Đã sáu năm ta không nhìn thấy Trường An. Nơi đó chứa đựng tất cả bi hoan ly hợp của ta, hết thảy của ta, nơi đó đều in dấu thật sâu. Mọi người nói nơi đó đã biến thành phế tích, vì vậy ta vẫn bàng hoàng, muốn đến nơi đó, lại sợ nơi đó không như trước mà thêm thương cảm.
Cho nên khi Ngụy Đàm hỏi ta, ta do dự một chút. Nhưng nghĩ nếu Ngụy Đàm đi, mình sẽ phải ở Ngụy phủ một mình, chuyện hôm nay trên bãi săn, còn có Hứa cơ đang mang thai, chuyện gì cũng làm ta thấy đáng ghét. So ra, mặc dù sáng sớm Ngụy Đàm và ta có chút khúc mắc, nhưng ở cạnh chàng, dễ chịu hơn ở với những người kia rất nhiều.
“Phu quân đi bao lâu?” Ta hỏi.
“Hai ngày.” Ngụy Đàm nói.
Ta gật đầu nói: “Thiếp đi cùng phu quân.”
Phía sau, Chu thị và Mao thị hi hi cười với nhau. Ta cáu giận lườm các nàng một cái, xuống xe.
Hai ngày sắp tới nghỉ trọ phía ngoài, vật dụng hàng ngày có sẵn trên xe. Ngụy Đàm lên đường, không trở về phủ, nhét ta và vật tùy thân vào một chiếc xe ngựa nhỏ, lập tức xuất phát.
Ung Châu cách Trường An không xa, năm đó vì Trường An bị phá hủy, thiên tử không về được, Ngụy Giác mới chọn Ung Châu làm tân đô. Trời đông giá rét, băng tuyết chắn đường, đoàn người không đi nhanh được.
Buổi tối trọ trong một thành nhỏ, huyện lệnh và huyện úy nghe tin Ngụy Đàm tới, vốn muốn thiết tiệc rượu, nhưng Ngụy Đàm nói đi đường mệt mỏi, sáng mai phải dậy sớm, uyển chuyển khước từ. Buổi tối không có việc gì, ta và Ngụy Đàm nằm chết dí trên giường, đây là lần đầu tiên nằm chung trong mấy ngày qua.
Mới vừa dùng nước nóng ngâm chân, thật ấm. Nhưng đệm không đủ dày, lại hơi cứng, ta trằn trọc không ngủ được.
“Lạnh sao?” Ngụy Đàm hỏi.
“Không lạnh.” Ta nói.
Ngụy Đàm thật giống như không nghe thấy, đưa tay ôm ta.
“Ôm phu nhân ngủ thật thoải mái.” Trong bóng tối, chàng dán vào cổ ta, lời nói mang theo ý cười, “Đêm qua trong doanh, ta ngủ chung giường với Tử Hiền, nó ngáy, lại đạp lung tung, chỉ thiếu nước đá ta xuống giường.”
Ta cười cười, nói: “Hôm qua phu quân bề bộn nhiều việc sao?”
“Ừ.” Ngụy Đàm nói, “Ung Đô phải có người đi tuần, bãi săn lại phải đề phòng tứ phía. Ở doanh trung ngủ tạm một giấc, rạng sáng lại phải chạy về bãi săn.”
Sau đó đi gặp Từ hậu. Lòng ta không tự chủ được, bồi thêm một câu.
Hai người dường như ngầm hiểu lẫn nhau, nhất thời im lặng.
“Tay phu nhân còn đau không?” Bỗng nhiên Ngụy Đàm hỏi.
“Không đau.” Ta nói.
Ngụy Đàm không trả lời, lát sau, chàng ấn xuống tay ta một cái.
“A…” Ta kêu lên.
“Thoa thuốc.” Ngụy Đàm cứng rắn nói, ngồi dậy đốt đèn.
Đèn sáng lên, ta nheo mắt lại, thấy chàng xuống giường, lấy ra bình sứ nhỏ lúc sáng.
