Vừa lúc ấy có tiếng tằng hắng ngoài cửa, bà nhìn ra, và thấy một người đàn ông đang hơi khom người chùi giầy lên thảm.
Khi ông ta ngước lên và nhìn về phía bà với đôi mắt tò mò lẫn ngạc nhiên, bà đã thoắt rùng mình:
- Anh Trị !
Ông Trí ngớ người ra, rồi hấp tấp lắc đầu:
- Bà lầm rồi. Tôi tên Trí.
Quay sang Hưng, ông hỏi:
- Ai vậy con?
- Dạ… cô Thanh, mợ của Duy.
Bà Thanh lắp bắp đứng dậy:
- Em không lầm. Anh là Trị, là chồng…
- Xin lỗi! Tôi không hiểu bà muốn gì, bà Thanh ạ!
Nghe ông Trí nhấn mạnh tên mình, bà Thanh sựng lại. Giọng bà nghẹn ngào:
- Thì ra anh cố tình không tìm đến em dù em đã nhắn tin, tìm người hàng tháng trời trên truyền hình và báo chí. Anh biết rất rõ em muốn gì mà! Với anh, em có lỗi nhưng em vẫn là mẹ của thằng Hùng và Bích Uyên. Em muốn được nghe nó gọi mẹ, em muốn được lo tương lai cho chúng.
Hưng ngơ ngác nhìn hai người, vừa lúc đó Lam Uyên bước vào với bà Mười.
Thấy bà Thanh đứng trước mặt ba mình với gương mặt tái xanh đầy căng thẳng, Uyên lao tới chen vào giữa hai người. Lưỡi cô líu lại vì giận:
- Tôi và Duy đã không còn gì nữa, nếu bà đến đây theo yêu cầu của bác Trầm nhục mạ cha tôi, tôi sẽ không tha thứ cho bà đâu. Xin mời bà ra khỏi nhà tôi ngay cho.
Bà Thanh lắc đầu, cố lắm bà mới nói:
- Kh…ô…ng… ph….a?…i….
Bà Mười chợt bước vội tới la lên:
- Bích Quỳnh ! Trời ơi ! Đúng là cô rồi !
Quay về phía Lam Uyên vẫn còn… đằng đằng sát khí, bà hối hả bảo:
- Mẹ của tụi bay đây nè, Lam Uyên, sao con nói cái gì hỗn ẩu thế ? Không chạy tới mẹ con đi ! Thằng Hưng nữa.
Mặc cho bà Mười giục giã, hai anh em Lam Uyên đứng sững sờ.
Ông Trí buông lời lạnh lùng, độc ác:
- Trong thâm tâm chúng nó, bà chết mười mấy năm rồi. Nêu bà chết thật vẫn hay hơn là làm hồn ma dĩ vãng đội mồ sống lại. Với tôi, quá khứ đó vẫn là món nợ cần phải trả. Mười mấy năm trước bà đã nhẫn tâm bán rẻ sinh mạng chồng con, để theo nhân tình ra nước ngoài. Thằng Hùng, con Bích Uyên và cả gã khờ tên Trị đã chết ngoài biển vì bàn tay của bà rồi. Bây giờ bà đi đi, cha con tôi không cần tới bà đâu. Và bà vẫn còn thiếu chúng tôi một món nợ.... Hãy nhớ như vậy.
Bà Mười nghiêm giọng:
- Cậu Trị, bữa nay chị gọi tên thật của cậu với mong muốn cậu cởi bỏ những chuyện xưa đi. Mẹ tụi nhỏ đã về, sao cậu lại nỡ nói những lời đoạn tình như vậy. Bích Quỳnh vẫn chưa lên tiếng tự bào chữa, chắc gì lời buộc tội của cậu là đúng kia chớ.
Ông Trí cười khổ:
- Với tôi, cô ta bây giờ là bà Thanh, vợ người khác, bao nhiêu đó đủ dứt tình xưa nghĩa cũ rồi, nói chi chuyện khác. Bây giờ tôi là kẻ trắng tay, tụi nhỏ nay đã lớn, tùy ý chúng lựa chọn giữa mẹ và cha. Tôi không trách cứ đứa nào đâu.
Dứt lời ông loạng choạng bước về phòng mình. Căn phòng hoàn toàn chìm trong im lặng.
