Làn tóc đen nấp dưới tấm voan đỏ viền đăng ten suôn những chiếc lục lạc bạc tròn không ngừng khơi dậy vấn vương trong lòng Quốc sư. Trang phục của Điệp Cách khá tương đồng với người Tư, cũng gồm ít nhất ba lớp: áσ ɭóŧ, áo trong đan chéo, áo ngoài rộng ống nhưng dáng áo đứng hơn, tay áo tròn hơn và chất vải cũng cứng hơn. Họa tiết thêu trên áo có thể là hoa lá, cành cây hoặc con vật mà ai cũng nhìn ra, cũng có thể chỉ là những hoa văn tùy hứng vô nghĩa. Chỉ thêu luôn gồm nhiều màu sặc sỡ đan xen với nhau, sự tương phản của các màu sắc sinh ra tính hòa hợp lạ kỳ, lấn át cảm nhận khập khiễng, khiến người kinh diễm.
Nữ thường đội voan che mặt, nam để đầu trần hoặc làm bảnh bằng mũ đính đá quý. Hai phái đều chuộng đeo trang sức đá quý để khoe ra sự giàu có và quyền lực của mình. Nội chỉ xem trang phục, đã thấy Điệp Cách giàu sụ: ăn mày tại Địa thành có thể thiếu nhà, thiếu áo, thiếu ăn nhưng lại chẳng thể thiếu đá quý để tự làm đỏm. Địa thành và tộc Điệp Cách từng nhờ nguồn đá quý này mà thống trị Tây Vực một thời gian đủ dài để người trong tộc tới hiện tại không thể nhận ra cốt lõi đang dần mục ruỗng như một nàng giai lệ sau tuổi tứ tuần cố gắng che giấu các thớ thịt sạm màu chảy xệ trên cơ thể gầy gò của mình bằng thật lắm gấm vóc đắt đỏ và trang sức lộng lẫy. Và 'nàng' chìm sâu trong ảo tưởng mê muội đến mức vẫn tưởng là 'các đấng thân hào' trước đây luôn xun xoe dưới váy 'nàng' cầu xin một nụ cười vẫn đang 'hâm mộ' của cải của mình.
Ai là người thống trị một đất nước, đứng trước một rương kho báu nội tầm tay, lại chẳng chút động lòng? Nếu không nhờ vị trí địa lý nằm giữa ba nước lớn: Tư, Minh và Yên Hoa luôn kìm hãm lẫn nhau thì Địa vương thành ắt hẳn đã bị một trong ba thôn tính từ lâu.
Cơ mà Tư quốc, nhờ Mạc Tử Liên nhúng tay vào việc của Hậu gây ra vấn đề 'xâm phạm địa giới' nên đã hưởng rất - là chẳng ít của cải của vương thành. Người Điệp Cách ngay hiện tại hận nhất tàn dư của vương hậu, hận nhì hoàng đế Tư quốc. Dòng họ tư tế Nạp Lan đóng kín cổng, lấy cớ tự kiểm điểm để giảm tần suất rời khỏi nhà đến mức thấp nhất.
Trên lý thuyết thì Hoàng chẳng làm sai gì cả nhưng vì quá yếu đuối và vô dụng, tồn tại y như trong suốt, nên đám hoàng tộc vương tử nữ cũng tiết dục, khiêm tốn lại không ít, dốc hết sức ra dáng yêu nước thương dân. Nhờ vậy mà vương thành tránh lâm vào khủng hoảng.
Rắc. Gã vương tử đang lầm bà lầm bầm chửi rủa thần dân của mình trong khi miễn cưỡng vâng lệnh phụ vương vác xẻng đi cổ vũ trồng trọt bỗng nghe tiếng gì đó vỡ, vừa ngẩng lên liền trúng thẳng vào mặt một bãi nhớt.
"Con mẹ nó! Đứa nào dám phạm thượng!" Gã chùi mặt, nhận ra đó là trứng sống bị hỏng, vừa hôi vừa chua, hách dịch quát ầm lên. Gã thấy một 'nữ tử' che voan dựa vào lan can giễu cợt nhìn mình nhưng chẳng dám kiêu căng như bình thường bởi vì Quốc sư đang ở đằng sau 'đứa tớ gái' lớn gan ấy. Gã chỉ có thể ngậm mồm, nuốt giận bỏ đi thật nhanh.
