Giấy Sống

“đừng Lừa Tôi!”


trước sau



Bạch Chuẩn xoa xoa mũi, cau mày quay mặt qua chỗ khác.

Hoắc Chấn Diệp chỉ đành chuyển a hoàn làm bằng giấy kia ra sân.
Khi bê a hoàn kia tới sân, hắn bỗng dưng nghĩ tới việc nếu như người kia có thể dùng đôi mắt của a hoàn này để nhìn trộm, vậy thì hiện tại còn một mắt vẫn có thể dùng được.
Hoắc Chấn Diệp giả vờ đặt người giấy, rồi vươn tay ra chọc cái phốc vào con mắt còn lại của người giấy khiến nó “mù” luôn.
Không biết có phải ảo giác hay không, hắn cảm thấy người giấy khắp phòng đều run lên.
Người giấy khắp phòng đều đứng nghiêm trang.

Trong thoáng chốc, giấy trúc không âm thanh, gió thổi qua những chai nước ngọt A Tú xuyên thành chuông gió ở dưới mái hiên nhà phát ra tiếng kêu “leng keng” hỗn loạn.
“Tôi đã dọn sạch cửa hàng kia rồi, cũng đốt hết tất cả người giấy.”
Chiếc xe lăn của Bạch Chuẩn di chuyển tới nhà bếp, cậu mở tủ lạnh lấy một chai nước ngọt vị quýt.
Hoắc Chấn Diệp đi theo sau cậu: “Người đó là ai thế?” Hắn vừa hỏi vừa cầm lấy chai nước ngọt, dùng răng mở nắp chai rồi đưa lại cho Bạch Chuẩn.
Bạch Chuẩn uống một ngụm, sảng khoái cả người.

Cậu híp mắt ợ một tiếng: “Là sư huynh của tôi.”

“Cậu còn có sư huynh cơ à?” Hắn cho rằng với cái nết cổ quái của Bạch Chuẩn sẽ không có đồng môn.
“Tôi vào môn muộn, khi sư phụ thu nhận tôi thì anh ta đã có thể đảm đương công việc một mình rồi.

Mấy năm sau khi tôi bái sư, anh ta tự ra ngoài lang bạt.”
“Vậy tại sao cậu trở thành môn chủ?”
Bạch Chuẩn híp mắt: “Tôi giỏi hơn anh ta.”
Hoắc Chấn Diệp sờ sờ mũi, cảm thấy bản thân mình không nên hỏi vấn đề này.
“Anh ta đã từng về một lần.” Như nhớ ra gì đó, khóe miệng Bạch Chuẩn cong lên tươi cười, “Trước đây sư huynh tôi rất tốt với tôi.”
Khi đó cậu vừa mới vào Thất Môn, không hiểu gì hết, nhưng vừa vào sư môn thì sư phụ đã giúp cậu mở mắt, có thể nhìn thấy những thứ kia.
Thất Môn điều hòa âm dương, an ủi vong hồn.

Sư phụ của cậu lại là một người tốt chuyện gì cũng muốn quan tâm, có hồn ma nào tới cửa ông ấy đều chiêu độ.


Cứ hễ đến tối là lại không yên ổn, hồn ma treo cổ lơ lửng bên ngoài cửa sổ, ma chết trôi nổi trong lu nước.
“Khi ấy chúng tôi vẫn còn sống ở dưới quê, xung quanh đều là ruộng vườn, vườn nhà người khác có bậc cửa, nhưng nhà chúng tôi lại không có, vì sợ bọn họ không tiện nhảy vào.”
Hoắc Chấn Diệp vốn định hỏi “bọn họ” là ai, nhưng chợt nghĩ ra, hắn đành thở dài.
“Anh có biết loại ma nào phiền phức nhất không?”
Hoắc Chấn Diệp chẳng rõ mình có muốn biết hay không: “Cậu nói đi.”
“Phiền phức nhất chính là ma ho lao, ho không ngừng nghỉ, hễ ho một cái là gió lạnh lùa vào trong.” Bạch Chuẩn sợ lạnh, đi tới đâu cũng ôm theo chiếc lò sưởi tay nho nhỏ.
Rõ ràng là giọng điệu ghét bỏ, nhưng bên trong lại chất chứa ý cười.

