Đàm Vân Sơn ở ngay ví trí kế bên trong tiên trận, đưa mắt nhìn liền thấy bóng Ký Linh.
Luồng tiên thuật đánh Lệ Mãng nằm im kia làm các tiên ở gần đấy phải giật mình nhưng ngay lúc đó mọi người không kịp nhận ra là vị tiên hữu lợi hại nào làm phép. Trực giác mách bảo Đàm Vân Sơn quay qua xem nàng, mặc dù chỉ nhìn thấy một góc nhưng chàng vẫn rất ngạc nhiên.
Quả nhiên.
Chàng không biết vì sao cùng là hàng yêu chú nhưng Ký Linh có thể thi triển ra pháp lực như vậy, mơ hồ có dự cảm là có liên quan đến cơ duyên có được với tiên phách vị tán tiên thượng cổ khi bắt Dị Bì.
Dù Đàm Vân Sơn có thông minh thì cũng khó mà lập tức luận ra được nguyên do, đang rối tung rối mù thì Thiên Đế đến.
Chàng lập tức căng thẳng toàn thân, tay ngừng làm phép mà cũng không biết, chỉ hận nỗi không thể vứt tai qua đó để nghe xem đối phương nói gì với Ký Linh.
Mặc dù cho rằng Thiên Đế sẽ không hỏi tội một người tu hành nhỏ nhoi trốn khỏi lồng băng vào lúc nguy cấp thế này nhưng lòng dạ của kẻ chí tôn ai dám nói chắc. Tóm lại, hễ nếu Thiên Đế muốn động thủ thì chàng tuyệt đối không nể nang. Đến Đế Hậu chàng còn đánh rồi, đánh thêm Thiên Đế nữa vừa hay đủ cả đôi.
Thiên Đế động thủ nhưng không phải đánh Ký Linh mà là đánh Lệ Mãng.
Không hổ là Thiên Đế, đánh một chưởng, Lệ Mãng vặn vẹo kịch liệt. Mọi người đánh Lệ Mãng gần như chẳng có tác dụng gì với nó, chủ yếu là giúp gia cố tiên trận. Ấy còn Thiên Đế, một chưởng như vậy liền để lại trên mình nó một vết thương rõ ràng.
Kế đến là Ký Linh.
Không phải Cửu Thiên hàng yêu chú mà là thứ tiên thuật giống với Thiên Đế, thậm chí thương tổn gây ra cho Lệ Mãng cũng tương đương với Thiên Đế!
Đây không thể chỉ là do cùng dùng một phép tiên mà được, người làm phép cũng phải có pháp lực tương đương!
Không ngờ tiên phách của vị tán tiên nàng nhận được lại có tu vi cao nhường này!
Lòng Đàm Vân Sơn xao động, vừa kinh ngạc, vừa sục sôi, vừa dâng trào bầu máu nóng cuối cùng cũng có thể chiến một trận với Lệ Mãng! Nhưng rồi, chàng chóng nhận ra, ẩn đằng sau thứ cảm xúc này còn có một thứ cảm xúc khác còn mãnh liệt hơn nữa. Đó là kiêu hãnh, là tự hào, là vinh dự có một người đồng đội như thế, là cam tâm tình nguyện thích một cô nương như thế.
“Sư phụ chầm chậm thôiii…”
Tiếng hét oang oang vọng đến theo gió, không giống đang gọi ai mà cứ như thể đang hô hào dẹp đường thay sư phụ.
Đàm Vân Sơn ngầm hiểu, lập tức cúi đầu tiến lên mấy bước, cố làm sao cho mình hòa lẫn vào đám đông.
Nam Ngọc đang cưỡi kiếm, vừa mới yên trí cất tim về lồng ngực thì đã trông thấy cách đó không xa, Ký Linh đứng sóng vai với Thiên Đế, Nam Ngọc đến là tuyệt vọng: “Sư phụ chậm thêm chút nữa điii…”
Trịnh Bác Lão bị tên đồ đệ ngu dốt gọi hồn tưởng như ai chết nhưng lúc này ông không rảnh dạy dỗ đồ đệ, vội lao luôn xuống đi tìm Thiên Đế, bỏ qua toàn bộ lễ bái chào hỏi, đưa ngay cho Thiên Đế một tờ giấy.
Canh Thần thượng tiên bỗng đâu từ trên trời giáng xuống làm Ký Linh giật nảy mình, chột dạ lê bước dịch sang bên.
Nam Ngọc đi theo sau Canh Thần thượng tiên đáp ngay xuống trước mặt nàng, trông thì như muốn đứng gần sư phụ và Thiên Đế, kỳ thực là lấy thân mình che cho đồng đội. Chàng không biết vì sao Thiên Đế không làm khó Ký Linh nhưng chàng dám khẳng định nếu sư phụ biết chàng tự tiện thả tù nhân thì nhất định sẽ nhét chàng vào nung trong Lò Sao.
So ra thì Thiên Đế không hổ là bậc chí tôn của Cửu Thiên, đối diện với Canh Thần thượng tiên vô cùng sốt ruột, Thiên Đế vẫn vững như núi.
Trịnh Bác Lão ghét nhất là mặt này của Thiên Đế. Đã lúc nào rồi còn vờ lạnh nhạt, ông bèn lấy lại luôn tờ “tinh phê” mình vừa bói ra, tự đọc: “Tốn Vi Phong, gió cuốn yêu tà, Khôn Vi Địa, đất vùi quỷ ma, Tốn-Khôn kết hợp chính là Tử Môn!”
*Tốn Vi Phong, Khôn Vi Địa: hay còn gọi là quẻ Thuần Tốn, Thuần Khôn, là tên hai quẻ trong sáu mươi tư quẻ dịch của Kỳ Kinh Bát Quái. Tử Môn là một trong Bát Môn (tám cửa) trong Kỳ Môn Độn Giáp (môn tính toán căn cứ vào sự tiêu trưởng của Âm Dương để đặt ra những nguyên tắc và định lý quyết đoán sự diễn tiến cát hung của sự vật – Theo Wikipedia). Bát Môn được suy diễn ra dựa trên lý luận chung về Bát Quái. Tử Môn là cửa xấu nhất, không thích hợp làm bất kỳ việc gì ngoại trừ săn bắt, tang ma. Câu này còn có thể hiểu theo nghĩa khác là: Tốn là gió, gió cuốn yêu tà, Khôn là đất, đất vùi quỷ ma, […] (gió, đất lần lượt là các lực tự nhiên mà quẻ Khôn, Tốn đại diện).
Thiên Đế nhìn ông đăm đăm một lúc làm Trịnh Bác Lão đâm sốt ruột, chỉ ước sao có thể ra lệnh thay đối phương.
“Chúng tiên nghe chỉ!”
Lập tức tất cả những ai có mặt ở khu vực Cửu Thiên Bảo Điện đều nghe thấy tiếng Tiên Đế.
Không phải nghe bằng tai mà là nghe bằng tinh phách.
“Tập trung ở vị trí Tốn-Khôn dưới Cửu Thiên Môn, thượng tiên xếp trước, các tán tiên Đại Dư, Viên Kiệu, Phương Hồ, Doanh Châu, Bồng Lai tuần tự xếp sau, nghe lệnh Canh Thần thượng tiên, tập trung Hàng Yêu chú đánh Tử Môn của Lệ Mãng.”
“Xuất phát.”
Hết lệnh, tiên trận liền tản ra, ào ào thiết lập lại. Chúng tiên, vị cưỡi mây, vị đạp gió, ai nấy đều cố nhanh hết sức có thể để tới cho được Cửu Thiên Môn!
Tiên trận đột ngột không còn nữa, Lệ Mãng thoải mái lại bắt đầu ngọ nguậy!
Không biết có phải là do bị tù túng lâu nên khi bắt đầu ngọ nguậy trở lại nó mới cố hết sức, từng cú chuyển động của nó tạo ra tiếng động rung chuyển đất trời!
“Nam Ngọc, đưa nàng theo.” Thiên Đế chỉ để lại một câu như vậy liền vút đi theo gió, lao đến Cửu Thiên Môn.
Nam Ngọc ngẩn tồ te. Thỉnh thoảng Thiên Đế cũng gọi thẳng tên chàng giống sư phụ hay gọi, chuyện này thì không có vấn đề gì hết nhưng “đưa nàng theo” là sao? Lúc nói câu này, chắc chắn là Thiên Đế đã nhìn Ký Linh, vậy nghĩa là đưa Ký Linh theo? Đã đến tận lúc dốc toàn lực của Cửu Thiên tấn công Tử Môn của Lệ Mãng rồi mà vẫn còn đau đáu chuyện “trông chặt nghi phạm, không lơ là”?!
Trịnh Bác Lão cũng không hiểu ra sao.
Người đáng ra phải ở trong lồng băng sao lại ra đây? Tại sao Thiên Đế muốn mang nàng ta theo? Không biết phân biệt nặng nhẹ vẫn luôn là phong cách của Canh Thần thượng tiên, tuyệt đối không đời nào là của Thiên Đế.
Không có thời gian để nghĩ ngợi, muốn sao thì muốn. Nghĩ vậy, Trịnh Bác Lão lập tức giục đồ đệ: “Đưa nàng theo. Đi mau!”
Nam Ngọc mới định chìa tay ra thì Ký Linh đã chủ động nhảy lên kiếm của chàng.
Không thể chậm trễ thêm được, Nam Ngọc lập tức đưa đội hữu bay theo sư phụ hướng về phía Cửu Thiên Môn.
Cách đó không xa, Đàm Vân Sơn, lẫn trong đám đông tán tiên đang di chuyển về Cửu Thiên Môn bày lại trận, từ đầu chí cuối vẫn luôn theo dõi sát Ký Linh, thấy nàng lên kiếm của Nam Ngọc, chàng cũng mới gọi mây.
Trên trời có đông đảo các tiên hữu cũng đang bay nên không dễ phát hiện ra Đàm Vân Sơn đi theo suốt cả quãng đường nhưng đến Cửu Thiên Môn, xếp sáu hàng, thượng tiên và tiên các đảo được chia ra rõ ràng.
Tất nhiên Ký Linh được Nam Ngọc xếp hàng đầu tiên, còn là xếp chính giữa hàng đầu tiên, ngay liền Thiên Đế.
Đàm Vân Sơn chen được vào giữa hàng hai, ngay sau lưng Ký Linh, cách nhau một bước.
Chúng tán tiên Đại Dư bị chàng chen hàng đổ dồn lại nhìn. Không ai nhận ra chàng là ai nhưng ai nấy đều tự thuyết phục mình ắt hẳn chàng là tiên hữu mới đắc đạo nên mới vừa lạ mặt, vừa không biết cấp bậc lễ nghĩa của tiên giới như thế.
Lúc này, Đàm Vân Sơn đã suy luận được đại khái nội tình.
Không phải Thiên Đế muốn mang Ký Linh theo mà là đánh giá cao pháp lực của nàng.
Chúng tiên đã cơ bản ổn định vị trí, tiếng ồn lắng xuống, khắp Cửu Thiên Bảo Điện dần dần chỉ còn tiếng ngọ nguậy của Lệ Mãng.
Ầm ầm, ầm ầm, nặng nề và đáng sợ.
Canh Thần thượng tiên đứng trên mây ngự ngay bên trên Lệ Mãng.
Cửu Thiên Môn nằm ở vị trí Tốn-Khôn của Cửu Thiên Bảo Điện, ngay lúc này, Lệ Mãng đang ngọ nguậy bò ngang qua Cửu Thiên Môn, Cửu Thiên Môn cũng thành vị trí Tốn-Khôn với cơ thể nó.
Tốn-Khôn gặp Tốn-Khôn: Tử Môn.
Trịnh Bác Lão đang chờ chính thời khắc này!
Hàng yêu chú phóng qua Cửu Thiên Môn đánh trúng-mạnh-hiểm vào đúng Lệ Mãng, kim quang không tản đi mà vẫn cắm ngay ở đó như một mũi tên sắc chỉ dẫn phương hướng cho chúng tiên.
Chúng tiên đã chuẩn bị sẵn, lập tức niệm tiên thuật.
Thoáng chốc, vô số kim quang bắn ra từ sáu hàng chúng tiên, nhất tề đánh vào Tử Môn của Lệ Mãng!
Trúng phép, khói bốc, vị trí Tốn-Khôn của Lệ Mãng bị thương thành một cái lỗ to!
Lệ Mãng vặn mình kịch liệt, gầm lên giận dữ trước nay chưa từng có!
Điều khiến chúng tiên thấy ớn lạnh là tiếng gầm ấy lại xuất phát từ chính Lệ Mãng mới bị họ đánh thủng một lỗ!
Khói tản đi, cuối cùng chúng tiên cũng thấy rõ, cái lỗ chảy máu ồng ộc đó đang mọc ra những chiếc răng nhọn sắc lạnh.
Mọi thứ bỗng chốc dường như đều ngừng tiếng. Không có tiếng ầm ầm, không có tiếng tiên thuật, không có tiếng ai nói chuyện, chỉ có tiếng lựt phựt của những chiếc răng nanh đâm thủng tầng da chui ra ngoài.
Hố vết thương ấy cuối cùng biến thành một chiếc miệng của Lệ Mãng.
Một chiếc miệng gớm ghiếc đỏ lòm.
“Không được ngừng Hàng yêu chú!”
Giọng Thiên Đế xuất hiện sự do dự.
Đàm Vân Sơn biết nhất định vị Cửu Thiên chí tôn này còn cảm nhận được mối nguy hiểm lớn lao đang đến rõ hơn, nhanh hơn họ. Chàng đang định tập trung tinh thần tiếp tục làm phép thì mặt đất dưới chân bỗng rung lên!
Cơn địa chấn y như lúc Lệ Mãng xuất thế. Không, thậm chí còn dữ dội hơn!
“Ầm ầm!”
Tiếng động như ở ngay bên tai, Đàm Vân Sơn bị rung chấn đánh muốn dập cả lục phủ ngũ tạng!
Lệ Mãng phá Cửu Thiên Môn!
Bụi bay tứ tung mù mịt, những khối đá lớn vỡ ra rơi xuống. Trong tiếng đất rung núi chuyển, tiếng kêu khóc ồn ào, đội ngũ tiên sáu hàng tan tác.
Thế nhưng, Đàm Vân Sơn vẫn không hề suy suyển