Một hôm nọ, khi trời đang cơn mưa tầm tã, có một vị du sĩ tới viếng.
Vị du sĩ này tên là Uttiya.
Đại đức Ananda tiến dẫn ông vào gặp Bụt.
Thầy giới thiệu vị du sĩ, nhắc ghế mời ông ngồi, rồi đi lấy khăn để ông lau khô đầu tóc và mình mẩy.Uttiya hỏi Bụt:– Sa môn Gotama, thế giới là còn mãi hay là sẽ có khi bị hoại diệt?Bụt mỉm cười, nói:– Du sĩ Uttiya, tôi xin phép không trả lời câu hỏi đó.Uttiya hỏi:– Thế giới là có biên giới hay không có biên giới?– Tôi cũng không trả lời câu hỏi đó.– Vậy thì thân thể và linh hồn là một hay là hai?– Câu hỏi này tôi cũng xin phép không trả lời.– Sau khi chết, sa môn Gotama còn hay là mất?– Câu hỏi này tôi cũng xin phép không trả lời.– Hay ngài nghĩ rằng sau khi chết, ngài vừa còn mà cũng vừa mất?– Du sĩ Uttiya, câu hỏi đó, tôi cũng không trả lời.Uttiya ngạc nhiên.
Ông nói:– Câu nào tôi hỏi, sa môn Gotama cũng không trả lời.
Tại sao thế? Vậy hỏi câu nào sa môn Gotama mới chịu trả lời?Bụt nói:– Tôi chỉ trả lời những câu hỏi về đạo pháp có liên hệ tới công phu tu tập nhằm gạn lọc thân tâm, vượt thắng lo âu và sầu khổ mà thôi.– Đạo pháp của sa môn Gotama có thể cứu độ được bao nhiêu người trên thế giới?Bụt lặng yên không nói.Du sĩ Uttiya cũng ngồi yên lặng.Sợ vị du sĩ nghĩ lầm rằng Bụt không thèm hoặc không đủ sức trả lời những câu hỏi của ông ta, và nghĩ như thế thì tội nghiệp cho ông ta quá, đại đức Ananda lên tiếng:– Du sĩ Uttiya, để tôi nói cho bạn nghe một ví dụ này, và bạn có thể hiểu ý của thầy tôi.
Giả dụ có một ông vua kia cư trú trong một thành trì thật kiên cố, có hào sâu và hầm chông bao quanh, chỉ có một cửa ra vào mà thôi, và ở cửa ra vào ấy vua đã cử một người thật sáng suốt đứng canh gác.
Người gác cửa này chỉ cho vào thành người nào mà ông ta biết và nhận mặt được, ngoài ra ông ta chận lại tất cả mọi người lạ mặt.
Ông ta cũng đã đi tuần tiễu chung quanh thành trì và biết rõ rằng không có một kẽ hở nào do đó ngoại nhân có thể đột nhập được vào thành, kể cả một cái lỗ nhỏ đủ để một con mèo con chui qua.
Ông vua trấn ngự trong thành không lưu tâm tới số lượng những người được phép qua lại cổng thành.
Ông vua ấy chỉ quan tâm đến việc làm thế nào cho kẻ gian không đột nhập được vào thành.
Thầy tôi cũng vậy.
Sa môn Gotama không quan tâm mấy tới số lượng những người theo đạo.
Sa môn Gotama chỉ quan tâm tới những pháp môn có hiệu lực ngăn chận và diệt trừ tham dục, bạo động và mê vọng để thực hiện an lạc và giải thoát mà thôi.
Nếu bạn hỏi thầy tôi những câu hỏi thật sự hữu ích cho việc điều phục thân tâm và tu tập thiền quán thì thầy tôi sẽ trả lời bạn, chứ sao không?Du sĩ Uttiya lĩnh ý, nhưng vì ông ta quá chú trọng đến những vấn đề thuộc phạm vi lý luận siêu hình nên ông đã cáo từ Bụt và đại đức Ananda mà không cảm thấy thỏa mãn cho lắm.Sau đó mấy hôm lại có một vị du sĩ khác tên là Vacchagota tới viếng Bụt.
Ông ta cũng hỏi Bụt những câu có tính cách tương tợ như những câu hỏi của du sĩ Uttiya.
Ví dụ ông hỏi:– Sa môn Gotama, xin ngài cho biết là có ngã hay không?Bụt lặng thinh không đáp.
Sau vài câu hỏi không được giải đáp, Vacchagota đứng dậy và bỏ đi.Sau khi Vacchagota đã đi khuất, đại đức Ananda hỏi Bụt:– Thế Tôn, trong các buổi pháp thoại, Thế Tôn đã từng có giảng dạy về đạo lý vô ngã.
Tại sao hôm nay Thế Tôn không trả lời những câu hỏi về ngã của du sĩ Vacchagota?Bụt nói:– Ananda, đạo lý vô ngã mà tôi giảng dạy cho các vị khất sĩ là một pháp môn hướng dẫn thiền quán, mà không phải là một chủ thuyết.
Hiểu nó như một chủ thuyết, các vị có thể bị kẹt vào nó.
Tôi đã chẳng có lần bảo các thầy là giáo pháp phải được xem như chiếc bè chở ta qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng, và ta không nên bị kẹt vào giáo pháp hay sao? Du sĩ Vacchagota chỉ muốn tôi đưa ra một chủ thuyết thì tôi đưa ra sao được.
Tôi không muốn cho Vacchagota kẹt vào một chủ thuyết, dù là chủ thuyết hữu ngã hay là chủ thuyết vô ngã.
Nếu mình nói với ông ta là có ngã, thì là mình ngược lại giáo pháp của mình.
Nếu mình nói với ông ta là không có ngã, để ông ta níu vào đấy như một chủ thuyết rồi bị kẹt vào đấy thì có ích gì cho ông ta? Vậy nên im lặng là câu trả lời hay nhất trong trường hợp này, thà rằng họ cho là mình “không biết” còn hơn là họ bị kẹt vào kiến chấp.Một hôm đại đức Anuruddha trên đường đi khất thực bị một nhóm du sĩ chận lại cật vấn.
Họ bắt thầy phải trả lời cho được câu hỏi của họ.
Họ nói trả lời được thì họ mới cho đi.
Họ hỏi:– Chúng tôi nghe đồn sa môn Gotama là bậc giác ngộ vẹn toàn, và giáo pháp của người rất cao siêu mầu nhiệm.
Thầy là môn đệ của sa môn Gotama, vậy xin thầy cho biết: sau khi chết sa môn Gotama có còn hiện hữu hay không?Rồi các vị du sĩ buộc đại đức Anuruddha chọn một trong những điều sau đây:Sau khi chết, sa môn Gotama còn.Sau khi chết, sa môn Gotama mất.Sau khi chết, sa môn Gotama vừa còn vừa mất.Sau khi chết, sa môn Gotama vừa không còn vừa không mất.Khất sĩ Anuruddha biết rằng trong bốn câu trả lời đó không có câu trả lời nào phù hợp với giáo pháp của Bụt.
Thầy im lặng, nhưng các vị du sĩ không bằng lòng sự im lặng đó.
Họ buộc thầy phải nói một cái gì đó.
Cuối cùng, đại đức nói:– Này các bạn, theo tri kiến của tôi thì bốn mệnh đề đó, không mệnh đề nào diễn tả được sự thật về sa môn Gotama.Các thầy du sĩ cười và bảo nhau:– Xem bộ vị khất