Thỉnh thoảng Bụt hoặc các vị đệ tử lớn của người lại tới thăm và nói pháp thoại tại ni viện.Mỗi tháng một lần các vị nữ khất sĩ cũng được tới nghe pháp ở tu viện Jetavana hoặc ở giảng đường Lộc Mẫu.Năm nay theo lời yêu cầu của đại đức Sariputta, Bụt cho kéo dài mùa an cư thêm một tháng.Lễ tự tứ sẽ được cử hành vào ngày trăng tròn tháng Kattika, thay vì vào ngày trăng tròn tháng Assayuja như những năm khác.
Ý của đại đức Sariputta là nếu Bụt kéo dài mùa an cư thêm một tháng thì các vị khất sĩ và nữ khất sĩ đang an cư tại các trung tâm tu học khác trong nước và ở các nước lân cận, sau khi làm lễ tự tứ cuối ba tháng an cư của họ, có thể tìm về Savatthi để được gặp Bụt.Tin Bụt sẽ kéo dài mùa an cư năm nay thêm một tháng đã được truyền đi các nơi rất mau chóng, vì vậy sau lễ tự tứ các thầy và các ni cô từ các địa phương lục tục tìm về thăm Bụt rất đông.
Các vị thí chủ lớn như Sudatta, Visakha và Mallika đã tìm mọi cách để cung cấp phương tiện cư trú và thực phẩm cho cả ngàn vị khách tăng từ các nơi dồn đến.
Vào cuối tháng Kattika, số lượng các vị khất sĩ và nữ khất sĩ tại thủ đô Savatthi đã lên tới ba ngàn vị.Thấm thoát mà ngày trăng tròn tháng Kattika đã đến.
Hoa kumudi nở rộ khắp nơi, kumudi là một thứ sen trắng thường hay nở rộ vào tiết này nên ngày trăng tròn tháng Kattika cũng được gọi là ngày hoa Kumudi.Đêm ấy trăng sáng vằng vặc.
Bụt ngồi ở ngoài trời, có cả ba ngàn vị đệ tử xuất gia.
Hương sen từ hồ bay lên thoang thoảng.
Mấy ngàn vị khất sĩ ngồi bao quanh Bụt im lặng.
Người nói người rất bằng lòng thấy được thực chất của sự tu học nơi các vị khất sĩ và nữ khất sĩ.
Rồi nhân cơ hội này, người nói kinh Quán Niệm Hơi Thở.Đúng ra thì vị khất sĩ nào cũng đã được học về phép quán niệm hơi thở, và Bụt đã nhiều lần dạy về pháp môn này, nhưng đây là lần đầu mà đa số các vị xuất gia có mặt được nghe Bụt giảng dạy trực tiếp về phép quán niệm hơi thở.Đây cũng là lần đầu Bụt tổng hợp những điều đã từng dạy về pháp môn này và đúc kết lại trong một bài giảng.
Biết trước rằng kinh này sẽ phải được trùng tuyên để tất cả học thuộc mà hành trì, đại đức Ananda lắng nghe và ghi nhận tất cả những tiếng và những lời Bụt dạy.Trong buổi tụ họp hôm nay có mặt cả ni sư Yasodhara mẹ của đại đức Rahula và ni sư Sundari Nanda – cô của đại đức, em gái của Bụt.
Hai vị này đã xuất gia dưới sự hướng dẫn của ni sư Gotami và trong những năm qua đã tu học tại một ni viện miền ngoại ô phía Bắc thành Kapilavatthu; ni viện này cũng đã do ni sư Gotami sáng lập.Sáu tháng sau khi bà Gotami được xuất gia, Yasodhara đã xin được xuất gia và gia nhập vào ni chúng.
Chỉ trong vòng một năm, ni sư Yasodhara đã trở nên một vị phụ tá đắc lực cho ni sư Gotami.Từ những năm Bụt bắt đầu an cư tại tu viện Cấp Cô Độc, ni chúng đã tổ chức an cư ở thủ đô Savatthi để được thừa hưởng sự giáo huấn của Bụt và của các vị đại đệ tử.
Hoàng hậu Mallika và nữ cư sĩ Visakha đã tận lực ủng hộ ni chúng trong việc thành lập tu viện cho phái nữ.
