Dạo này Nam Ngọc phải chôn chân ở Tư Phàm Kiều đến phát điên.
Vốn chàng đã lên kế hoạch xong xuôi. Làm phiền Chử Chi Minh thêm ba tháng, chàng đi tìm cách gì đó có thể nhịn thở dưới nước trong thời gian dài. Dù sao đối với thần tiên, ba tháng chẳng qua chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn. Đợi mọi người bắt xong con yêu thú cuối cùng, kẻ lên tiên, người giải tán, Trần Hoa thượng tiên chàng đây cuối cùng cũng sẽ được yên. Đến lúc đó, chàng sẽ quay về với chức trách của mình, năm tháng mênh mông của Cửu Thiên, không lo không có cơ hội báo đáp bạn tốt.
Thế mà còn chưa tìm được cách thì bên đằng Chử Chi Minh đã xảy ra chuyện.
Chuyện này kể ra thì đúng là hài cười ra nước mắt với chúng tiên ở Cửu Thiên Tiên Giới.
Hai vị thượng tiên vốn có oán hận chất chồng bền gan vững chí đấu đá nhau suốt mấy trăm năm, cuối cùng, gần đây, một trong hai vị đã nắm giữ được chứng cứ làm xằng làm bậy của vị còn lại, còn là bằng chứng thép không thể lật đổ, đem nó cáo trạng lên Thiên Đế. Thiên Đế vốn không muốn can thiệp vào ân oán cá nhân nhưng chứng cứ rõ rành rành không thể chối cãi, lập tức y theo luật pháp của Cửu Thiên, ban hình phạt Vong Uyên.
Kẻ vào Vong Uyên, bất kể là người, yêu, tiên, vật, đều có vào không có ra, nghĩa là mãi mãi không siêu sinh. Vị thượng tiên bị cáo trạng tất nhiên là phải làm pha giãy dụa vào phút chót. Tội danh của bản thân không thể phủi sạch, vậy thì không phủi làm gì, nộp luôn lên trên chứng cớ phạm lỗi của vị thượng tiên kia mình dày công sưu tầm được suốt mấy trăm năm qua.
Hóa ra cả hai vị tiên hữu đều không sạch sẽ gì.
Thiên Đế giận dữ, chỉ bực một nỗi không thể tống luôn vị còn lại vào Vong Uyên, bởi tội phải phân nặng nhẹ, tội của vị bị phản đòn kia chưa đủ nặng để phải vào Vong Uyên. Thiên Đế làm theo luật, ban án phạt lồng băng-biếm trích. Lồng băng và biếm trích là hai hình phạt riêng rẽ. Nghĩa là trước tiên bị phạt vào lồng băng chịu lạnh trăm năm, rửa sạch tội lỗi, sau mới đầu thai chuyển kiếp. Còn sau khi chuyển kiếp, là phú quý hay nghèo hèn, cuộc đời thuận lợi hay sóng gió, có duyên thành tiên hay đời đời luân hồi, thì trông cả vào bàn tay của tạo hóa.
Chó cắn chó, chết cả nút.
Nam Ngọc vốn không muốn dùng từ thô thiển như thế để nói về các “cựu tiên hữu”, có điều chuyện hai vị đấy làm thật sự là…
Hình phạt Vong Uyên thi hành trước, hình phạt lồng băng thi hành sau, cho nên vị thượng tiên bị phản đòn có cơ hội đưa tiễn cố nhân. Vị đó xin với Thiên Đế cho được có cơ hội “tiễn người xưa”, nghe nói lúc cầu xin, nước mắt giàn giụa, như thể chỉ sau một đêm, ân oán đã tiêu tan hết, chỉ còn vương lại tình xưa nghĩa cũ.
Thiên Đế nhân từ, đồng ý cho vị này đi tiễn.
Đến ngày vào Vong Uyên, hai người bị áp giải tới bờ Vong Uyên, Chử Chi Minh là người chịu trách nhiệm giám sát thi hành án. Lúc ấy, Nam Ngọc đang ngồi ngay ngắn ở Tư Phàm Kiều, chỉ cần phóng mắt nhìn là thấy ngay Vong Uyên.
Vào Vong Uyên là hình phạt nặng nhất của Cửu Thiên, phần lớn những kẻ nhận hình phạt này là yêu hoặc ngược gây ra tội nghiệt rất nặng cho thế gian, tuy nhiên sau đại chiến vây diệt thì thế gian đã yên ổn, thỉnh thoảng lắm mới nảy ra một kẻ cùng hung cực ác. Đây cũng là lý do vì sao Chử Chi Minh làm Uyên Hoa thượng tiên lại nhàn nhã quanh năm như vậy.0
Ác nhân, ác yêu còn hiếm có, nói gì đến ác tiên. Cho dù là trước đại chiến vây diệt thì tiên nhân phạm tội tới mức phải vào Vong Uyên cũng cực kỳ hiếm hoi. Bởi vậy nên lần thi hành án này thu hút đông đảo chúng tiên tới quan khán. Có kẻ bùi ngùi, có kẻ thở dài, có kẻ sợ hãi, có kẻ xem trò vui.
Sát thời điểm thi hành án, bờ Trần Thủy nhung nhúc người lặng ngắt như tờ.
Vị thượng tiên được đặc cách cho đi tiễn kề vào tai “cố nhân” thì thầm nói đôi “lời tiễn dặn”. Vị ấy nói gì, chỉ có vị ấy và đối phương biết. Song, vị được tiễn đưa rõ ràng không cảm kích.
Bản thân mãi mãi không được siêu sinh còn đối phương lại chỉ bị lồng băng – biếm trích, ai thắng ai thua đã rõ mười mươi.
Hơn nữa, Nam Ngọc cho rằng, chưa chắc vị khóc lóc cầu xin được đi tiễn tiên hữu kia đã thật lòng muốn tiễn đưa cố nhân. Làm sao biết được lời vị đó thì thầm chắc chắn là bịn rịn không nỡ chia xa? Chưa biết chừng lại là những lời hả hê của kẻ thắng, chữ nào chữ nấy đâm thẳng vào tim.
Điều bất ngờ xảy ra vào đúng lúc này.
Sau khi nghe xong lời thì thầm, vị thượng tiên nọ không để cho “kẻ thù” được ung dung lùi về xem mình thi hành án mà túm ngay lấy đối phương, trước ánh mắt kinh ngạc của chúng tiên hữu, kéo đối phương cùng rơi vào Vong Uyên.
Từ kéo đến rơi đều diễn ra rất nhanh, chỉ trong chẳng đầy một chớp mắt. Lúc Chử Chi Minh muốn làm gì đó cản lại thì đến bọt nước bắn tung tóe lên cũng đã chẳng còn dấu vết nữa.
Lặng như chết.
Bất kể là mặt sông Trần Thủy hay là bên bờ Trần Thủy.
Vào Vong Uyên, chẳng ai cứu nổi, Thiên Đế cũng phải chịu. Cuối cùng, Chử Chi Minh, vì tội giám sát thi hành án để xảy ra sai sót, bị phạt cấm túc kiểm điểm một trăm ngày.
Lúc nghe được kết quả này, trái tim thấp thỏm hồi lâu của Nam Ngọc cuối cùng cũng yên lòng.
Chúng tiên hữu quan khán hôm đó bàn kín với nhau, cho rằng hình phạt này quá nhẹ: tiên hữu tàn sát lẫn nhau, cùng nhảy vào Vong Uyên. Cả trăm năm Cửu Thiên Tiên Giới cũng chưa chắc đã có một chuyện tai tiếng như vậy. Đem ra luận tội thì ắt Chử Chi Minh phải đứng mũi chịu sào.
Song, Nam Ngọc có phần hiểu được tâm tư của Thiên Đế.
Chuyện “đưa tiễn” ấy là Thiên Đế cho phép, hễ mà cân nhắc nhiều thêm một chút thì có lẽ đã tránh được chuyện này xảy ra. Thiên Đế phạt nhẹ Chử Chi Minh nghĩa là cũng đang rộng lượng với chính mình.
Và thế là, trong khoảng thời gian Chử Chi Minh bị cấm túc, Vong Uyên được một vị thượng tiên khác tạm thời coi giữ.
Vấn đề là Vong Uyên thực sự rất chán, ấy cho nên hằng ngày, chuyện vị thượng tiên kia thường làm nhất chính là đứng xa xa nhìn chàng, thỉnh thoảng còn hỏi thăm mấy câu: Phong cảnh trên Tư Phàm Kiều thế nào?
Nam Ngọc có cảm tưởng không phải đối phương đến đây canh Vong Uyên mà là đến canh chàng.
Không biết phải gọi là chuyện tốt hay chuyện xấu nhưng lúc này, nhóm người đi theo Trần Thủy tiên duyên đồ kia cũng đang gặp một vài rắc rối.
Từ Di Châu đến Doanh Châu, đường xa vạn dặm, dọc đường có vô số yêu lớn yêu bé, nhất là yêu quái ở đường thủy, quanh năm toàn gặp thương nhân, phu thuyền, hiếm khi thấy người tu hành, chớ nói gì hiện giờ Đàm Vân Sơn còn có chút tiên khí, nửa người nửa tiên. Hút tinh khí của chàng lúc này vừa không động chạm tới Cửu Thiên Tiên Giới lại vừa có thể tăng tu vi, giảm yêu khí. Vậy là, cả chặng đường thủy về sau, không có ngày nào là thái bình.
May là bốn người cũng không phải hạng dễ chơi. Gặp yêu hàng yêu, gặp ma trừ ma, cuối cùng cũng đến được bờ Đông Hải.
Chỉ có điều, lộ trình ba tháng, vì gặp trắc trở mà phải đi hết gần bốn tháng.
Chuyện này thành thử lại cho Nam Ngọc có thêm thời gian.
Đủ một trăm ngày, vị tiên hữu trực thay đi, Chử Chi Minh về, cuối cùng chàng cũng có thể tranh thủ trước khi bốn người bên dưới đến Đông Hải, kịp tới Canh Thần Cung “xin kinh nghiệm”.
Doanh Thiên náu mình ở tận cùng Đông Hải, bên dưới Doanh Châu. Muốn bắt nó, ắt phải xuống nước. Tuy nhiên, xuống Đông Hải không phải chuyện dễ. Đừng nói bốn vị kia còn là người phàm, à, không phải, ba vị kia là người phàm, một vị là thú rừng, thì dù ngay cả chàng là thượng tiên, nếu không chuẩn bị chu đáo đã vội vào nhảy xuống biển thì chỉ có nước chết đuối.
Chàng từng nghe có cách có thể đi lại dưới nước nhưng cụ thể làm thế nào thì không rõ.
Lúc thế này, sư phụ liền phát huy được vai trò.
Thật không thể ngờ, vừa tới cửa Canh Thần Cung thì vừa khéo có người đi ra. Thế là hai bên liền chạm mặt nhau.
Đoan chính trang nghiêm, rắn rỏi cương nghị, diện đồ đạo mạo, tự toát lên cái uy. Chà, Thiên Đế vẫn oai vũ phi phàm như vậy.
“Trần Hoa bái kiến Thiên Đế…” Nam Ngọc gập người làm đại lễ, bề ngoài vẫn luôn cung kính, thực ra trong lòng thì như đã chết cả nghìn lần.
Thiên Đế thì lại chẳng hề che giấu sự ngạc nhiên của mình: “Trần Hoa thượng tiên… Sao không ở Tư Phàm Kiều?”
Nam Ngọc ngẩn ra. Thiên Đế ngạc nhiên nhiều hơn là trách tội, giữa chừng còn hơi do dự nghe có vẻ hơi… thân thiết?
Không, không phải thân thiết, đấy là cơ hội sống của chàng!
Vào khoảnh khắc sinh tử, tốc độ tư duy luôn nhanh như chớp giật, Nam Ngọc lập tức đáp ngay: “Không dám dối gạt Thiên Đế, có yêu quấy phá Trần Thủy dưới trần gian nhưng yêu này từng làm chuyện tốt cũng từng làm chuyện xấu. Trần Hoa không biết nên làm thế nào nên nhờ Uyên Hoa thượng tiên trông giúp Tư Phàm Kiều, cấp tốc tới đây thỉnh giáo Canh Thần thượng tiên. Thật lấy đấy làm hổ thẹn.”
Nói xong Nam Ngọc vẫn giữ nguyên tư thế làm đại lễ, không dám ngẩng đầu lên, sợ nhìn vào mắt thì sẽ bị lộ tẩy.
Không ngờ Thiên Đế không ý kiến gì với lời giải thích này mà lại bảo: “Đã quen gọi là sư phụ rồi thì gặp ta cũng không cần phải đổi, tình người trên Cửu Thiên mong manh, hiếm lắm mới được một cặp thầy trò như hai người.”
Dù bất kính, Nam Ngọc cũng phải ngẩng đầu lên nhìn một cái. Đây thực sự là vị Thiên Đế ngày thường ngồi trong Cửu Thiên Bảo Điện mà nhìn ai là người đấy phải câm như thóc sao?
“Đứng lên đi.” Hai người nhìn thẳng vào nhau, Thiên Đế thản nhiên bảo.
Nam Ngọc đứng dậy, tranh thủ ngó vào nhìn thử trong Canh Thần Cung, lòng nghi ngờ sư phụ chàng đã bỏ thuốc cái vị tôn quý nhất Cửu Thiên này.
Thấy chàng ngó vào nhìn Canh Thần Cung, Thiên Đế lắc đầu bất đắc dĩ: “Hẹn chơi ván cờ với sư phụ cậu còn khó hơi cai quản Cửu Thiên.”
Nam Ngọc cũng đoán vậy. Trước đây, hồi sư phụ còn chưa phóng khoáng, không chịu trói buộc như bây giờ, thỉnh thoảng Thiên Đế cũng có đến Canh Thần Cung đánh cờ. Vậy nên chuyện đích thân tới đây không có gì lạ. Tuy nhiên tự ngầm hiểu thì khác mà nói thẳng ra lại khác. Chàng biết phải tiếp lời thế nào đây? Chẳng lẽ nói “ôi, Thiên Đế chớ chấp sư phụ tôi, sư phụ tôi là vậy đấy”? Đây là Thiên Đế chứ không phải là Chử Chi Minh, Đàm Vân Sơn hay Phùng Bất Cơ!
Thế mới nói, tại sao Thiên Đế lại tâm sự thứ chuyện này với một thượng tiên nhỏ bé chứ!
Có vẻ là nhận ra Nam Ngọc đang phải khổ sở vắt óc suy nghĩ, Thiên Đế nở nụ cười, giảm bớt vẻ uy nghiêm, tăng thêm phần hòa ái: “Khoảng trăm năm nay, sư phụ cậu càng ngày càng gàn dở nhưng vẫn luôn rất tốt với đồ đệ. Đi vào đi, chớ nói là gặp ta, tránh ông ấy lại phải lo lắng thay cậu.”
Nói rồi, không đợi Nam Ngọc trả lời, Thiên Đế đã đi mất.
Đoàn tháp tùng theo hầu Thiên Đế mỗi khi ra ngoài trước nay luôn giản lược nhưng giản lược đến mức không mang một tùy tùng nào thì đúng là hiếm thấy.
Nam Ngọc ngẩn ra nhìn chằm chằm bóng lưng Thiên Đế, không hiểu sao lại cảm thấy nó thật cô đơn.
Chưa chắc Thiên Đế đã không biết trong mấy câu vừa rồi có lời không thật, chẳng qua là không muốn tính toán mà thôi. Không chỉ không tính toán mà còn dùng câu “chớ nói là gặp ta” để tránh chàng và sư phụ phải lo lắng. Chỉ với những điều này thôi, chàng và sư phụ chàng, một người nói dối, một người từ chối đánh cờ, quả thực… quả thực không phải là người!
“Chúng ta vốn đâu phải là người,” Trịnh Bác Lão nghiêng người nằm dài sau bàn, một tay chống đầu, nghe bài tự kiểm điểm và