Trong khi đó quốc vương Suddhodana tỏ ý muốn Siddhatta thân cận với vua hơn để có cơ hội thực tập về chính sự.Thái tử được mời dự những buổi họp quốc sự, khi thì riêng với phụ vương, khi thì chung với quần thần.Chàng để hết tâm ý vào các vấn đề chính trị, kinh tế và quân sự được đưa ra và chàng nhận ra rằng căn bản của các vấn đề nằm ở nhận thức và tư dục của người làm chính sự.Khi mà tâm người đã bị trấn ngự bởi ý thức về quyền lợi cá nhân, gia đình và dòng họ rồi thì mọi quyết định về chính sách không thể nào còn khách quan nữa, và như vậy chính sách không còn thực sự nhắm vào việc lợi nước lợi dân.Siddhatta ngồi nghe và đoán biết được tâm lý của những người cộng sự với phụ vương chàng.
Chàng thấy được những tư dục của họ, có khi chàng thấy được cái mặt trái giả đạo đức của họ và đồng thời cũng thấy một niềm tức giận nảy sinh và tràn dâng trong lòng, nhưng Siddhatta biết mình phải kềm chế niềm tức giận ấy.
Chàng biết chàng có thể nói huỵch toẹt ra giữa triều đình những điều không mấy tốt đẹp ấy nhưng chàng đã ngậm miệng không nói, bởi vì chàng không có hoặc chưa có phương pháp gì đối trị.
Nói ra chỉ là để gây đổ vỡ mà thôi, và như vậy lại tạo thêm những khó khăn cho phụ vương chàng.– Tại sao con không góp ý kiến với triều thần mà chỉ ngồi im lặng thế?Vua Suddhodana hỏi chàng, sau một buổi chầu trong đó các quan đã bàn luận rất lâu về chính sự.Siddhatta nhìn cha:– Không phải là con không ý kiến, nhưng những ý kiến của con, nếu nói ra, cũng không có ích lợi gì, vì chúng chỉ có thể nêu ra chứng bệnh, mà chưa phải là phương thuốc trị bệnh.
Con thấy con chưa có đủ khả năng để thay đổi tâm trạng của các quan.
Tư dục của họ còn nặng nề lắm và con biết con chưa có thể làm việc được với họ.
Phụ vương nghĩ xem.
Quan phụ chính đại thần Vessamitta là một người có quyền lực rất lớn trong triều đình.
Phụ vương biết rằng ông ta không liêm khiết và nhiều khi ông ta lấn cả quyền của phụ vương.
Ấy vậy mà phụ vương vẫn phải dùng ông ta.
Tại sao? Tại phụ vương biết nếu không dùng ông ta thì triều đình có thể rối loạn.Vua Suddhodana nhìn con, im lặng một hồi lâu.
Rồi vua nói:– Nhưng con cũng biết là để cho yên nước yên nhà, nhiều khi ta phải chịu đựng.
Ta biết quyền lực ta có giới hạn, nhưng nếu con tập làm chính sự, sau này con sẽ giỏi hơn ta và con sẽ có đủ tài năng để thanh lọc lại hàng ngũ của chính quyền mà không gây ra những xáo trộn cho xứ sở.Siddhatta đưa tay lên trán.
Chàng thở dài:– Con không tin rằng tài năng là yếu tố căn bản.
Con nghĩ rằng vấn đề căn bản là giải phóng được cho tâm mình.
Con biết là chính con, con cũng bị khuynh đảo bởi những tình cảm như buồn giận, ganh ghét, sợ hãi và những ham muốn bình thường.Những cuộc đàm luận ngắn như thế giữa hai cha con càng ngày càng làm cho vua lo lắng.
Vua thấy Siddhatta là một người có nhận thức rất sâu sắc nhưng cũng là một người ưa đòi hỏi cái tuyệt đối.
Vua thấy được sự khác biệt giữa mình và thái tử.
Tuy vậy trong lo lắng, vua vẫn cố nuôi hy vọng.
Vua hy vọng rằng nếu Siddhatta tiếp xúc lâu ngày với người và với việc, thái tử sẽ có thể một ngày nào đó chấp nhận cái tương đối trong cuộc đời.Trong lúc ấy, Siddhatta không bao giờ ngưng học hỏi.
Ngoài công việc học tập chính sự và giúp đỡ Yasodhara, chàng tìm cách tiếp xúc với các vị Bà la môn và sa môn nổi tiếng trong xứ để học hỏi thêm.
Chàng biết rằng học đạo không phải chỉ là học những tư tưởng uyên áo chứa đựng trong các thánh thư mà còn là học phép thiền định để đạt tới sự giải phóng tâm ý.
Chàng rất ưa đi tìm những vị sa môn ẩn cư để học hỏi và thực tập, và chàng đem những gì đã được học về để thực tập ngay trong cung điện.
Thỉnh thoảng Siddhatta cũng đem những điều mình đã học và đang thực tập ra để chia sẻ với Yasodhara.
Chàng hay nói với nàng:– Này Gopa, có lẽ em phải thực tập thiền định thì tâm em sau này mới an được và em mới có thể làm việc xã hội được lâu dài.Gopa là tên ngày còn nhỏ của Yasodhara, chàng hay gọi nàng bằng tên này một cách âu yếm.Yasodhara nghe lời chàng.
Tuy bận rộn công việc, nàng vẫn thường chịu thiền tập.
Có khi hai người ngồi chung trong im lặng.
Tất cả các người hầu cận đều phải rút lui trong những giờ giấc ấy, những đoàn ca vũ được hai người cho đi làm việc ở những nơi khác.Từ hồi ấu thơ, Siddhatta đã từng được nghe về bốn giai đoạn trong đời sống của một người Bà la môn.
Thời tuổi trẻ, người con trai Bà la môn phải học kinh Vệ Đà.
Đó là giai đoạn đầu.
Giai đoạn thứ nhì, thành người, là giai đoạn lập gia đình, nuôi dưỡng con cái và phục vụ xã hội.
Giai đoạn thứ ba, khi con cái đã lớn khôn, thì có thể rút lui làm ẩn sĩ, và trong giai đoạn thứ tư, buông bỏ mọi ràng buộc với cuộc đời, người Bà la môn có thể sống