Bầu trời xám xịt, chắc sẽ không có mặt trời. Ta kéo cao cổ áo, vẫn thấy lạnh, lại khép chặt vạt áo vào.
Mặc dù nhà cửa bị phá hủy, nhưng ta vẫn quen thuộc từng chỗ, chỗ nào là đất trống, chỗ nào có hành lang, đường kia đi thông đến viện người nào. Ta xuyên qua tiền đường, đi vào bên trong, trên mặt tuyết, chỉ lưu lại một hàng dấu chân dài sau lưng ta.
Hậu viên nhà ta rất đẹp, một cây một đá, cũng là ông nội nhiệt tình chọn lựa. Ta rất thích nơi này, lúc mười tuổi, quấn quýt chiếm căn phòng duy nhất trong hậu viên làm khuê phòng, hậu viên chính là viện của ta.
Không giống mấy căn phòng khác, trong hậu viên, hoa và cây cảnh vẫn còn, chẳng qua không người chăm sóc, nhìn như cây mọc hoang. Mùa đông, phần lớn cây cối trụi lá, chỉ còn cành cây tiêu điều. Màu xanh duy nhất là gốc cây tùng phía xa, hình dáng không khác lúc ta rời khỏi.
Bên cạnh nó, là phòng nhỏ đã sụp đổ.
Ta thong thả đi qua, đi lên thềm đá. Xà gỗ cháy đen, nằm ngổn ngang trên đất, gạch ngói vụn chất đống đầy đất. Ta kinh ngạc nhìn, nhớ tới đêm cuối cùng ta đứng đợi chỗ này.
Khi đó, trời cũng lạnh như bây giờ. Lúc nửa đêm, mẫu thân vội vã gọi ta dậy, mặc y phục tử tế cho ta.
Ta tỉnh tỉnh mê mê, nhìn mặt bà đầy khẩn trương, không ngừng nói với nhũ mẫu và thị tỳ đang thu dọn đồ đạc, nói cái này mang đi, cái kia cũng mang đi.
“Xảy ra chuyện gì?” Ta ý thức được có chuyện bất thường, hỏi bà.
Bà nhìn ta, ánh mắt phức tạp, khoác chặt áo lông lên người ta: “Thái hậu vừa gọi con vào cung, nói muốn con ở với người mấy ngày.”
Ta còn muốn nói chuyện, huynh trưởng từ bên ngoài đi vào, nói xe ngựa đang đợi trước cửa. Mẫu thân không để ta nhiều lời nữa, kéo ta ra cửa.
Trong phủ chỉ thắp vài chiếc đèn lồng, ngoài dự liệu của ta, trước cửa, phụ thân, Nhị huynh và Trưởng tẩu đang chờ ở nơi này.
“Chuẩn bị xong chưa?” Phụ thân hỏi mẫu thân.
Mẫu thân gật đầu, để gia nhân nhét bọc quần áo lên xe ngựa, sau đó đặt ta ngồi lên.
Người nào người nấy sắc mặt nặng nề, Nhị huynh hay nói đùa nhất cũng im miệng không nói.
“A Dung,” bà kéo lại vạt áo cho ta, vội vàng dặn dò, “Sau khi vào cung, mọi sự đều phải nghe lời Thái hậu, lúc nào cũng phải ở bên cạnh Thái hậu, ai tới tìm cũng không được rời khỏi cung Trường Nhạc, biết không?”
Ta thấy vành mắt bà đỏ lên, lại nhìn phụ thân và các huynh trưởng, bất an ngày càng sâu sắc.
“Mẫu thân, con không vào cung, con không đi đâu hết.” Ta nói, nhảy xuống xe.
“Ngồi yên!” Phụ thân đột nhiên giữ chặt ta lại, trách cứ trừng mẫu thân một cái, “Nói mấy chuyện này làm gì.” Dứt lời, quát xa phu, “Đi mau!”
Xa phu đáp một tiếng, giơ roi giục ngựa.
Ta chưa kịp định thần, đã ngã ngửa ra phía sau.
“Mẫu thân!” Ta kéo mành xe gọi mẫu thân, bà đứng ở cửa nhìn ta, lát sau, nâng tay áo che mặt…
Giọt nước rơi lên tuyết, tạo thành một lỗ nhỏ, ta đạp lên tuyết và gạch ngói vụn, bước ngắn bước dài đi vào. Nơi này ta ở rất nhiều năm, mặc dù thay đổi hoàn toàn, nhưng ta vẫn biết nơi nào kê giường, nơi nào kê bàn, nơi nào là bệ cửa sổ ta thích dựa vào nhất. Một cái xà nhà bằng gỗ nằm trên đất, một nửa đã cháy thành than, hình như đè vào vật gì.
