Lại nói, hai đấu thủ sắp giải quyết trận đấu đã quá kéo dài bằng một chiêu thức tối hậu. Cả hai thủ thế nhìn nhau, cùng thi thố định lực. Dưới dài, quần hào cũng ngưng thần theo dõi.
Không gian chợt yên ắng như tờ.
Nửa khắc sau …
Chợt một trận gió quét ngang qua võ đài, cờ xí tung bay phần phật phá vỡ bầu không khí yên tĩnh. Nhân cơ hội đó, Hắc y đại hán động thân, thi triển tuyệt chiêu “Phong Vũ Trùng Trùng”, đao quang xanh màu thép, đao ảnh trùng điệp như mưa giăng gió cuốn, bao phủ đấu trường.
Lão đạo cũng lao đi, bốc chếch lên cao rồi thẳng cánh quật chuông xuống trái cầu đao ảnh. Quả chuông đã rất trầm trọng, lại thêm lão đạo dùng toàn lực quật xuống khiến lực đạo nặng nghìn cân. Hai nhân ảnh, hai đạo kình lao vào nhau với một tốc độ kinh hồn. Toàn trường ngưng thần theo dõi.
Hai món vũ khí chạm nhau tạo nên những âm thanh chát chúa vang rền, nhưng không kéo dài, vì chiêu thức đánh ra với tốc độ kinh hồn. Sau đó, một đạo ngân quang bắn ra và hai đấu thủ phân khai.
Lúc ấy, mọi người mới nhìn rõ thanh quái đao trong tay Hắc y đại hán đã bay mất. Nhưng lão đạo cũng chẳng khá hơn. Đạo bào rách toang vì nhát đao vắt chéo từ vai đến hông. Vết thương không nặng nhưng đã rỉ máu.
Lão đạo đã tính toán không sai. Kim chung đã phát huy diệu dụng, do trọng lượng dồn cả xuống dưới, nên lực đạo mãnh liệt tựa chẻ núi, đánh bạt quái đao. Nhưng lão chưa tính đến sự ảo diệu của đao pháp, nên đã bị đao kình quét trúng mà thọ thương, dù không nặng nhưng cũng làm mất thân phận cao nhân.
Đến lúc ấy, quần hào mới nổi lên những tiếng hoan hô nhiệt liệt. Đao kình của Hắc y đại hán thật lợi hại, mà cách ứng biến của lão đạo cũng thật tuyệt diệu. Sau trận đấu này, nhiều người đã thức ngộ rằng, muốn chống lại đao pháp xưa nay vốn nổi tiếng cường mãnh, thần tốc thì nên sử dụng những loại vũ khí thật trầm trọng. Vũ khí càng nặng thì lại càng có hiệu quả.
Sau một lúc, viên chấp sự lại nhảy lên đài, trên tay cầm thanh quái đao của Hắc y đại hán, trao lại cho y, rồi tươi cười nói :
- Theo ý công tử gia, trận đấu này nên xử hòa, chẳng hiểu ý nhị vị thế nào ?
Hắc y đại hán chụp lấy thanh đao, gằn giọng nói :
- Hòa thì hòa.
Nói đoạn, y động thân lao đi mất hút. Lão đạo cười nhạt, sau khi điểm huyệt chỉ huyết liền cùng viên quản sự đi đến trung tâm khu nhà rạp, đến trước Nghiêm Phi Long vòng tay vái chào, nói :
- Bần đạo là Kim Chung Tử, Cửu Trùng Giáo Hộ pháp, xin bái kiến công tử.
Nghiêm Phi Long tươi cười nói :
- Đạo trưởng không nên quá đa lễ.
Viên chấp sự nói :
- Hồi bẩm công tử. Kim Chung đạo trưởng có việc muốn bẩm báo với công tử nên muốn xin cầu kiến đấy ạ.
Nghiêm Phi Long nói :
- Nơi này không phải là chỗ nói chuyện. Đạo trưởng cứ về nghỉ ngơi trước. Tối nay khoảng giờ Dậu đến hội sở của Vũ Hương Viện gặp ta.
Kim Chung Tử vâng dạ, cáo lui. Nghiêm Phi Long cũng truyền hồi giá. Vương lão hộ tống chàng lên xe, trở về thành. Còn viên chấp sự ở lại giải quyết những việc còn lại của trận tỷ võ vừa qua.
Vào thành rồi, Nghiêm Phi Long không đến ngay hội sở của Vũ Hương Viện mà bảo dừng xe ở Hán Thủy đệ nhất lữ điếm, chàng và Thành Thế Kiệt nghỉ ngơi ở đó. Vương lão không mời được chàng đến hội sở, đành để xe lại, và dặn dò đám hoàng y kỵ sĩ bảo vệ chàng thật chu đáo.
Sau khi rửa mặt, thay y phục, đương nhiên là đến lúc ăn trưa. Lão chưởng quầy là người mau mắn nên đã cho dọn lên ngay một bữa ăn thịnh soạn. Nghiêm Phi Long vẫn tươi cười chuyện vãn, chẳng hề đả động gì đến những việc đã xảy ra ở Diễn võ trường. Giữa bữa ăn, Thành Thế Kiệt liền thử thăm dò :
- Trận tỷ đấu hồi nãy, công tử thấy sao ?
Nghiêm Phi Long khẽ cười :
- Thấy sao là sao ?
Thành Thế Kiệt hỏi :
- Giữa hai đấu thủ, công tử thấy ai hơn ai kém ?
Nghiêm Phi Long mỉm cười :
- Chẳng phải đã tuyên bố trận đấu hòa rồi sao ?
Thành Thế Kiệt nói :
- Nhưng tại hạ nhận thấy võ công của Kim Chung đạo trưởng cao siêu hơn gã hán tử áo đen kia. Nếu trận đấu diễn ra đến cùng, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về Kim Chung đạo trưởng.
Nghiêm Phi Long khẽ cười, nói :
- Kết quả hòa chẳng phải sẽ làm tất cả mọi người đều vui vẻ sao ?
Thành Thế Kiệt nói :
- Nói chuyện với công tử sao mà … tức quá.
Nghiêm Phi Long cười nói :
- Người võ lâm có khác, gặp những chuyện liên quan đến võ công thì cứ y như là nói đến mấy ngày cũng không hết chuyện. Chỉ tiếc là tiểu sinh lại không mấy hứng thú đối với chuyện võ lâm. Chúng ta hãy cứ bình văn luận phú như mấy hôm trước chẳng phải hay hơn sao.
Không sao được, Thành Thế Kiệt đành nói sang chuyện khác :
- Hôm nay đi xem đấu võ kể ra cũng có nhiều ích lợi đấy chứ.
Nghiêm Phi Long ngạc nhiên hỏi :
- Ích lợi gì thế ? Tiểu sinh chỉ thấy phí thời gian và công sức mà thôi.
Thành Thế Kiệt nhìn chàng, rồi nói :
- Đao đồng nghĩa với bá đạo. Xưa nay các cao thủ sử đao đều xuất chiêu với tốc độ kinh hồn, đao thế đánh ra như mưa tuôn chớp giật, cương mãnh cuồng bạo vô cùng, rất khó giải phá. Qua trận đấu hôm nay, tại hạ mới thấy rằng chẳng cần phải suy nghĩ cao xa, cứ dùng những thứ vũ khí hạng nặng quật bừa vào đao ảnh là có thể phá được đao kình. Thật đơn giản vô cùng.
Nghiêm Phi Long cười nói :
- Đó cũng là cách hay, nhưng lại không ổn. Đâu phải bất cứ ai cũng có mang theo người những thứ nặng nề. Trong lúc cấp bách lấy đâu mà dùng. Thôi thì cứ lấy đá mà ném sẽ càng đơn giản hơn.
Thành Thế Kiệt phì cười, lắc đầu. Cao thủ tỷ đấu mà lấy đá ném thì còn thể thống gì nữa, dù có thắng cũng chẳng lấy làm vinh, mà thất bại thì lại càng thêm nhục. Hồi lâu, y mới lại nói tiếp :
- Công tử không biết võ công mà đi ra ngoài một mình như thế này không sợ nguy hiểm hay sao ?
Nghiêm Phi Long khẽ cười :
- Thiên hạ thái bình. Có chi nguy hiểm.
Thành Thế Kiệt ngớ người nhìn chàng, hồi lâu mới nói :
- Công tử nói cứ như là người mới từ trên trời rơi xuống ấy.
Nghiêm Phi Long chỉ khẽ cười cười. Thành Thế Kiệt lại nói :
- Không kể đến bọn cường đạo, nếu lỡ như gặp phải bọn người thuộc phe Hắc đạo, bị chúng làm khó dễ, công tử tính sao ?
Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :
- Nào riêng gì phe Hắc đạo, bọn người Bạch đạo cũng chẳng có mấy kẻ tử tế. Trước đây tiểu sinh cũng đã có đôi lần gặp phải chuyện phiền phức rồi đấy.
Thành Thế Kiệt vội hỏi :
- Thế công tử dùng cách gì để thoát thân ?
Nghiêm Phi Long mỉm cười :
- Tiểu sinh có mấy tuyệt chiêu hộ thân rất hữu dụng.
Thành Thế Kiệt ngạc nhiên hỏi :
- Tuyệt chiêu gì ? Công tử cũng biết tuyệt chiêu nữa ư ?
Thấy đã ăn no, mà Thành Thế Kiệt cũng chẳng ăn uống gì nữa, Nghiêm Phi Long liền gọi tiểu nhị đến dọn dẹp và mang trà bánh lên. Chờ đến khi Thành Thế Kiệt nôn nóng mấy lần thúc giục, chàng mới thủng thẳng nói :
- Gặp người thuộc phe Hắc đạo thì chịu khó hạ mình năn nỉ cầu xin, còn như nếu gặp bọn người Bạch đạo thì thêm vài câu khích tướng nữa, rồi thì bọn họ cũng thương tình mà tha cho đi thôi. Còn nếu không may gặp phải bọn tiểu nhân, năn nỉ không xong, thì đành dùng sách lược cuối cùng : dĩ đào vi thượng. Con tuấn mã của tiểu sinh rất thích hợp cho trường hợp này đấy.
Thành Thế Kiệt không nhịn được, bật cười ha hả. Y vừa cười vừa nói :
- Công tử thứ lỗi. Tại hạ quả không nén được.
Nghiêm Phi Long cũng mỉm cười. Không khí càng trở nên vui vẻ. Hồi lâu, Thành Thế Kiệt mới lại nói :
- Chúng ta đồng hành bấy lâu, cũng có thể kể là bằng hữu. Tại hạ có một thắc mắc, không biết có nên nói ra hay không ?
Nghiêm Phi Long khẽ cười :
- Thiếu hiệp cứ nói.
Thành Thế Kiệt nói :
- Thật ra công tử lai lịch thế nào ? Tại hạ xem những người thuộc Thái Chính Cung, và kể cả lão đạo hộ pháp Cửu Trùng Giáo đều rất kính trọng công tử. Vậy nên công tử phải có một lai lịch phi thường.
Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :
- Tiểu sinh nào có là gì. Không phải bọn họ tôn kính tiểu sinh đâu.
Thành Thế Kiệt ngạc nhiên :
- Thế sao … ?
Nghiêm Phi Long khẽ thở dài, nói với giọng buồn buồn :
- Tiểu sinh mồ côi từ nhỏ, may nhờ nghĩa phụ nhận về nuôi dưỡng, rồi sau được gia sư thu nhận. Gia sư không có con cháu nên đã nhận tiểu sinh làm người kế nghiệp. Mà gia sư là người có thân phận, địa vị đặc biệt. Bọn họ tôn kính tiểu sinh thật ra là tôn kính gia sư đấy thôi.
Thành Thế Kiệt hỏi :
- Lệnh sư tôn hiệu là gì ?
Nghiêm Phi Long lắc đầu nói :
- Gia sư không phải là người võ lâm, dù cho có nói ra e rằng thiếu hiệp cũng không biết đâu.
Giữa lúc đó thì có một viên lãnh binh mang thư hàm của Tuần Giang Đô Đốc Trần Vũ mời Nghiêm Phi Long đến Hán Khẩu thủy trại hội kiến. Không tiện từ chối, chàng đành từ biệt Thành Thế Kiệt, căn dặn bọn người khách điếm hầu hạ y thật chu đáo rồi mới lên xe đi đến thủy trại.
Đến nơi rồi mới biết thật ra cũng chẳng có chuyện gì quan trọng. Chỉ vì chàng ghé qua đây, theo lễ thì vị Trần tướng quân kia phải tiếp đón chàng cho trọn tình địa chủ, vì thế nên mới bày tiệc, mời chàng đến dự.
Trong tiệc, song phương chỉ khách sáo, chuyện vãn rồi thì cũng hết buổi chiều, chàng từ biệt Trần tướng quân, đến hội sở của Vũ Hương Viện để tiếp kiến lão đạo Hộ pháp Cửu Trùng Giáo. Sau đó là đến công việc ở Vũ Hương Viện, mãi cho đến gần nửa đêm chàng mới trở về khách điếm.
Sáng hôm sau, chàng cùng Thành Thế Kiệt lại tiếp tục lên đường. Đương nhiên cũng như mấy hôm trước, chỉ có hai người cưỡi ngựa du hành. Nhưng giờ đây, họ Thành đối với chàng còn có thêm đôi phần kính trọng.
Hai người vượt Hán Thủy, đi thêm một đoạn nữa thì hết địa phận tỉnh Hồ Bắc mà đặt chân lên phần đất Hà Nam.
Hà Nam