Lại nói, Phạm Thế Căng giảng giải về cương thổ và thế lực của Đế quốc, khiến cả Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều chấn kinh không sao kể siết. Nhưng cả hai đều không phải người thường, nhanh chóng bỏ qua chuyện đó, không nghĩ đến nữa. Nguyễn Trãi lại hỏi về chuyện quan trọng trước mắt :
- Tướng quân. Sau khi đã lấy lại được Thăng Long thì sẽ làm gì nữa ạ ?
Theo ý Nguyễn Trãi là muốn hỏi về việc khôi phục đất nước, bởi sau khi đánh đuổi được quân Minh thì việc quan trọng cần làm là an dân, khôi phục đất nước. Nhưng Nguyễn Trãi lại quên rằng mình lại dùng đến tầm nhìn mà Phạm Thế Căng bảo là ‘thổ hào’, trong tầm nhìn hạn hẹp chỉ biết có Đại Việt, mà quên rằng Đế quốc rất hùng mạnh, sử dụng nhân tài vật lực của hơn 60 tỉnh để khôi phục Đại Việt, không thành vấn đề. Hiện tại, Đế quốc trừ Thăng Long và Thuận Hóa ra còn có 63 tỉnh khác, trong đó đất Minh Châu (Úc châu) rộng lớn chỉ được lập 1 tỉnh (vì ít dân).
Phạm Thế Căng nói :
- Còn làm gì nữa chứ ! Đương nhiên tiếp tục bắc phạt. Nhiệm vụ của bản tướng là tiến chiếm Quảng Tây.
Tiến chiếm Quảng Tây ? Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều giật mình, nhưng rồi nghĩ lại, theo lời Phạm Thế Căng thì Đế quốc đã hùng mạnh như thế, có lẽ chẳng có gì phải sợ Minh triều. Và giờ đây bọn họ mới hiểu ý nghĩa của từ ‘bắc phạt’ mà Phạm Thế Căng nói nãy giờ. Lúc trước cả hai chỉ nghĩ ‘bắc phạt’ là từ Thuận Hóa đánh ra Thăng Long, nhưng đến lúc này cả hai mới hiểu ý nghĩa thực sự của nó. ‘Bắc phạt’ là chinh phạt Bắc triều, không phải chỉ đơn giản là khôi phục Đại Việt, vì vậy mới mất đến 16 năm chuẩn bị.
Phạm Thế Căng lại nói :
- Lý Ngân đã tiến quân vào Vân Nam. Triệu Phong đã tiến đánh Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, hiện đang tấn công Kim Lăng, kinh đô của Minh triều. Chỉ có bản tướng là hơi chậm, cần phải khẩn trương hơn nữa. Bản tướng cần chiếm lĩnh Quảng Tây, sau đó phối hợp với Lý Ngân tiến quân vào Hồ Quảng.
Thấy cũng đã đủ đả kích tinh thần hai người bọn họ rồi, Phạm Thế Căng cười a a nói :
- Đây là hịch văn do Tử Tấn soạn. Các ngươi xem qua đi. À. Tử Tấn với Nguyễn Trãi thi đỗ đồng khoa thì phải ?
Nguyễn Trãi giật mình hỏi :
- Phải chăng Tướng quân nói đến Chuyết Am Lý Tử Tấn.
Phạm Thế Căng gật đầu :
- Phải đó. Y văn hay chữ tốt, được Thánh hoàng tin dùng, cho giữ chức Trưởng sử, phụ trách thảo chiếu chỉ, công văn.
Nguyễn Trãi nói :
- Vãn sinh với Chuyết Am huynh đỗ cùng khoa năm Canh Thìn.
Phạm Thế Căng đưa cho bọn họ xem tờ hịch văn do Lý Tử Tấn soạn. Hịch văn này để truyền sang đất Bắc, nên viết bằng chữ Hán, tạm dịch như sau :
“Thường nghe rằng :
Bậc minh chủ gặp nguy vong mà biến thế,
Đấng trung thần lo nạn nước mà tùng quyền.
Vậy nên :
Có người phi thường rồi mới có việc phi thường. Có việc phi thường rồi mới có công lao phi thường. Người phi thường ấy, không phải ai cũng có thể bắt chước được.
Xưa kia, Đại Tống gặp lúc vua hèn, Tần Cối dối vua hại người trung nghĩa, tác oai tác phúc. Thiên hạ lắm người oán hận nhưng không ai dám nói gì. Thế rồi hắn cũng phải chết, mang tiếng ô nhục, lưu tiếng xấu muôn đời.
Cho đến cuối thời Nam Tống, Sử Di Viễn chuyên chính, bên trong giữ quyền tể tướng, bên ngoài thống chế tam quân, lạm quyền quốc sự, quyết việc nơi Cung cấm, dưới lăng loàn, trên suy yếu, bách tính ai cũng đau lòng.
Ngày nay có gã Yên vương Chu Lệ làm càn. Cha gã là Nguyên Chương, vốn là ăn mày được Quách Tử Hưng thu nhận, nhờ tài nịnh hót mà được thừa kế chức vị, nắm quyền quân sự, làm điều yêu nghiệt, tham tàn càn rỡ, tổn thương phong hóa, tàn ngược nhân dân, bị đuổi đánh, phải chạy sang đầu phục Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi, quan bái Quốc công, vậy mà không biết đền ơn, nhờ có của tiền mua lấy chức vị, mang vàng ngọc đút lót chỗ quyền môn, trộm cắp đỉnh tư, làm nghiêng đổ cơ đồ Tống thất.
Đến gã tên Lệ, con thằng ăn mày, cháu tên tá điền, nên chẳng có nết na gì, tai quái luông tuồng, ham loạn lạc, vui trong tai vạ của bách tính.
Bản triều đây, thống lĩnh tứ hải, tảo trừ lũ hung nghịch. Gặp hồi Huệ đế yếu hèn, tên Lệ mượn cớ ‘tịnh nạn’, xin với bản triều giúp đỡ thanh quân trắc, diệt gian thần. Bản triều tưởng gã có lòng trung nghĩa, nên đã cho giữ một cánh quân, tặng lương tặng của, tưởng rằng chim ưng, chó săn cũng có chút tài khả dụng.
Nào ngờ tên Lệ là đứa ngu si dốt nát, tiến liều lùi bậy, liên miên bại trận, làm tổn quân mã, mất cả nhuệ khí tam quân. Bản triều lại phải rèn luyện quân ngũ, chinh tập lương thảo, rồi cho gã tiếp tục cử sự. Thân dê đội lốt hổ, nắm được quyền hành, những tưởng rồi gã sẽ đem thân khuyển mã để báo được những trận thua trước, cứu nạn cho bách tính Trung Nguyên.
Thế mà gã nhân được thể, dám làm trò chó vượt qua rào, hung hăng tàn bạo, chinh chiến liên miên, hại người hiền, giết người ngay. Quan cố Học sĩ Phương Hiếu Nhụ là bậc anh tài tuấn vĩ, thiên hạ đều biết tiếng, nhìn ngay nói thẳng, không lời dua nịnh, mà cũng bị gã giết hại,