Svastika là con nhà nghèo, hồi nhỏ chưa từng được đi học.Năm mười hai tuổi mới bắt đầu được Sujata dạy cho chút ít về văn hóa.Chú nói năng chưa được hoạt bát, cho nên trong khi kể lại những gì mà Bụt đã kể về cuộc đời niên thiếu của người, chú đã ngập ngừng nhiều lúc và phải nhờ những người ngồi nghe chuyện đỡ lời cho.Hôm ấy ngoài thầy Ananda và chú Rahula, còn có hai người ngồi nghe chú kể.
Đó là một ni sư tuổi đã lớn, tên là ni sư Mahapajapati và một thầy khoảng ba mươi lăm tuổi tên là thầy Assaji.Chiều hôm ấy chú Rahula đã giới thiệu hai vị này với Svastika rồi.
Chú rất cảm động khi biết ni sư Mahapajapati chính là lệnh bà Gotami, dì của Bụt và đã nuôi Bụt từ khi tấm bé.
Bà là người phụ nữ đầu tiên được xuất gia và gia nhập vào giáo đoàn của Bụt.
Hiện bà làm ni trưởng lãnh đạo hơn bảy trăm vị nữ khất sĩ.
Bà mới cùng một phái đoàn các ni sư từ miền Bắc xuống để thăm viếng Bụt và tham khảo ý kiến của người về việc tu chỉnh giới luật của ni chúng.Chú Svastika nghe nói quý vị ni sư mới tới Rajagaha chiều hôm qua.Chú Rahula là cháu của bà.
Biết bà sẽ rất vui mừng được nghe Svastika kể lại những gì xảy ra trong rừng Uruvela những ngày Bụt sắp thành đạo và những tuần lễ sau ngày Bụt thành đạo, chú Svastika chắp tay cúi đầu rất thấp để chào vị ni trưởng vì chú đã từng được nghe Bụt kể về bà và đã có sẵn rất nhiều cảm mến, và chú có cảm tưởng bà cũng thương chú như thương chú Rahula cháu ruột của bà vậy.
Nghĩ như thế chú cũng tự xưng cháu với bà.Sau khi giới thiệu bà, chú Rahula lại giới thiệu thầy Assaji, Svastika không nhớ tên này dù Bụt đã có nhắc đến tên thầy trong câu chuyện mà người đã kể cho bọn thiếu nhi trong rừng Uruvela.
Mắt Svastika sáng lên khi chú biết thầy Assaji là một trong năm vị sa môn đã tu khổ hạnh với Bụt ngay tại quê hương của chú.
Chú đã từng nghe Bụt nói rằng sau khi thấy Bụt ngưng tu khổ hạnh, bắt đầu uống sữa và ăn cơm thì năm người này bỏ Bụt đi tu chỗ khác.
Vậy mà bây giờ không biết trong trường hợp nào mà thầy Assaji lại trở nên một vị khất sĩ đệ tử của Bụt và đang tu hành dưới sự chỉ dẫn của người, ngay tại tu viện Trúc Lâm.
Chú dự tính sẽ hỏi Rahula về việc này.Trong câu chuyện chú kể, chính ni sư Gotami đã đỡ lời cho chú nhiều nhất.
Nhiều khi bà đặt câu hỏi để chú có cơ hội nói thêm về những chi tiết của câu chuyện, những chi tiết không mấy quan trọng đối với chú nhưng hình như rất quan trọng đối với bà.
Ví dụ như những chi tiết về mớ cỏ kusa mà chú đã dâng lên Bụt để người trải làm tọa cụ dưới cây bồ đề.
Ni sư đã hỏi: “Cỏ đó, con cắt ở đâu? Cứ mấy hôm thì con cắt cỏ mới để dâng cúng cho Bụt? Con dâng bớt cỏ cho Bụt như thế thì trâu con có đủ cỏ để ăn ban đêm hay không? Và con có bị chủ trâu đánh mắng hay không?…”Câu chuyện chú kể đã xong đâu, còn nhiều lắm.
Chú xin phép ngưng lại nơi đây.
Chú thưa với mọi người là chú sẽ xin kể tiếp ngày mai, nhưng trước khi từ giã, chú muốn được hỏi ni trưởng một vài câu hỏi mà chú đã ấp ủ trong lòng gần mười năm nay, có thể là ni trưởng sẽ trả lời được cho chú.
Nghe chú nói thế, ni sư Gotami mỉm cười nhìn chú:– Chú cứ hỏi, nếu trả lời được, thì ta sẽ trả lời ngay.Svastika muốn biết nhiều chuyện lắm.
Trước hết chú muốn biết khi thái tử Siddhatta vén màn định từ giã lệnh bà Yasodhara thì lệnh bà đang ngủ thật hay là đang giả ngủ? Rồi khi người hầu cận thái tử Siddhatta đem thanh kiếm, chuỗi ngọc, mớ tóc và con ngựa Kanthaka về tới kinh đô thì hoàng thượng, hoàng hậu và lệnh bà Yasodhara đã nghĩ gì, nói gì và làm gì? Trong sáu năm