Mạc Tử Liên nhàn nhã vứt hai nửa vỏ trứng rồi thò vào giỏ lấy ra một quả khác, ngâm nga khúc đồng dao truyền thống chờ đợi nạn nhân tiếp theo.
Đinh đang, đinh đang... Chuông bạc cất cao chất giọng trong trẻo.
Mạc Tử Liên hầu như chẳng tha cho người nào, hoàng tộc tới quan viên, binh lính, dân đen với tướng đi phách lối... ai cũng 'được' y tặng trứng trúng vào đầu tóc mặt mũi, vừa đùa giỡn người ta vừa cười sảng khoái. Quốc sư xoa trán tạm nghỉ công vụ, lệnh kẻ hầu đổi trà và mang cho người đang vui đến quên trời đất kia thêm trứng. Biết là thể nào ngày mai cũng sẽ có rất nhiều người lải nhải cáo trạng với mình nhưng Quốc sư chẳng để tâm, chính hắn cũng muốn hất cả rổ trứng vào đám người kia.
Kẻ hầu khúm núm vâng dạ, mười phần cung kính thêm trứng vào giỏ cho vị khách quý đang vui đùa như thể bản thân là tổ tông của triều đình này. Quốc sư quen uống trà đặc và nóng, mùi hương nồng đượm, vào miệng đắng chát giúp tâm trí tỉnh táo, minh mẫn lâu với khối lượng công việc lớn. Hắn dựa lưng vào ghế, nâng mắt ngắm nhìn người ấy, vị trà khỏa lấp xoang mũi, khoang miệng.
Uống trà mà hắn lại cảm thấy ngà say, có lẽ là vì sắc đỏ rực rỡ trước mắt.
"Chơi xong rồi à?" Thấy y đứng yên ôm lan can một lúc, Quốc sư thản nhiên hỏi, ra dấu cho người đem bình nước tới: "Chơi xong thì rửa tay rồi ăn điểm tâm."
Mạc Tử Liên rửa sạch tay rồi cởi voan quấn quanh cổ, kéo ghế ngồi xuống, nhón lấy một miếng bánh mặn, hỏi: "Đại hôn của Ô Khê thế nào rồi?"
Quốc sư đáp: "Thương Vũ vương tính tình trăng hoa, hậu viện nuôi vô số mỹ nhân nhưng ta đã cho người thăm dò kỹ lưỡng, gã không thích nam, cũng chưa từng chạm vào các thiếu niên mềm mại được dâng tiến. Điện hạ gây ấn tượng đầu tiên thật xấu với gã, gã khó mà muốn chạm vào điện hạ. Điện hạ trước giờ điềm đạm, sẽ không dễ mất khống chế cảm xúc."
Mạc Tử Liên thầm chê Ô Khê im ỉm lầm lì, nói xấu nó một câu, nó không biểu hiện buồn giận gì hết thì chưa biết chừng lòng nó đang tính kế trả thù. Y gảy gảy lá trà nổi trong chén, chống cằm dõi mắt quan sát y bào và mũ đính của Quốc sư, ăn mặc thế này đi sang Tư quốc thì họ hẳn sẽ khen là 'thở cũng ra mùi tiền'. Nhưng mỉa mai thay sự giàu có của Địa thành chỉ là thổ cẩm nhai dai nhách và hàng vạn viên đá quý cắn vỡ răng. Địa thành đang mất mùa trong khi nguồn nước và đất dần dần bị nhiễm độc.
Tại sa mạc, không gì quý giá hơn nguồn nước. Quốc sư đã ra một quyết định khó khăn khi hạ thể diện của chính tộc người mình xuống để ký kết một cuộc liên hôn giữa vương thành và Tây Minh của Thương Vũ vương, đây là một hiệp định rất nhạy cảm vì như thế tức là Quốc sư đại diện cho toàn thể Địa thành thừa nhận ủng hộ Thương Vũ vương thống nhất hai nửa đông - tây Minh quốc hiện bị chia đôi, Thánh tử Ô Khê chính là 'tân nương' được gả sang Tây Minh để đổi lấy nguồn cấp nước và lương thực cho tộc Điệp Cách.