“Ta giúp nàng cởi nhé?” Chàng quay lại, thấy ta nằm trong chăn bất động, nhướn mày khiêu khích.
Ta vén tay áo lên, vươn tay ra. Trời lạnh, tay ta nổi lên một tầng da gà.
Ngụy Đàm khoác áo ngoài, ngồi vào trong chăn, đổ thuốc ra lòng bàn tay, chà xát, áp vào cánh tay ta. Mùi này thật nồng, rất giống mùi rượu thuốc lúc trước ta giúp chàng xoa bóp.
“Máu ứ đọng thế này mà nói không sao.” Ngụy Đàm liếc ta một cái.
“Thiếp cảm thấy vài hôm nữa sẽ tốt lên.” Ta ngượng ngùng nói.
“Ấu trĩ.” Ngụy Đàm nói, “Sao nàng biết sẽ tốt lên?” Vết thương nhỏ, không đau lắm, nàng mặc kệ nó, có vết thương mới sẽ tích tụ lại, để lâu, người khổ là chính bản thân mình.”
Lời này thật giống nhũ mẫu, cầm bình thuốc thì nghĩ mình là Biển Thước (1), cằn nhằn mãi.
(1) Biển Thước: Nhân vật này là danh y nổi tiếng, sẽ xuất hiện ở vài chương nữa.
Ta đáp cho có lệ: “Biết rồi.”
Ngụy Đàm nhìn ta một chút, tiếp tục thoa thuốc.
Lực tay chàng rất mạnh, ta đau đến cau mày. Ngụy Đàm không chút lưu tình, nói muốn khỏi nhanh thì không thể sợ đau. Chừng một khắc sau, chàng mới dừng tay, cất bình thuốc đi.
Cánh tay nóng rực, ta cảm thấy thương thế kia không chừng còn nặng hơn.
“Ngủ đi.” Ngụy Đàm cởi áo khoác ngoài, thổi tắt đèn.
Chàng tiến vào trong chăn, ôm ta, gác lên chân ta, chàng vừa nằm xuống, có chút lạnh, ta vội tránh né. Ngụy Đàm không bỏ qua, dính sát vào người ta, kẹp chân ta ở giữa.
Ta: “…”
“Tiền thuốc.” Ngụy Đàm thoải mái nói.
———-
Khi ta còn bé, thường theo gia nhân ra ngoài đạp thanh, không hề xa lạ với vùng ngoại thành Trường An. Nhưng vào mùa đông, ruộng đồng bị tuyết che phủ, trắng xóa một mảng, không nhìn ra cái gì với cái gì.
Mẫu thân đã từng chỉ vào hai cột đá sừng sững trước cổng thành, hỏi ta kia giống cái gì.
Ta nhìn cái cột, suy nghĩ một chút, nói giống cây nấm hương khổng lồ.
Mẫu thân cười nói, sau này con không tìm được đường về nhà, trông thấy hai cây nấm hương khổng lồ này, là biết đã đến Trường An…
Lời nói như vừa mới qua, đến cổng thành, hai cột đá sừng sững uy phong đã hoàn toàn thay đổi. Tro bụi bám đầy phía dưới, nửa trên đã bị phá hủy, tuyết đọng đầy trên đỉnh, giống như cành cây xơ xác.
Ta nhìn chúng, lặng yên hạ mành xe xuống, không tiếp tục nhìn ra bên ngoài nữa. Xe ngựa đi một chút lại dừng, ta có thể biết khi nào đi qua cổng tò vò, khi nào đi qua đường cái. Thỉnh thoảng truyền đến tiếng người nói chuyện phía ngoài, là giọng nói quê hương nhiều năm ta chưa từng nghe qua.
Nhà Ngụy Giác ở Trường An vẫn còn, sau khi xe ngựa vào thành, một đường đi tới nhà cũ.
