Một hôm Bụt và thầy Ananda đi thăm một tu viện nhỏ ở ngoại thành.
Hai người tới tu viện vào giờ các thầy đi khất thực vắng.
Trong khi đi một vòng ở khuôn viên tu viện, hai người nghe có tiếng rên la trong một am nhỏ.
Bước vào am, Bụt thấy một vị khất sĩ bị ốm đang nằm rên trong xó nhà.
Trong am rất hôi hám.
Bụt tiến tới hỏi:– Khất sĩ, thầy bị đau ra sao?– Thưa Thế Tôn, con bị kiết.– Không có ai săn sóc cho thầy sao?– Các huynh đệ đi khất thực hết rồi có ai ở nhà đâu? Với lại ban đầu cũng có mấy huynh đệ tới săn sóc, nhưng con thấy mình không làm được lợi ích gì cho các huynh đệ mà cứ bắt các huynh đệ săn sóc cho mình thì tội chết, cho nên con nói với các huynh đừng tới nữa.Bụt bảo thầy Ananda:– Ananda, đi kiếm ít nước, chúng ta sẽ rửa ráy cho thầy khất sĩ này.Sau khi Ananda đi lấy nước về, hai thầy trò tắm rửa và mặc áo sạch cho vị khất sĩ.
Rồi hai người đặt thầy lên giường.
Xong xuôi, Bụt và Ananda đi quét rửa trong am cho hết mùi hôi hám và đem áo quần ra giặt và phơi.
Lúc ấy các vị khất sĩ đi khất thực đã tuần tự trở về.
Đại đức Ananda xin họ đi nấu nước sôi và kiếm thuốc men cho thầy khất sĩ bị kiết.Bụt hỏi :– Các vị khất sĩ, vị khất sĩ ngoài tịnh thất kia đau bệnh gì vậy?– Bạch đức Thế Tôn, thầy ấy bị kiết.– Có ai săn sóc cho thầy ấy không?– Bạch đức Thế Tôn, ban đầu thì chúng con có săn sóc, nhưng sau đó thầy ấy ngại không cho chúng con săn sóc nữa.– Này các vị khất sĩ! Chúng ta đã đi tu và chúng ta không còn được cha mẹ hoặc bà con săn sóc cho chúng ta mỗi khi đau ốm như khi còn ở nhà nữa.
Vậy nếu chúng ta không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc cho chúng ta? Chúng ta phải săn sóc cho nhau, mỗi khi có ai bị đau ốm, dù người ấy là thầy hay bạn hay học trò thì chúng ta cũng phải săn sóc tận tình cho đến khi người ấy bình phục hoàn toàn.
Này các vị khất sĩ! Nếu tôi bị đau ốm thì quý vị có săn sóc cho tôi không?– Bạch đức Thế Tôn, chúng con chắc chắn sẽ săn sóc cho Thế Tôn.– Vậy thì từ nay, khi có vị nào bị ốm đau thì quý vị hãy săn sóc cho đến khi bình phục.
Săn sóc cho vị ấy tức là chăm sóc cho chính tôi vậy.Các vị khất sĩ có mặt đều chắp tay cúi đầu, vâng theo lời Bụt dạy.Mùa Hạ năm sau, Bụt an cư tại tu viện Lộc Mẫu ở Savatthi.
Năm nay tại Savatthi, ni sư Mahapajapati cũng lãnh đạo một ni chúng đông đảo an cư tại tu viện của các vị nữ khất sĩ.
Phụ tá ni sư có ni sư Khema.
Ni sư Khema ngày xưa vốn là một vị quý phi của vua Bimbisara nước Magadha.
Cách đây hai mươi năm, bà đã được quy y làm học trò tại gia của Bụt.
Bà vốn là người thông minh, nhưng có tính tự hào, nhờ được gặp Bụt và nghe Bụt thuyết pháp nên bà tỉnh ngộ và bắt đầu học phép khiêm cung.Sau bốn năm tu học với tính cách một cư sĩ tại gia, bà đã xin Bụt xuất gia và gia nhập ni chúng do ni sư Mahapajapati lãnh đạo.
Bà tu học rất tinh tiến, và trong những năm gần đây đã trở nên một trong những vị lãnh đạo quan trọng của ni chúng.
Nữ cư sĩ Visakha thường cùng các con đi cúng dường và nghe pháp ở nữ tu viện này.
Nam cư sĩ Sudatta cũng đã được bà nhiều lần mời tới cúng dường và nghe pháp.
Tại đây cư sĩ đã được gặp nữ khất sĩ Khema, nữ khất sĩ Dhammadinna, nữ khất sĩ Utpalavanna và nữ khất sĩ Palacara.
