An Bình xác nhận lại địa chỉ trong tay một lần nữa, cậu thực sự hoài nghi mình đã tìm nhầm chỗ.
"Bác ơi, cháu muốn hỏi bác một chuyện." Cậu đã đứng tại chỗ lưỡng lự rất lâu, không thể không tìm một người nào đó để hỏi thăm: "Cho cháu hỏi là bác có biết số 3 phố Thành Tây ở đâu không ạ?"
"Số 3? Đó chẳng phải là cái chỗ chếch phía sau lưng cậu kia à!" Ông bác chỉ vào kiến trúc bên kia đường, "Cả cái chỗ to sừng sững ở đấy đấy, thanh niên lớn thế này rồi sao mắt kém thế?"
An Bình trợn tròn mắt, thốt lên: "Nhưng đó là miếu Thành Hoàng mà bác!"
"Đúng rồi, là Thành Hoàng đó.
Miếu Thành Hoàng ở phố Thành Tây!" Ông bác khó hiểu liếc nhìn cậu, xong nhìn thấy cậu mặc đồng phục học sinh liền sửng sốt: "Cậu học Trung học Phổ thông số 1 à? Giờ này vẫn chưa tới giờ tan học mà nhỉ?"
"Dạ không, hai ngày nay trường học cho nghỉ." An Bình vội vàng giải thích: "Giáo viên nhờ cháu mang bài tập về nhà đến cho bạn cùng lớp, gần đây bạn ấy bị ốm, vẫn chưa đi học được." Cậu giơ cái túi trong tay lên, trắng lóa một màu ảm đảm, tất cả đều là đề thi.
An Bình là lớp phó học tập, đưa bài tập đến cho bạn học là chuyện đương nhiên.
Cậu đã hỏi địa chỉ, rồi hẹn thời gian với bạn học qua mạng, sau đó đến giờ thì nhanh chóng đưa tới.
Kết quả là vừa đến nơi nhìn thấy cổng lớn trước mặt, cậu trợn mắt đứng hình -- thời buổi này có nhà ai ở miếu Thành Hoàng sao?
Bây giờ là sáu rưỡi chiều, bình thường vào thời điểm này vẫn chưa tới giờ tan học.
Chẳng trách ông bác cứ quan sát cậu, có lẽ là đã gặp nhiều người cúp học đi net, nhưng chưa từng thấy ai cúp học đi thắp hương.
Ông bác thấy rõ đề thi trong túi, "Thảo nào, tôi còn tưởng cái túi này của cậu là đồ cúng."
"Đâu phải bác ơi." An Bình cười gượng.
Dùng đề luyện thi đại học làm đồ cúng, sợ là thần tiên cũng phải làm đến hộc máu.
"Số 3 phố Thành Tây à, vậy thì không sai đâu, chính là chỗ đấy." Ông bác chỉ vào cổng miếu Thành Hoàng, "Mau đi đi, đợi lúc nữa sẽ đóng cửa." Nói xong lại thấy có hơi khó hiểu, "Mà nhà bạn học của cậu ở đây à? Bạn học của cậu có tụng kinh không?"
Có ở đây không thì cậu không rõ lắm, còn tụng kinh hay không thì cậu càng không biết...!Thấy trọng tâm câu chuyện càng ngày càng xa, An Bình cười ha ha: "Cảm ơn bác, cháu đi trước đây!" Nói xong cậu vội vàng băng qua đường.
An Bình nhìn cổng lớn trước mắt mà đắn đo suy nghĩ, cuối cùng vẫn định đi vào trong đó.
Đừng nghĩ nữa, đã hẹn trước rồi, cũng không thể nói lời mà không giữ lấy lời, dù sao cứ đi vào xem qua một chút.
Một giây sau, người gác cổng ló đầu ra: "Vé tham quan vào cửa, năm mươi tệ một vé."
An Bình: "..."
Không phải chứ, vé vào chùa Linh Ẩn cũng chỉ có ba mươi tệ thôi đó ông anh? An Bình khó tin nhìn cánh cổng lâu năm không được tu sửa trước mắt.
Lớp sơn đỏ đã phai nhạt bong tróc rơi vãi từng mảng, dán ở chính giữa cổng là một đống giấy quảng cáo nhỏ "Thông cống thoát nước", "Mở khóa giá rẻ", "Thuốc dân gian chữa bệnh trĩ".
Hơn nữa tại sao cậu đến đưa bài tập về nhà lại còn phải mua vé?
"Có vào không? Giờ cậu không vào thì để tôi đóng cửa luôn." Người gác cổng đeo một cái băng tay màu đỏ, mở miệng ra là bắn rap một tràng: "Vé vào cửa năm mươi tệ, mua xong cũng không bị thiệt cũng không bị lừa.
Ngôi miếu này đã tồn tại mấy trăm năm, vào trong cậu cậy cục gạch mang đi cầm cũng có giá trị ngang giá vé..."
An Bình thực sự không muốn nghe người gác cổng nói về con đường làm giàu mới, dẫu gì cũng đã đến, cậu đành phải nhẫn nhịn móc tiền ra, "Anh ơi, anh họ gì vậy?" Với tài ăn nói này, anh ta không thể phát huy hết tài năng khi làm một người gác cổng, mà là trời sinh làm về lĩnh vực kinh doanh tiếp thị.
"Haizzz, có gì đặc biệt đâu mà cậu hỏi, quét mã hay tiền mặt?" Người gác cổng xé một tấm vé, vỗ vỗ thẻ công tác trên người mình, "Tôi họ Hoàng, Hoàng Ngưu."
Tên rất hợp.
An Bình nắm vuốt tấm vé đắt đỏ trong tay.
Đây chẳng phải là kẻ bán vé đầu cơ thì là gì.
(*黄牛 Hoàng ngưu: ngoài nghĩa là con bò thì còn có nghĩa là người buôn vé, bán lại với giá chợ đen.)
An Bình lúng túng bước vào cổng, tuy rằng miếu Thành Hoàng có lịch sử lâu đời, nhưng không có di tích cổ cũng không có truyền thuyết, đây gần như chính là một tòa kiến trúc đổ nát nhiều năm tuổi và chỉ náo nhiệt vào mỗi dịp hội miếu năm mới.
Trong sân im ắng, ở giữa có trồng một cây bạch quả rất lớn.
Bốn bề vắng lặng, An Bình bỗng có cảm giác như bị chơi xỏ.
Nhưng xem ra toàn bộ sự việc đều khá kỳ lạ, không bị chơi xỏ mới có vẻ cổ quái.
Cậu thử hô lên: "Bạn, bạn học Mộc?"
Quả nhiên không có ở đây.
An Bình thở phào nhẹ nhõm, nỗi lo lắng trong lòng cuối cùng cũng dần tan biến.
Thành thật mà nói, hôm nay cậu thực sự không muốn đưa túi bài tập này.
Hoặc là nói, cậu không dám đưa.
Cậu là lớp phó học tập, tính cách lại hòa đồng, đã quen với việc giúp đỡ các bạn trong lớp, đưa bài tập về nhà cho bạn học cũng không thành vấn đề.
Nhưng mấu chốt là ở người xin nghỉ ốm, cũng chính là bạn học Mộc mà cậu vừa gọi.
Mộc Cát Sinh, đại ca trường Trung học Phổ thông số 1 thành phố.
An Bình biết được những điều liên quan đến người này chủ yếu là qua tin tồn: Đúp lớp ba năm, diện mạo và tài đánh đấm được trời cao ưu ái, thành tích học tập kém xa năng lực vận động, giỏi nhất là đánh nhau và xin nghỉ ốm.
Lúc An Bình mới nhập học đã nghe nói về Mộc Cát Sinh, vốn là hai người sẽ chẳng có quan hệ gì, nhưng đáng tiếc cha này đúp lớp đến độ chấn động trời đất quỷ thần khóc thét, và cứ thế là cậu có duyên được phân đến cùng lớp với y.
Khai giảng được ba tháng, An Bình hầu như không nhìn thấy Mộc Cát Sinh, bởi y rất ít khi đến lớp, luôn trong trạng thái đang nghỉ ốm giống như ếch xanh phiêu lưu ký.
Trường Trung học Phổ thông số 1 thành phố là trường trọng điểm của tỉnh, nội quy của trường cực kỳ nghiêm ngặt, giáo viên chủ nhiệm phê duyệt giấy xin nghỉ còn ki bo hơn cả ghi giấy nợ, và đây cũng là lần đầu An Bình thấy có người có thể xin nghỉ liên tục ba tháng.
Trong khoảng thời gian đó cậu chỉ gặp qua Mộc Cát Sinh hai lần.
Một lần là người này ngồi ở hàng cuối cùng ngủ say như chết, đến chiều tỉnh lại thì đang bị chôn vùi trong đống đề thi, động tĩnh lúc đó như một trận tuyết lở.
Một lần khác là ở cổng trường, An Bình bắt gặp Mộc Cát Sinh kéo bè kéo phái đánh nhau.
Hôm đó trời mưa to, An Bình đi tìm giáo viên hỏi bài, hỏi rất lâu đến tối muộn mới về.
Cậu ở phía xa xa nhìn thấy Mộc Cát Sinh đứng gần cổng trường, buộc áo đồng phục bên hông, dưới chân y là một đống người nằm rạp.
Cậu cách y rất xa, Mộc Cát Sinh dường như không phát hiện ra cậu.
Cậu chỉ thấy đối phương xách mấy cái ba lô từ dưới đất lên, mở ra xem một chút rồi lại ném đi.
An Bình tưởng rằng y đang tìm thứ gì đó, cuối cùng lại phát hiện y cầm một cái ô, sau đó lấy ra một lon coca, ung dung bật mở nắp lon, phát ra một tiếng "tách".
An Bình là một học sinh ngoan ngoãn đi học, bình thường nghe thấy tiếng của đại ca trường thì đều lựa chọn đi đường vòng.
Nhưng ngày đó cậu đứng trong mưa ngẩn người một lúc, cảm thấy so với việc dày vò tâm trí với đường cong conic thì kéo bè kéo phái đánh nhau thực sự ngầu hơn một chút.
...Điều kiện tiên quyết là bỏ qua cái hình Hello Kitty to tổ bố trên ô của người này.
An Bình chỉ gặp qua Mộc Cát Sinh hai lần, cậu quả thực không biết rõ đại ca trường trong truyền thuyết rốt cuộc là người như thế nào.
Cậu không dám không đưa số bài tập này, cũng không muốn đưa cho lắm.
Bằng không cậu sẽ không lề mà lề mề ngồi xổm cả buổi trước cổng miếu Thành Hoàng rồi còn không gọi điện thoại hỏi thăm, cuối cùng vẫn phải mua tấm vé vào cửa "lừa đảo" giá năm mươi tệ.
Thực sự có lòng mà không có can đảm.
Đưa bài tập về nhà cho đại ca trường, lại còn là bài tập không có đáp án tham khảo.
Hành động này có lẽ còn ngu xuẩn hơn cả việc dâng lễ là đề luyện thi đại học cho Thành Hoàng.
Nghĩ đến chuyện Mộc Cát Sinh không thèm để ý tới cậu, chẳng qua chỉ là nhất thời hứng lên trêu đùa một phen, hai người sẽ không gặp nhau.
Đây có lẽ là kết quả tốt nhất mà An Bình có thể nghĩ đến.
Trông thấy mặt trời sắp lặn, trong miếu Thành Hoàng này cũng không có gì để xem, coi như là đến dạo một vòng, An Bình nghĩ thầm như vậy.
Ngay khi cậu xách túi chuẩn bị rời đi thì lại nghe thấy tiếng "cọt kẹt" từ cánh cửa mở ra bên hiên, sau đó một giọng nói ngái ngủ truyền tới --
"An Bình?"
An Bình giật mình quay đầu nhìn về người phía sau, không dám tiếp lời.
Dường như đối phương vừa tỉnh ngủ, chân mang dép tông, tay cầm ca sắt tráng men, trên cổ vẫn đeo gối kê cổ.
Y chú ý tới ánh mắt của An Bình, ngáp dài một hơi rồi khẽ gật đầu.
Có bốn tin đồn chính về Mộc Cát Sinh tại Trung học Phổ thông số 1 thành phố, đó là: diện mạo, tài đánh đấm, nghỉ ốm và đúp lớp.
Trong đó diện mạo