Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Giải Thích Về Cấu Tạo Của Chữ 'Ðạo'


trước sau

Giải Thích Về Cấu Tạo Của Chữ 'Ðạo'

Chữ 'Ðạo' gồm vạn hữu bao la, nhiệm mầu không thể nói được. Ðúng là: "Vạn vật nhân đạo sanh, đắc giả tự thông linh, ngộ triệt cá trung lý, Bồ-đề bất giảm tăng." Hôm qua giảng ý nghĩa của "Ðạo," hôm nay giảng đến sự cấu tạo của chữ "Ðạo."

Sự cấu tạo của văn tự Trung quốc thật là mỹ lệ vô cùng, mỗi chữ là một họa đồ. Sự cấu tạo dựa theo sáu phương cách, đó là tượng hình, chỉ sự, hội ý, hài thanh, chuyển chú và giả tá.

Giải thích một cách giản lược thì chữ Ðạo thuộc về lối tượng hình và hội ý. Chữ Ðạo này do chữ "tẩu" và "thủ" ghép lại. Tẩu nghĩa là hành - đi - cũng là tu hành. Không tu hành thì làm sao đạt đạo được? Thủ là cái đầu, cũng có nghĩa là bậc nhất. Tu hành là một điều khẩn yếu bậc nhất, nếu chẳng tu hành thì không thoát được vòng sanh tử.

Giải thích một cách tường tận, thì có thể nói như sau: Trên đầu của chữ Ðạo có hai cái chấm (`'), hai chấm này biểu thị pháp, chấm bên trái là dương, chấm bên phải là âm. Dương tượng trưng trời, âm tượng trưng đất. Dương là càn, âm là khôn, trời đất là càn khôn. Dương thuộc nam, âm thuộc nữ. Tuy nhiên, trong dương có âm, trong âm có dương, cho nên đàn ông không phải đời nào cũng là nam, có lúc cũng sanh làm thân người nữ. Ðàn bà không phải lúc nào cũng mang thân nữ, cũng có lúc làm thân nam. Vậy là thiên biến vạn hóa, nhiệm mầu không thể nói hết.

Hai chấm vừa nói là tượng trưng cho trời đất, cho mặt trăng mặt trời, cho hai khí âm dương. Thân người có điện âm và điện dương, huyết là âm, khí là dương. Khí là vô hình, huyết thì hữu hình. Hai chấm đó ảo diệu vô cùng, kể ra không hết được.

Hai chấm này có thể nói chính là vô cực và thái cực. Vô cực là chân không, thái cực là diệu hữu. Do vô cực mà sanh thái cực, thái cực động sanh ra dương, thái cực tĩnh sanh ra âm. Ðộng mà tới cực điểm thì thành tĩnh, tĩnh tới cực điểm thì thành động, đây là quy tắc tự nhiên.

Dưới hai chấm là chữ nhất (- ); nguyên nó chẳng phải là chữ nhất (- ), nó vốn là một cái vòng vô cực ( O ) - vì chưa phải là cực điểm nên chỉ là một cái vòng ( O ). Nếu tu thành công thì vòng vô cực này sẽ là Ðại viên kính trí, nếu không thành công thì nó là vô minh.

Chữ nhất (-) nguyên là chữ ( O ). Ðến thời điểm thì cái ( O ) mở ra, làm thành chữ nhất (-). Khi biến thành chữ nhất, là lúc bắt đầu có số mục. Khi còn là cái ( O ), thì chưa có số mục, về điểm này quý vị hãy đặc biệt lưu ý: Số mục chưa có là chữ ( O ), khi đã có số mục thì biến thành chữ nhất.

Chữ nhất này, sanh ra trời, sanh ra đất, sanh ra muôn vật, sanh ra tiên, Phật, thánh nhân. Hết thẩy mọi thứ đều do chữ nhất mà sanh ra. Chữ ( O ) thì chẳng có gì hết, đó là chân không. Chữ nhất sinh ra tức biến thành Diệu hữu, lúc đó cái gì cũng có hết. Cái nhiệm mầu từ không ra có thành diệu hữu, từ có ra không thành chân không. Lẽ đạo về chân không và diệu hữu thật là nhiệm mầu vô cùng.