Bà Visakha được biết tường tận về cuộc đời của các vị nữ khất sĩ này và bà đã kể cho ông Sudatta nghe lại những điều bà biết.Một hôm đến ni viện với một người bạn nam giới cũng có tên là Visakha, cư sĩ Sudatta được gặp nữ khất sĩ Dhammadinna.
Vị nữ khất sĩ này là một trong những vị giảng sư nổi tiếng nhất của ni viện.
Hai người đã được học hỏi đạo lý với vị ni sư này.
Ni sư đã giảng giải cho cả hai vị cư sĩ rất rành rẽ về những yếu tố tạo nên con người là năm uẩn, tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, và về con đường của tám sự hành trì chân chính gọi là bát chánh đạo.
Cư sĩ Visakha rất ngạc nhiên khi thấy kiến thức thâm uyên của ni sư về đạo lý tỉnh thức.
Ông về tu viện Kỳ Thọ và đem tất cả những điều ni sư giảng dạy bạch lại với Bụt, Bụt nói:– Visakha, nếu ông hỏi ta, thì ta cũng sẽ trả lời như nữ khất sĩ Dhammadinna không khác.
Ông nên biết là qua bài pháp mà ông được nghe, nữ khất sĩ Dhammadinna đã nắm rất vững đạo pháp giải thoát và giác ngộ.Nói xong, Bụt quay lại đại đức Ananda và bảo:– Ananda, thầy nên trùng tuyên lại cho đại chúng nghe bài pháp của ni sư Dhammadinna.
Bài pháp này là một bài pháp quan trọng.Bên cạnh ni sư Dhammadinna, còn có ni sư Bhaddha Kapilani là một vị nữ khất sĩ cũng nổi tiếng thông tuệ về giáo lý.
Hai ni sư này thường được các giới cư sĩ thỉnh cầu đến thuyết pháp tại nhiều địa điểm trong xứ.Câu chuyện về nữ khất sĩ Patacara là một câu chuyện rất thương tâm.
Patacara là con gái một người rất giàu có ở Savatthi.
Bố mẹ của Patacara giữ con kỹ lắm, không bao giờ cho con gái đi ra ngoài đường.
Cả ngày Patacara bị nhốt trong nhà và vì thế không được gặp ai.
Đến tuổi dậy thì, cô đem lòng thương một người con trai giúp việc trong nhà.
Bố mẹ của cô hoàn toàn không hay biết gì về điều này.
Họ sắp đặt để gả cô cho một chàng trai, con của một nhà phú hộ khác.Hoảng kinh, cô bàn tính với người yêu bỏ nhà đi trốn.
Rạng sáng ngày cưới, cô hóa trang làm con ở đi gánh nước và thoát ra khỏi nhà.
Qua bến đò, cô gặp người yêu.
Hai người đi trốn đến một nơi thật xa và cưới nhau.
Ăn ở với nhau được ba năm thì cô có mang.
Gần đến ngày sinh con, cô đòi chồng đưa về nhà cha mẹ để sinh, theo tục lệ xứ cô.
Chồng cô sợ ông bà nhà phú hộ lắm, nhưng vì vợ cương quyết quá nên anh bất đắc dĩ phải đưa vợ về.
Nhưng khi về đến nửa đường thì cô lâm bồn và sinh được một cháu bé trai.
Việc trở về nhà cha mẹ vì thế không còn cần thiết nữa.
Hai vợ chồng liền quay về nơi sinh sống cũ.Hai năm sau, cô lại có mang, và cô lại ép chồng đưa cô về quê để sinh đẻ.
Nhưng lần này họ rủi ro quá.
Giữa đường họ gặp một trận bão lớn.
Cô lại muốn lâm bồn.
Người chồng bảo vợ ngồi xuống bên đường chờ đợi, để anh ta vào rừng đốn cây bẻ lá về che thành một túp lều tạm, Patacara đợi mãi không thấy chồng về.
Nửa đêm cô sinh ra một đứa bé trai, trong lúc trời vẫn mưa vẫn gió.Sáng hôm sau, khi bão tạnh, Patacara tay ôm đứa bé sơ sinh tay dắt đứa bé chưa đầy ba tuổi đi vào rừng tìm chồng.
Cô thấy chồng nằm chết trong rừng.
Hôm qua trong khi đốn củi, anh ta đã bị một con rắn độc cắn và nằm chết ngay tại chỗ, Patacara khóc than thảm thiết, rồi cô ẵm dắt con ra đi, tìm về nhà cha mẹ.
Cô đi mãi cho đến khi gặp một dòng sông.
Mực nước sông lên cao vì mưa gió đã kéo dài hơn một đêm một ngày.
Không biết làm sao, cô mới dặn đứa con ba tuổi đứng chờ cô bên này sông để cô