Có lẽ ngay cả trong mơ Nghiêm Cẩn cũng không ngờ tấm danh thiếp độc đáo mà anh luôn lấy làm hãnh diện lại bị đối đãi như vậy.
Ngay cả những đóa hồng vô tội cũng rơi vào cảnh ngộ thê thảm không kém.
Song, lúc này anh chẳng có tâm trí nghĩ về những điều vặt vãnh này, ông chủ Nghiêm có nỗi sầu muộn khác, không chỉ có vậy, nỗi buồn của anh còn rõ ràng và trực diện hơn nữa.
Đầu tiên phải kể tới chiếc bật lửa Dupont bất li thân của anh đã biến mất tăm kể từ sau cái đêm sinh nhật quái quỷ ấy.
Anh còn nhớ như in, sáng hôm đó khi rời khỏi khách sạn, anh rõ ràng đã nhét bật lửa vào túi áo khoác, thế mà sau đó lại chẳng tìm thấy đâu.
Gọi tới khách sạn, bộ phận phục vụ phòng cũng đã tìm giúp anh nhiều ngày, nhưng không có kết quả.
Tuy chỉ là món đồ bé xíu nhưng cũng khiến anh buồn lòng hết sức.
Đồng chí công an Hứa Chí Quần lại cho rằng anh chẳng việc gì phải thế: “Chiếc bật lửa cũ rích đó cậu đã dùng bao năm rồi? Màu đen sì như đít nồi ấy.
Mất rồi cũng hay, để khi nào anh đây tặng cậu cái mới tinh.”
Đúng lúc tâm trạng sa sút, Nghiêm Cẩn suýt thì đá đít anh ta ra khỏi cửa.
Chỉ có người bạn nối khố Trình Duệ Mẫn hiểu được tâm trạng của anh, không khỏi khuyên giải anh qua điện thoại: “Cậu và nó đã hết duyên với nhau rồi, đừng nghĩ nhiều làm gì.
Gia Ngộ trước nay chẳng coi trọng những vật ngoài thân này, cậu ấy sẽ không trách cậu đâu.”
Thực ra chiếc bật lửa bằng đồng mạ bạc có khắc một cành olive và biểu tượng của Dupont trên thân này chính là một di vật.
Chủ nhân cũ của nó là bạn thân thời cấp ba của hai anh, đã qua đời hơn chục năm về trước.
Những câu khuyên nhủ dốc lòng của Trình Duệ Mẫn cũng chẳng khiến Nghiêm Cẩn dễ chịu hơn chút nào, anh thở dài nói: “Thôi đi thằng Út, cậu đừng vờ vĩnh nữa.
Tôi biết cậu cố tình, cố tình ghét tôi, cậu vẫn giận tôi lúc trước không chịu đi gặp thằng Hai lần cuối.”
Ở đầu dây bên kia, Trình Duệ Mẫn lặng đi hồi lâu.
Nghiêm Cẩn cứ nghĩ người đó sẽ giận, nhưng khi cất tiếng, Trình Duệ Mẫn không hề cao giọng, vẫn giữ thái độ bình tĩnh như thường: “Tôi không trách cậu, vì cậu có lý do của mình.”
Nghiêm Cẩn siết chặt điện thoại, không đáp lời.
Xưa nay anh không sợ Trình Duệ Mẫn nổi giận, chỉ sợ giọng điệu bình thản như lúc này, bởi điều đó chứng tỏ Trình Duệ Mẫn thực sự để tâm.
Trình Duệ Mẫn làm việc ở công ty nước ngoài nhiều năm nay, luôn là người hòa nhã và chuyên nghiệp, bình thường gặp ai anh cũng luôn giữ nụ cười dịu dàng đã được đăng ký thương hiệu trên môi, mặc cho lúc đó tâm trạng có đang dữ dội thế nào chăng nữa, khuôn mặt không cảm xúc là cách để biểu thị trạng thái cực đoan, bất mãn nhất của anh.
Còn Nghiêm Cẩn từ nhỏ đã ưa sĩ diện, không thể chịu đựng được người khác hiểu lầm mình, nên anh quyết định hôm nay sẽ ba mặt một lời nói thẳng với người anh em thân thiết của mình.
Anh từ tốn giãi bày: “Tôi chưa nói chuyện này với cậu phải không, hôm nay tôi sẽ nói thật cho cậu biết.
Út, đến tận giây phút cuối cùng tôi vẫn không chịu đến gặp cậu ấy là vì tôi sợ.
Tôi thà là mỗi khi nhắm mắt sẽ tưởng tượng ra dáng vẻ tươi cười lúc trước, tôi không muốn nghĩ đến dáng vẻ sau cùng của cậu ấy.”
Điện thoại vọng ra tiếng nói khe khẽ của Trình Duệ Mẫn: “Tôi hiểu cho cậu, cũng hiểu cả hàm ý của Một Phần Ba, Gia Ngộ cũng hiểu mà.”
“Gia Ngộ” – người họ liên tục nhắc tới trong đoạn đối thoại vừa rồi tên đầy đủ là Tôn Gia Ngộ, là “cậu hai” trong số ba anh em kết nghĩa từ cấp ba.
Tháng bảy năm đó, khi Nghiêm Cẩn đã nhận được giấy báo nhập ngũ, kỳ thi đại học vừa kết thúc, ba anh chàng đã giấu cha mẹ thức thâu đêm đạp xe đến tận Thiên Tân.
Mặc dù không có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc tàu chiến kiểu mới trong truyền thuyết, phong cảnh miền biển cũng không đẹp như tưởng tượng nhưng ánh bình minh rực rỡ ấn tượng buổi sáng hôm đó vẫn để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với cả ba người.
Trước vầng thái dương chói lòa, họ bắt chước dáng vẻ các đại hiệp trong tiểu thuyết, cầm một nắm đất làm nhang, lập lời thề tuy không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng xin nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm.
Họ còn vạch ra rất nhiều kế hoạch lớn, một trong số đó chính là sau này phải hùn vốn cùng nhau mở một nhà hàng ven biển, chỉ bán hải sản, đặt tên là “Tam nhân hành”.
Lý do là vì sinh thời Tôn Gia Ngộ rất thích sống ở những nơi có biển, còn Trình Duệ Mẫn ít tuổi nhất hồi nhỏ lớn lên ở Hạ Môn nên rất mê hải sản.
Để hiện thực hóa nguyện vọng năm xưa, bốn năm trước, khi chủ nhân của một con tàu khách định tuyến chạy vạy khắp nơi tìm người mua, Nghiêm Cẩn không chút do dự liền mua luôn con tàu đó, rồi rót nhiều tiền tiến hành tu sửa trang hoàng lại không gian bên trong, không chỉ có vậy, Nghiêm Cẩn còn nhờ vả khắp nơi vận dụng đủ các quan hệ để lo liệu khoản thủ tục ở cảng vụ và cục an ninh đường thủy, nhà hàng trên sông này mới được khai trương.
Cuối cùng nhà hàng không được đặt tên là “Tam nhân hành”, mà là “Một phần ba”, bởi lẽ ba cậu thiếu niên mười bảy năm trước từng thề nguyện đồng sinh cộng tử, cứ ngỡ suốt đời sẽ chẳng bao giờ rời xa, cuối cùng vào một đêm mùa hạ mát mẻ của mười ba năm sau đã vô tình lạc mất nhau.
Lạc mất nhau mãi mãi.
Cuối cùng Một phần ba trở thành một khiếm khuyết không thể bù đắp.
Chính vì khiếm khuyết đáng buồn đó, Nghiêm Cẩn mới nổi đóa chỉ vì chiếc bật lửa cỏn con, anh hận luôn cả thằng trai bao tên KK nọ, thề tốt nhất cả đời đừng bao giờ để anh gặp lại thằng đó.
Đáng tiếc thế sự không bao giờ xoay chuyển theo ý muốn con người, có những người và việc, một khi xảy ra thì đã là số phận, muốn tránh né cũng chẳng được.
Vô tình đánh mất chiếc bật lửa làm Nghiêm Cẩn cáu kỉnh suốt mấy ngày trời.
Khó lắm mới tự thuyết phục bản thân cho qua chuyện này thì anh lại gặp một phiền toái khác.
Dịp nghỉ tết vừa kết thúc, đúng vào lúc việc kinh doanh ăn uống bắt đầu sôi động trở lại thì “Một phần ba” của anh lại bị người ta kiếm chuyện.
Ẩu đả bắt nguồn từ một bát canh đậu hũ hải sâm.
Trong tiết trời đầu xuân còn se se lạnh, chỉ cần nhìn thấy một bát canh thơm ngon mỡ màng bốc hơi nghi ngút cũng đủ làm nóng cơ thể, vậy mà khách hàng của anh lại vớt được hai cục phân chuột trong bát canh.
Đúng lúc hai hôm đó Nghiêm Cẩn lại có việc ở Bắc Kinh, không thể đích thân tới Thiên Tân.
Đến khi anh vừa nhận điện thoại vừa lái xe đến cửa hàng với tốc độ 100 km/h, hiện trường đã trở thành một đống hỗn loạn.
Bảy, tám chiếc bàn bị gạt đổ chổng vó lên trời, mảnh vỡ bát đũa vương vãi khắp nơi, đồ ăn la liệt dưới đất.
Nhân viên cửa hàng cũng không thoát khỏi số xui xẻo.
Không chỉ đầu bếp và phục vụ bị đánh, đến cả gã quản lý nhà hàng giỏi giang tháo vát cũng chẳng thể thu xếp êm đềm mọi việc, trái lại còn bị chai bia đập vỡ đầu.
Nghiêm Cẩn chắp tay đi một vòng cửa hàng, đánh giá sơ bộ tổn thất, bản thân anh đã có tính toán trong lòng.
Thế nhưng Nghiêm Cẩn không nói gì, chỉ dặn đóng cửa một ngày.
Đầu bếp và phục vụ bị hành hung được nghỉ một tuần dưỡng thương, vẫn tính lương bình thường.
Quản lý nhà hàng vẫn ở trong bệnh viện, đầu bị quấn băng như một xác ướp.
Vừa thấy ông chủ của mình, gã không khỏi sụt sùi kể lể chuyện vừa xảy ra.
Nghiêm Cẩn