Vậy, chúng ta phải kiếm ở đâu để có cái đạo nhiệm mầu không thể nói hết đó? Xin trả lời: Ðó là chữ "tự." Do đó dưới chữ nhất, nói ở trên, là chữ "tự," hàm ý rằng cầu đạo chẳng thể hướng ở ngoài để tìm kiếm, vì hướng ngoại thì chẳng kiếm ra chánh đạo, mà phải chiếu soi ngược lại - hồi quang phản chiếu - tự cầu ở nơi mình.

Ðối với cảnh giới [nhiệm mầu] đó thì trong nhà Nho có câu: "Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung." Theo Ðạo-học thì đó là "Bảo nguyên thủ nhất," còn Phật-giáo thì nói: "Vạn pháp quy nhất." Có câu: "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hợp," chữ "hợp" ( ) gồm chữ nhân ( ), chữ nhất ( ) và chữ khẩu ( ), hàm ý rằng chẳng có gì có thể nói ra được, cũng là ý nghĩa ngậm ( ) miệng lại.

Ðó là lúc lìa lời nói, lìa văn tự, lìa tâm suy nghĩ, là cảnh giới "ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt," tức là nơi dứt đường ngôn ngữ, nơi tắt đường tâm tưởng, vậy là chẳng còn gì hết. Có người cho rằng: "Như vậy chẳng hóa ra là người gỗ sao?" Chẳng phải vậy. Người gỗ thì chẳng có tâm, ở đây thì có tâm, nhưng là tâm vô vi, "vô vi nhi vô bất vi" - chẳng làm gì mà cái gì cũng làm. Ðạo lý này chẳng thể kiếm thấy ở bên ngoài, mà phải chiếu soi ngược lại mình , cầu nơi chính mình, lúc đó mới tới được Ðạo.

Thiền tông có câu kệ như sau:

Vạn pháp quy nhất, nhất quy hợp

Thần Quang bất minh cản Ðạt-ma

Hùng Nhĩ sơn tiền quỵ cửu tải

Chỉ cầu nhất điểm đóa Diêm-la Dịch nghĩa là: Vạn pháp quy về một, một thì về chỗ hợp - góp lại. Thần Quang không hiểu rõ đuổi theo Ðạt-ma. Trước núi Hùng Nhĩ quỳ chín năm, chỉ cầu một điều là trốn được Diêm Vương.

Hôm nay tôi giảng công án này để chứng minh rằng cầu pháp chẳng phải là chuyện dễ dàng. Người ta phải có tâm dám xả bỏ thân này mới mong tìm được chánh đạo.

Tổ Bồ-đề Ðạt-ma đến Quảng Châu, rồi lên bộ (Người từ Ấn-độ đáp thuyền đi tới Trung-hoa). Khi ghé Kim Lăng (Nam Kinh), Tổ đi ngang qua chỗ của Pháp sư Thần Quang, lúc Pháp sư đương giảng kinh.

Tổ bước ra hỏi: "Ông làm gì ở đây?"

Thần Quang đáp: "Tôi đương giảng kinh."

Tổ hỏi: "Giảng kinh để làm gì?"

Ðáp: "Ðể thoát sanh tử."

Tổ nói: "Pháp vốn không thể nói, không có pháp để nói. Cái ông giảng thì đen là chữ, trắng là giấy, vậy làm sao thoát được sanh tử?"

Thần Quang nghe xong, giận lắm, nói: "Cái tên Ma Vương này!

Ngươi dám đến đây báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, há có lý nào?"

Nói xong Sư cầm chuỗi hạt bằng sắt ném mạnh vào mặt Tổ. Bồđề Ðạt-ma không kịp đề phòng nên bị chuỗi hạt ném trúng, gẫy mất hai cái răng cửa. Tổ có ý nghĩ rằng: "Nếu ta nhổ răng xuống đất, thì địa phương này sẽ bị hạn hán trong suốt ba năm (số là nếu răng của một vị thánh mà rớt xuống đất, chư thiên sẽ bắt tội, và phạt không cho mưa rơi xuống vùng đó). Tổ thấy bất nhẫn, không nỡ để cho dân chịu cảnh khổ vì hạn hán, nên Ngài nuốt luôn hai cái răng vào bụng. Sau này trong điển cố thấy có ghi lại câu: "Gẫy răng cửa nuốt luôn với máu" (đả lạc môn nha hòa huyết thôn).

Vốn tu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật, Tổ không nói gì hết, ra khỏi giảng đường của Ngài Thần Quang, qua sông Trường-giang rồi đi về hướng núi Tung-sơn thuộc Hà Nam. Lúc bấy giờ, Diêm Vương sai quỷ vô thường đi mời Pháp sư Thần Quang tham gia tiệc yến.

Quỷ vô thường nói với Sư: "Ông có phải là Thần Quang không?"

Ðáp: "Phải!"

Quỷ vô thường nói: "Vua Diêm-la mời ông đi uống trà."

Thần Quang nghe xong bèn nói rằng: "Trong lúc ta giảng kinh, hoa trời rơi xuống, đất mọc sen vàng, ta phải chết sao?"

Quỷ vô thường đáp: "Dĩ nhiên là ông phải chết!"

Thần Quang hỏi: "Ai có thể không chết?"

Quỷ bèn cho biết như sau: "Chỉ có cái ông hòa thượng da đen vừa bị ông đánh gẫy răng cửa, mới là người không chết mà thôi."

Lúc đó Thần Quang liền năn nỉ quỷ vô thường: "Cư sĩ Vô Thường, xin ông từ bi, phương tiện gia ân cho tôi, để tôi được chạy theo vị hòa thượng da đen kia học pháp bất tử, có thể được chăng?"

Quỷ vô thường chấp nhận lời yêu cầu này, và Thần Quang liền ngày đêm hướng về phía Bắc đuổi theo Ðạt-ma. Cuối cùng, Thần Quang tới núi Hùng Nhĩ, thấy Tổ ở trong hang núi quay mặt vào vách đá nhập định, Sư hướng tới Tổ đảnh lễ sám hối, quỳ chín năm, mới học được pháp bất tử. Ngày sau thành Tổ thứ hai của Thiền tông.

Chữ "tự" nói ở trên có nghĩa là tự cường không nản, phải tự mình cố gắng, dụng công tu hành, mới có thể đạt được lẽ thực. Cho nên, ở phía bên phải của nó có chữ "tẩu," biểu thị ý nghĩa hành trì, có như vậy mới có cảm ứng, mới có chỗ thành tựu. Nếu chẳng thực hành thì dù hiểu đạo lý cũng thành vô dụng. Ðúng là: "Nói một trượng chẳng bằng làm một thước."

Tôi thường nói: "Ðạo thị hành đích, bất hành hà thành đạo. Ðức thị lập đích, bất lập ná hữu đức," cũng cùng một nghĩa như vậy.

Thất Tình Lục Dục Làm Chướng Ngại Tâm Tu Ðạo

Chúng ta là người tu hành quyết phải mang tất cả những vọng tưởng thất tình lục dục quét cho sạch một phen, thanh toán chúng cho hết. Chúng ta phải hiểu rằng thất tình là hòn đá tảng buộc chân chúng ta. Các vọng tưởng về thất tình sẽ làm ngăn cản sự chuyên tâm tu đạo của chúng ta, khiến cả ngày bị vọng tưởng lăng xăng, gặp cảnh thì tâm động, có chút định lực nào gom góp được thì bị tiêu hao mất, há chẳng uổng bao nhiêu công phu lâu nay đã tham thiền tĩnh tọa hay sao?

Bất cứ nam hay nữ đều phải tận diệt Thất-tình. Thế nào gọi là Thất-tình? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục - mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham dục; được giới thiệu một cách giản dị như sau:

Hỷ: Không nên mừng, mừng thì tình sẽ động.

Nộ: Không nên giận, giận thì tình sẽ động.

Ai: Không nên bi ai, bi ai cũng động tình.

Cụ: Không nên sợ hãi, sợ hãi cũng động tình.

Ái: Không nên sanh tâm tham ái, bởi tham ái làm cho tình động.

Ố: Không nên có lòng chán ghét, chán ghét làm cho tình động.

Dục: Không nên có dục niệm, dục niệm sẽ làm cho tình động.

Nếu nặng tình cảm về các loại Thất-tình nói trên, hành giả sẽ bị hoàn cảnh chi phối. Nếu Thất-tình có thể lay chuyển được mình, thì định lực sẽ bị tiêu ma, ta sẽ bị làn gió của các loại hoàn cảnh làm cho phiêu bạt, tâm bị lay động, không còn làm chủ được nữa và, khi không có chủ tức thành điên đảo.

Chúng sanh tại địa ngục làm bất cứ chuyện gì cũng là làm trong sự điên đảo, bởi lý do quá si mê và thiếu trí huệ. Làm cái gì cũng là sai quấy. Chúng ta ở thế gian nếu làm sai quấy thì cũng chẳng khác gì chúng sanh trong địa ngục, nghĩa là làm những gì không đúng với pháp, có mục đích ích kỷ tự lợi thì đó là địa ngục. Hoan hỷ điều này, hoan hỷ cái kia, buồn giận vì điều này, buồn giận vì điều nọ. Còn làm việc với những loại cảm tình đó là còn
sống trong cảnh địa ngục. Các vị hãy chú ý! Hãy nhớ kỹ! Phải đoạn trừ Thất-tình và Lục-dục. Lục-dục tức là sáu thứ dục do sáu căn mang lại. Sáu căn còn có tên là sáu tên giặc, vì chúng chuyên ăn cướp tự tánh trân quý của chúng ta. Bởi vậy chúng ta phải cẩn thận giữ gìn các cửa của sáu căn kẻo đồ châu báu bị cướp mất.

Chín Pháp Giới Chúng Sanh Ðều Ðiên Ðảo

Ðiên đảo nghĩa là gì? Ðó là thấy khổ cho là vui, cho phải là trái, cho vô thường là thường tồn. Còn có nghĩa như trường hợp tâm tư bất định, trong đầu thì loạn tưởng, thấy việc nghĩa chẳng làm, thấy lợi thì chạy theo. Nói tóm lại, không phân biện trắng đen, không rõ điều chân giả, đều gọi là điên đảo.

Câu nói: "Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo" chính là định luật của nhân quả. Ðầu tiên là sự mê hoặc, khởi tâm sai lầm rồi theo đó tạo nghiệp. Tạo xong nghiệp thì nhận kết quả - quả báo, đó là lẽ tự nhiên. Quả báo là chẳng thể nghĩ bàn, mà chúng sanh tạo nghiệp cũng là điều chẳng thể nghĩ bàn. Lúc đầu tiên sanh ra mê hoặc, cũng là điều chẳng thể nghĩ bàn. Lý do là các loại sự vật, tất cả đều chẳng thể nghĩ bàn, do đó khiến cho chúng sanh thảy đều quay cuồng, bối rối, không biết đâu là đầu mối, như thế nào là thích đáng.

Trong số các chúng sanh tại chín pháp giới (tức pháp giới của hàng Bồ-tát, của Duyên-giác, Thanh-văn, trời, a-tu-la, người, súc sanh, quỷ đói, địa ngục), có chúng sanh thông minh và có chúng sanh ngu si. Chỉ riêng Phật, vì có trí huệ đại viên kính nên hoàn toàn là thông minh và không có ngu si vô minh.

Từ nhãn quan của pháp giới Phật mà nhìn xuống thì các chúng sanh trong pháp giới Bồ-tát rất điên đảo. Những hành động mà hàng Bồ-tát làm và tự cho là đúng, cũng chỉ là điên đảo dưới cặp mắt của Phật.

Từ pháp giới của hàng Bồ-tát nhìn xuống pháp giới duyên giác thì họ thấy giống như đám con trẻ, hành động gì cũng chẳng chân chánh, cũng đều điên đảo cả. Nhìn lên thì Bồ-tát lại chẳng biết gì trong pháp giới Phật, họ chỉ biết tường tận về pháp giới Duyêngiác, cho nên mới có câu nói: "Sơ địa không biết nhị địa, thập địa không biết đẳng giác," nghĩa là không biết được tầng pháp giới cao hơn mình. Gọi là biết nhưng chỉ là hiểu tình hình một cách sơ lược, tường tận thì không biết nổi.

