Ngày hôm sau, mới gần 4 giờ sáng ông Hưng đã chạy xe lên chợ đầu mối mua đồ về để bày mâm cỗ Trung Thu và làm kẹo kéo cho các con.
Ông mua hai cặp bánh Trung Thu, một cặp ông để thắp hương các cụ trong nhà, một cặp khác ông mang xuống biếu ông bà nội.
Ngân với Linh mắt nhắm mắt mở ra sân giếng đánh răng rồi về nhà cùng bố chuẩn bị cỗ, hai chị em vừa sang nhà thì ông cũng đi chợ về đến nơi.
- Chà, bố mua gì mà nhiều quá vậy?
Linh giúp ông giữ thùng các tông đựng đồ cho ông gật chân chống dựng xe.
- Hoa quả đấy mà, rằm có khác, bố đi sớm thế rồi mà các bà các mẹ còn đi sớm hơn.
- Bố vất vả quá.
Ngân làm mặt mếu máo rồi dắt xe vào sân, hôm nay ông cho thợ xây nghỉ hết, cho họ ở nhà đón Tết cùng vợ con, thế nên giờ nhà chẳng còn ai ngoài bốn bố con ra cả.
Ngân lấy kéo cắt lớp băng dính ra, bên trong toàn là bánh kẹo với hoa quả, mỗi quả là một loại khác nhau.
- Mâm cỗ Trung Thu thì có những gì hả bố?
Linh bê quả dưa hấu lên ngắm nghía rồi quay sang hỏi bố.
- Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, có gắn thêm hai hạt đỗ đen làm mắt, xung quanh thì bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con.
- Thế bố không mua lợn mẹ với lợn con à?
Nghe ông Hưng nói thế, Linh bới tung lên tìm chả thấy cái bánh chay hình con lợn đâu, Ngân giơ tay cốc đầu em một cái làm ông Hưng với anh Việt cứ đứng tủm tỉm cười.
- Bố bảo " hoặc là ", chứ có phải bắt buộc đâu, có cặp bánh hình bông hoa thế này là xinh rồi.
- Thế ai làm con chó bằng quả bưởi này đây?
Linh giơ quả bưởi lên cao.
- Tao chỉ biết mổ gà thôi, cắt tỉa kiểu này thì không cần phải lo, có anh Việt đây rồi.
Linh vào nhà cầm dao rồi trải tấm bìa cát tông ra nơi sạch sẽ nhất trong sân cho anh Việt, Linh hào hứng cầm điện thoại quay video, coi như làm kỉ niệm, Ngân cầm quả táo tàu lên thủ thỉ:
- Em biết làm con thiên nga bằng táo đấy, nhưng mà để đến tối thì táo bị thâm xấu lắm, nên thôi.
Mãi đến quá trưa mâm cỗ mới được hoàn thành xong, ông Hưng bắt tay vào làm kẹo kéo. Sáng nay ông lùng khắp cả chợ mới mua được mật mía, Linh thì giúp bố rang lạc, thỉnh thoảng cô tiện tay nhón một hạt bỏ vào miệng.
- Bố học ai mà biết làm thế bố?
- Ông nội con đấy, ngày xưa ông cũng đi bán kẹo kéo mà.
- Thật á?
Ba anh em đồng thanh.
- Ừ, nhưng nhà nhiều miệng ăn, bán cũng không lãi nhiều nên ông bỏ nghề, chuyển sang làm thuê cho người ta.
Ông vừa thắng mật trên ngọn lửa bếp ga vừa trò chuyện.
- Làm sao để biết mật đun thế nào là vừa tới hả bố?
Anh Việt hỏi, chăm chú nhìn từng bước làm coi như học được thêm một món mới.
- Con có thể nhỏ mấy giọt đường vào nước ở nhiệt độ thường, nếu giọt đường không bị hòa tan là vừa tới. Người có kinh nghiệm chỉ cần ngửi mùi đường đang thắng là có thể xác định được, còn bố thì chịu thôi, haha.
Ông cười, lại giải thích thêm:
- Nếu đường thắng chưa tới sẽ không đủ độ đông kết để làm kẹo, nếu thắng quá mức kẹo sẽ cứng, không đạt độ dẻo như yêu cầu.
- Tưởng đơn giản mà cũng lằng nhằng phết bố nhỉ.
- Ừ, trên đời có nhiều chuyện tưởng chừng như đơn giản lại vô cùng phức tạp và ngược lại con ạ.
