Sử ghi Ðại Dạ năm 173, Vĩnh Thành hoàng hậu thất đức, bị đuổi ra khỏi cung. Thừa tướng hai triều Thượng Quan Phong – phụ thân của hoàng hậu,
đập đầu vào cột chết ngay tại chỗ, toàn thể gia quyến Thượng Quan bị
định tội, cả nhà phải đi lưu đày. Duy chỉ có hoàng hậu bị phế không rõ
tung tích, hoàng đế nổi giận, lùng tìm khắp nơi không thấy, thương tiếc
những năm tháng trước đây luôn kính cẩn khuôn phép, truy phong cho hiệu
là “Vĩnh Thành”, lập mộ chôn y phục cùng di vật, an táng trong lăng tẩm, lập di chiếu căn dặn trăm năm sau hợp táng cùng Vĩnh Thành hoàng hậu.
**
Trăng treo đầu cành liễu;
Hương thoảng lò kim thú. [1]
Ðức Ngôn hầu hạ Trạm Lam rửa mặt chải đầu, rồi khẽ cúi lạy cất giọng
nhẹ nhàng: “Hoàng hậu nương nương, xin người hãy đi nghỉ sớm.”
Vừa dứt lời, bên ngoài cửa đại điện đã đóng chặt chợt vang lên giọng
nói của An công công bên người Hoàng thượng: “Hoàng hậu nương nương, đêm nay hoàng đế nghỉ tại Diên Khánh Cung.”
Trạm Lam làm như không nghe thấy, lặng lẽ co mình trong chăn lụa, Ðức Ngôn liếc nàng một cái, bước vội ra ngoài báo với An công công “Hiểu
rồi”. An công công khẽ than khổ, lui xuống vội vã rời đi, Ðức Ngôn quay
vào trong phòng, buông từng lớp mành xuống, thầm thở dài lắc đầu.
Sáng sớm ngày hôm sau, tin Hoàng thượng tối qua lại nghỉ ở Diên Khánh Cung đã truyền khắp trong cung. Tính ra tháng này vẫn chưa qua hơn nửa, Hoàng thượng đã sủng hạnh mười ngày, Tần Phi vào cung cũng đã được một
năm, không ngờ lại chuyên sủng như vậy.
Ðám phi tần bàn tán rôm rả, truyền tới tai Thái hậu, lúc Trạm Lam đến vấn an, đứng dưới mái hiên suốt hai canh giờ vẫn chưa được tiếp kiến,
cuối cùng Thái hậu sai một cung nữ đi ra, lạnh lùng cất giọng: “Ngay cả
những gia đình bình thường bên ngoài cũng hiếm thấy cảnh sủng thiếp giết vợ, không biết hoàng hậu nương nương nắm giữ lục cung thế nào, khiến
vạn tuế gia [2] bị người ta chê trách như vậy.”
Ðây chính là hình phạt cho Trạm Lam.
**
Bữa tối Trạm Lam vẫn như cũ, sau bữa ăn nàng viết hai trang giấy để tiêu hóa, còn chưa thu bút, ngự giá đã đến.
Ðức Ngôn vội vàng bước vào giúp nàng thay y phục, lúc vấn tóc tay
cũng run run. Thời gian gấp gáp, chưa kịp tắm rửa, khi Trạm Lam quỳ
xuống vấn an hắn mới phát hiện bên sườn cổ tay còn dây mực, chỉ có thể
lẳng lặng rụt vào tay áo.
Hắn không gọi, đành phải quỳ mãi, sàn ngọc lạnh ngắt, sự buốt giá
ngấm từ đầu gối đến tận đáy lòng. Trong khoảnh khắc, trước mắt bỗng tối
sầm lại, nàng chỉ nhìn thấy mép tay áo với những sợi kim tuyến lấp lánh
ánh bạc. Người bỗng nhẹ bẫng bay lên, hóa ra là được hắn ôm vào lòng.
Ðức Ngôn nén ý cười nơi khóe mắt, dẫn cung nữ trong phòng lần lượt ra ngoài, trong chớp mắt chỉ còn hắn ôm nàng bước vào phòng trong, Trạm
Lam hơi luống cuống, nói lí nhí: “Hãy để nô tì hầu hạ hoàng thượng rửa
mặt chải đầu.”