Tại pháp giới Duyên-giác mà nhìn vào tầng Thanh-văn, thì chúng sanh ở đây là điên đảo. Nhưng nhìn lên các tầng Phật và Bồ-tát thì họ lại không biết rõ. Tại sao? Bởi họ chưa đủ định lực. Ðịnh lực của Duyên-giác chỉ đủ để quan sát được các nhân duyên trong phạm vi của tám vạn đại kiếp trở về, còn nhân duyên ngoài tám vạn đại kiếp thì họ không thể nào quan sát tới.

Tại pháp giới Thanh-văn mà nhìn về chư thiên thì ở đây là điên đảo. Chư thiên được hưởng phước trời nhưng đối với nhãn quan ở bậc trên thì họ vẫn hành sự một cách điên đảo.

Tại pháp giới trời nhìn cảnh a-tu-la thì a-tu-la điên đảo, chúng sanh ở đây không tu tập đức hạnh, chỉ biết đấu tranh. Ðấu tranh là chẳng phải điên đảo thì còn là gì nữa?

Từ pháp giới của a-tu-la mà nhìn về chư thiên thì họ không hiểu biết gì nhiều, nhưng nhìn về thế gian nhân loại thì họ biết một cách tường tận. A-tu-la thấy loài người điên đảo, trôi nổi trong sanh tử mà không biết khổ, lấy khổ làm vui, tham luyến không muốn bỏ, trông thật đáng thương.

Tại pháp giới của loài người, thì không ai biết được cảnh giới của a-tu-la ra sao, cũng không biết gì về đời sống của chư thiên, hay pháp giới của các bậc thuộc hàng Tứ thánh, nhưng đối với pháp giới của loài thú thì lại biết rõ rệt. Họ thấy súc sanh quá hồ đồ, điên đảo, không biết sự việc gì khác ngoài các vọng tưởng về ăn và dục.

Súc sanh nhìn về quỷ đói thì nhận thấy quỷ đói điên đảo, chúng vì miếng ăn mà khổ não, nhưng tới khi ăn thì đồ ăn là lửa, chúng không nuốt được.

Tại pháp giới quỷ đói nhìn sang pháp giới địa ngục thì thấy chúng sanh ở địa ngục điên đảo. Chúng sanh ở đây đã tạo ác nghiệp phải thọ ác báo, mà lại không biết sửa đổi, cải ác ra thiện.

Tại pháp giới địa ngục thì chúng sanh hoàn toàn không hiểu biết gì, sống trong mê, chết cũng trong mê, chỉ biết riêng lấy mình, không biết tới ai khác. Ðịa ngục là biển khổ mênh mông, không còn có đường nào sáng sủa.

Tất cả chúng sanh trong chín pháp giới thảy đều điên đảo. Chỉ có Phật là đi đến rốt ráo, thành tựu Phật quả, nên không còn điên đảo nữa. Bởi các lý do này, chúng ta tu học Phật pháp là cốt chứng được trí huệ chân chánh, để khỏi phải lên xuống trong phạm vi chín pháp giới nói trên, và để vượt lên trên nữa, tới cõi Tịnh độ Thường Tịch Quang, để được cùng trú chung một nơi với chư Phật.

Tại pháp giới địa ngục, mỗi ngày có hàng vạn chúng sanh được sanh ra rồi chết đi, trăm ngàn sự điên đảo, khổ sở không thể nói hết. Tại sao vậy? Ở đây ác nghiệp ngập trời nên chúng sanh phải đền tội. Trong cảnh vạn phần điên đảo không có được nửa phần không điên đảo, do đó lìa khỏi được pháp giới này thật là khó khăn vô kể.

So với cảnh quỷ đói thì tuy quỷ đói ăn không đủ no, lúc nào cũng đói, nhưng địa ngục còn khổ hơn nhiều. Trong vạn phần điên đảo của quỷ đói, hoặc có thể có nửa phần, hay một phần không điên đảo (các con số này đưa ra để so sánh, chớ không có nghĩa tuyệt đối).

