Thường nói lâu ngày mới có dịp hội ngộ ngắn ngủi nên làm bữa cơm chén rượu, còn hàn huyên lâu dài lại cần dùng trà.
Mà quán trà ở đầu làng vừa hay là chốn tốt để nói chuyện hàn huyên.
Quán không lớn lắm, nhìn bên ngoài cũng chẳng giống nơi sang quý, cơ mà lại đông khách vô cùng, vào rồi mới rõ quán đông âu cũng có nguyên do của nó.
Cách bày trí trong quán đơn giản mà trang nhã, lại có gian phòng riêng cho khách muốn yên tĩnh.
Trong mỗi gian treo tranh, treo chữ của học trò hoặc danh sư nào đấy vừa để trang trí vừa để khách có thêm chuyện bàn luận bên tách trà.
Mà cách sắp xếp này của chủ quán trùng hợp lại đúng với ý khách đến thưởng trà.
Vừa vào gian phòng Trúc đã bị bức uyên ương treo gần cửa sổ thu hút, dường như Tùng cũng có hứng thú với bức tranh ấy đoạn y cũng bước đến bên cạnh nàng cùng bàn luận về tranh.
Còn Hạc hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện, thậm chí ngồi chưa ấm chỗ cậu đã định dời đi mà lý do thì lại quá đỗi kì lạ.
"Ơ cậu cả muốn ăn bánh đúc thì để con đi mua, con chạy ù cái là có thôi." - Con bé theo hầu Trúc nhanh nhảu lên tiếng khi Hạc nói muốn quay lại hàng bánh đúc cuối làng, thậm chí chân con bé còn đương lao vút đi rồi.
Ấy thế mà Hạc lại lắc đầu, cậu vừa ngăn con bé vừa đáp.
"Không cần đâu, ta muốn ăn luôn ở đó."
Nói rồi Hạc ra hiệu tỏ ý dời đi trước, thấy vậy cả Tùng lẫn Trúc chẳng hề khuyên can cậu ở lại, cả hai chỉ khẽ gật đầu đáp lại.
Chờ Hạc với Thiên đi khuất bóng con bé theo hầu Trúc mới nhỏ giọng hỏi nàng, nghe cái giọng tò mò ấy hẳn con bé đã thắc mắc lắm rồi.
"Bẩm cô hai sao cậu cả lại muốn tự đến đó thế ạ? Ăn ở đấy với ăn ở đây thì có khác gì nhau đâu?"
Trúc cốc nhẹ lên đầu con bé, nàng đáp một câu chẳng đầu chẳng cuối.
"Lần sau không được mau mồm như vậy nữa nghe chưa?" – Nói rồi Trúc mới trả lời câu hỏi của con bé.
- "Em xem có ai chỉ vì ăn bát bánh đúc mà mất công đi đi lại lại như thế không?"
Lúc này con bé mới vỡ lẽ, nó thốt ra một tiếng à thật dài.
Phải rồi! Hạc dời đi đâu phải chỉ vì ăn bát bánh đúc, có chăng là do cậu đang cố tình kiếm cớ dời đi đấy! Mà cậu cố tình dời đi vì điều chi thì có lẽ ai cũng rõ mười mươi rồi không cần nói ra nữa.
Thế nhưng ở một nơi khác có người lại chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.
Thiên nhớ rất rõ Hạc vốn đâu thích ăn bánh đúc, nay cậu lại nhất quyết nói muốn ăn mà còn khăng khăng phải ăn ngay tại quán ấy mới lạ.
Lại nói đấy chỉ là cái quán nhỏ ven đường không danh không tiếng cũng chẳng phải sơn hào hải vị gì cho can, hoàn toàn không phù hợp với người sang quý như Hạc.
Có lẽ cũng bởi cái không hợp ấy mà từ khi Hạc tới người ngồi ăn ở quán chẳng hẹn mà cùng lén lút nhìn cậu, đến cả bà lão bán bánh cũng dè dặt hơn hẳn.
"Nhìn ta làm gì mau ăn đi, hay anh không thích ăn bánh đúc nữa?"
Dứt lời Hạc nếm thử một miếng bánh đúc, từ lúc miếng bánh trắng dẻo được cho vào miệng đến khi nó nằm trong bụng gương mặt thờ ơ vẫn vậy chẳng hề có tí vui sướng hay hài lòng nào khi ăn món bản thân yêu thích.
"Chỉ là tôi đang nghĩ nơi này không hợp với cậu." - Thiên đáp, nói rồi chàng cũng nếm thử một miếng bánh đúc.
Trái với sự hờ hững của Hạc chàng lại không giấu được thích thú khi ăn bánh đúc.
Hạc nhướn mày, cậu dời mắt khỏi bát bánh đúc, nhìn Thiên hỏi.
"Không hợp? Sao lại không hợp?"
"Bánh đúc là thức ăn nên ai ăn nó cũng là chuyện bình thường.