Hoắc Chấn Diệp nghĩ có lẽ cậu rất thích khoảng thời gian ấy.
“Là anh ấy dẫn tôi nhập môn.” Sư huynh mười bảy mười tám tuổi, đêm nào cũng ngủ chung với cậu, thỉnh thoảng còn dẫn cậu đi chợ mua đường nhân.
“Vậy sau đó thì sao?” Hoắc Chấn Diệp hỏi khô khốc.
“Anh ấy ra ngoài nửa năm, vốn chỉ đi trải nghiệm, nhưng rất lâu sau mới quay lại, về rồi còn cãi nhau ầm ĩ với sư phụ tôi một trận, sau đó thì đi luôn.”
“Tại sao?”
Bạch Chuẩn lắc đầu: “Tôi không biết, tới lúc sư phụ chết cũng không nói với tôi.” Cậu kế thừa Thất Môn, còn cho rằng thể nào sư huynh cũng về thắp cho sư phụ nén nhang, nhưng anh ta lại không tới.
Đây chính là lý do khi Liễu Nhị nói muốn thắp nén nhang dập đầu với Hàn Tam, Bạch Chuẩn đồng ý vẽ cho cậu ta một gương mặt.
Xe lăn của Bạch Chuẩn di chuyển tới trước sân nhà, ánh mắt xa xăm nhìn về phía người nộm giấy a hoàn triều Thanh kia, cậu nhấc tay lên: “Đốt nó đi.”
Hoắc Chấn Diệp châm lửa vào a hoàn, áo xanh váy đỏ của nha hoàn bừng ánh lửa, vang lên “soàn soạt” giống hệt như tiếng quần áo ma sát vào nhau.

“Cạch” một tiếng, người giấy bị đứt thành hai đoạn, cháy thành tro tàn.
Mắt thấy mặt trời đang dần dần lặn xuống, khi ánh chiều tà dần biến mất ở mái hiên cong cong phía sau đại điện miếu Thành Hoàng, Bạch Chuẩn bước vào trong cửa miếu.
Người trông coi miếu mặc áo màu lam, đã đợi Bạch Chuẩn tới đây từ sớm.

Ông ta cung kính nghênh đón cậu: “Thất gia, đồ đạc đã chuẩn bị xong hết cả, phiền cậu rồi.”
Bạch Chuẩn gật đầu: “Biết rồi.”
Người trông coi miếu hơi bất ngờ khi nhìn thấy Hoắc Chấn Diệp đứng phía sau.

Vàng mã vào ba lần đi tuần hàng năm đều là do một mình Bạch thất gia chuẩn bị, tại sao hôm nay lại còn dẫn thêm một người thế kia.
Nhưng ông ta thấy Bạch Chuẩn không giải thích, cũng không hỏi thêm nữa: “Nến thờ đã chuẩn bị đầy đủ rồi.

Phía dưới hành lang có bếp lò đun nước nóng, những đồ đạc ấy đều sạch sẽ cả.” Nói xong, ông ta đi dọc theo hành lang dài rời khỏi tiền điện.
Phần đất trống trước đại điện đã sắp sẵn giấy và hương án, trên hương án còn cắm một ngọn nến dài mảnh, xung quanh hành lang đều đốt đèn dầu, ánh nến lay động cả trong và ngoài điện.
Hoắc Chấn Diệp đẩy Bạch Chuẩn tới trước mặt giấy và trúc: “Tôi có thể làm gì giúp cậu không?”
Bạch Chuẩn chỉ những thanh trúc trước mắt: “Vót nan trúc đi.”
“Dùng tới à?”
“Không, để anh luyện tay thôi.

Một người học nghề như anh, mà còn định chạm vào giấy lễ thần ư?”
Còn chê bai hắn vụng tay cơ đấy.

Con dấu mà Hoắc Chấn Diệp khắc ra, ngay cả Hoắc lão gia còn phải khen ngợi đó.

Nhưng hắn vẫn nghiêm túc cúi đầu cầm lấy dao, học theo dáng vẻ của Bạch Chuẩn để vót từng nan trúc.
Xe lăn của Bạch Chuẩn di chuyển tới trước bát nhang.

Trước tiên là dâng nhang tế thần, sau đó lại dùng nhang châm cây nến dài kia.

Ánh nến le lói chiếu sáng một vòng nhỏ ở mảnh đất trống phía trước, chính giữa vòng sáng ấy là Bạch Chuẩn.
Cậu rút một thanh trúc dài lên trước, dựng khung.
Thanh trúc trong tay Bạch Chuẩn như có sinh mệnh, nó uống cong, chuyển hướng, thanh này quấn tiếp thanh kia theo ý muốn của Bạch Chuẩn.

Tất cả các thanh nan trúc nhanh chóng quấn lấy nhau, làm thành một cái khung.
Làm khung trúc xong, tiếp theo sẽ tới vẽ áo lụa.
Tượng giấy tế thần không phải dùng giấy bình thường, mà là dùng lụa mỏng.