Do đã nhiều năm không làm nên còn nhiều bỡ ngỡ, hình dạng không được đẹp mắt nhưng mà mùi vị rất ngon.
Ông vừa bê kẹo ra từ bếp vừa rao một câu thế này:
" Kẹo kéo đê, kẹo kéo đê...
Cô nào chồng bỏ, chồng chê
ăn cây kẹo kéo chồng mê, chồng về."
Linh nghe xong cười khanh khách :
- Câu này chắc dành cho chị Ngân.
- Tao chả cho một phát răng môi lẫn lộn bây giờ.
Hơn 8 giờ tối, sau khi đã tắm giặt sạch sẽ, anh Việt giúp bố bê mâm cỗ lên trên sân thượng được thợ xây dựng tạm bợ trên đấy. Tiếng trẻ con trong xóm í ới gọi nhau ở con đường đất ngay bên cạnh. Những bé trai đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không, tay cầm gậy như ý bằng nhựa đùa nhau cười khúc khích. Những bé gái được mẹ thắt bím tóc cho rồi cài vương miện lên, trên người thì mặc váy công chúa. Linh và Ngân đứng nhìn, tự nhiên trong lòng dâng lên một cảm giác tủi thân khi không có mẹ, Ngân mắt cay cay nhìn đi hướng khác, tiếng ông Hưng gọi vọng lên từ dưới nhà:
- Linh hay Ngân xuống giúp bố treo đèn lồng lên nào.
- Dạ.
Ở Việt Nam, đèn lồng treo trước cửa nhà tượng trưng cho sự bình an và may mắn. Một số khác thì làm theo dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi lời cầu nguyện vào thì thả trôi sông, coi như là mang lời cầu nguyện đi xa.
Cả xóm, nhà nào nhà nấy đều đã treo đèn, có lẽ nhà ông là gia đình treo đèn muộn nhất. Tết Trung Thu có khác, đường phố nhộn nhịp ánh đèn cùng tiếng trống, rồi cả tiếng trẻ con đùa nhau hò hét. Mấy anh thanh niên trong xóm thành lập một đội múa Lân, họ rước ảnh bác Hồ từ đầu làng tới cuối làng, theo sau là anh chỉ huy đầu đội mũ Lân, chỉ huy cả đám phía sau múa theo nhịp trống. Thấy các con chỉ đứng nhìn, ông Hưng đi lại gần tựa tay vào lan can:
- Xuống dưới rước đèn cùng mọi người cho vui.
- Dạ, hay bố cũng xuống đi bố.
- Thôi, bố già rồi.
Dù ông từ chối khéo thế nào vẫn bị kéo xuống nhập hội cùng mọi người. Linh khoác tay anh Việt, vừa đi vừa dáo dác nhìn xung quanh tìm một người. Vũ từ trong đám đông đã nhìn thấy cô, cậu nhanh chân chạy về phía Linh, cẩn thận để cô không phát hiện rồi giơ tay bịt mắt lại. Linh ngửi thấy mùi nước xả vải quen thuộc trên áo cậu, biết ngay là thằng bạn thân liền không thương tiếc huých một cùi chỏ vào bụng Vũ.
- Au, làm gì mà mạnh tay thế.
Vũ đau đớn ôm bụng lùi lại xuýt xoa, anh Việt cười lắc đầu, đi trước cho hai đứa nó đùa với nhau. Ngân bế thằng cu Tí năm nay hơn 2 tuổi nhà cô Bống trên tay, dênh nó ngay sau đội múa Lân của xóm, anh Việt đi bên cạnh véo má nó:
- Nặng phết nhỉ, mới ngày nào còn đỏ hỏn, vèo một cái đã lớn tướng thế này rồi.
- Anh Việt mà không lấy vợ nhanh là em Tí lấy vợ trước đấy.
Cô Bống đùa, Ngân đổi tay vì thằng nhóc con nặng quá nên tay hơi mỏi:
- Sắp rồi, sang năm bê tráp cho anh nhé, kiểu gì chả đẹp zai nhất đội hình nhà trai.
Sau khi rước ảnh bác Hồ xong đã là hơn 10 giờ đêm. Mọi người ai về nhà nấy trông trăng để chờ phá cỗ, tiếng trẻ con cũng bớt dần, thay vào đấy là tiếng cóc nhái kêu inh ỏi trong bụi cây trước cửa nhà.
Mọi người nhìn trăng sáng, lại nhớ đến sự tích Chú Cuội