Đúng ngày mười lăm tháng Tám, ngày thu trong xanh thoáng đãng, trời trong nắng ấm.
Vùng ven sông của Hàn châu dựng một sân khấu rực rỡ sắc màu, chung quanh người người nhốn nháo, chen chúc nhau khiến ngày hội so tài chật như nêm cối.
Bố chính sứ Đổng Lý Châu tự mình đến, hơn hai mươi người từ cục dệt nhuộm của châu, phường hội dệt nhuộm, người thu mua của cục Châm Công, cục Nội Chức Nhiễm trong cung kết hợp lại làm giám khảo cùng lên trên đài cao.
Trên đài bày mấy chục cái xà ngang để treo lụa đẹp tham gia thi thố, bỗng chốc gió khua la gấm, người rợp trong xiêm áo đủ sắc cầu vồng.
Mọi người đi xuyên lụa Hàn như bước chậm trong mây, trôi giạt không biết điểm đến.
Bận rộn cho tới trưa, cuối cùng cũng chọn ra mười cửa hiệu lâu đời có thể đan dệt ra lụa thượng hạng.
Tuy các xưởng không được chọn nhưng vì lụa Hàn tham gia thi thố đều là hàng tinh hoa khó gặp nên đã có người ra giá cao tranh mua ngay trong hội tưng bừng náo nhiệt.
Vì cục Thừa Vận sông Hàn chú ý đến toàn cục, bán tháo tơ mới, cuối cùng lần thi thố này mới kết thúc tốt đẹp nên buổi trưa Đổng Lý Châu đã ở mở tiệc chiêu đãi đám Ngô Thập Lục, Lý Song Thực ở lầu Hàn Vận.
Tất nhiên trong tiệc còn có quan viên Hàn châu, Tịch Tà, Khang Kiện, phương hội dệt nhuộm và các Hàn châu các giới danh sĩ, phú ông.
Rượu qua ba tuần, Thường Trọng Nguyên nói: “Cuộc thi lụa Hàn lần này xem như là một việc trọng đại trong suốt nhiều năm qua ở Hàn châu.
Đổng đại nhân mở tiệc rượu ở đây, tại hạ xin có một tiết mục góp vui.” Nói đoạn vỗ tay liên tiếp, có bốn cô gái áo xanh đương tuổi xuân thì mang một tấm bình phong chín mặt đi ra rồi từ từ mở ra.
Thường Trọng Nguyên nói: “Thưa các vị, thầy thêu tấm bình phong này ra giá sáu ngàn lượng với tôi, các vị xem thử xem thế nào?”
Mọi người mới cười ông ta nói thách nói tướng.
Có người bảo: “Dầu ông dùng sợi vàng chỉ bạc mà thêu nhưng cũng chỉ là một tấm bình phong, nào giá trị những sáu ngàn lượng chứ?” Lời mới vừa ra khỏi miệng lại chợt kinh hãi kêu lên theo mọi người.
Chỉ thấy mỗi một nhân vật trên bình phong đều xuất trần phiêu dật, mang phong thái của tiên, sống động như thất.
Nhất là đôi mắt hẹp dài của Tiêu Tương phi tử[1] ẩn vẻ linh động, ai oán xa xăm làm hồn xiêu phách lạc.
Mọi người chỉ thấy cơn gió mát khẽ phất qua nhân vật trong đó hất tung làn váy dài và mái tóc mây thong thả bước ra, ai nấy đều không kìm được mà hít một hơi, xúm lại nhìn kỹ.
[1] Ý chỉ hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh, vợ của Đế Thuấn.
Khi Ngu Thuấn đến đất Thương Ngô bên bờ sông Tương thì ngã bệnh qua đời.
Hai bà thương khóc chồng ngồi cạnh mộ bên bờ sông Tương khóc ròng rã suốt 7 ngày 7 đêm.
Chỗ nước mắt của 2 bà rơi xuống mọc ra bụi trúc nên người đời gọi luôn đó là Tương phi trúc.
Sau khi khóc than thì Nga Hoàng cùng Nữ Anh đều trầm mình xuống sông để tuẫn tiết theo chồng, hóa thành nữ thần sông Tương hay còn gọi là Tương phi.
Tự có người không nhịn được mà hỏi: “Anh Thường, anh lấy được tác phẩm thần kỳ này ở Hàn châu thật à? Không biết là đồ thêu của thầy ở tiệm nào?”
Thường Trọng Nguyên nói: “Bức tranh Cửu Ca này là do thầy cả Tống Minh Châu của quán thêu Hiệt Châu thêu đấy.” Mọi người nhao nhao gật đầu: “Thảo nào thảo nào…”
Chợt có người lớn tiếng nói: “Hội trưởng Thường, tôi bằng lòng bỏ ra bảy ngàn lượng, anh hãy tặng lại tác phẩm thần kỳ này tặng cho tôi, được chứ?”
Thường Trọng Nguyên cười nói: “Tuyệt đối không được.
Mừa năm qua đồ thêu lưu truyền ra ngoài từ quán thêu Hiệt Châu này có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Đến nay mới được trông thấy hàng thêu bởi bậc thầy như vậy, lại độc chỉ có cái tấm bình phong này thôi.
Tôi có được rồi lấy ra để mọi người đánh giá, anh lại muốn chiếm lấy thì tuyệt đối không được.”
Dẫu ông ta đã nói liền hai câu “tuyệt đối không được” nhưng vẫn có người nói: “Tôi thêm năm trăm lượng nữa.”
Cứ thế giá cả liên tiếp tăng vọt, Thường Trọng Nguyên vội bảo: “Cất đi, cất đi, chỉ sợ lát nữa sẽ có người muốn ra tay cướp đấy.”
Chợt nghe Đổng Lý Châu cười nói: “Hội trưởng gượm đã, tôi bằng lòng dùng một vạn lượng xin hội trưởng bỏ thứ yêu thích ấy.
Hội trưởng nghĩ thế nào?”
Thường Trọng Nguyên khó xử nói: “Nếu đại nhân đã ra giá cao muốn mua thì sao tiểu nhân dám giấu làm của riêng?” Đoạn nói với thuộc hạ, “Gập vào rồi đưa đến phủ của đại nhân đi.”
Tất cả mọi người đều nói với Đổng Lý Châu: “Chúc mừng đại nhân có được vật báu.”
Đổng Lý Châu rất đắc ý, cạn mấy chén với mọi người, thỏa thuê mà về.
Lúc gần đi Thường Trọng Nguyên kéo Tịch Tà lại, thấp giọng nói: “Thưa công công, hôm qua tiểu nhân kiểm kê lại tơ mới mà cục Thừa Vận dâng lên một lần nữa, hàng thượng hạng thật sự có thể làm đồ cống nạp vẫn không nhiều lắm, chỉ sợ vẫn chưa đủ số lượng.”
Tịch Tà cười nói: “Ông không cần lo lắng, đến lúc thì những tơ mới thượng hạng sẽ tự nhiên xuất hiện thôi, ông chỉ cần mang những mẫu này rồi phân công xuống dưới là được.”
Thường Trọng Nguyên thấy hắn không quan tâm, chỉ đành nói: “Tiểu nhân nghe Đổng đại nhân nói công công muốn mang một nhóm thợ thêu vào kinh, không biết có việc này không?”
“Ban đầu dự tính như thế, song tôi lo cưỡng ép những thợ thêu này phải xa cách cha mẹ anh em thì cũng phải tội.
Vả, thợ cả trong cục Châm Công cũng không thiếu, tôi nghĩ chi bằng dẫn một hai thợ thêu của phường thêu Phúc Địa vào cung chỉ bảo một hai điều là được.”
“Phải phải, triều đình nhân từ, suy nghĩ thật chu đáo.”
“Ngày mai tôi phải về cung báo cáo, chuyện nơi đây còn phải nhờ vào hội trưởng.”
“Nhất định nhất định.”
Truyện chỉ được đăng tại vongnguyetlau10.wordpress.com Ngoài ra đều là nơi ăn cắp.
Tịch Tà đi ra, một mình dạo phố Hàn châu, chỉ chốc lát sau Ngô Thập Lục đã đi theo.
Hai người hiểu ý cười, không nói nhiều mà xem lướt qua trên mấy con phố phồn hoa.
Trông phía trước có một đám đông hăm hở vây quanh nhìn thứ gì đó, Tịch Tà nói: “Chúng ta cũng đi xem trò vui nào.”
Đến gần mới biết có người dán một bức thiếp thật to ở đối diện nha môn phủ châu, Ngô Thập Lục tách mọi người ra để Tịch Tà nhìn kỹ.
Bức chữ này rồng bay phượng múa, hành văn liền mạch lưu loát, nói là nha môn ty bố chính sứ của phủ châu thu sưu cao thuế nặng, cầu Trường Hồng mới xây nhưng vì tham ô trái pháp luật ăn bớt ăn xén nguyên vật liệu khiến cầu hoàn thành chưa được một năm đã sụp, nhiều dân chúng bị thương vong.
Tịch Tà thấy áng văn này không chỉ chữ nào chữ nấy đều là châu ngọc, còn nhằm trúng chỗ then chốt, tầm nhìn sâu xa thì hết sức kích động.
Ngô Thập Lục nói: “Hôm nay là đợt thi hương cuối cùng, học sinh các nơi đều ở Hàn châu.
Đã thế ít ngày trước cầu Trường Hồng sụp khiến hai anh khóa đi thi bị chết đuối.
Đám người đọc sách trăm miệng một lời, chỉ e sẽ lại gây loạn.”
Tịch Tà nói: “Áng văn này cực hay, rất có tầm nhìn.
Anh đi thăm dò xem rốt cuộc là kẻ nào làm.”
Ngô Thập Lục cười nói: “Không cần điều tra! Người có thể viết loại văn này không ít, song kẻ dám can đảm dán ở đối diện nha môn thì chỉ có một thôi.
Đó là lãng tử nổi tiếng cả Hàn châu, tên Hoắc Viêm, tự là Liệu Nguyên.
Mấy đời trước của nhà họ Hoắc đều làm quan trong triều, nói ra thì còn là thế gia vọng tộc giàu có của địa phương, ai nấy đọc sách đi lên, chỉ có anh ta từ khi hiểu chuyện đã lăn lộn ở ngõ liễu tường hoa.
Hai năm trước anh ta si mê một cô chốn lầu xanh, ngày ngày tiêu tiền như nước, suýt làm mẹ anh ta tức chết, mãi đến khi nàng kia lại bị bán đến Ly đô mới thôi đấy.
Giờ cuối cùng cũng yên lòng lại, cũng kịp kỳ thi hương năm nay.”
Tịch Tà cười nói: “Đúng là một người có chí khí hiệp nghĩa và tấm lòng nhân từ, không chừng còn hợp tính anh Thập Lục đấy.”
Ngô Thập Lục vội vàng lắc đầu bảo: “Tôi kính trọng vì anh ta là kẻ không câu nệ tiểu tiết, hào hiệp ngay thẳng, cũng đã gặp được mấy lần.
Chỉ là cả ngày anh ta đảo quanh trong son phấn, khà khà, vậy thì không dám tâng bốc đâu.”
Tịch Tà thấy chữ viết trên áng văn còn mới tinh, chắc là mới vừa viết, bèn nói: “Chẳng lẽ trưa nay Hoắc Viêm này nộp bài thi xong đi ra lại viết áng văn này rồi dán ở đây? Đúng là kẻ tài hoa, tôi rất muốn dùng anh ta.
Chỉ sợ anh ta dẫn đầu gây sự sẽ rước họa vào thân.
Mùa xuân sang năm là thi hội rồi, lúc này tuyệt đối không thể sinh thêm thị phi được.”
“Vâng, tôi sẽ lo liệu.”
Đột nhiên nghe nha dịch trong nha môn quát lên, một đội người xông ra xua đuổi bá tính vây xem.
Tịch Tà và Ngô Thập Lục không muốn gây sự nên lặng lẽ bỏ đi.
Ngày hôm sau, Tịch Tà đã dẫn Khang Kiện và Tiểu Thuận Tử về kinh.
Họ đến nha môn ty bố chính sứ chào tạm biệt Đổng Lý Châu trước.
Đổng Lý Châu vội vã nói với hắn mấy câu rồi lệnh cho đám sư gia tiễn hắn đến bến đò.
Người đi đường mang vẻ mặt hoang mang, chạy vội ra chung quanh, nhà buôn nhát gan thì vội vàng đóng mặt tiền cửa hàng.
Thấp thoáng nghe tiếng người huyên náo ở trường thi, bầu không khí bất an đang lan tràn từ nơi đó ra cả Hàn châu.
Khang Kiện kéo góc áo Tịch Tà, đưa mắt ra hiệu.
Tịch Tà khẽ xua tay, lệnh cho cậu ta không được lên tiếng rồi chắp tay nói với sư gia của ty bố chính sứ: “Đã sắp đến bến đò rồi, xin sư gia về đi thôi.
Các vị mang công vụ quan trọng trong người, bọn tôi cũng đau đáu nhớ nhà, không phiền các vị đưa tiễn nữa.”
Người của ty bố chính sứ đều biết hôm nay có kẻ kết bè kết đảng gây rối nên không tiện ở lâu, bèn nói rằng: “Thuận buồm xuôi gió.” Rồi lập tức vội vã trở về.
Khang Kiện nói: “Sư ca, chuyện này có cần tấu rõ để vạn tuế gia biết không?”
“Không được.” Tịch Tà nói, “Chúng ta chỉ tới thu mua tơ lụa, lĩnh công việc bên trong, nếu nói nhiều một câu thì sau này sẽ nhiều thêm một tội.
Quay về cứ bẩm rõ lại với hoàng thượng về chuyện của mình là được.”
Tiểu Thuận Tử xách hành lý, ngắm đúng lúc ngồi xuống con thuyền buồm trắng, mới vừa ló đầu vào trong khoang thuyền, đá cất tiếng hoan hô: “Chị Minh Châu.”
Chỉ thấy lông mày nàng thiếu nữ trong khoang thuyền đã mềm mại, sóng mắt lại trong, chính là Tống Minh Châu của quán thêu Hiệt Châu.
Tịch Tà cười hỏi: “Cô nương cũng tới đưa tiễn à?”
Minh Châu cười bảo: “Không phải.
Công công muốn dẫn thợ thêu lên kinh nhưng tay nghề của người trong phường thêu Phúc Địa đó tầm thường cỡ nào chứ? Vào cung thể nào cũng khiến người ta chê cười Hàn châu không có ai.
Tôi đã nói với Thường Trọng Nguyên rồi, muốn đi thì để tôi đi, nào đến phiên bọn họ?”
Mấy ngày nay Khang Kiện và Tiểu Thuận Tử đã đến quán thêu Hiệt Châu nhiều lần nên đã thân thuộc với Minh Châu, biết tài thêu của nàng có một không hai trong thiên hạ lại thích sự dịu dàng sảng khoái của nàng, thấy nàng muốn lên kinh thì tất nhiên là mở cờ trong bụng, luôn miệng khen phải.
Tịch Tà biết trong đó tất có nguyên nhân bèn gọi nàng ra đầu thuyền, thấp giọng hỏi: “Cô nương muốn làm gì đấy?”
Minh Châu cười nói: “Cha tôi thấy Cửu gia một mình ở chốn hiểm nguy, Khương Phóng lại có nhiều chỗ không tiện.
Mặc dầu võ công tôi không bằng Cửu gia và Khương Phóng, nhưng lại là con gái, lúc Cửu gia hết cách phân thân ở trong cung thì chắc chắn có thể giúp Cửu gia làm việc.”
“Việc này không thể để cho ông ta tự quyết định được.
Trong cung hết sức hung hiểm, nếu cô mà có bất trắc gì thì tôi biết ăn nói thế nào với cha cô? Cô lập tức rời thuyền, nói với cha cô là tôi xin nhận tấm lòng, không dám để cho cô nương mạo hiểm.”
“Cha tôi đã biết Cửu gia sẽ không cho phép nên mới bảo tôi chờ trên thuyền.
Cửu gia không cần nói với cha tôi đâu, lần này ra ngoài là do tôi tự nguyện.
Ngô Thập Lục có bản lĩnh cao cường, biết ngài không dẫn tôi đi, chắc chắn sẽ nghĩ cách để con gái của ông ta là Ngô Thái Lân trà trộn vào cung để bảo vệ Cửu gia.
Bây giờ cùng lắm Cửu gia chỉ phải hai người chọn một, chi bằng lúc này thuận tiện dẫn tôi đi đi.”
Tịch Tà bảo: “Sao tính cha cô lại giống anh Thập Lục thế? Sợ sinh lắm con gái à? Không biết ngoan ngoãn ở nhà chọn rể chờ kết thông gia mà ai nấy đều muốn đưa đi mạo hiểm giết người.”
Minh Châu nghe trong lời hắn có ý khinh mình là một cô gái, không khỏi tức giận nói: “Là con gái thì đã làm sao? Tôi thấy so với đám Ngô Thập Lục, Lý Song Thực chẳng kém cạnh gì, đàn ông bọn họ cả ngày tỏ vẻ hung thần ác sát mà vẫn chẳng phải là đối thủ của tôi.
Chính ngài cũng đâu phải là đàn ông chính hiệu gì, sao cứ lấy ánh mắt tệ hại của họ mà nhìn người!”
“Cái gì?” Tịch Tà nghe vậy tức giận đến mức run lên, giận quá hóa cười nói, “Miệng lưỡi cô đúng là sắc bén.”
Minh Châu thấy hắn đã phát cáu thì cười nói: “Cửu gia đừng nóng giận, tôi thấy Cửu gia là một nhân vật lớn nên mới đi theo Cửu gia lên kinh.
Nếu Cửu gia thấy tôi vô dụng thì hẵng khiến tôi về, không phải là xong rồi sao?”
Khang Kiện và Tiểu Thuận Tử thấy bọn họ nói ở đầu thuyền một hồi lâu, đều đã mất kiên nhẫn.
Nhất là Tiểu Thuận Tử, cậu chỉ mong Minh Châu đi cùng nên không nhịn được mà thúc giục: “Thầy ơi, người chèo thuyền lại hối kia kìa! Rốt cuộc chúng ta còn đi không ạ?”
Tịch Tà đành cười nói: “Được, được, đi mau, đi mau! Còn không lái thuyền thì e cả con gái Ngô Thập Lục cũng muốn đi theo đấy.”
Minh Châu hé miệng cười, thấp giọng nói: “Cảm ơn Cửu gia tác thành cho.”
Tịch Tà nói: “Sau này tuyết đối không được lọt ra hai chữ ‘Cửu gia’ nữa.
Nếu cô có lòng thì cứ gọi Lục gia.”
“Vâng thưa Lục gia.”
Chỉ nghe Tiểu Thuận Tử nhảy cẫng lên hoan hô, kéo tay Minh Châu hỏi han hết sức thân mật.
Khang Kiện thấy Tịch Tà lắc đầu cười khổ thì hỏi: “Sư ca than thở gì thế? Cô nương Minh Châu hiền lành lanh lẹ, dọc đường có thêm bạn đồng hành, đâu đến mức khiến sư ca khó xử như vậy.”
Tịch Tà cười nói: “Có một mình Tiểu Thuận Tử đã không được yên tĩnh rồi, có thêm Minh Châu một hỏi một đáp thì e chưa tới Ly đô đã ép anh nhảy thuyền rồi.”
Đoạn đường này lên sông Tố, dọc đường dùng người kéo thuyền nên tốn thêm ba ngày so với lúc tới.
Ở cửa khẩu Song Long vòng vào sông Ly, Ly đô đã lọt vào tầm mắt.
Sắc trời đã tối, mọi người e cửa cung khóa rồi nên không đi vội mà cửa Vọng Long để lên bờ, ở dịch quán trước.
Sớm hôm sau, sau khi lệnh cho Tiểu Thuận Tử với Minh Châu ở bên ngoài cửa cung chờ chỉ, Tịch Tà mang kiếm Tĩnh Nhân giao cho Khương Phóng cất giữ rồi mới cùng Khang Kiện tới bên ngoài cung Càn Thanh xin gặp để báo cáo.
Sau khi nghe ngóng mới biết được hôm nay hoàng đế không có buổi chầu sớm, đã qua cung Từ Ninh thăm hỏi.
Hai người đều nói vừa hay rồi lại vội tới cung Từ Ninh.
Thái hậu và hoàng đế nghe thấy họ tấu lại thì đều rất đỗi hài lòng, xem lụa Tiểu Hàn thắng trong cuộc thi lần này do Tịch Tà mang về xong, thái hậu bèn nói: “Trong vài chục năm nay, thủ công mỹ nghệ của Hàn châu đã có tiến bộ rất lớn đấy, các ngươi làm rất khá.”
Tịch Tà thưa: “Lần này đến Hàn châu, chúng nô tỳ có một thu hoạch bất ngờ.
Thì ra đồ thêu ở Hàn châu không hề tầm thường.
Lần này nô tỳ tự quyết định mang về một thợ thêu.
Đồ thêu của cô gái này quả thật có thể coi là ‘người có một không hai trong nước’ đấy ạ.”
Thái hậu cười bảo: “Trong cục Châm Công các ngươi cũng có thợ thủ công già dặn hơn ba mươi năm rồi, ngươi thấy cũng không bằng cô ta à?”
Khang Kiện nói: “Nô tỳ từng thấy hàng thêu của cô ấy, quả thật xứng với hai chữ ‘thợ trời’.
Mười lăm tháng Tám lần trước bố chính sứ Đổng Lý Châu của Hàn châu mở tiệc rượu, trong bữa tiệc có người mang một tấm bình phong chín cánh của cô ấy ra, ra giá đã sáu ngàn lượng rồi.”
Hoàng đế cười hỏi: “Cái gì? Sáu ngàn lượng?”
“Vâng, mọi người trong tiệc đua nhau yết giá tranh mua, nếu không có Đổng Lý Châu ra giá một vạn lượng mua trước thì chỉ sợ cuối cùng không biết phải lấy giá nào để mua.”
Hoàng đế đột nhiên biến sắc bảo: “Đổng Lý Châu lấy đâu ra số bạc này mà dễ dàng tiêu một vạn lượng mua một tấm bình phong như thế?”
Khang Kiện biết mình đã lắm lời, vội thưa: “Nô tỳ không biết việc ấy.”
Thái hậu nói: “Đã vậy thì ta phải gặp cô nương này.”
Tức thì có người truyền chỉ ra ngoài cửa cung gọi Minh Châu.
Minh Châu tới điện cung Từ Ninh, miệng xưng dân nữ rồi dập đầu hành lễ.
Thái hậu thấy nàng thanh tú thì nói với Hồng Tư Ngôn: “Cô nhìn cô nương này xem có giống phong cách của Đoàn Thời phi ngày trước không.”
Hồng Tư Ngôn nói: “Đúng ạ, nô tỳ cũng thấy không giống người Trung Nguyên.”
Minh Châu bẩm: “Thái hậu quả là nhìn rõ mọi việc.
Dân nữ có cha là người Đại Lý, hai mươi năm trước chuyển nhà đến Hàn châu.
Minh Châu hơn một tuổi đã đến Trung Nguyên định cư, không còn nhớ chuyện của Đại Lý nữa rồi.”
Thái hậu nói: “Thảo nào, công chúa Đại Lý đến cung trong Trung Nguyên trước kia cũng khéo tay, giỏi việc nữ công như thế.
Nghe nói một món hàng thêu của ngươi đáng giá ngàn vàng, có việc này chăng?”
“Dân nữ chẳng qua chỉ tốn thêm chút công sức, may được bà con Hàn châu cổ vũ, sao dám xưng là một món ngàn vàng?”
Thái hậu quay đầu lại hỏi Tịch Tà: “Không biết cô nương Minh Châu này có mang đồ thêu vào cung không? Ta muốn xem thử.”
Tịch Tà cười nói: “Chỗ nô tỳ thì không có nhưng có lẽ bản thân Minh Châu có mang theo vài thứ.”
“Đúng ạ.” Minh Châu nói, “Dân nữ vội thêu một món, vốn muốn dâng lên cho thái hậu, chỉ sợ không hợp quy củ trong cung nên không dám lấy ra.
Nếu thái hậu đã hỏi đến thì mời thái hậu đánh giá.” Nói đoạn nhận lấy bọc đồ của mình từ trong tay Tiểu Thuận Tử, mở một bộ xiêm la trăm chin chầu phượng ra.
Trên điện bỗng như trong cảnh xuân nhẹ nhàng, hương hoa tỏa ra khắp nơi, như có trăm con chim líu lo bên tai, phượng vàng sáng trong lượn quanh xà nhà.
Thái hậu hít vào một hơi và nói: “Thật tuyệt diệu!” Rồi vội vàng rời chỗ tới gần quan sát, lập tức có bốn cung nữ tới giơ xiêm la ra hộ.
Tịch Tà nói: “Nô tỳ chưa từng thấy chiếc xiêm la này, nay cũng phải nghẹn họng nhìn trân trân.”
Hồng Tư Ngôn cười bảo: “Nếu thái hậu thích thì cứ mặc thử vào trước đã.”
Minh Châu hầu thái hậu khoác lên, mặc lên người bộc lộ hết mỗi một bông hoa một nhánh cỏ, mỗi một sợi lông một cái cánh, phượng vàng quấn thân, trăm chim lượn quanh lưng, hoa lệ xán lạn, ung dung khôn kể.
Thái hậu đưa tay nhấc ống tay áo lên nhìn kỹ hoa văn trên tay áo, chỉ thấy lông nhụy hoa đều được làm cẩn thận đến từng phân từng hào, hai mắt của lũ chim đều đen nhánh sáng ngời tựa như thấm đẫm vẻ xuân.
Bà bước chậm tới trước gương, giơ cánh tay ra chậm rãi xoay người, chim bay hoa nở này dường như vờn bay theo gió, múa lượn khắp phòng theo thân mình, càng bật lên dung mạo đẹp đẽ, dáng người tuyệt vời của bà, mặc dù tuổi đã quá tứ tuần vẫn có thể khen ngoại hình nghiêng nước nghiêng thành.
Thái hậu nhìn người trong gương, chợt thở dài, nói: “Nếu ngày ấy mà mặc quần áo như vậy rồi cùng anh Mai múa một khúc chia tay thì thế nào đây?” Bà xoay người lại cười bảo, “Ắt hẳn hoàng đế sẽ cảm thấy mẫu hậu người lớn tuổi rồi mà vẫn như trẻ con thấy quần áo mới thì càng không có triển vọng.”
Hoàng đế cũng làn lần đầu trông thấy thợ trời, kinh ngạc đến mức hoa mắt mê man, chỉ nói: “Không dám ạ.” Khiến thái hậu và Hồng Tư Ngôn đều cười rộ lên.
Thái hậu bảo Minh Châu: “Ngươi tới để làm đồ cưới cho công chúa, trong nhà còn có cha mẹ anh em nên không ai dám giữ ngươi cả đời, chỉ mong ngươi dạy bảo đám vụng về ở cục Châm Công kia để mắt ta đỡ phải trông thấy mấy thứ dung tục là đã tốt lắm rồi.”
Hoàng đế cười nói: “Lời ấy của thái hậu cũng mắng rốt cả Tịch Tà rồi, sớm biết tự rước lấy nhục thì cần gì mang Minh Châu vào cung?”
Thái hậu nói: “Nó là đứa trẻ