Đại đức Ananda tới gần Bụt, ngồi xuống bên người và bạch nhỏ:– Thế Tôn, bốn mươi năm nay con chưa từng thấy người ốm đau nặng nề như kỳ rồi.
Hôm Thế Tôn bệnh nặng, con cảm thấy bủn rủn cả chân tay.
Đầu óc của con lúc ấy không được sáng suốt và con không thấy được sự việc một cách rõ ràng.
Hôm đó ai cũng nghĩ rằng Thế Tôn sẽ không qua khỏi, nhưng con tự hỏi: Đức Thế Tôn chưa di chúc gì hết cho giáo đoàn khất sĩ thì Thế Tôn chưa nhập Niết bàn đâu.
Nhờ nghĩ như vậy mà con không đến nỗi nào.Bụt nói:– Này Ananda, giáo đoàn khất sĩ còn chờ đợi gì ở Như Lai mà thầy bảo là Như Lai phải để lại di chúc?Chánh pháp đã được Như Lai giảng bày cặn kẽ cho mọi người, có điều gì mà Như Lai còn giấu giếm chưa dạy quý vị đâu? Ananda, chỗ nương tựa của giáo đoàn là chánh pháp; các vị đừng đi tìm một chỗ nương tựa bên ngoài nào khác nữa.Mỗi người phải lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, phải sống theo chánh pháp; mỗi người phải là một hòn đảo cho chính mình.
Ananda, Bụt, Pháp và Tăng có sẵn trong mỗi người: khả năng giác ngộ là Bụt, pháp môn tu học là Pháp, những yếu tố hỗ trợ cho sự tu tập là Tăng.
Không ai cướp giật Bụt, Pháp, và Tăng ra khỏi tự thân quí vị được, dù đất trời có nghiêng ngả, tự tính Tam Bảo nơi nỗi người vẫn còn nguyên vẹn.
Đó là nơi nương tựa an ổn nhất của mỗi người.
Vị khất sĩ trở về an trú trong chánh niệm, quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý, đó là vị khất sĩ đang làm hòn đảo cho chính mình, đang có nơi nương tựa vững chãi nhất.
Một người khác, dù là giáo chủ, dù là thượng thủ, dù là thầy mình, cũng vẫn không phải là chỗ nương tựa vững chãi hơn hòn đảo chánh niệm, hơn tự tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.Vào cuối mùa an cư, sức khỏe của Bụt đã được hồi phục.Một buổi sáng, chú tiểu Cunda, vị thị giả của đại đức Sariputta tìm tới tịnh thất của đại đức Ananda.
Chú báo tin thầy của chú, đại đức Sariputta đã viên tịch tại Nala, rồi chú trình lên đại đức áo cà sa, bình bát và tro xương xá lợi của đại đức Sariputta, rồi chú ôm mặt khóc.
Đại đức Ananda cũng òa lên khóc.Cunda kể là đại đức Sariputta đã về đến Nala thăm mẹ vàđã săn sóc bà cho đến khi bà lâm chung.
Làm lễ trà tỳ mẹ xong, đại đức triệu tập bà con và dân cư trong vùng lại, giảng giải pháp cho họ nghe, làm lễ quy y cho họ và dặn dò hành trì theo chánh pháp, rồi đêm đó đại đức ngồi lại trong tư thế kiết già và nhập diệt.Trước đó, đại đức đã dặn Cunda rằng sau khi đại đức tịch thì chú phải đem y bát và xá lợi của đại đức về trình Bụt và xin Bụt cho đi theo người.
Đại đức có nói là đại đức muốn nhập diệt trước ngày đức Thế Tôn nhập diệt.Đại đức Ananda lau nước mắt đứng dậy và cùng chú tiểu Cunda đi gặp Bụt, đem theo cà sa, bình bát và xá lợi của đại đức Sariputta.Bụt lặng yên nhìn cà sa, bình bát và xá lợi của vị đại đệ tử.
Người không nói gì trong một lúc lâu, rồi người xoa đầu chú Cunda.Đại đức Ananda lên tiếng:– Lạy Bụt, khi con nghe tin sư huynh đã viên tịch, con thấy bủn rủn cả chân tay và đầu óc con mất hết sáng suốt, con buồn quá.Bụt nhìn đại đức Ananda:– Này Ananda, sư huynh của thầy khi nhập diệt có đem đi theo tất cả giới, định, tuệ và sự giải thoát của thầy đâu?Đại đức Ananda trần tình:– Không phải như thế, bạch đức Thế Tôn, con nghĩ đến sư huynh con lúc sống đã phục vụ chánh pháp đắc lực như thế nào, đã nâng đỡ anh em chúng con như thế nào, đã dạy dỗ, hướng dẫn, khích lệ chúng con như thế nào, bây giờ đây sư huynh không còn với chúng con nữa, không có hai sư huynh Sariputta và Moggallana, chúng con thấy giáo đoàn trống trải một cách lạ kỳ.
Các sư huynh không còn đó để hướng dẫn cho chúng con và chống đỡ cho giáo đoàn, chúng con không cảm thấy bơ vơ sao được?Bụt dạy:– Ananda, Như Lai đã nhiều phen nhắc thầy rằng có sinh thì có diệt, có hội ngộ thì có phân ly.
Các pháp hữu vi là thế đó, cho nên ta đừng nên kẹt vào các pháp hữu vi.
Hãy vượt thoát lên khỏi thế giới của sinh diệt và của tụ tán.
Ananda, Sariputta là một cành cây lớn đã làm xong bổn phận nuôi dưỡng một thân cây hùng mạnh.
Cành cây hiện có mặt trong thân cây.
Thân cây ấy là giáo đoàn khất sĩ đang tu tập theo giáo pháp giác ngộ.
Nếu thầy mở mắt ra mà nhìn, thầy sẽ thấy Sariputta trong thầy, trong Như Lai, trong giáo đoàn khất sĩ, trong những người được Sariputta giáo hóa, trong chú tiểu Cunda, và thầy sẽ thấy Sariputta mọi nơi.
Đừng nghĩ là Sariputta không còn nữa, Sariputta đang còn và sẽ còn mãi với chúng ta.Ananda, Sariputta là một vị bồ tát, nghĩa là một người đã giác ngộ và đã biết đem trí tuệ và tình thương của mình đi vào cuộc đời để hóa độ cho những người khác, đưa họ cùng về bến bờ giác ngộ.Trong giáo đoàn khất sĩ, Sariputta đã từng được ca ngợi như người có trí tuệ lớn, và vì thế, Sariputta sẽ được các thế hệ tương lai tưởng niệm tới như một vị bồ tát đại trí.Ananda, trong giáo đoàn khất sĩ còn có nhiều vị bồ tát nữa có mặt trong cuộc đời để hóa độ và những vị này cũng có hạnh nguyện lớn như Sariputta, khất sĩ Punna, nữ khất sĩ Yasodhara, nam cư sĩ Sudatta đều là những người có lòng thương lớn và hạnh nguyện lớn, luôn luôn dấn thân vào cuộc đời để cứu giúp chúng sanh, không ngại gian khổ và khó khăn.Đó là những vị bồ tát đại bi.
Nữ khất sĩ Yasodhara và cư sĩ Sudatta đã viên tịch, nhưng đại đức Punna thì vẫn đang tinh tiến và dũng mãnh trên con đường hóa độ.Nói đến dũng mãnh, Như Lai nhớ tới đại đức Moggallana, đó là một vị bồ tát đại dũng, chí khí và can trường rất lớn, ít ai bì kịp.
Đại đức Mahakassapa với nếp sống đơn giản và lành mạnh là một vị bồ tát tượng trưng cho hạnh tri túc.Đại đức Anurudha là một vị bồ tát tượng trưng cho hạnh tinh tiến.Ananda, nếu các thế hệ tương lai biết học hỏi và tu tập đạo lý giải thoát, các vị bồ tát như thế sẽ tiếp tục xuất hiện trong đời để nối đuốc chánh pháp và soi sáng cuộc đời.
Ananda, tin vào Bụt, tin vào Pháp và tin vào Tăng, tức là tin tưởng ở tương lai giáo đoàn.
Trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những vị bồ tát mới có tầm vóc lớn như Sariputta, Moggallana, Punna, Anurudha, Yasodhara, Anathapindika… Ananda, thầy không nên buồn về việc sư huynh Sariputta viên tịch.Trưa hôm ấy trên bờ sông Ganga, bên thôn Ukkhacela, Bụt trầm tĩnh báo tin viên tịch của đại đức Sariputta cho đại chúng các vị khất sĩ.
Bụt khuyên đại chúng nên nỗ lực để mỗi người có thể trở nên Sariputta, mỗi người có thể mang khả năng và đại nguyện của Sariputta trên đường tu tập và hành hóa.
Bụt dạy:– Này các vị khất sĩ! Các vị hãy nương tựa vào chính mình, hãy tự mình làm một hòn đảo cho chính mình, đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác, như vậy các vị mới không bị đánh chìm bởi những đợt sóng của sầu đau, của thất vọng, của chới với.
Các vị, hãy lấy giáo pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác.
Này các vị khất sĩ! Các vị hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.
Hãy lấy chánh pháp làm đuốc.Một buổi sáng, Bụt cùng đại đức Ananda đi vào thành Vesali khất thực.
Sau khi ra thọ trai ở một cụm rừng, Bụt nói:– Ananda, chúng ta hãy về đền Capala để nghỉ trưa.Trên đường đi, Bụt dừng lại nhiều lần để nhìn phong cảnh và mây nước, Bụt nói:– Ananda, Vesali thật là đẹp, đền Udena cũng đẹp.
Các ngôi đền khác trong vùng như Gotamaka, Sattanbaka và Bahuputta cũng đều là những ngôi đền đẹp.
Đền Capala mà ta sắp đến để nghỉ ngơi cũng dễ thương lắm.Sau khi sắp đặt chỗ nghỉ cho Bụt, đại đức Ananda đi ra phía ngoài để thiền hành.Trong khi đi thiền hành, đại đức thấy đại địa rung động dữ dội và tâm thần của thầy cũng bị chấn động theo.Đại đức tìm về đền Capala và thấy Bụt đang ngồi yên tĩnh trong đền.
Đại đức Ananda