Hai năm đầu, ni chúng được phép sử dụng vườn Thượng uyển để làm trung tâm an cư.Đến năm thứ ba họ mới lập được tu viện riêng biệt.
Biết mình tuổi đã cao, ni sư Gotami nỗ lực đào luyện những vị lãnh đạo ni chúng trong giới những ni sư trẻ tuổi.
Ni sư Yasodhara là một trong những vị lãnh đạo ni chúng xuất sắc.
Cũng xuất gia một lượt với bà còn có các ni sư Sela, Vimala, Soma, Mutta và Nanduttara.
Tất cả các vị ấy đều có mặt hôm nay tại tu viện Lộc Mẫu.
Đại đức Rahula đã giới thiệu ni sư Yasodhara và ni sư Sundari Nanda với đại đức Svastika.
Đại đức Svastika rất kính mến hai người này; đại đức đã từng được nghe bạn nói nhiều về họ.Bụt dạy:– Này các vị khất sĩ, phép quán niệm hơi thở, nếu được pháttriển và thực hiện liên tục, sẽ đem lại những thành quả lớn.
Do quán niệm hơi thở quý vị có thể thành tựu phép quán Tứ Niệm Xứ và phép quán Thất Giác Chi, tức là bảy yếu tố giác ngộ, và đạt tới trí tuệ và giải thoát.Hơi thở thứ nhất: Thở vào một hơi dài, ta biết ta đang thở vào một hơi dài.
Thở ra một hơi dài, ta biết ta đang thở ra một hơi dài.Hơi thở thứ hai: Thở vào một hơi ngắn, ta biết ta đang thở vào một hơi ngắn.
Thở ra một hơi ngắn, ta biết ta đang thở ra một hơi ngắn.Hai hơi thở này nhằm mục đích cắt ngang những thất niệm và suy tư vẩn vơ vô ích, đồng thời làm phát khởi chánh niệm và tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại.
Thất niệm là sự quên lãng, là sự vắng mặt của chánh niệm.
Hơi thở có ý thức đưa ta trở về với ta và với sự sống.Hơi thở thứ ba: Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta.
Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta.Hơi thở này là để quán niệm về thân thể và để tiếp xúc với thân thể của chính mình.
Ý thức về thân thể như một tổng thể và ý thức về các bộ phận trong cơ thể để thấy được những mầu nhiệm về sự có mặt và về quá trình sinh diệt của thân thể.Hơi thở thứ tư: Ta đang thở vào và làm cho toàn thân ta an tịnh.
Ta đang thở ra và làm cho toàn thân ta an tịnh.Hơi thở này là để thực hiện sự an tịnh trong cơ thể và cũng là để đạt tới trạng thái thân tâm nhất như trong đó thân tâm và hơi thở trở nên một hợp thể mầu nhiệm.Hơi thở thứ năm: Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui.
Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui.Hơi thở thứ sáu: Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc.
Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc.Với hai hơi thở này hành giả đi sang lãnh vực cảm thọ.
Hai hơi thở này tạo ra sự an lạc cho thân tâm để nuôi dưỡng thân tâm.
Nhờ chấm dứt vọng tưởng và quên lãng, hành giả trở về với bản thân, tỉnh thức trong giây phút hiện tại, cho nên niềm vui mừng và sự an lạc phát sinh.
Hành giả an trú trong sự sống mầu nhiệm và sự tịnh lạc của chánh niệm.
Nhờ tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, hành giả biến những cảm thọ không khổ không vui (gọi là xả thọ) thành những lạc thọ.
Hai hơi thở này đem tới những lạc thọ ấy.Hơi thở thứ bảy: Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta.
Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh.Hơi thở thứ tám: Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh.
Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta an tịnh.Hai hơi thở này là để quán chiếu tất cả những cảm thọ đang xảy ra trong ta, dù đó là lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ; và để làm cho an tịnh những cảm thọ ấy.
Những hoạt động tâm ý tức là những cảm thọ.
Có ý thức về những cảm thọ và quán chiếu về gốc rễ và bản chất của những cảm thọ ấy, ta điều phục được chúng và làm cho chúng trở nên an tịnh, dù đó là