Phải vẽ mây vẽ bùa, dán vàng lấp lánh, áo lụa mới là thứ tốn công sức nhất.
Hoắc Chấn Diệp ngồi trên bậc thềm đá, vừa vót nan trúc vừa ngẩng đầu nhìn Bạch Chuẩn.

Cậu đứng trong vòng sáng nhàn nhạt ấy, ngón tay như bay, ánh mắt thành khẩn.

Dường như sắp hòa vào vòng sáng thành một thể, ngoài tiếng lửa cháy thì trong vòng không còn âm thanh nào khác.
Hoắc Chấn Diệp liếm môi, phá vỡ bầu không khí tĩnh mịch này: “Cậu có muốn uống sữa bò socola nóng không?”
Bạch Chuẩn vừa mới cầm lụa mỏng lên, bỗng dưng nghe thấy giọng của Hoắc Chấn Diệp, cậu giật mình hồi thần lại.

Mỗi lần vào thời điểm này tiền điện đều im lặng không một tiếng động, trừ ánh nến cũng chỉ còn mình cậu.
Cậu nghiêng mặt qua nhìn Hoắc Chấn Diệp: “Được.”
Hoắc Chấn Diệp kéo bếp lò tới hâm sữa bò, lại quăng vào đó thêm hai miếng socola.

Rất nhanh, mùi thơm ngọt ngào của socola tràn ra khỏi bình, hòa tan mùi đàn hương trong điện.
Hoắc Chấn Diệp rót một ly sữa bò socola cho Bạch Chuẩn, Bạch Chuẩn ôm nó trong lòng bàn tay, híp mắt hít sâu mội hơi, còn chưa uống mà cơ thể đã cảm thấy ấm lên rồi.
Lúc này Bạch Chuẩn mới nhận ra đầu ngón tay mình lành lạnh, chiếc chăn mềm phủ trên đầu gối cũng không cản được gió lùa.

Cậu nhấp một ngụm nhỏ, hơi ấm lan tỏa tới toàn cơ thể, thế mà lại còn hiệu quả hơn cả rượu.
Bạch Chuẩn híp mắt: “Cái này còn hiệu quả hơn cả canh gừng, sau này cứ uống nó thôi.” Thanh Minh và tiết Hàn Y, mỗi sớm xuân hay chiều thu đều gió lạnh thấu xương, phải uống canh gừng để làm ấm cơ thể.

Lần nào cậu cũng phải bịt mũi để uống.
Socola đúng là một thứ tốt.
Thấy cậu hài lòng, Hoắc Chấn Diệp cười khẽ một tiếng, cầm chiếc bút lông trên hương án lên: “Áo lụa phải dựa theo tượng thần để vẽ à?”
Bàn tay cầm cốc của Bạch Chuẩn khẽ siết, nhìn thấy Hoắc Chấn Diệp đã bước vào trong vòng sáng từ khi nào, vòng sáng ấy chưa từng tối đi mà ngược lại còn sáng hơn.
Bạch Chuẩn ngạc nhiên, đầu ngón tay hơi trắng bệch nắm chặt cốc sữa nóng.

Cậu khẽ thổi như thổi trà: “Anh từng vẽ tượng thần rồi hả?”
Hoắc Chấn Diệp thấy cậu không phản đối, phất tấm lụa mỏng ra, trải lên hai bên hành lang dài.

Đầu tiên phải quét qua một lần kali alum, đợi khi nào lụa khô cong rồi mới vẽ màu lên, vẽ xong hết còn phải quét thêm một lần nữa.
Tranh không phai màu, lụa không bị rách.
“Đã từng vẽ rồi.” Năm nào cũng vẽ, bởi vì Hoắc phu nhân, vợ anh cả và nữ quyến trong nhà đều bái Bồ Tát.

Hoắc phu nhân thích nhất là tranh Quan Âm của hắn vẽ.
Phủ áo lụa lên khung trúc, khi tô màu không thể mắc một chút sai lầm nhỏ nào.