Tại pháp giới của loài súc sanh thì trong vạn phần điên đảo có một phần hay một phần rưỡi không điên đảo, tỷ như loài dê còn biết chút tình quỳ xuống khi bú, loài quạ còn có cái nghĩa bú mớm cho con, súc sanh mà biết hiếu đạo. Loài thú nào được mười phần không điên đảo, có thể gặp cơ hội đi lên theo nẻo đường thiện. Hơn nữa như loài chó biết giữ nhà, gà gáy sáng, con tằm nhả tơ, ong gây mật, ngựa kéo xe, trâu kéo cầy, cũng là giúp ích cho nhân loại, có chút ít công lao, thì tương lai có thể thoát khỏi được kiếp thú.

Tại pháp giới của loài người trong vạn phần điên đảo, thản hoặc có mười phần hay năm mươi phần, tối đa không quá một trăm phần, là không điên đảo. Trong lúc không điên đảo, người ta làm việc công đức, hoặc lạy Phật, hoặc niệm Phật. Khi điên đảo thì vọng tưởng lăng xăng, ham danh đoạt lợi, đấu tranh kiên cố. Tại sao trong vạn phần điên đảo lại chỉ có trăm phần không điên đảo? Ðại khái như khi lạy Phật chẳng hạn, lúc đó không điên đảo. Nhưng có những lúc thân đương lạy Bồ-tát mà tâm lại cầu Bồ-tát gia hộ, mong Bồ-tát ban cho trúng số, phù hộ cho được bình an; thậm chí, có kẻ chẳng chịu học hành mà cũng cầu Quán Thế Âm Bồ Tát phù hộ cho đỗ trạng nguyên, đó chính là điên đảo.

Tại pháp giới của a-tu-la, chúng sanh cũng có khoảng trăm phần không điên đảo, có thể trên dưới số đó chút đỉnh, bởi vì a-tu-la tuy được hưởng phước trời, nhưng lại tự cho là chưa đủ, và vì tâm tham nên thường đấu tranh phương hại tự do của kẻ khác.

Tại pháp giới chư thiên, thì ở dây có thể có một ngàn phần không điên đảo. Họ có công phu thiền định, một đường hướng đi lên, nghĩ tới ăn là có đồ ăn, nghĩ tới mặc là có quần áo mặc, tâm tưởng tới cái gì là có cái đó, do đó ít có sự điên đảo.

Tại pháp giới Thanh-văn, trong vạn phần điên đảo thì có khoảng hai ngàn phần không điên đảo, nhân vì các bậc này tu Tứ-đế - khổ, tập, diệt, đạo - họ hiểu thấu các lý vô thường, không, vô ngã, do đó ở đây ít điên đảo hơn.

Tại pháp giới Duyên-giác, trong vạn phần điên đảo có thể có tới ba ngàn phần không điên đảo. Ở đây các vị Duyên giác vì quán thập nhị nhân duyên mà ngộ đạo, hiểu hết thảy mọi thứ là như huyễn, cho nên các vị này hoàn toàn không chấp trước vào một thứ gì.

Tại pháp giới Bồ-tát, trong vạn phần điên đảo, có thể có năm ngàn phần không điên đảo, do đó vẫn còn năm ngàn phần kia điên đảo. Bồ-tát chuyên tu lục độ vạn hạnh, nhưng vẫn còn một phần vô minh nên chưa tới độ rốt ráo.

Tại pháp giới chư Phật, cả vạn phần điên đảo đều không có, bởi Phật đã viên mãn ba giác ngộ, vạn đức tròn đầy; chẳng có vọng tưởng, không có điên đảo, Phật là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Quý vị phải nghiên cứu kỹ đi! Tại sao chúng ta ở thế giới này chưa thanh toán được phiền não, mà vẫn còn ở nơi hỗn tạp đợi chết? Kẻ xuất gia không ra vẻ người xuất gia, tại gia thì không chịu tu hành! Còn chờ đợi tới thời điểm nào nữa mới chịu tu? Ðời này là ngũ trược ác thế, lưu luyến sanh tử có ích lợi gì?

Quý vị! Hãy tha thiết vấn đề sanh tử, hãy mau phát tâm Bồ-đề, đừng tạo thêm những chuyện điên đảo nữa. Quay đầu lại đi! Ráng lên, "biển khổ không bờ, quay đầu là bến."

Truyện convert hay : Thần Y Đích Nữ: Đế Quân, Thỉnh Gả Thấp!

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện