Mùa xuân năm 2004.
Tiết mục thứ 3 của lễ cưới là biểu diễn pi-a-nô. Ngồi trước cây đàn là hai cậu bé sinh đôi, chừng 7-8 tuổi. Một trong hai cậu mặc bộ comple đỏ thẫm rất sặc sỡ vui tươi, chắc là nhằm để dễ phân biệt. Còn cậu kia thì mặc bộ lễ phục màu đen rất trang trọng.
Tiếng nhạc tràn ngập cả sảnh đường buổi lễ, đầu tiên là bài “Hãy vén tấm khăn che mặt em” cải biên từ dân ca Tân Cương, sau đó là bài “Phượng Hoàng bay đi” có từ những năm 40.
Diệp Hinh hơi nhíu mày. Vì đã lọc làu làu mấy cuốn sách mà bà Uông Lan San để lại cho, nên Hinh biết bài Phượng Hoàng bay đi có xuất xứ từ một bộ phim cùng tên, hồi đó Chu Tuyên đã hát bài này rất nổi tiếng. Đây là bài hát diễn tả lúc hụt hẫng, trong ca từ có câu “chỉ còn lại một chuỗi hồi ức”, vậy thì đầu đề bài hát là thoả đáng. Nhưng nội dung bài hát thì hoàn toàn không thích hợp với khung cảnh lúc này, chắc là vì người chủ trì đã không thật thuộc chi tiết sự kiện. Sảnh và Vân Côn yêu nhau cả chục năm, nay mới kết hôn, sao có thế “chỉ còn lại một chuỗi hồi ức”? Chính trạng thái tình cảm của Hinh mới thật là “chỉ còn lại một chuỗi hồi ức” thì có, mười năm trời Hinh vẫn chưa quên.
Bài tiếp theo lại càng làm cho Hinh xốn xang.
“Bản giao hưởng ánh trăng” của Bettoven. Nghe nói đây là tác phẩm thể hiện tình yêu trìu mến của Bethoven, rất thích hợp với không khí này, nhưng Hinh bất giác thở dài vì vấn vương câu chuyện của mười năm về trước. Anh ấy đã trừ bỏ cho cô khối u, nhưng rồi hoàn toàn biệt tăm.
Lúc này anh đang ở đâu?
Đã chơi xong bản nhạc, cả hai cậu bé cùng đứng lên cúi chào. Các vị khách vỗ tay nồng nhiệt, tấm tắc khen ngợi hai cậu bé có khả năng diễn tấu tuyệt vời.
“Anh xin giới thiệu…” Chú rể Chương Vân Côn giới thiệu với Hinh một vị trung niên cũng đeo kính cận nặng như anh. “Đây là giáo sư Nghiêm Viêm – cha của hai nhạc công tí hon – công tác tại trung tâm vật lý đại học khoa học kỹ thuật Giang Kinh, là bạn thân của anh. Năm xưa anh Viêm đã dùng thiết bị âm học giúp chúng ta phân tích cuốn băng cat-xét, chứng minh rằng âm thanh mà Hinh nghe thấy không phải là hoang tưởng. Hôm nay mọi người hãy làm quen với nhau đi!”
Sảnh đứng bên canh, trách anh “Kìa anh! Sao hôm nay lại nhắc đến chuyện cũ ấy!”
Hinh cười: “Có sao đâu! Em xin chúc mừng giáo sư Viêm có hai cậu con trai rất xuất sắc!” Hinh lập tức nhớ đến cuốn băng ghi âm mà Sảnh vừa nhắc đến. Trước khi ra nước ngoài, Hinh đã xin lại rồi đem theo. Mấy năm trước Hinh đã nhờ một phòng thí nghiệm phân tích âm thanh trong băng. Điều kỳ lạ là, vài lần phân tích đều không thấy trong băng có thứ sóng âm nào khác thường. Nó cũng biến mất
giống như bao năm qua cô không còn ảo giác, không gặp lại Tiêu Nhiên nữa.
Nghiêm Viêm tươi cười: “Cô quá khen rồi! Những năm qua cô Hinh vẫn ở nướcngoài phát triển thành công phải không?”
Du Thư Lượng từ nãy vẫn im lặng, bây giờ mới nói: “Diệp Hinh sang Mỹ, vừa làm một bác sĩ vừa nghiên cứu khoa học. Hinh đã trở thành một chuyên gia não khoa khá là xuất sắc. Tôi đang khuyên tiến sĩ Hinh hãy “hải quy” đi”. (Chú giải: Hải quy- chỉ kiều bào ở xa trở về nước). Hiện nay Lượng đang là bác sĩ điều trị chính của bệnh viện tâm thần.
Sảnh cười: “Nên nói là “Diệp quy nhân” mới đúng chứ!” (Diệp quy nhân: nói dí dỏm. Họ Diệp = lá, lá rụng về cội = về quê hương. Ý nói Hinh hãy trở về với người thương).
Hinh nói: “Mình đang suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này, mình đang liên hệ chặt chẽ với Đại Học Y Giang Kinh”.
Bà mẹ của hai cậu bé sinh đôi dắt hai cậu đến, im lặng đứng nhìn mọi người.
Hinh cúi người nhìn và cười: “Hai cháu chơi đàn rất tuyệt!” Nhưng nụ cười của Hinh bỗng ngưng lại.
Hai cậu bé mảnh khảnh và hơi xanh xao, tuy trông rất giống nhau nhưng ánh mắt thì khác hẳn, một cậu đầy nhiệt tình sôi nổi, một cậu thì lạnh lùng nghiêm nghị.
“Cả hai ánh mắt này hình như mình đều đã từng gặp”.
Hai cậu bé nhìn nhau, rồi cùng mỉm cười: “Cháu chào cô!”
Hinh thấy mình ứng xử có phần bất ổn, cô cười lại và chào hai cậu bé. Thấy bà Lương Chỉ Quân bước đến trò chuyện, Hinh bèn lui ra chỗ khác.
Bữa tiệc cưới đã kết thúc, Lượng chào tạm biệt đôi vợ chồng mới, rồi anh nằng nặc đòi tiễn Diệp Hinh về khách sạn. Hinh biết Lượng rất chân thành, không nỡ từ chối, nên bằng lòng để anh ra gọi taxi.
Lúc Hinh đang chờ ở cửa nhà khách, thì phía sau cô có tiếng khẽ gọi: “Cô ơi!”
Hinh chợt thấy lành lạnh, cô quay lại nhìn. Chính là cậu bé mặc bộ trang phục màu đỏ, một trong hai anh em sinh đôi, con của Nghiêm Viêm.
“Chào cháu!” Hinh mỉm cười.
“Cô để quên cái này ạ!” Cậu bé giơ bàn tay phải đang cầm một chiếc lược có phần lưng rộng, nó cũng có thể dùng làm cặp tóc. Lưng cái lược có đến vài chục hạt đá quý màu đỏ và màu đen, đang lấp lánh dưới ánh đèn nê-ông chốn thị thành.
“Cháu…” Hinh bỗng không biết nên hỏi như thế nào.
Hinh còn nhìn thấy trên mu bàn tay nhỏ nhắn đang giơ ra của cậu bé có dấu ấn mờ mờ của hai hàm răng.
HẾT