Ta cúi người lật ra, một khuôn mặt bẩn thỉu tươi cười trước mắt ta. Ta sửng sốt một chút, nhặt nó lên.
Là một con búp bê vải.
Vải vóc trải qua nhiều năm gió táp mưa sa, đã ố vàng, nhưng vẫn chưa bị rách chỗ nào. Đầu thật to, tứ chi dài nhỏ, đường chỉ xiêu xiêu vẹo vẹo—trong phủ chỉ có ta làm khó nhìn như vậy.
Ta nhớ, mẫu thân cưỡng chế ta học nữ công, đây là thành phẩm đầu tiên ta làm được. Khi đó, ta cảm thấy mình làm thật không tồi, dương dương đắc ý mang đi khoe, còn muốn đặt tên cho nó.
“… Ha ha, hình dáng thật giống A Dung, gọi là A Sỏa (1) đi.” Nhị huynh vuốt tóc ta cười nói.
(1) Sỏa: Ngu, ngốc.
Ta gạt vết bùn dính trên mặt búp bê. Nó nhìn ta, chỉ đen thêu hai mắt, tơ hồng thêu đôi môi, đúng là rất giống đứa ngốc đang toét miệng cười. Mũi cay cay, không biết vì gió lạnh hay vì nhớ lại chuyện cũ. Ta cầm búp bê, nhìn chung quanh, nơi này đã từng là nơi ta ở, người và vật nay đã đi đâu?
Cả vườn cây mơ hồ trước mắt, về nhà, về nhà, trên đời này, ta còn có nhà để về sao?
Gió Bắc vẫn thổi, bỗng nhiên, cả người ấm áp, trên vai có thêm một chiếc áo khoác.
Ta giật mình quay đầu, một bóng người gần trong gang tấc, đáy mắt mông lung không rõ. Ta muốn lau mắt nhìn cho rõ, chỉ nghe một tiếng thở dài, ta bị chàng ôm vào lòng.
Mùi này ta đã quen thuộc, hơi ấm lan tỏa, xóa đi cái lạnh trên mặt. Ta muốn ngẩng đầu, Ngụy Đàm giữ chặt gáy ta: “Muốn khóc thì khóc đi, nơi này không ai nhìn thấy.”
Lòng ta như có gì đó vuốt ve, ta chui đầu vào trong ngực chàng, không dãy dụa nữa…
Lúc đi ra, ngoài cửa trừ xe ngựa của ta, còn có ngựa của Ngụy Đàm.
“Phu nhân còn muốn đi đâu nữa không?” Ngụy Đàm hỏi ta.
Ta nhìn đống phế tích phía sau, lắc lắc đầu. Trường An đã không giống xưa, đến chỗ khác, chỉ sợ càng thêm thương cảm.
“Không phải sau giờ ngọ phu quân mới về sau? Sao lại tìm được nơi này?” Ta hỏi chàng.
“Ít việc, ta về sớm hơn.” Ngụy Đàm nói, nhìn ta một chút, “Nơi phu nhân đến chỉ có nơi này.”
Lời này không sai.
“Phu nhân không đi đâu nữa, vậy theo vi phu đến chùa Hộ Quốc được không?” Chàng nói.
Ta kinh ngạc: “Chùa Hộ Quốc?”
Ngụy Đàm gật đầu, nói: “Mấy năm rồi vi phu chưa trèo lên núi Nhạn Thai, đang muốn trở lại chốn cũ.”
Ta nghĩ nghĩ, gật đầu đáp ứng.
Chùa Hộ Quốc là chùa lớn nhất Trường An, hai trăm năm trước Hiếu hoàng đế hạ lệnh xây dựng. Nơi này hương khói quanh năm, lại rộng rãi, là một trong những nơi dân chúng Trường An thường đến, trong đó có núi Nhạn Thai, cao vài chục trượng, đứng trên đó có thể nhìn được nửa Trường An.
Mẫu thân không quá thích chùa Hộ Quốc, nói nơi đó tạp nham, trừ lúc bái phật, còn lại bà rất ít khi đưa ta đến.
Nhưng Ngụy Đàm lại biết rất rõ nơi này, khi ta đang cố gắng nhớ lại núi Nhạn Thai chỗ nào, chàng đã đưa ta đến chân núi.
Chùa Hộ Quốc mặc dù cũng bị ảnh hưởng chiến hỏa, nhưng giữ gìn tốt hơn những nơi khác. Núi Nhạn Thai đứng sừng sững ở phía trước, lầu các vẫn giữ hình dáng như ngày xưa.
Lúc trước