Hoắc Chấn Diệp trèo lên giá trúc, một tay cầm bảng màu vẽ, một tay cầm các

loại bút lông từ to tới nhỏ, vẽ từng nét thành quần áo cho tượng thần bằng giấy trúc.
Bạch Chuẩn không ngờ hắn lại vẽ đẹp như vậy, cậu tự rót cho mình thêm một cốc socola nóng, lười biếng thổi vào miệng cốc, sau đó ngả đầu xuống gối lông ngỗng, thầm nghĩ chẳng trách sư phụ lại muốn thu đệ tử.
Ánh nến xung quanh lay động theo gió, tượng Thành Hoàng bằng gỗ ở trong điện rũ ánh mắt từ bi.
Hoắc Chấn Diệp vẽ hoàn chỉnh áo, vừa mới trèo xuống khỏi giá trúc thì cây nến dài mảnh trên hương án cũng cháy tới tận cùng, đốm lửa vụt tắt, vòng sáng cũng biến mất.
“Được rồi, về thôi.” Bạch Chuẩn lưu luyến uống hết ngụm socola nóng cuối cùng.
Trời đã đen kịt, những người ở khu thành cũ không nỡ dùng điện, cả khoảng không tối đen giơ bàn tay cũng không nhìn rõ năm ngón.
Trước xe lăn của Bạch Chuẩn có treo một chiếc đèn lồng vuông nhỏ.

Hoắc Chấn Diệp đẩy xe cho cậu, vòng sáng của đèn chậm rãi di chuyển về phía trước trong ngõ nhỏ đường đá hẹp dài này.

Gió thổi qua người hắn, nhưng hắn lại chẳng hề cảm thấy lạnh.
Hoắc Chấn Diệp lải nhải trên đỉnh đầu Bạch Chuẩn: “Ngày mai còn phải đi nữa, tôi chuyển cả ghế xích đu tới cho cậu có được không? Khi tôi vẽ áo thì cậu có thể dựa lưng ngủ một giấc.”
“Chỉ uống mỗi sữa bò nóng thôi thì đâu có được.

Hay là tôi gọi thêm một gánh rượu nếp, có lò sưởi nữa, cậu muốn ăn thì ăn.”
Bạch Chuẩn mơ màng buồn ngủ, Hoắc Chấn Diệp cúi đầu nhìn xuống thì cậu đã nhắm mắt mất rồi.
Hai người còn chưa đi tới cửa lớn, phía trước có một bóng người cao gầy đang đứng.

Người đó mặc trường bào nam, đội mũ mềm.

Nghe thấy tiếng xe lăn, người đó quay đầu, nhìn hai người họ trong bóng tối.
Bạch Chuẩn khẽ hé mở mắt, nhìn chằm chằm người tới.
“Sư đệ.” Người đó bước tới gần mấy bước, bỏ mũ xuống, cười với Bạch Chuẩn.

Dưới chiếc mũ kia, anh ta còn rất trẻ, da trắng như tuyết, cả người hệt như một tấm giấy bị mất đi màu sắc.
Ngay cả tròng mắt của anh ta cũng nhạt hơn người bình thường mấy phần: “Lâu rồi không gặp.”
Đồng tử Bạch Chuẩn co lại, người kia cười dịu dàng với cậu, nhìn cậu bằng ánh mắt khoan dung, dường như đã chuẩn bị để nhận tất cả lời chỉ trích.
Lòng Hoắc Chấn Diệp khó chịu như trời âm u mưa gió, sắp trào cả ra ngoài tới nơi.

“Vào đây đi.” Bạch Chuẩn mở cửa, đi vào trong trước.
Quá nửa đêm, Hoắc thiếu gia ngồi xổm ở ngoài sân đốt bếp lò chuẩn bị nước cho hai người trong phòng dùng pha trà.
Sắc mặt hắn cực tệ, vừa dùng quạt quạt bếp như điên, vừa nghe lén hai người trong phòng nói chuyện.

Nửa đêm nửa hôm rồi còn nói chuyện cũ cái gì!
“Kỹ nghệ của sư đệ thật đúng là tinh xảo.” Bạch Lê nhìn người giấy khắp phòng, giọng điệu tràn đầy sự tán thưởng.
“Nếu như anh đã về rồi thì cũng nên dâng cho sư phụ nén nhang.”
Bạch Lê lắc đầu: “Sư phụ sẽ không muốn gặp anh đâu, cho nên anh tới rồi cũng không muốn làm phiền tới em.”
“Anh đã phạm phải quy định của môn.” Bạch Chuẩn cau mày nhìn anh ta, “Anh không nên làm người giấy cho vợ chồng Tống Phúc Sinh.”
Bạch Lê vẫn cứ trưng ra cái bộ dạng ôn hòa kia, anh ta cụp mi: “Anh đã nói với bọn họ là đừng vẽ mắt, cũng nói cho bọn họ cách giải quyết rồi.”
Quả thực Tống Phúc Sinh đã nói như vậy.
Bạch Chuẩn cau mày, người giấy kia đã giết bốn người, ba kẻ là đúng người đúng tội, còn một người là bị phản phệ, nhưng rốt cuộc thì vẫn là do Bạch Lê bắt đầu mọi chuyện.
Bạch Lê tiếp tục nói: “Là lỗi của anh, nhưng đôi vợ chồng kia khóc rất thảm, anh không đành lòng.”
Bạch Chuẩn nhìn chằm chằm anh ta, hồi lâu mới nói: “Tống Anh tự nguyện hiến tế, mặc dù đã thành oán linh nhưng cũng cần phải siêu độ đàng hoàng.”
“Anh đã siêu độ rồi, nhân quả anh cũng xin chịu.” Bạch Lê nói xong lại bật cười, “Anh tới đây là muốn xem em sống thế nào, có thể chưởng quản Thất Môn hay không.

Nhìn em sống rất tốt, ngày mai anh sẽ rời khỏi thành.”
“Anh định đi đâu?”
“Đi về quê, anh thích quê, làm ma chay cũng náo nhiệt hơn.”
Đúng lúc này, Hoắc Chấn Diệp bưng khay trà bước vào, đưa cho Bạch Lê một chén trà nhỏ, đưa cho Bạch Chuẩn một cốc sữa bò nóng, bên trong còn pha thêm chút mật ong: “Muộn rồi, cậu uống trà sẽ mất ngủ.”
Khẩu khí của Hoắc thiếu gia đương nhiên rất là cứng rắn.
Bạch Lê thoáng ngạc nhiên, anh ta nhìn Bạch Chuẩn lại nhìn Hoắc Chấn Diệp.

Bạch Chuẩn vốn dĩ không thấy có gì, nhưng bị Bạch Lê nhìn như vậy, đầu tai cậu hơi ửng lên.

Bạch Lê thấy vậy thì cười khẽ.
Bạch Chuẩn cầm cốc, vội đuổi Hoắc Chấn Diệp đi: “Đừng có làm phiền tôi nói chuyện với sư huynh.”
Chờ khi Hoắc Chấn Diệp cắn răng ra khỏi cửa, Bạch Chuẩn mới hỏi: “Vậy lớp da của Tống Anh thì sao?”
“Đốt đi rồi.” Bạch Lê nói, “Đốt trước oán linh của bà ta để siêu độ.” Anh ta cúi đầu nhấp một ngụm trà, ồ, đắng thật.
“Tại sao năm đó anh lại cãi nhau với sư phụ?”
“Anh gặp được một người mà anh thích, muốn thành thân với cô ấy.

Khi quay lại bẩm báo sư phụ thì ông ấy nói Thất Môn mang mệnh cô độc, đừng hại con gái nhà người ta.” Bạch Lê càng nói càng nhỏ, “Vậy nên khi người mẹ kia cầu xin anh, anh không đành lòng.”
“Sau này còn làm chuyện như vậy nữa, cho dù là anh thì em cũng sẽ không nể tình đâu.” Bạch Chuẩn uống một hơi hết sạch sữa bò.
“Đồng ý.” Bạch Lê liếc mắt nhìn Hoắc Chấn Diệp hùng hổ đi tới đi lui trong phòng, “A Chuẩn này, anh không thể bảo vệ người của anh, em phải bảo vệ được người của em đấy.”
Bạch Chuẩn mím môi, không nói gì.
Cho tới khi rửa mặt đi ngủ, Hoắc Chấn Diệp vẫn còn trưng cái bộ mắt khó ở đấy.
Bạch Chuẩn nằm xuống giường, cầm cây trúc chỉ chỉ giường gỗ: “Sao nào? Anh còn muốn ngủ ở đây nữa hả?”
Hoắc Chấn Diệp lăn vào trong chăn, trả lời cậu: “Sao nào? Cậu ngủ với sư huynh cậu được thì tôi không thể ngủ với sư phụ tôi được à?”
Bạch Chuẩn trở mình không thèm để ý tới hắn, thổi tắt đèn được một lúc lâu rồi, Hoắc Chấn Diệp mới hỏi: “Nếu như cậu thực sự lo lắng thì hay là đi theo xem anh ta đi đâu?”
Bạch Chuẩn không trả lời, nhưng sáng sớm hôm sau Hoắc Chấn Diệp vẫn gọi cho Đầu Bự.

Bạch Lê sống ở ngõ phía sau đường Tam Quan Đường, nên hắn đã bảo Đầu Bự đi xem người đã chuyển đi hay chưa.
Đầu Bự gọi điện thoại lại báo cáo: “Hoắc thiếu gia, có một người đàn ông chuyển đi, anh ta còn mang theo một cỗ quan tài.”
________________
Tác giả có lời muốn nói:
Hoắc-Nghe trộm mà không nghe được-Thất thiếu gia.HẾT CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI SÁU.



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện