Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Học Thần Thông Ðể Báo Thù ?


trước sau

Milarepa là người Tây Tạng. Ðộng cơ khiến y tu đạo chẳng phải để cứu độ chúng sanh mà để báo thù cho cha mẹ. Cũng vì lúc khởi đầu mục tiêu không chánh đáng nên y mới lạc vào đường trắc trở, khiến cho tư tưởng và hành vi chẳng khác gì a-tu-la. Ý muốn thường xuyên của y là tiêu diệt người ta, trừ mình y ra, đó là điều trái hẳn với đạo. Người tu đạo không thể mang tâm sân hận, nuôi chí báo thù, nếu không sẽ biến thành quyến thuộc của Ma vương.

Về sau, do công tu mang lại chút ít thành tựu, y dùng mật chú và thần thông để báo thù rửa hận. Kết quả thì thù đã trả xong, hận đã được rửa sạch. Có điều những hành vi của y không những làm trở ngại việc tu đạo, mà còn phản lại tinh thần từ bi của người tu. Phàm là người tu đạo, phải lấy từ bi làm gốc, mà tùy nghi hành động. Y thì trái ngược hẳn lại, trong tâm chỉ có sự cống cao ngã mạn, không coi ai ra gì, chẳng riêng đối với người tại gia mà còn khinh thị đối với hạng xuất gia nữa. Cái đó là do y chỉ biết một mình y, ngoài ra không biết tới ai khác. Y đã có những loại ý tưởng đó thì chẳng ai nói gì cho y hiểu được.

Dụng công tu đạo bằng tâm oán hận thì dù tu trong bao lâu cũng vẫn còn tư tưởng thù hận. Y dùng mật chú và thần thông để làm công việc báo cừu và rửa hận, nhưng có biết đâu như vậy là đã sai lầm nhân quả, tương lai sẽ phải chịu quả báo. Hành động như vậy là do quan niệm sai lầm, và tôi nghĩ rằng y cũng biết điều đó. Tuy nhiên, biết thì có biết, mà tâm tưởng đã bị sân hận chi phối rồi, đâu còn tự mình làm chủ được nữa, do đó mới hành động điên đảo, và kết quả đã đưa y vào cảnh giới ma vương, thật là nguy hiểm.

Ai ai cũng biết làm việc thiện là đúng, nhưng không ai muốn làm. Tại sao? Bởi làm việc thiện thì chẳng thấy gì hay. Như giữ giới chẳng hạn, là một điều tốt, nhưng không ai giữ giới cả. Theo đúng quy củ là tốt, nhưng mọi người không theo.Tất cả đều biết rõ không giữ giới, không giữ quy củ là không đúng, nhưng cứ phạm lỗi hoài, hết thẩy mọi thứ đều như vậy, suy ra khắc biết. Chẳng qua cái đó là do căn cơ hạ liệt và lười biếng mà phát sanh ra. Cái đó, nói cho ngay, không có gì là cao thượng là đạo đức cả. Có câu nói: "Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt," hạng người nói trên không muốn đi lên, mà chỉ muốn đi xuống (hạ đạt), đúng là không có thuốc chữa.

Tôi thường nói:

Tu đạo như đăng bách xích can Hạ lai dung dị thượng khứ nan.

Nghĩa là: Tu đạo cũng giống như leo lên cây sào cao trăm thước, leo xuống thì dễ, leo lên thì khó. Hôm nay tôi nêu ra tà tri tà kiến của Milarepa để chúng ta cảnh giác. Nói tóm lại, tu đạo phải có lòng "vô duyên từ," có tư tưởng "đại bi đồng thể," học hỏi tinh thần của Tiên Nhẫn-nhục (một trong những tiền thân của đức Phật), khoan thứ mọi người mới xứng đáng là đệ tử Phật.

Bốn Kiếp Thành, Trụ, Hoại, Không của Thế Giới

Thế giới nhiều vô kể, vô lượng, vô biên. Mỗi thế giới (tinh cầu) đều trải qua bốn kiếp là thành, trụ, hoại, không. Chẳng qua, trí huệ của chúng ta hạn hẹp, chưa tới trình độ để biết tận cõi hư không, cùng khắp pháp giới, chúng ta chỉ biết thế giới này mà không biết tới vô số các thế giới khác nữa.

Hiện nay, tuy khoa học có nhiều sự tiến bộ, đã đưa người lên được mặt trăng, một thế giới khác, nhưng cũng không thấu hiểu hết tình huống của nó. Cái thế giới nguyệt cầu với thế giới địa cầu của chúng ta không giống nhau. Thế giới của chúng ta trải qua bốn tướng là thành, trụ, hoại, không và các thế giới khác cũng có bốn tướng như vậy, chỉ có khác là bốn tướng đó không phát sanh đồng thời với nhau. Tại thế giới này thì tướng hiện tại là thành, thì thế giới kia đương có tướng trụ, thế giới kia nữa là tướng hoại, hoặc là tướng không; do đó, không cùng chung một tướng, nên chúng ta không biết rõ tình huống của các thế giới khác.

Không những không biết rõ các thế giới khác ra sao mà ngay thế giới này, chúng ta cũng không có sự hiểu biết minh bạch. Khi ông Kha-luân-bố chưa phát hiện ra "Tân thế giới," nghĩa là chưa ai biết tới Tây bán cầu này chẳng hạn, người ta chỉ nghĩ rằng trời thì tròn, đất thì vuông. Sau khi khám phá ra Tân thế giới, người ta mới chứng minh được quả đất là tròn, do đó người ta mới gọi nó là địa cầu.

Bây giờ, ai ngồi trong phi thuyền không gian mà ngắm cảnh địa cầu, thấy nó cũng giống như trái banh lơ lửng giữa không trung, xem cũng lý thú!

Gọi là "Tân thế giới" nhưng nó chẳng phải "tân" (mới)mà là "cựu" (cũ). Chưa phát hiện ra thì tưởng nó không có, khi phát hiện rồi thì gọi là tân, đó chẳng qua bởi sự chấp trước vào tâm phân biệt của mọi người mà thôi. Con người ta, trong tư tưởng, trong nhãn quan có sự phận biệt mới cũ, kỳ thực mọi sự đều nằm trong sự biến hóa của bốn tướng thành, trụ, hoại, không.

Thế giới có thành, trụ, hoại, không, thì con người cũng có thành, trụ, hoại, không, đủ cả bốn tướng. Từ lúc sanh ra có mặt với đời, đến khi đi học, đó là thời kỳ thành. Học hỏi xong thì thực hành theo chí hướng, đó là thời kỳ trụ. Về sau thì già yếu, đó là thời kỳ hoại. Hết già là chết, chết tức là thời kỳ không. Thành, trụ, hoại, không tức là sanh, bệnh, lão, tử.

Sau thời kỳ sanh thì đến thời kỳ bệnh. Ai cũng có bệnh của người ấy. Có người bảo: "Pháp sư ơi! Không thể nói chung chung như vậy được. Có người thân thể không được khoẻ mạnh, họ có bệnh, nhưng có người thân thể khang kiện, họ đâu có bệnh gì?" Quí vị thấy thân thể họ không có bệnh, nhưng trong tâm họ có bệnh, nói tóm lại không có ai mà thân tâm lại không có bệnh. Cứ cho rằng thân và tâm cả hai đều không bệnh, nhưng đâu phải vĩnh viễn như vậy. Về phương diện sinh lý có thể chắc là không bệnh, nhưng tâm lý thì có chắc hay không? Ít nhiều cũng phải có, chẳng có bệnh nhỏ thì cũng là loại bệnh do tập khí, do chấp trước mà sanh ra, những thứ không nhận ra chúng, không xả bỏ chúng được, như vậy là bệnh rồi. Nhận không ra, buông xả không được tức chẳng thể giải thoát.

Ði về không tự chủ, sanh tử không tự do, tức là có bệnh. Không làm chủ được mình, không giữ cho mình được trẻ mãi không già, không bao giờ chết, đó cũng là bệnh. Nếu mà làm chủ được chính mình, nghĩa là có thể bảo thân này phải luôn luôn trẻ trung khỏe mạnh, không bao giờ mắt bị hoa, tai bị điếc, tóc bị bạc, răng bị long. Quý vị có làm được vậy không? Nếu không làm được là có bệnh.

Có người nói: "Ngày nào tôi cũng vận động, thân thể rất khỏe mạnh, tay chân nhanh nhẹn, đi mau lẹ như bay, chẳng đau bệnh gì." Vậy anh có dám bảo đảm sẽ trẻ mãi, sẽ sống mãi không già? Sợ rằng không giữ được như vậy đâu! Vì sao? Vì trong tâm anh có bệnh. Bệnh gì? Bệnh tham, bệnh sân, bệnh si. Tham không biết chán, càng nhiều càng tốt. Tham cầu mà không được bèn nổi nóng, lúc đó trí huệ không lấn át được tâm tình, đầu óc thành hồ đồ. Những vụ giết người, đốt nhà cửa cũng từ chỗ đó mà ra, như vậy chẳng phải bệnh là gì?

Thời gian niên thiếu báo hiệu một sự bắt đầu của già nua. Cũng như thế, bệnh chính là khởi thủy cho sự chết. Nói chung, con người là một tiểu thiên địa, nên cũng có bốn tướng. Hiểu thấu được ý nghĩa này thì không còn chấp trước vào cái túi da hôi này, không âu yếm nó như một thứ quý giá. Nếu thật tình không chấp vào thân thể này thì đó là vô ngã chân chánh, vậy là thiên hạ thái bình, chẳng còn chuyện gì phiền phức.

Con người ở trên thế gian này, chỉ biết có cái thế giới nhỏ nhoi này mà thôi, cho nên muốn tìm hiểu cho đến tận cùng nó như thế nào. Nhưng, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, rồi cũng thế, khi đến thì hồ đồ, ra đi cũng hồ đồ. Vừa hiểu được minh bạch thì đã ôi thôi! Ra đi! Chờ kiếp sau vậy! Tới kiếp sau lại tiếp tục nghiên cứu, nhưng nghiên cứu thêm chẳng được bao nhiêu thì quỷ vô thường đã tới, lại mời đi gặp Diêm Vương. Kiếp này mà việc sanh tử không lo nghiên cứu cho xong thì thử hỏi còn chờ đến bao giờ nữa? Tôi hy vọng quý vị coi trọng vấn đề này để dụng công nghiên cứu một phen, chớ để nó trôi qua uổng phí, phải nhớ rằng:

Nhân thân nan đắc kim dĩ đắc

Phật pháp nan văn kim dĩ văn Thử thân bất hướng kim sanh độ

Cánh hướng hà sanh độ thử thân?

Dịch nghĩa là: Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó được nghe nay đã được nghe, kiếp này nếu chẳng độ được thân này, thì đến kiếp nào mới độ được?

Chúng ta phải coi đó là điều cảnh giác, thường xuyên lấy đó làm cái gương soi lại chính mình.

Nói xa xôi hơn thì có vô lượng thế giới mà chúng ta không thể biết được rõ ràng, điều này chẳng cần phải nhắc lại. Riêng giữa người với người, còn biết bao nhiêu vấn đề mà chúng ta cũng chẳng hiểu thấu. Tại sao vậy? Vì vọng tưởng quá nhiều. Lý do gì mà vọng tưởng lại nhiều như vậy? Vọng tưởng từ đâu mà tới? Không ai biết. Thậm chí sự nóng giận, tham sân si, cũng ở đâu mà tới vậy? Nói chung không thể biết. Tự chúng ta có vấn đề gì, có nhiều hay ít? Hiểu thấu tới đâu? Tất cả đều không biết.

Những điều nói trên chẳng phải dễ gì mà biết cho tường tận, mà chính chúng ta cũng chẳng muốn biết chúng cho tường tận. Vì cớ gì ? Bởi vì cả ngày chúng ta chỉ biết tranh danh đoạt lợi, nên chẳng có thời giờ nào nghiên cứu các vấn đề đó. Thản hoặc có người tỉnh ngộ muốn nghiên cứu mình ở đâu mà đến, chết rồi đi về đâu, nhưng do không gặp được thiện tri thức hướng dẫn, chỉ biết tu trong sự mù quáng, không nắm được yếu lý của sự tu hành, nên cuối cùng đã uổng phí công phu, tệ hơn còn bị tẩu hỏa nhập ma nữa. Cho nên tu đạo chẳng phải là một chuyện dễ dàng.

Chẳng cần nói qua phạm vi các thế giới khác, chỉ riêng thế giới này, giữa người với người mà cũng toàn là những vấn đề chúng ta không nắm vững. Vấn đề của bổn thân chúng ta, chúng ta cũng chưa nghiên cứu rõ thì làm sao nghiên cứu được vấn đề của người khác? Vấn đề của ta và của người chưa minh bạch thì vấn đề về các thế giới làm sao cho minh bạch? Làm sao mà giải quyết được? Vậy thì chẳng giải quyết nữa ư? Không phải vậy! Nhất định là phải giải quyết! Nếu không, thế giới sẽ bị hủy diệt. Giải quyết cách nào? Cách duy nhất là chuyên tâm tu đạo, chứng quả ngũ nhãn, lục thông, thì tự nhiên sẽ hiểu hết những điều bí ẩn của vũ trụ, thông suốt luôn một lần. Khi đã biết rõ nội tình, thì có thể cải thiện nhân tâm, trừ bỏ ba độc tham, sân, si. Lúc đó mọi vấn đề đều được giải quyết trực tiếp, thế giới sẽ hòa bình, vĩnh viễn không còn tranh chấp, thế giới sẽ không bị hủy diệt. Nếu ai không tin, xin hãy nhắm mắt lại rồi nghiền ngẫm. Nếu chiến tranh thứ ba trên thế giới mà bùng nổ, thử hỏi hậu quả sẽ ra sao? Mọi người ắt hiểu rằng kết quả là tình trạng "đồng quy ư tận," cùng về chỗ tận diệt. Lúc đó chính là thời kỳ không kiếp.

Xuất Gia - Bố Thí Một Cách Triệt Ðể

Trong hàng Bồ-tát có Ðại Bồ-tát, giầu có sang trọng, có nhà cửa trang hoàng lộng lẫy, với đủ các loại vật dụng tinh mỹ phục vụ cho đời sống. Giầu sang như vậy, nhưng nếu có ai muốn đến cầu xin thứ gì, Ðại Bồ-tát bèn cho ngay không chút ngần ngại. Bồ-tát tu pháp môn bố thí thì hoàn toàn không để ý gì đến gia đình của mình, vì trong tâm đã sớm lìa hẳn quan niệm về gia tộc. Bồ-tát đã hiểu thấu
ý niệm không về gia đình, vì gia đình chẳng qua là do nhân duyên hòa hợp mà có, duyên hết thì lại phân ly, có gì đâu mà phải chấp trước? Bồ-tát vốn đã nhàm chán tất cả của cải trong nhà, từ động sản đến bất động sản, cùng những thứ vật dụng hàng ngày. Trong sự sanh hoạt thường ngày, vốn đã không ham thỏa mãn ngũ dục, không mặc đồ đẹp, ăn đồ ngon, cho nên trong tâm không bị ràng buộc về các nhu cầu vật chất. Vốn hiểu rằng gia đình cũng sẽ tới lúc phân tán, chớ không thể tồn tại mãi, do đó Ðại Bồ-tát thường tỏ ra lạnh nhạt trong tình cảm đối với gia đình, chỉ muốn ly khai hẳn với cuộc đời thế tục, để xuất gia tu đạo, cầu giải thoát khỏi vòng tam giới. Ðến người thân trong gia đình, như vợ thì coi như cái gông đeo cổ, con là cái xích buộc chân. Tình nhi nữ chính là cái còng, một khi tay bị khóa thì còn nhúc nhích gì được? Thân thể mỗi cá nhân đều bị trói buộc như vậy, ngay cả hít thở cũng không tự do, còn nói gì đến ước mong được tự tại? Tình huống như vậy có cái gì để chúng ta luyến tiếc nữa?

Bồ-tát khám phá ra điều đó, bèn buông bỏ hết, và để thoát ra khỏi cảnh bức bách của gia đình nên mới xa lánh cuộc đời thế tục và tu học hạnh Bồ-tát. Tám vạn bốn ngàn pháp môn mà đức Phật dạy cho thế gian để tu tập là con đường dẫn tới đạo quả Bồ-đề, và để trang nghiêm tự thân. Vứt bỏ những vật ngoại thân như tiền tài mà chẳng hối tiếc. Những tác phong như vậy của Bồ-tát đều được mười phương chư Phật tuyên dương và tán thán như sau: "Hay lắm! Hay lắm! Thiện nam tử! Ông thật là tinh tấn, phát tâm Bồ-đề rộng lớn như vậy, làm những việc người ta không làm được, vứt bỏ gia tài nhà cửa, những cái người đời không vứt bỏ được, hết thảy mọi thứ mình có đều mang bố thí cho người mà không hối hận, không luyến tiếc, không chấp trước, những việc thật khó làm." Bồ-tát thấy có người đến cầu xin mình thì cảm thấy trong lòng hoan hỷ vô cùng, cho là mình hết sức may mắn mà gặp được cơ hội để thực hiện đại bố thí.

Xuất gia là một việc khó. Xá kể chi việc cắt tóc cạo râu, đắp áo cà-sa, nói vài câu "cơ phong," mở miệng ra nói về Phật về Pháp, nói đạo lý trong kinh sách, hoặc ngồi yên nhắm mắt tham thiền. Những hành vi đó có thể gọi là mặc áo Phật, ăn cơm Phật, biểu diễn vai trò của kẻ xuất gia. Nếu quả như lời nói đi đôi với việc làm, một lòng tha thiết từ bi đối đãi với người với vật, trước mặt sau lưng lúc nào cũng vậy không sai trái đạo, được như vậy mới đúng là kẻ xuất gia.

Xuất gia có ba loại:

Thân xuất gia, tâm không xuất gia.

Tâm xuất gia, thân chưa xuất gia.

Thân tâm đều xuất gia.

Trong số xuất gia cũng ba loại trình độ, tùy theo công phu tu trì mà đoán định.

Xuất thế tục: Ðây là nói chung về các đệ tử xuất gia; các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni.

Xuất phiền não vô minh: Ðây là nói về cảnh giới tu trì của quý vị đã xuất gia, tự mình tu tự mình biết chứng tới đâu, có điều xuyên qua tác phong nói, nín, động, tĩnh của mình, người ngoài cũng có thể biết được. Một cá nhân xuất gia tu tập thì mỗi ngày tập khí càng giảm thiểu, sự biểu hiện của tham, sân, si cũng bớt dần, như lời cổ đức nói: "Từng phần phá vô minh, từng phần pháp thân chứng." Quý vị này đều tỏ ra cố gắng xông ra khỏi vô minh phiền não và hướng tới con đường Bồ-đề.

Xuất khỏi tam giới: Ðây là mục tiêu tối hậu của người xuất gia và cũng là của hết thảy bẩy chúng trên đường tu học Phật đạo. Mục tiêu đạt được chính là thời điểm đoạn trừ sanh tử một cách vĩnh viễn, rồi sau đó do nguyện lực của mình mà tự do đi về trong chín pháp giới để độ hóa chúng sanh, đạt được cái an lạc đệ nhất của người xuất gia.