Thương Vũ vương cưới Thánh tử tộc Điệp Cách làm vương phi cũng chỉ để mượn lực lượng Điệp Cách trấn áp Tây Vực, một cuộc liên hôn chính trị diễn ra chóng vánh không hơn không kém. Nhờ mối liên hôn này, Ô Khê trở thành hoàng thân được lòng tộc nhân nhất hiện nay.
Đó là bề nổi nguyên do của quyết định Quốc sư ra, còn lý do sâu xa chỉ đơn giản là để bảo vệ Thánh tử bình an. Địa thành trên bờ vực nửa khủng hoảng này như một kíp nổ chậm... cực kỳ nguy hiểm, Quốc sư đã hi sinh, đã mất mát quá nhiều, bất chấp tất cả, tuyệt đối không thể đánh mất Thánh tử.
Đinh đang, đinh đang, đinh... Tiếng chuông trong như sương sớm nhỏ giọt lần nữa xuôi vào tai Quốc sư tựa suối nguồn của sự hoan lạc xoa dịu bộ óc đau điếng và tâm linh biến động. Y liếc qua hắn, một cái liếc bâng quơ chưa từng lạc mất sự tinh nghịch lúc thiếu thời. Ánh mắt Quốc sư chầm chậm lộ ra hoài niệm.
Nói theo lối ví von, hài tử ấy giống như được làm từ nước vậy, theo mọi nghĩa: mềm mại khả ái, dương quang xán lạn, uống một ngụm vào, hay chính là gặp gỡ y, thì tinh thần lẫn thể xác đều khoai khoái, buồn bực khó chịu đều được pha loãng. Hồi xưa, do y luôn đem nước cho hắn sau mỗi buổi tập luyện, hắn thường ghẹo y là Bình Nước Nhỏ.
Vì y là nước nên rốt cuộc hắn càng cố nắm chặt, y càng nhanh chóng chảy ra khỏi kẽ tay. Nước, không thể gắt gao nắm giữ, chỉ có thể cẩn thận nâng niu. Khi Quốc sư hiểu được điều này thì lòng bàn tay đã sớm khô nứt nẻ.
Mạc Tử Liên vừa ăn điểm tâm, bánh mặn, bánh ngọt gì y cũng xơi tất, vừa trao đổi về tình hình Tây Vực với Quốc sư. Quốc sư chỉ ăn đúng một lát bánh bơ rồi chú tâm uống trà, thay trà đã ba lần, giữ ngữ khí không mặn không nhạt hàn huyên với y.
"Ngươi đó, vẫn ăn nhiều như ngày nào..."
Sau khi Quốc sư buột miệng nói như vậy, bầu không khí giữa hai người tựa một viên đá bị thả vào hồ sâu, trầm mặc, chênh vênh, vô đích điểm.
Người ngoài nhìn vào ắt hẳn đều sẽ thấy họ trò chuyện rất hài hòa, thoải mái, không khéo còn tưởng là bạn bè lâu năm. Chỉ bản thân hai người mới hiểu ai ăn nhiều là nhờ hương vị thơm ngọt của thức ăn đè nén sự bức bối, ai uống nhiều cũng là lấy nước trà đắng chát đẩy lùi bóng tối trong lòng.
"Ngươi luôn biết cách tận dụng thời cơ." Cuộc trò chuyện bắt đầu thiếu tự nhiên, Mạc Tử Liên vuốt ve chiếc khuyên tai cũ kỹ đang đeo, nói: "Xin ngươi hiểu cho rõ, là ta không làm những chuyện này vì một ai, tất cả đều chỉ là cảm hứng nhất thời của ta. Thời thế trở nên có lợi với ngươi vì ngươi biết tận dụng thế thời, vạn lần đừng tự mình đa tình, ta kham không nổi."
Sở dĩ y nói thế này là vì sau sự việc của Hậu, phe của Quốc sư bị ảnh hưởng ít nhất về mặt danh tiếng cũng như uy tín, thậm chí