Hai thầy trò đi như thế cho đến khi trời rạng sáng thì vượt khỏi biên giới vương quốc Sakya.Trước mặt họ là con sông Anoma.
Hai thầy trò cho ngựa đi dọc theo bờ sông kiếm chỗ nước cạn để vượt qua bên kia sông.
Qua bên kia sông, họ đi thêm một chặng đường nữa thì ngừng lại.Trước mặt dàn trải một khu rừng.
Thấp thoáng trong rừng có bóng một con nai đi qua.
Chim chóc bay quanh không hề biết sợ hãi.
Siddhatta nhảy xuống ngựa.
Chàng mỉm cười đưa tay vuốt bờm con Kanthaka:– Kanthaka, con giỏi lắm.
Con đã giúp ta tới được nơi đây, ta cảm ơn con.Con ngựa quý nghểnh cổ nhìn chàng.
Siddhatta rút thanh kiếm đeo bên yên ngựa.
Với tay trái, chàng nắm mớ tóc mây, và với tay mặt đang cầm kiếm chàng cắt ngang mái tóc.
Channa đã xuống ngựa.
Chàng đưa mớ tóc và thanh kiếm cho Channa.
Rồi chàng cởi tràng ngọc đang đeo trên cổ ra:– Channa ơi, anh hãy đem chuỗi ngọc, thanh kiếm và mớ tóc này về cho phụ vương ta.
Anh thưa với ngài là ngài hãy có đức tin nơi ta.
Ta bỏ nhà ra đi như thế này không phải vì ta ích kỷ, vì ta trốn tránh bổn phận.
Ta đi vì mọi người và mọi loài.
Anh hãy an ủi phụ vương giùm ta.
Anh hãy an ủi hoàng hậu.
Anh hãy an ủi Yasodhara.
Ta nhờ anh…Channa tiếp lấy chuỗi ngọc, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng:– Điện hạ ơi, mọi người chắc là sẽ khổ lắm.
Con chẳng biết sẽ ăn nói ra sao với hoàng đế, với hoàng hậu và với lệnh bà Yasodhara.
Điện hạ ơi, làm sao mà điện hạ có thể sống được trong rừng và ngủ dưới gốc cây như những ông thầy tu khổ hạnh? Điện hạ từ xưa tới nay chỉ quen với nệm ấm chăn êm trong cung vàng điện ngọc?Siddhatta mỉm cười:– Anh đừng lo.
Người khác sống như thế nào thì ta cũng sẽ sống được theo như thế ấy.
Channa ơi! Thôi anh về đi, về để kịp báo tin cho những người thân, kẻo họ sốt ruột.
Hãy để ta ở lại đây một mình.Channa đưa tay chùi nước mắt:– Xin điện hạ cho con ở lại đây để hôm sớm hầu hạ ngài.
Xin điện hạ ra ơn làm phúc! Xin đừng bắt con mang cái tin dữ này về cho những người mà con kính yêu!Siddhatta vỗ vai người hầu cận, giọng chàng nghiêm nghị:– Này Channa! Anh biết là ta cần anh trở về báo tin cho những người thân thuộc.
Nếu anh thực sự thương ta thì anh nghe lời ta.
Ta không cần anh ở đây.
Người xuất gia tu hành đâu có cần tới kẻ hầu cận.
Ta cần anh về với những người thân thuộc.
Thôi anh về đi!Channa miễn cưỡng vâng lời.
Anh trân trọng cất mớ tócvà chuỗi ngọc trong áo, và treo thanh gươm vào trên yên con Kanthaka, rồi anh đưa cả hai tay nắm lấy cánh tay Siddhatta:– Con xin nghe lời điện hạ nhưng xin điện hạ thương con, thương mọi người.
Xin điện hạ đừng quên trở về ngay sau khi tìm ra được đạo.Siddhatta gật đầu.
Chàng mỉm cười nhìn Channa với một cái nhìn khuyến khích.
Chàng vỗ đầu Kanthaka:– Kanthaka, con về nhé.Channa cầm lấy dây cương của con Kanthaka và leo lên lưng ngựa của mình.
Con Kanthaka nghểnh cổ nhìn Siddhatta một lần chót trước khi quay gót.
Hai mắt nó cũng ướt như hai mắt của người dắt nó.Đợi cho Channa và hai con ngựa đi khuất rồi Siddhatta mới ngoảnh mặt về phía rừng.
Chàng đã đi vào cuộc sống lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu.
Khu rừng này sẽ là nhà của Siddhatta hôm nay.
Một cảm giác thoải mái và tự tại phát sinh trong chàng.Vừa lúc ấy có một người từ trong rừng đi ra.
Thoạt nhìn, Siddhatta tưởng rằng đó là một vị sa môn, bởi vì người này khoác một cái áo màu chàm thường là màu áo của người ẩn tu, nhưng nhìn kỹ Siddhatta thấy tay người ấy cầm cung và lưng người ấy đeo một bó tên.– Anh là thợ săn phải không? Siddhatta hỏi.– Vâng, người ấy trả lời.– Anh là thợ săn, vậy tại sao anh mặc áo sa môn?Người thợ săn mỉm cười:– Tôi có khoác áo này thì bọn thú rừng mới không sợ.
Nhờ đó tôi mới dễ dàng bắt chúng.Siddhatta lắc đầu:– Như vậy là anh lợi dụng lòng thương của người tu hành rồi.
Anh có muốn tôi đổi cái áo này của tôi cho anh không?Người thợ săn nhìn Siddhatta.
Chiếc áo mà người đối diện mình đang mặc là một chiếc áo trị giá ngàn vàng.– Ông muốn đổi thật không? Người thợ săn hỏi lại.– Thật chứ sao không, Siddhatta mỉm cười.
Có cái áo này, anh có thể đem bán làm vốn để tìm một nghề khác mà làm ăn, khỏi phải đi săn, còn tôi, tôi muốn làm sa môn cho nên tôi cần cái áo của anh.Người thợ săn mừng rỡ.
Hai người đứng ở cửa rừng cởi áo và đổi áo cho nhau.Người thợ săn được áo, hấp tấp đi ngay.
Siddhatta trong chiếc áo mới đã có dáng dấp một vị sa môn.
Chàng bước vào rừng.
Tìm một gốc cây, chàng ngồi xuống tĩnh tọa lần đầu trong cuộc sống không nhà không cửa.Sau một ngày dài ở trong cung và một đêm thâu trên lưng ngựa, giờ đây Siddhatta cảm thấy thoải mái lạ thường trong tư thế thiền tọa.
Chàng ngồi như để nghỉ ngơi và nuôi dưỡng cảm giác thảnh thơi mà chàng đã nếm được khi mới bước vào rừng.Nắng đã lên cao, một tia nắng xuyên qua được rừng cây vàđến đậu trên mí mắt Siddhatta.
Chàng mở mắt.
Trước mặt Siddhatta hình như có người.
Chàng ngửng lên và thấy một vị sa môn đang đứng ngắm chàng.
Vị sa môn này khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy ốm, Siddhatta đứng dậy chắp tay chào hỏi.
Chàng cho vị sa môn biết là chàng vừa mới bỏ nhà đi làm sa môn, nhưng chưa có dịp được một vị đạo sư nào thu nhận cả.
Chàng nói chàng có ý định về miền Nam để tìm tới đạo tràng của đạo sư Alara Kalama để thụ giáo.Vị sa môn cho Siddhatta biết là ông đã từng tu học dưới sự chỉ dẫn của đạo sĩ Alara Kalama.
Ông cho biết hiện thời đạo sĩ đang mở đạo tràng ở phía Bắc thành phố Vesali, và dạy trên bốn trăm vị đệ tử.
Ông biết đường đi về đạo tràng này và sẵn sàng đưa Siddhatta tới đó.Chàng theo vị sa môn vượt khu rừng già rồi theo một con đường mòn lên một ngọn đồi để đi tới một khu rừng già khác.
Đi như vậy tới trưa.
Vị sa môn bảo Siddhatta ngừng lại.
Rồi ông ta rủ Siddhatta cùng đi tìm hái những trái rừng và những đọt lá rừng để hai người ăn cho đỡ đói.
Siddhatta hỏi để biết tên của những trái cây rừng và những đọt lá rừng này.
Vị sa môn cho biết nhiều khi phải đi đào những rễ cây để ăn nếu không hái được trái và lá.
Biết rằng mình phải sống lâu ngày trong rừng núi, Siddhatta ghi nhớ kỹ lưỡng những lời chỉ dẫn của vị sa môn.Siddhatta được biết rằng vị sa môn này tu theo lối khổ hạnh, chỉ sống bằng trái rừng, đọt cây và rễ cây.
Ông tên là Bhargava.
Vị này cho biết rằng các vị sa môn tu theo đạo sĩ Alara Kalama không theo lối khổ hạnh bởi vì họ cũng đi khất thực hoặc nhận thực phẩm của dân cư các vùng lân cận đem đến cúng dường.Chín hôm sau, hai người tới Anupiya rồi đi dần về phía đạo tràng của đạo sĩ Alara Kalama.
Đạo tràng này được thiết lập trong một khu rừng.
Họ đến vừa lúc đạo sĩ Alara đang giảng đạo cho các đệ tử.
Hơn bốn trăm người đang vây quanh.
Đạo sĩ Alara tuổi chừng bảy mươi.
Người ông gầy yếu nhưng mắt ông còn sáng và giọng ông ngân vang như tiếng chuông đồng.
Siddhatta và người bạn đồng hành đứng chờ bên ngoài vòng và lắng nghe hết những lời giảng dạy.
Buổi giảng dạy chấm dứt, mọi người đi tứ tán trong rừng để thực tập.
Siddhatta tiến tới làm lễ đạo sĩ Alara, tự giới thiệu mình, rồi cung kính nói:– Bạch thầy, xin thầy cho phép con được gia nhập vào đoàn thể các vị sa môn ở đây và tu học dưới sự hướng dẫn của thầy.Đạo sĩ chăm chú ngồi nghe Siddhatta, ngắm nhìn chàng hồi lâu và tỏ vẻ hài lòng:– Siddhatta, thầy rất vui mà chấp nhận con.
Con cứ ở lại đây.Nếu con hành được theo pháp và luật của thầy thì chỉ trong một thời gian thôi là con đắc đạo.Siddhatta vui mừng lạy tạ.Đạo sĩ Alara ở trong một túp lều do các vị đệ tử dựng lên.
Trong rừng rải rác cũng có những chòi lá khác của các sa môn đệ tử.Tối hôm đó, Siddhatta tìm một nơi bằng phẳng để ngủ.
Chàng gối đầu lên trên một cái rễ cây.
Vì mệt quá nên Siddhatta ngủ say cho đến sáng ngày mai.
Khi thức dậy, nắng đã lên, và chim chóc đã ca hát vang rừng.Siddhatta chỗi dậy.
Các bạn đồng tu đã dậy từ lâu và đã hoàn tất buổi ngồi thiền đầu tiên trong ngày.
Họ đang chuẩn bị để đi vào thôn làng khất thực.
Siddhatta được trao cho một chiếc bát và dạy cho phương pháp đi vào thôn làng xin ăn.Theo các vị sa môn, Siddhatta ôm bát đi vào thành phố Vesali.
Lần đầu tiên ôm bát đi khất thực, Siddhatta cảm thấy cuộc đời của người đi tu có dính líu rất nhiều với xã hội con người.
Chàng học cách ôm bát, học cách đi, cách đứng, cách nhận thức cúng dường và cách chú nguyện để cảm tạ người thí chủ.
Hôm ấy, Siddhatta đã được cúng dường một ít cơm nóng và nước cà–ri chan lên trên.Khi Siddhatta theo các đồng tu về tới rừng thì mọi người đã bắt đầu ngồi thọ thực.
Sau buổi ăn, chàng đi tìm đạo sư Alara để được chỉ giáo về phương pháp tu.
Lúc chàng tới thì Alara đang ngồi