Ô, vậy hả? Những người gốc làng này giờ còn ít lắm em ạ! Giờ ở đây toàn là người vùng khác đến đào vàng thôi em à. Thế em con cái nhà ai?
- Chị cũng là người gốc làng này ạ?
- Ừ… chị sống với bà ở đây. Bà ở ngôi nhà tít cuối con đường này. Chị bán hàng ở đây mỗi ngày cũng kiếm được chút ít. Em còn người thân ở làng này à?
- Không chị ạ. Cha em mồ côi từ nhỏ, ông cũng rời làng này lâu lắm rồi, có lẽ là trước cả khi chị ra đời cơ. Hì.
- Vậy em quay lại cái làng nghèo đói này làm gì vậy? Trông dáng dấp mấy em thì hình như đều là con nhà tử tế và giàu có cả.
- Em đã nói rồi mà, em muốn quay lại thăm quê hương em. Chị có bán cơm không ạ?
- Ở đây chỉ có đàn bà và trẻ con thôi em. Bọn đàn ông trai tráng sang bãi khai thác hết rồi, có khi đi vài ngày mới vể ấy chứ. Cơm hằng ngày chỉ có rau rừng thôi em à. May mắn mà hôm nào có người bắt được thú rừng thì hôm đó có thịt tươi để ăn.
- Bọn em muốn chị nấu cho chúng em một bữa cơm. Bọn em sẽ trả tiền chị.
- Được rồi. Dù sao thì em cũng là một người đồng hương, mấy đứa cứ ở lại đây ăn trưa với bà cháu chị nhé! Bây giờ mấy đứa theo chị về nhà chị nhé!
Cả bọn lại lục đục đứng dậy và đi theo chị con gái. Bất chợt khi đưa mắt lên dãy núi sau làng, Quân Anh ngạc nhiên thốt lên:
- Kia là cái gì vậy chị? Trông như một ngôi nhà ở lưng chừng núi ấy.
- Đó không phải là nhà đâu em. Đó là miếu Tam Quan đấy. Nó ở đó từ trước khi cả bà nội chị ra đời cơ. Nó rất thiêng, chính những vị thần trong miếu đó hàng chục năm nay đã bảo vệ ngôi làng này khỏi thú dữ và lũ quét đấy em à.
- Miếu Tam Quan ạ?- Quân Anh reo lên trong lòng.
- Nhà chị đây rồi.
Ngôi nhà mà cả
bọn thấy cũng chẳng khá khẩm hơn những ngôi nhà khác. Đó là một nhà sàn thấp, mái lá, đổ xiêu vẹo đến thảm thương. Một cụ bà đang ngồi tách ngô ngay dưới chân nhà sàn. Thấy cô cháu gái đi vào, bà ngẩng đầu lên nhìn, rồi nhìn sang bọn trẻ ăn mặc lạ lùng bà chưa từng thấy trong đời. Cả cuộc đời bà sống trong cái làng này, đi xa làng chưa quá 2km và chưa khi nào bà thấy những đứa trẻ xinh xắn, dễ thương như thế.
- Ai thế cháu?- Bà cụ lên tiếng sau khi nghe Quân Anh và Hải chào mình, Hiếu và Trọng thì dĩ nhiên chẳng có cái thói quen lịch sự ấy.
- Mấy em nhỏ đến đây chơi thôi bà ạ. Cô bé này nói là người gốc làng mình đấy bà.
Bà lão lại chăm chăm nhìn Quân Anh lần nữa. Rồi bà gật gù tiếp:
- Cháu giống một người từng sống ở làng này nhiều năm trước.
- Chúng cháu đến nhờ bà và chị một bữa cơm ạ!- Quân Anh ngồi xuống cạnh bà cụ.
- Mấy đứa ngồi chơi với bà nhé, chị đi nấu cơm.- Chị con gái nói và tất tả đi lên nhà. Bốn người dựng ba lô vào một góc. Trong khi ba anh chàng công tử còn đang loay hoay tìm một chỗ sạch sẽ để ngồi trên nền sân đất thì Quân Anh đã nhanh nhẹn tách ngô cùng bà lão.
- Khi nãy bà nói con giống một người từng sống ở đây, là ai thế ạ?- Quân Anh tò mò.
- Một thằng bé, ta nhớ ngày nó còn ở đây ta đã định làm mối cho nó với con gái ta. Không ngờ sau nó bỏ làng đi biệt tích.- Bà cụ nói chậm rãi.
“Là cha ư?”- Quân Anh thầm hỏi.
- À bà ơi, con nghe chị nói là cái miếu Tam Quan trên kia thiêng lắm ạ? Trong miếu thờ ai vậy bà?
- Khi ta còn nhỏ thì nó đã ở đấy rồi. Mưa gió trăm năm nay mà nó vẫn đứng sững ở đó, không hề lay chuyển.- Bà cụ đưa đôi mắt mờ đục nhìn lên phía lưng chừng núi.- Miếu đó thờ thần hộ mệnh của làng, nó còn có tên là Hắc Bạch Thanh quan miếu.
- Thật ạ?- Cô đưa mắt nhìn ngôi miếu ở tít trên cao, xúc động. Đó có thể chính là nơi cha cô cùng chú Hà và chú Đinh kết nghĩa anh em.