Sau khi xuống xe, ta nhìn chung quanh. Đường phố bằng phẳng rộng rãi, nóc nhà đọng đầy tuyết, chim sẻ líu ríu bay qua bay lại trên cành cây. Ta ra ngoài nhìn, nơi này là thành Nam. Chỗ này ta không biết rõ, sở dĩ nhận ra vì nhìn thấy nóc chùa Hộ Quốc.
Trường An có vài chục vạn hộ, phân chia thành các giai cấp, lâu ngày, theo đó mà tụ cư. Muốn biết một người xuất thân thế nào, rất đơn giản, chỉ cần hỏi nhà người ta ở nơi nào sẽ rõ. Trả lời thành Bắc, không phải là hoàng thân quốc thích thì chính là công khanh cao môn, trả lời thành Nam, là dòng dõi bậc trung, thành Đông và thành Tây, là thứ dân bình thường. Mà nếu như nói không phải Trường An, vậy đều giống nhau, tất cả đều là nông dân.
Nhà ta ở thành Bắc, Bùi Tiềm và Nhược Thiền, cả hai đều ở thành Bắc. Trường An quá lớn, ta nhìn về phía Bắc, trừ nóc nhà tuyết trắng, còn không thấy gì nữa.
“Giờ đã sắp hoàng hôn, nếu phu nhân muốn nhìn, ngày mai ta với nàng đi.”
Ta quay đầu lại, không biết Ngụy Đàm tới đây khi nào. Trời rất lạnh, chàng vẫn không thích ngồi xe, một đường cưỡi ngựa đón gió, hai má và chóp mũi ửng đỏ.
“Ừ.” Ta cười cười, cùng chàng đi vào trạch trung.
Trường An giá đất rất cao, nhà Ngụy Giác rõ ràng không rộng rãi bằng nhà ở Lạc Dương. Tiểu viện của Ngụy Đàm lại càng chật chội, sân chưa được mười bước chân, vào cửa là có thể thu hết trang trí trong phòng vào tầm mắt.
Khi thấy bộ áo giáp trong góc, ta nhìn kỹ một lúc.
Đó là áo giáp Vũ Lâm. Năm đó tiên đế thích người tài, khi lập ra thiếu niên Vũ Lâm, còn đặc biệt chế tạo mỗi người một bộ áo giáp. Áo giáp của thiếu niên Vũ Lâm tinh xảo hơn áo giáp Vũ Lâm bình thường rất nhiều, vai giáp và ngực giáp được gắn viền vàng, đai bằng đồng đúc hình mây cuốn, quỳ thú (2). Các thiếu niên Vũ Lâm mặc áo giáp, đi lại trong cung cấm, hăng hái bừng bừng, thường làm người ta lóa mắt.
(2) Quỳ thú:
Lúc đó ta cũng bị bộ áo giáp đẹp đẽ này hấp dẫn, khi vào cung thường len lén nhìn quanh, nhưng do có quá nhiều người, ta không có ấn tượng gì với Ngụy Đàm.
“Đẹp không?” Ngụy Đàm thấy ta ngắm nhìn, hỏi.
“Đẹp.” Ta nói, “Phu quân không ở Trường An, sao còn để nó ở đây?”
“Mặc chật rồi.” Ngụy Đàm đi tới, sờ sờ lông vũ trên mũ, “Chế tạo quá xuất chúng, mặc ra ngoài không sợ người ta không biết ta là Vũ Lâm Lang.”
Ta không nén nổi nụ cười, nhìn áo giáp kia một chút: “Treo lên như vậy, phu quân không sợ côn trùng nấm mốc làm hỏng sao?”
“Áo giáp vào tủ mất sát khí, có gia nhân bảo dưỡng cho ta.” Ngụy Đàm nói, dứt lời, bỗng nhiên nhìn về phía ta, “Khi đó phu nhân đã gặp ta chưa?”
Ta ngượng ngùng: “Chưa từng.”
“Vậy mà ta đã gặp phu nhân rồi.” Ngụy Đàm mỉm cười.
Đây không phải chuyện lạ, năm đó cuộc sống ta rất phô trương. Có Thái hậu làm chỗ dựa, ta có