Bà Mười bứt rứt xốn xang:
- Bích Quỳnh ! Cô phải nói gì về mình đi chứ ? Mười mấy năm nay cô sống ra sao?
- Em sống khổ, sống rất khổ chị Mười ơi !
Bà Thanh ôm chầm lấy bà Mười rồi òa lên nức nở.
Lam Uyên thụt lùi sát tường và la to:
- Bà nói dối!
La xong, cô vụt chạy ra ngoài mặc bà Thanh gào lên:
- Lam Uyên ! Lam Uyên !
Hưng vội cản khi thấy bà định chạy theo.
- Tính nó là như vậy… mẹ đừng lo.
Nghe Hưng gọi mình là mẹ, bà Thanh ngồi phịch xuống ghế, môi nở nụ cười dù trên mặt bà, nước mắt vẫn còn ràn rụa.
Giọng Hưng thôi thúc:
- Con muốn biết sự thật. Con muốn biết tại sao chúng ta phải xa nhau mười mấy năm ròng rã. Con muốn biết tại sao ba lại buộc tội mẹ như vậy? Mẹ hãy nói đi.
Bà Thanh thẫn thờ lắc đầu. Bà Mười xen vào:
- Ba thằng Hưng nghĩ cô chê nó nghèo, nên bày mưu hại cha con nó, để vượt biên với người khác.
- Tại sao anh nghĩ vậy? Anh muốn nói người khác nào? Nhân tình nào chớ?
- Chậc! Thì thằng Tư Lân chớ ai. Lần đó nó đi chung tàu với cô mà.
Bà Thanh đưa tay quẹt mồ hôi vừa rịn ra trên trán, đôi chân mầy nhíu lại như cố nhớ chuyện mười mấy năm trước. Hưng đưa ẹ tách trà anh mới rót, và lặng im nghe bà kể:
- Tôi còn nhớ rõ, đêm đó người ta bảo đúng mười giờ sẽ tập trung ra bãi, mười hai giờ xuất phát. Tôi sẽ đi với anh Trị và hai đứa nhỏ ở tàu do anh Trị chịu trách nhiệm. Gia đình tôi đã chuẩn bị đâu đó, nhưng khoảng tám giờ có người đến gọi tôi qua bên nhà cha mẹ có chuyện cần gấp. Anh Trị không muốn tôi đi, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi đã cãi lời anh, khăng khăng theo người ta. Qua bên ấy, tôi được ông ngoại thằng Hùng đưa thêm môt trăm lượng vàng để phòng thân. Trên đường về nhà, tôi bị anh em Tư Lân chận lại với lý do giờ xuất phát đã thay đổi vì bị lộ. Tôi phải đi chung tàu với ba mẹ và anh em hắn, chớ không đi chung với anh Trị và hai đứa nhỏ nữa.
Bà Thanh mím môi căm hận:
- Mặc cho tôi phản đối, Tư Lân uy hiếp buộc tôi xuống tàu trước, rồi nhốt dưới hầm. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, mãi tới khi hắn cho lên khoang tàu, tôi mới hiểu anh em Tư Lân đã trấn lột cướp hết vàng bạc của những người đi cùng rồi thảy họ xuống biển. Tư Lân đem tôi lên để chứng kiến cảnh hắn thảy người sau cùng là ba mẹ tôi. Hắn muốn rửa cái nhục trước đây tôi đã từ hôn để theo anh Trị. Lúc đó tôi ngất đi, khi tỉnh dậy thì thấy những người còn lại trên tàu toàn là dòng họ, bà con của Tư Lân. Ai cũng tỏ vẻ sợ hắn, kẻ giết người không gớm tay, kẻ không còn chút nhân tính nào hết. Tư Lân cho biết, những người đi trên tàu có anh Trị cũng sẽ bị giết sạch, sau khi đồng bọn hắn cướp hết tài sản.