Nhưng trần đời có những cái lý rất lạ, như người giàu ăn bánh đúc ở nơi dành cho kẻ nghèo sẽ bị xem là kì quái, còn kẻ nghèo ăn bánh đúc ở nơi dành cho người giàu lại là không biết thân biết phận." - Thiên nhìn bát bánh đúc mặn gần như còn nguyên của Hạc nói tiếp.
- "Hơn nữa ép mình phải ăn món mình không thích thì đâu thể nói là hợp?"
Không chờ Hạc đáp lại Thiên đã gọi với sang bà lão bán bánh rằng cho cậu một đĩa bánh cuốn rồi bưng bát bánh đúc của cậu sang chỗ chàng.
Thấy vậy Hạc liền can.
"Còn đói thì anh gọi thêm bát nữa chứ bát này ta ăn dở rồi."
Thiên chẳng kiêng dè gì việc bát bánh đúc đã bị ăn dở, chàng lấy chiếc thìa ở bát của bản thân múc một miếng bánh đúc thoải mái nếm thử.
"Bỏ dở thức ăn là mang tội đấy, để tôi ăn nốt giúp cậu."
Hạc hãy còn muốn nói gì đó nhưng bà lão đã bưng đĩa bánh cuốn đặt lên bàn thấy vậy Thiên vội nói.
"Sáng cậu chưa ăn gì cố ăn một chút lót dạ đi, món này không bị ngấy như bánh đúc mặn đâu." - Nghĩ rồi Thiên nói thêm.
- "Lần sau nếu cậu không thích ăn cái gì thì đưa cho tôi, không cần ép mình ăn món mình không thích."
Quả thật Hạc chưa từng thích ăn bánh đúc, mà bánh đúc mặn thì lại càng không.
Chỉ là lúc ở quán trà vội rời đi mà không kịp nghĩ ra lý do nào nên đành nói đại là thích ăn bánh đúc.
Hạc tưởng cái lý do cỏn con này không ai để ý nhưng xem ra Thiên chẳng hề làm ngơ! Chàng biết cậu thích ăn gì, không thích ăn gì, mà chàng cũng hoàn toàn biết cậu có đang kiếm cớ nói dối hay không.
Bữa sáng muộn của cả hai rất nhanh đã kết thúc.
Thiên đoán phần nhiều Hạc sẽ không vội quay về quán trà.
Quả nhiên khi dời khỏi quán bánh cậu bảo chàng đi dạo cùng cậu cho đỡ tức bụng.
Thiên nhìn chiếc đĩa đựng bánh cuốn bé xíu thầm nghĩ Hạc ăn ít như vậy có khi còn chẳng no chứ nói gì đến tức bụng.
Nhưng cậu chưa quay lại quán trà ắt có cái lý của cậu, mà ai bảo cậu là chủ nhân của chàng, cậu nói sao chàng làm vậy là chuyện thường.
"Ta nhớ nhà anh ở gần đây phải không?" - Hạc hỏi khi hai người vừa dời khỏi quán bánh đúc được một đoạn.
"Đúng vậy, nhà tôi nằm ở cuối làng này." - Thiên chỉ về con đê phía xa.
- "Hồi còn nhỏ tôi với bọn trẻ gần nhà thường ra đó thả diều.
Có lần còn thả cả mấy con sáo diều lận khiến người lớn ra mắng tối cả mặt."
Nhắc đến chuyện ngày còn cởi chuồng tắm mưa sắc mặt Thiên bất giác dịu xuống, ánh mắt cũng có chút hoài niệm.
Còn Hạc lại chỉ tò mò, cậu không sao hiểu được cái hoài niệm trong mắt chàng, kí ức của cậu độc luyện chữ với đọc sách mà những thứ ấy vẫn theo cậu đến tận bây giờ thì nào có chuyện nhớ nhung hay hoài niệm.
"Cớ gì thả sáo diều người ta lại mắng các anh?"
Câu hỏi của Hạc khiến Thiên ngạc nhiên ra mặt, chàng hỏi.
"Cậu chưa từng chơi sáo diều?"
Hạc lắc đầu, cậu bước chậm lại chờ Thiên đi lên ngang tầm Hạc mới trả lời.
"Cha ta lẫn bà cả, mẹ ta với bà ba đều cấm ta làm những trò vô bổ, bởi vậy hồi nhỏ ta chỉ được phép đọc sách và luyện chữ."
Ở đời đứa trẻ nào cũng có cái khổ cái sướng riêng.
Hạc sinh ra trong nhung lụa sang quý nhưng bị trói buộc bởi lễ nghi sách vở, còn Thiên được tự do nghịch ngợm nhưng miếng ăn lại chẳng đủ.
Vậy mới nói ở đời chẳng rõ ai sướng ai khổ hơn ai, có chăng chỉ người trong cuộc mới hiểu thấu cảnh ngộ của bản thân ngọt đắng ra sao.
Thiên trộm nhìn Hạc, dẫu biết sinh ra trong ngưỡng cửa quyền quý ấy không được nghịch ngợm là