là cao hơn chúng ta hiện giờ.
Thứ trao đổi trên con đường này chính là vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu, đồ gốm sứ của người Đường, người Tống.
Một cân lụa ở nhà Đường chỉ mua vài quan nhưng chuyển sang được phương Tây có giá một cân vàng.
Đổi lại người tây dương mang sang cho nhà Đường vàng bạc, đá quý, các loại gia vị, dược liệu và công nghệ tiên tiến.
Thời Đường thu thuế trên con đường này rất nặng, chính vì vậy trở thành nguồn thu lớn cho quốc khố và làm họ trở nên hùng mạnh.
Lúc này có một người đứng ra:
- Việc này đúng là như vậy, khi ta đi sứ sang Tống, đàm đạo với đồng liêu thì cũng có biết việc này.
Hán Vũ Đế, để khai thông con đường này, đã dùng vũ lực tấn công Hung Nô, sau đó dùng biện pháp ngoại giao, liên kết với tộc Đại Nguyệt và các nước Tây Vực, cùng nhau chống lại Hung Nô.
Năm Kiến Nguyên thứ và năm Nguyên Đỉnh thứ 2, Hán Vũ Đế đã hai lần phái Trương Khiên đi sứ Tây