Giọng bà Thanh nghẹn lại:
- Khi ấy tôi muốn nhảy xuống biển cho xong, nhưng nhớ tới đứa nhỏ còn trong bụng, tôi không đành lòng. Tàu đi được một ngày thì gặp bão, bão đánh tan tành mọi thứ, tôi vớ được miếng ván, rồi cứ bám vào nó mà trôi đến khi được một tàu nước ngoài cứu. Họ đưa tôi vào một trại tị nạn ở Thái. Đời sống ở đấy thật khủng khiếp. Tôi ốm liệt giường liệt chiếu và không bao giờ nghĩ mình sẽ ngồi dậy nổi. May nhờ anh Thanh, cậu ruột của Duy bảo bọc, tôi đã theo anh qua nước thứ ba. Tôi cần một người cha cho con mình. Nhưng con bé sanh ra chỉ sống được vài ngày.
Bà Mười nóng nảy:
- Còn thằng Tư Lân thì sao ?
Nhè nhẹ lắc đầu, bà Thanh nói:
- Không biết ! Chắc nó chết rồi !
Hưng nhìn mẹ mình, trong chốc lát anh có cảm giác bà già đi hàng chục tuổi. Hưng xót xa nhận ra đàng sau những nét đẹp nhờ son phấn của mẹ, là gương mặt của người từng chịu đựng nhiều đau khổ, tủi nhục.
Bất chợt hồi ức mỏng manh về mẹ sống lại trong tâm hồn Hưng. Anh mơ hồ thấy mình chạy tung tăng với mẹ trên những triền cát trắng, thuở ấy anh sáu bảy tuổi, mười mấy năm qua rồi, trí nhớ của Hưng chỉ còn ghi lại được ngần ấy kỷ niệm về mẹ. Anh đúng là đứa con vô tâm.
Hưng nắm lấy đôi tay lạnh ngắt của bà, giọng xúc động:
- Rồi ba sẽ hiểu mẹ. Tất cả là lầm lẫn. Mười mấy năm qua ba đau khổ vì những lầm lẫn đó, bây giờ ba phải tin mẹ, phải tin vào sự thật để tụi con có cha có mẹ như mọi người.
Bà Thanh buồn rầu:
- Mẹ đã có người đàn ông khác. Dầu ông ta đã chết, nhưng ba con sẽ không tha thứ.
- Ba cũng có người đàn bà khác, chính bà ta làm tiêu tan sự nghiệp của ba thì sao?
Bà Thanh gượng cười. Chồng bà là người cố chấp, bảo thủ. Bà biết dù bất cứ lý do gì ông cũng không bao giờ tha thứ cho những điều đã xảy ra trong quá khứ của bà. Hưng còn trẻ, chưa từng bước qua những ải đoạn trường, chưa từng đối mặt với sống và chết, chưa từng nuôi mối hận hàng mười mấy năm, nên Hưng chủ quan khi nghĩ rằng bà sẽ trở về sống êm đềm bên chồng bên con, như trong phần kết của một vở cải lương hay một cuốn tiểu thuyết nào đó.
Vừa đẩy cổng bước vào sân, Lam Uyên đã thót tim khi thấy Duy đang ngồi hút thuốc trên thềm. Để ngăn xúc động, cô nhếch môi mai mỉa:
- Anh đã nói sẽ không làm phiền em nữa mà ?
Duy dửng dưng:
- Thì tôi có làm phiền em đâu, chẳng qua vì mợ Thanh, à quên mẹ em, nhờ đưa tới, nên tôi phải chạm mặt người mình đang ghét nhất trên đời đó chứ.
Lam Uyên tức muốn khóc, cô ngoe nguẩy đi một nước. Ngang bậc thềm chỗ Duy ngồi, cô cố tình phớt lờ và bước nhanh hơn. Nhưng hình như Duy chờ cơ hội nầy, nên khi Uyên vừa tới ngay chỗ mình, anh đã nhoài người lên ôm ngang hông Uyên kéo mạnh xuống.
Uyên té ngồi vào lòng anh, Duy cũng bị bật ngửa ra sau nhưng anh vẫn nhanh nhẹn ghị eo Uyên lại, khi cô giận dỗi cố đứng dậy.
- Em không đùa đâu.
- Anh cũng không đùa. Chẳng qua anh muốn ôm em lần chót thôi ! Anh sắp lấy vợ rồi, nên không có dịp làm phiền em nữa đâu. Ngồi với anh một chút đi Lam Uyên.
Lời của Duy khác nào luồng điện cao thế làm Lam Uyên nhũn cả người. Cô ngớ ngẩn hỏi lại :
- Anh sắp cưới vợ hả ? Mà ai vậy ?
- Một người quen cũ rất dễ yêu.
Cách trả lời lấp lửng của Duy làm Lam Uyên điên lên, cô bấu lấy vai anh :
- Tố Nga phải không ? Em biết mà. Cô ta đâu thể buông tha anh. Và anh cũng vậy, anh vẫn còn yêu người ta, yêu nhiều lắm nên … nên … mới dễ dàng bỏ rơi em. Anh tệ đến thế là cùng.
Cô nghe Duy cười khẽ :
- Anh nghĩ em sẽ thích khi hay tin Tố Nga sắp làm cô dâu chớ ! Trước đây em chê chú rể mà ! Chẳng lẽ bây giờ đi tiếc những gì mình đã chê sao ?
Hàm Lam Uyên nghẹn cứng lại, cô không giữ được vẻ ngạo mạn như lúc vừa gặp Duy. Mặt tái đi vì đau đớn, Uyên cố chuồi người ra khỏi lòng anh.
Duy cũng không giữ cô lại, Uyên loạng choạng đứng dậy rồi run rẩy té ngồi xuống. Cô gục đầu vào lòng khóc nức nở, khóc to như trẻ con, khóc không hề xấu hổ.
Móc trong túi áo ra chiếc khăn tay trắng phau, Duy đưa cho Uyên và nói :
- Khăn nầy của Tố Nga, trước đây Nga đưa anh xài một chục cái, dơ thì cô ta lấy về giặt ủi, tẩm dầu thơm, và đem lại để trong phòng anh, ngay đầu nằm. Từ khi anh yêu mê yêu mệt người con gái khác, Nga đã thôi làm việc nầy.
- Nhưng bây giờ chị ấy lại tiếp tục. Có lẽ anh sẽ hạnh phúc với Tố Nga vì chỉ kiên nhẫn, khéo chiều, biết lo lắng, biết chăm sóc anh từng chút chớ không ngang ngược, ích kỷ và cố chấp như em.
Hít hít mũi và chùi vội giọt nước mắt vừa trào ra, Lam Uyên nghẹn ngào :
- Dù rất yêu anh và biết mình không xứng, em vẫn không đời nào tha thứ cho anh. Em sẽ hận anh suốt đời, thù anh suốt kiếp. Anh đi về đi.
Duy ngần ngừ một chút rồi đứng dậy:
- Còn mẹ em thì sao ?
- Em sẽ lo. Anh khỏi phải bận tâm.
Duy thở dài :
- Xin lỗi đã làm em rơi nước mắt, nhưng Lam Uyên, anh mong những giọt lệ nầy sẽ làm em trưởng thành để hiểu anh nhiều hơn nữa.
Nhìn theo dáng Duy lầm lũi dắt chiếc Win ra, Lam Uyên cố nén lòng không gọi tên anh. Dầu cô muốn nghe Duy nói những lời vừa rồi là đùa chơi, là anh thử lòng cô. Nhưng trái tim lỳ của Uyên đã không cho phép cô gọi anh lại.
Cô đã khóc ngon lành và Duy dửng dưng không ngó tới, chứng tỏ anh không đùa chút nào.
Suy đi nghĩ lại Duy đã chọn đúng, anh cần một người vợ biết lo, biết chiều chuộng chớ đâu cần con nhỏ hay hờn dỗi, sớm nắng chiều mưa như cô.
Uyên thất thểu vào nhà. Ngang phòng ba cô nghe tiếng mẹ thầm thì như tiếng cầu kinh. Bà đang cố gắng hết sức để nối lại tình xưa. Có lẽ bà sẽ thành công vì ba cô đang cô đơn và suy cho cùng mẹ nào có lỗi gì đâu ?
Chỉ có Lam Uyên ngu ngốc đã làm vỡ tan mong ước đầu đời tuyệt đẹp chỉ vì cô xem mình quá lớn. Cô không rút được chút kinh nghiệm nào từ những lần giận rồi hòa, hòa rồi giận giữa hai người. Uyên đã làm Duy chán nản đến mức mất dần tính kiên nhẫn chiều chuộng mà anh chỉ dành riêng cho cô thôi. Duy rất yêu Uyên mà ! Cô đâu thể nào để Tố Nga cướp mất Duy. Bằng bất cứ giá nào Lam Uyên