Anh em họ Trịnh ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) đều là kẻ sĩ có tài văn chương. Người anh sớm nổi tiếng, cha mẹ thương yêu quá đáng, vì vậy yêu thương cả con dâu. Người em rủi ro nên cha mẹ không những không thích mà còn ghét bỏ cả con dâu thứ, đối xử tàn tệ, thành ra tình trạng bên thương bên ghét rất rõ ràng trong nhà. Vợ người em cứ nói chồng cũng là đàn ông, sao lại không thể tranh giành cho vợ con, rồi bỏ không chịu ngủ chung nữa. Người em vì thế phẫn chí ra sức học tập, cũng được nổi tiếng, cha mẹ mới dần dần nhìn ngó tới, nhưng rốt lại cũng không được thương yêu như người anh. Người con dâu thứ rất mong mỏi ở chồng, năm ấy gặp kỳ thi hương, đêm trừ tịch lén đi bói gương*. Thấy có hai người đùa giỡn xô đẩy nhau, nói "Ngươi cũng ra cho mát".
*Bói gương: nguyên văn là "kính thính", một hình thức bói toán dân gian ở Trung Quốc, người bói bưng gương đứng trước bàn thờ Táo thần cầu khấn rồi bước ra nghe lời người ta nói để xem điềm may rủi.
Người con dâu thứ về nghĩ mãi không rõ là điều may hay rủi nên cũng để đó. Thi
xong hai anh em cùng về, lúc ấy đang là mùa hè rất nóng bức, hai người con dâu lúi húi trong bếp nấu cơm cho thợ cày, nóng nực rất khổ. Chợt có người báo danh tới nhà báo tin người anh thi đỗ. Người mẹ xuống bếp, nói với con dâu lớn "Con trai lớn thi đỗ rồi, con ra ngoài cho mát". Người con dâu thứ vừa giận vừa tủi, chảy nước mắt thổi lửa. Giây lát lại nghe báo người em cũng thi đỗ, người con dâu thứ ném luôn cái que chọc lò xuống đứng lên nói "Ta cũng ra ngoài cho mát.". Lúc ấy trong lòng chất chứa hờn oán nên bất giác buột miệng nói thế, đến khi nghĩ lại mới biết chuyện bói gương đã nghiệm.
Dị Sử thị nói: Nghèo hèn thì cha mẹ không cho là con, việc ấy cũng có. Chốn trường thi thì không phải chỗ phẫn khích là thành công được, nhưng vợ người em phẫn khích khuyên chồng, cũng vì oán vọng không biết dựa vào đâu. Nhưng nếu người em không thi đỗ khoa ấy mà vợ cũng ném cái que chọc lò xuống đứng lên, thì mới thật là chuyện hay ngàn thuở vậy.