Hắn không lên tiếng cũng không hề dừng lại, Trạm Lam ngẩng đầu nhìn
khuôn mặt của hắn, không còn vẻ lạnh lùng thường thấy, đôi mắt đen thẳm
kia ba năm về trước đã từng khiến nàng đem lòng thương nhớ ngay từ
khoảnh khắc đầu tiên, vẫn sáng rực như thể có cả bầu trời sao chìm đắm
trong đó.
Nàng có phần bồn chồn.
Hoàng thượng đặt nàng trên chiếc giường trong gian phòng thanh tĩnh,
cầm chiếc khăn ngâm trong chậu nước ấm, lật cổ tay co trong ống tay áo
của
nàng ra, cẩn thận lau sạch vết mực còn đọng lại. Ngón tay thon dài
mạnh mẽ ấn trên cổ tay, hơi nóng hầm hập không ngừng, Trạm Lam mặt đỏ
bừng, cố rút tay về, vùi đầu không nhìn hắn. Hắn cũng không giận, vẻ mặt cười như không cười, ánh mắt rơi trên vành tai xinh xắn tựa bạch ngọc
của nàng, mắt phượng hẹp dài híp lại.
Ðêm đó chẳng xảy ra bất cứ chuyện gì, tắt đèn xong hắn ôm nàng ngủ,
rất nhanh hơi thở đã trở nên đều đều. Trạm Lam nằm trong lòng hắn gặp
mộng, mộng về ba năm trước.
Ba năm trước nàng vốn không thể ngờ sẽ có ngày mình được gả vào cung, nữ nhi độc nhất của thừa tướng đệ nhất Dạ Quốc – Thượng Quan Phong, quả tình không cần phải gả vào cung cùng chia sẻ một người đàn ông với bao
người con gái khác, phụ mẫu yêu thương nàng như thế, chỉ hy vọng nàng
tìm được một người trung hậu hiền lành, sống cùng nhau trọn đời trọn
kiếp. Huống hồ khi đó tiên đế lâm bệnh hiểm nghèo, đám hoàng tử tranh
quyền đoạt vị, tình hình triều đình nguy ngập, phụ thân như bước trên
băng mỏng, càng không hy vọng hôn sự của nàng có dính dáng chút nào đến
hoàng gia.
Nhưng đúng vào thời điểm đó nàng đã gặp hắn.
Mộ Dung Thầm khi ấy vẫn chưa đăng cơ, là Cửu hoàng tử của tiên đế,
đáng tiếc mẫu phi xuất thân thấp kém, hắn cũng không lấy chuyện tiên đế
lâm bệnh làm vui, hơn nữa còn có công trạng đầy mình, khiến cho mấy vị
hoàng tử khác đều kiêng dè, bèn liên thủ lại nhằm trừ khử hắn để yên
lòng. Lúc đó hắn bị vu là lòng dạ bất trung, tiên đế trong cơn bệnh nặng liền quở trách hắn nghiêm khắc, cả triều đều rỉ tai nhau Cửu hoàng tử
điện hạ sắp bị bắt lại, hắn đêm hôm khuya khoắt thay thường phục đến
thăm đại thần, Thượng Quan Phong ngay cả cửa cũng không thèm mở cho hắn
vào.
Ðêm đó đúng vào Thất Tịch, Trạm Lam ở hậu viện bày bát nước và kim
châm, nửa đêm lén lút ra ngoài kiểm tra, kim còn chưa nổi lên, một gã
Cửu hoàng tử bỗng từ trên trời rơi xuống.
Ðời người nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ.
***
[1] Hương thoảng lò kim thú (Theo bản dịch của Nguyễn Chí Viễn –
nguồn thivien.net. Câu thơ này nằm trong bài thơ “Túy hoa âm” của Lý
Thanh Chiếu)
Nguyên văn:
瑞脑销金兽
(Thụy não tiêu kim thú)
Thụy não, hay còn gọi là long não – một loại hương liệu được dùng
trong thời xưa. Còn kim thú là một loại bếp lò nhỏ để đốt hương liệu.
[2] một cách gọi tôn kính dành cho Hoàng thượng.