Bồ-tát còn phát nguyện rằng tất cả chúng sanh có thể thoát ra ngoài sự trói buộc của gia đình, để nhập vào gia đình của chư Phật, tu học các pháp môn do Phật chỉ dạy, và siêng năng tu phạm hạnh. Bồ-tát lại nguyện rằng hết thảy chúng sanh từ bỏ hết tâm tham lam keo bẩn, biến thành tâm hoan hỷ ưa hỷ xả bố thí, lấy sự ban bố tài vật làm niềm vui, vĩnh viễn không sanh tâm thối chuyển. Lại nguyện cho hết thảy chúng sanh lìa những quan niệm về gia đình thế tục, không màng tới những gì gọi là thăng quan tiến chức, dương danh hiển thân, cùng những pháp thế gian về nối dõi tông đường, lại càng không tham đồ bất nghĩa, tích trữ đầy nhà, của quý đầy kho, những thứ đó đều là mầm mống sanh ra tai ương ác nghiệp. Người xưa nói: "Ða tàng tất hậu vong." Chứa cho nhiều, mất càng thảm. Lại có câu: "Thân biên vô ái vật, tự vô phiền não sanh," bên mình không có vật quý, phiền não vốn chẳng sanh. Người xưa nói quả là không sai, cuối cùng lúc ra đi cũng chỉ hai bàn tay không. Bồ-tát dạy cho chúng sanh nên bớt dục vọng, sống cho hồn nhiên trung thực, tự nhiên niềm vui sẽ phát sanh.

Bồ-tát lại nguyện hết thảy chúng sanh mau mau vượt ra ngoài phiền não do đời sống thế tục trói buộc, học Phật pháp tu hạnh thanh tịnh, để mai sau được hội nhập trong nhà của Phật, cùng ở với Phật một nơi. Lại nguyện hết thảy chúng sanh học được pháp cứu cánh viên dung vô ngại, loại trừ hết sự chướng ngại của các pháp ô nhiễm, và được thanh tịnh tự tại. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, lìa khỏi tình cảm yêu thương của gia đình, tuy thân còn tại gia, nhưng lòng không còn chấp vào tình cảm quyến thuộc. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, biết khéo léo khuyên răn và hướng dẫn những ai còn đắm đuối trong tình cảm gia đình, khiến họ hiểu được gia đình chỉ là một tổ hợp giả tạm do nhân duyên tạo nên để lòng họ bớt sự chấp trước. Bồ-tát nêu lên đạo lý về nhân sanh mà Phật đã giảng dạy để chỉ dẫn cho số người mê lầm không ra khỏi được các pháp thế tục về gia đình, khiến họ tin theo Phật pháp, tu học Phật pháp, minh bạch Phật pháp, không còn vướng mắc sự trói buộc của gia đình. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, tuy thân còn gởi lại với gia đình, nhưng tâm thường tùy thuận theo trí huệ của chư Phật, thực hành làm việc đạo, an trú trong bất động. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, tuy nay chưa xuất gia, còn sống đời cư sĩ, nhưng tâm nguyện của họ đã đặt vào nơi chư Phật, và có thể phổ cập tới vô lượng vô biên chúng sanh, để tất cả đều phát tâm hoan hỷ, phát tâm Bồ-đề rộng lớn. Ðó là đại Bồ-tát trong hàng Bồ-tát, khi bố thí nhà cửa đã vì chúng sanh mà thực hiện hồi hướng thiện căn. Chính là mong cho chúng sanh thành tựu được những điều trong các đại nguyện của Bồ-tát, cùng với các loại thần thông và trí huệ.

Lược trích từ Hoa Nghiêm Kinh Ðệ Lục Hồi Hướng Giảng Từ

Lòng Bồ Tát Như Lòng Mẹ Thương Con

Quý vị thiện tín! Quý vị thử nghĩ xem làm Bồ-tát khó hay không khó? Bồ-tát sống trong cảnh giới thần thông, xả thân mình, lấy da thịt xương tủy của mình để làm của nội tài bố thí, cùng lấy thành trì, vợ con, các đồ bẩy báu để làm ngoại tài bố thí, thì như vậy chẳng phải là việc dễ làm. Không nói rằng người đời coi chuyện chia xẻ tiền của cũng khó khăn chẳng khác cắt da thịt của mình, đàng này Bồ-tát lại còn tự nguyện xả thân mình cam tâm làm nô bộc cho người khác, cái đó mới thật là khó. Nếu bất cứ ở đâu chúng ta cũng không chiếm phần lợi về cho mình, mọi hành vi cử chỉ đều phát ra từ lòng từ bi, không phải từ các tâm tham, sân, si mà hoàn toàn vì lợi ích của người khác, thì đó là việc làm của các Bồ-tát sống. Cái này chẳng phải là dễ dàng hay sao? Nhưng, việc dễ như vậy mà có một số không muốn làm, việc khó càng không muốn làm. Quý vị nghĩ xem, Bồ-tát có đáng thương hay không? Các Ngài phát trăm ngàn vạn lời nguyện lớn, xả hết các căn lành đầu, mắt, não tủy, để hoàn toàn hồi hướng cho các chúng sanh, từng ngày từng khắc đều mong mỏi chúng ta nhận được lợi ích hồi hướng đó để thành Phật thành thánh. Vậy mà chúng ta vẫn còn thản nhiên vui hưởng trong nhà lửa tam giới, trong biển khổ thế gian, vậy thì quý vị thấy Bồ-tát có đáng thương hay không? Tuy nhiên, Bồ-tát vẫn quyết tâm, không thoái chí, vẫn làm việc cứu độ chúng sanh, giáo hóa chúng sanh, đem sanh mạng và tài sản bố thí cho chúng sanh, mang công đức căn lành để hồi hướng đến chúng sanh, với hy vọng chúng sanh được thành Phật, thành Thánh, thành Tổ.

Quý vị! Nếu quý vị đã từng làm mẹ, thì có thể thể hội được lòng dạ của Bồ-tát, cũng giống như sự ân cần, tha thiết, và tế nhị của các bà mẹ khi chiều lòng con cái. Ai làm mẹ cũng chẳng quản thân mình yếu ớt; khi phải lo cho con cái vẫn hết lòng hết sức, quyết dấn thân vì lợi ích của con mình. Trong thời kỳ thai nghén, người mẹ đã bắt đầu tính toán, xây mộng về đứa con tương lai với mọi điều tốt đẹp, nào là nó sẽ được đủ vẻ thông minh tài trí hơn người, nào là nó sẽ làm cho vẻ vang giòng họ, tổ tiên, vượt lên trên cả trăm vạn người khác. Ðến khi đứa bé ra chào đời, nghe thấy tiếng khóc oe oe đầu tiên của nó, rồi thấy được mặt mũi nó bé nhỏ, đỏ hỏn, thì ngay trong cái sát-na đau đớn phải chống trả trước sự hiểm nghèo thập tử nhất sinh, chỉ một tiếng khóc đó đã có thể xóa hết biết bao nhiêu hình ảnh gian khổ của người mẹ trong khoảng thời gian mười tháng mang thai. Sau đó, ngày tháng đắp đổi, ba năm bú mớm, bồng bế chăm chút, sợ con khó nuôi, mới cầu thần bái Phật, đốt hương thỉnh nguyện, cầu cho nó không nạn không đau, mong nó sớm thành người. Tới lúc con trưởng thành, đứa con nào không phụ lòng cha mẹ thì một nhà hoan hỷ. Tuy nhiên cũng có đứa ngỗ nghịch bất hiếu, phạm thượng, hành hung tôn trưởng, gian tà, phạm pháp, để lụy cho cha mẹ. Ấy vậy mà, làm mẹ thì lúc nào cũng thương con, không thất vọng vì con, vẫn cứ coi con mình là hay, không thua con nhà khác. Quý vị! Lòng người mẹ như vậy đó! Lòng thương của Bồtát đối với chúng sanh cũng giống như vậy. Phật nói ơn cha mẹ khó đền đáp, vậy ơn của Bồ-tát đối với chúng ta làm sao có thể báo đáp trong muôn một? Mỗi người trong chúng ta cũng phải từng giờ từng khắc ghi nhớ hai tầng ân đức này. Bất cứ kẻ tại gia hay xuất gia phải biết học tập từ bi làm đầu, và đối xử với người bằng tâm khoan hậu. Nếu các điều căn bản này mà không làm được, thì sợ rằng trên đạo lộ Bồ-đề, không ai thấy vết chân của quý vị.

Lược trích từ Hoa Nghiêm Kinh Ðệ Thập Hồi Hướng Giảng Từ

Truyện convert hay : Tuyệt Thế Võ Thần

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện